Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực vượt qua thách thức

09:02, 06/02/2021

Sau này, nhân loại hẳn khó quên năm 2020, bởi dịch Covid-19 như cơn bão càn quét khắp nơi và đến giờ, sóng gió của nó vẫn chưa yên. Với nước ta và riêng tỉnh Đồng Nai, chúng ta chứng kiến sự vượt khó, "chống dịch như chống giặc" để giữ cho sinh mạng của nhân dân được an toàn, kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, nhưng không rơi vào trạng thái âm như nhiều quốc gia khác.

Đồng chí Cao Tiến Dũng,  Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Huy Anh

Sau này, nhân loại hẳn khó quên năm 2020, bởi dịch Covid-19 như cơn bão càn quét khắp nơi và đến giờ, sóng gió của nó vẫn chưa yên. Với nước ta và riêng tỉnh Đồng Nai, chúng ta chứng kiến sự vượt khó, “chống dịch như chống giặc” để giữ cho sinh mạng của nhân dân được an toàn, kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, nhưng không rơi vào trạng thái âm như nhiều quốc gia khác.

* Nỗ lực vượt khó

Trong khi phải đối phó với dịch Covid-19 nhưng 2020 lại là năm Đồng Nai đã ghi nhiều dấu ấn. Dù dịch Covid-19 đã lan tràn đến hàng trăm quốc gia nhưng các đại hội Đảng cấp trên cơ sở và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn được tổ chức thành công, trang trọng và an toàn. Ngay tại Đại hội của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát đi lời kêu gọi vận động đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của cả tỉnh chia sẻ với đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lũ, thể hiện tình cảm dân tộc cao cả.

Năm 2020 cũng là năm nhiều chương trình, dự án lớn của quốc gia, của tỉnh được triển khai. Trong một thời gian không dài, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, chúng ta giải phóng vượt tiến độ và diện tích mặt bằng để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, công trình kỳ vĩ của cả nước. Mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn qua Đồng Nai, cũng đã được bàn giao để Trung ương khởi công xây dựng. Nhiều dự án trọng điểm khác của tỉnh đã kịp thời thực hiện theo đúng kế hoạch. Điều đáng nói là các dự án này, dù của tỉnh hay Trung ương, sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không riêng gì Đồng Nai.

Sự tấn công của dịch Covid-19 khá toàn diện và tàn khốc. Đến nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, thế giới đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ sau cuộc đại khủng hoảng năm 1919; GDP bình quân đầu người trong năm 2020 đã sụt mất trên 4%; gần 200 triệu người mất việc chỉ riêng ở quý II-2020… Điều này còn kinh khủng hơn, đó là Covid-19 khiến cho bất bình đẳng trên thế giới thêm tồi tệ, các thành tựu giảm nghèo bị xóa bỏ khi biết bao người bỗng chốc mất việc, rơi vào cảnh nghèo khó.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng

Trong bối cảnh đó, thật đáng tự hào khi nước ta nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế dẫn đầu thế giới, với 2,91% (Trung Quốc là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương, nhưng chỉ 1,9%; Singapore và Malaysia: -6%; Thái Lan: -7,1%; Philippines: -8,3%…). Ở Đồng Nai, năm 2020, tăng trưởng kinh tế là 4,44%, nằm ở nhóm địa phương có mức tăng cao; GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng, tương đương khoảng 4.952 USD, gấp 1,7 lần so với bình quân của cả nước; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 53/133 xã. Đặc biệt, chúng ta đã giảm 0,19% tỷ lệ hộ nghèo; 0,25% tỷ lệ hộ cận nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều); tạo việc làm cho khoảng 80 ngàn lượt người; đưa vào sử dụng 456 căn nhà ở xã hội cùng với hàng trăm căn nhà tình thương do MTTQ các cấp xây dựng. Trong hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh thật nhiều khó khăn, nhưng vẫn có trên 4 ngàn doanh nghiệp mới đăng ký thành lập (tăng 6% so với năm 2019), tổng số vốn đạt 58 ngàn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn của tỉnh lên hơn 41 ngàn doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2020, hẳn chúng ta ngạc nhiên khi thấy các con số thống kê khá đẹp như vậy. Song đó là sự nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của tất cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

* Niềm tin và kỳ vọng

Năm 2021 mở đầu một thời kỳ mới ở đất nước ta. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở Đồng Nai, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mục tiêu của năm 2021 rất lớn. Đó là: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung đẩy mạnh đầu tư công; phát triển kinh tế tập thể; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; phòng, chống tham nhũng. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Một góc Khu công nghiệp Thạnh Phú. Ảnh: Nguyễn Thiện Bách
Một góc Khu công nghiệp Thạnh Phú. Ảnh: Nguyễn Thiện Bách

Gắn với mục tiêu là các chỉ tiêu cụ thể. Tất cả đều cao hơn so với kết quả của năm 2020. Chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế tăng từ 8,5% trở lên so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 100.300 tỷ đồng (năm 2020 là 93.050 tỷ đồng);  GRDP bình quân đầu người đạt 131 triệu đồng; số hộ nghèo A giảm 10% trên tổng số hộ nghèo A ở đầu giai đoạn 2021-2025…

Như chúng ta biết, cho đến hiện giờ, dịch Covid-19, trên phạm vi toàn thế giới, vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Số người chết đã vượt 2 triệu và chẳng bao lâu nữa số người nhiễm sẽ tới trên 100 triệu người. Năm 2020, kinh tế - xã hội nước ta nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng, tuy nhiều khó khăn nhưng rõ ràng đã thụ hưởng những thành tựu trước đó. Bởi vậy, trong hoàn cảnh vừa tiếp tục phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, để đạt được mục tiêu trên phải là sự nỗ lực gấp nhiều lần. Mặt khác, cần tính toán và tìm kiếm những cách làm mới, làm khác trước, phù hợp với tình thế mới.

Theo nhiều chuyên gia, tác động của Covid-19 đối với các nền kinh tế trong thời gian qua khác biệt khá xa so với những cú sốc trước đây. Với nền kinh tế toàn cầu hóa thiên về tài chính như hiện nay, cú sốc lần này, ngay tức thì dẫn đến những hệ lụy: bộ máy sản xuất bị ngưng trệ; các chuỗi toàn cầu chậm hoặc khựng lại; lao động nghỉ việc bất đắc dĩ và khủng hoảng cả về cung lẫn cầu. Bởi vậy, bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này là phải hướng đến một mô hình tăng trưởng giản đơn, tôn trọng tính hữu hạn: nhanh chóng đưa sản xuất trở lại trong nước; điều chỉnh lĩnh vực tài chính; đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ trong nước; bảo hộ hệ thống sinh thái, xã hội và dịch tễ; hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại đặc thù và xây dựng hệ thống dịch vụ công mạnh…

May mắn lớn nhất của đất nước ta trong năm 2020 là tuy bị dịch Covid-19 tấn công, nhưng nhờ “chống dịch như chống giặc” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói ngay từ đầu nên tình hình đã được kiểm soát tốt, giảm thiểu đáng kể những hậu quả của nó gây ra. Song, những bài học rút ra từ tác động của dịch Covid-19 đối với nhiều nền kinh tế hùng mạnh quả rất đáng để mỗi một địa phương phải suy nghĩ, vận dụng. Một ví dụ ngay tại Đồng Nai trong thời gian qua, khi dịch bệnh hoành hành, phải thực hiện giãn cách xã hội, các nhà đầu tư nước ngoài rất khó đến với những nơi cần đến, lại là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Hoặc có lúc khi các hoạt động kinh doanh, thương mại nếu diễn ra trong môi trường truyền thống là không thể, chính là lúc thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, kể cả chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng số hóa…

Những ví dụ ở trên có thể chưa điển hình, nhưng cũng nói rằng, đạt được mục tiêu rất lớn ở năm 2021 như chúng ta mong mỏi, cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền, cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nỗ lực phấn đấu, làm mới, làm khác, sáng tạo và hiệu quả hơn nữa. Với những thành tựu to lớn đã đạt được trong hàng chục năm qua và nhất là với truyền thống “vượt khó” của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của tỉnh, chúng ta có niềm tin và kỳ vọng rất lớn!

Đồng chí Cao Tiến Dũng,

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Tin xem nhiều