Luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, hoàn thành tốt công việc được giao và tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm…, đó là nét nổi bật của nhiều công nhân lao động tiêu biểu tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, hoàn thành tốt công việc được giao và tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm…, đó là nét nổi bật của nhiều công nhân lao động tiêu biểu tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Anh Phạm Thanh Báo làm việc tại Công ty hữu hạn Động Lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom). Ảnh: Nguyễn Hòa |
Với những đóng góp và cống hiến của họ đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng lớn mạnh trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
* Sáng tạo trong sản xuất
Nhiều năm liền được các cấp Công đoàn tuyên dương, khen thưởng là đoàn viên tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác, anh Phạm Thanh Báo, làm việc tại Phòng Cải tiến Công ty hữu hạn Động Lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) luôn xem đó là động lực để tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất bằng công nghệ tự động tại DN.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, phong trào thi đua lao động sáng tạo trong sản xuất của công nhân lao động đã mang lại nhiều giá trị đối với các DN trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm (2015-2020), đã có trên 1 ngàn ý tưởng, sáng kiến, mẫu mã, phần việc của công nhân, viên chức lao động toàn tỉnh được các cấp Công đoàn khen thưởng. Trong đó, có gần 15 ngàn sáng kiến cải tiến của đoàn viên, người lao động khối DN làm lợi trên 1 ngàn tỷ đồng. Những đóng góp của công nhân đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội tỉnh nhà. |
Với niềm đam mê, sự sáng tạo của mình, hơn 5 năm gắn bó với công ty, anh đã đóng góp trên 200 sáng kiến lớn, nhỏ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho DN. Một trong những sáng kiến của anh mang lại hiệu quả trong sản xuất là thiết lập cho robot máy CNC. Anh Báo cho biết, khi DN nhập các robot CNC vào sản xuất, phải chạy thử nhiều lần. Để đảm bảo an toàn lao động và quy trình chạy sản phẩm, anh đã lập trình lại các robot cho khoa học. Khi hoàn thành, các robot này hoạt động rất hiệu quả, thao tác nhanh và chỉ cần một công nhân có thể điều khiển một máy chạy liên tục trong ngày.
“Những năm gần đây, việc tuyển dụng lao động khó khăn cùng với yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ khách hàng nên DN đã đầu tư nhiều máy móc tự động hóa thay thế con người trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, để vận hành tốt đòi hỏi công nhân phải thích ứng nhanh, nắm được cấu tạo, chức năng của từng loại máy để điều khiển tốt hơn. Vì thế, bản thân tôi luôn nghiên cứu để có thể cải thiện quy trình vận hành của máy. Nhờ đó, công ty đã ghi nhận và có chính sách khen thưởng kịp thời” - anh Báo chia sẻ.
* Cần mẫn với công việc
21 năm gắn bó với Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (TP.Biên Hòa), chị Lê Thị Phương đã đóng góp 136 sáng kiến nhằm tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu cho DN. Xuất phát điểm là công nhân may các dụng cụ sản xuất giày tại xưởng, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, chị được DN cất nhắc, chuyển qua bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đây là khâu quan trọng vì sau khi các sản phẩm công nhân may xong, chị phải kiểm tra các lỗi kỹ thuật và yêu cầu công nhân sửa lại theo đúng mẫu mã, yêu cầu của khách hàng.
Chị Lê Thị Phương, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (TP.Biên Hòa) kiểm tra chất lượng sản phẩm |
Chị Phương cho biết, môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết và nhiều chính sách phúc lợi của DN là động lực để chị gắn bó đến nay. Ở vị trí nào, chị cũng luôn có những đề xuất cải tiến hợp lý để công nhân thao tác nhanh hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như sáng kiến công đoạn may bạt gài lên mủ quay đôi giày, trước đây, công đoạn này DN phải sử dụng vật tư dày từ 10cm để làm bạt gài, nhưng sau khi áp dụng sáng kiến của chị giảm vật liệu xuống còn 7cm, tiết kiệm nguyên liệu cho DN nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Cùng với việc chủ động, đi đầu trong công việc, chị Phương còn đào tạo nghề cho công nhân tại các chi nhánh, giúp họ vững tay nghề trong quá trình làm việc. Với những nỗ lực của bản thân, chị đã 3 lần được DN khen thưởng công nhân xuất sắc, 6 lần được biểu dương tại công ty và là một trong những công nhân tiêu biểu tại Đồng Nai vinh dự được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.
* Không ngừng cải tiến
Anh Phạm Ánh Phương, làm việc tại Tổ cơ giới Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai là gương tiêu biểu trong phong trào thi đua phát huy sáng kiến trong sản xuất năm 2020. Trước khi “bén duyên” với ngành Cao su, anh Phương từng là ông chủ một xưởng cơ khí chuyên cung cấp máy phun thuốc cỏ, máy cày… cho nông dân với nguồn khách hàng ổn định. Trong một lần tình cờ gặp gỡ với lãnh đạo tổng công ty, biết được những dự định cải tiến kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, giảm lao động trực tiếp, anh đã không chút ngần ngại nhận lời khi được DN mời anh về làm việc.
Anh Phạm Ánh Phương làm việc tại Tổ cơ giới Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai |
Với suy nghĩ sẽ gắn bó và đồng hành cùng công ty, anh miệt mài, hăng say làm việc. Từ tình yêu với nghề, anh đã cho ra đời nhiều sáng kiến được áp dụng rộng rãi vào trồng cây cao su. Trong đó, phải kể đến sáng kiến máy bỏ phân tự động trong công tác tái canh trồng mới. Theo anh Phương, phương pháp truyền thống trong tái canh trồng mới, công nhân phải làm thủ công vừa tốn công sức vừa mất thời gian. Do vậy, anh đã cải tiến máy bỏ phân tự động nhằm tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đáp ứng kịp thời vụ tái canh, chất lượng công tác bón phân được nâng cao, tiết kiệm chi phí trong đầu tư vật dụng.
Ngoài sáng kiến trên, nhiều sáng kiến của anh được DN đánh giá cao như dàn cày vùi lấp phân kết hợp phá thành hố khoan; cải tiến từ máy bón phân cho vườn cây khép tán từ năm 3 trở đi; nâng cấp, cải tiến máy phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng; thiết bị tỉa đậu Kuzdu 3 trong 1 (cày vun luống, rạch rãnh, tỉa đậu)… Các sáng kiến trên vừa tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất và đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, giảm tối đa lao động trực tiếp, giải bài toán khó khăn về thiếu nguồn lao động của tổng công ty.
“Đầu quân vào công ty làm việc, tôi luôn nỗ lực tìm tòi những khó khăn, khúc mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN để tháo gỡ, giúp công nhân làm việc khoa học, tiết kiệm thời gian. Mục tiêu của tôi thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nhiều máy móc hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu hoạt động của DN và tăng chất lượng, năng suất sản phẩm” - anh Ánh Phương chia sẻ.
* Mỗi năm đóng góp trên 20 sáng kiến
Còn khá trẻ nhưng anh Vũ Hữu Hai, công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính Xác Việt Nam (H.Trảng Bom) là tấm gương trong lao động sáng tạo nhiều năm nay. Linh hoạt ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, anh Hai đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu sản xuất tại DN. Nổi bật trong những sáng kiến mang lại hiệu quả của anh Hai là cải tiến máy cắt laser.
Công nhân Vũ Hữu Hai bên sáng kiến máy cắt laser |
Theo anh Hai, trước đây, khi công nhân cắt các loại hàng cơ khí như: tôn, ống sắt… phải đưa lên máy CNC chạy nhiều lần nhưng sản phẩm cắt ra không đẹp và tiêu hao nhiều điện. Trước tình hình đó, anh đã góp ý công ty đầu tư máy cắt laser mới và anh trực tiếp nghiên cứu, cải tiến các chi tiết nhỏ của loại máy này nhằm giúp công nhân vận hành dễ dàng. Từ khi áp dụng máy vào sản xuất, năng suất sản phẩm tăng từ 10 ngàn sản phẩm/tháng lên 13 ngàn sản phẩm/tháng. Nhờ đó, DN tăng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó còn giảm nhân công từ 4 người xuống còn 2 người điều khiển máy.
Với việc góp phần giảm thao tác thừa, tránh lãng phí và nâng cao năng suất; tham gia cùng các nhóm thiết kế công đoạn, cải tiến với trên 20 sáng kiến mỗi năm và nỗ lực đào tạo lực lượng công nhân nòng cốt, anh Hai được DN biểu dương, khen thưởng hằng năm. Nói về những thành quả của mình, anh Hai chia sẻ: “Làm việc trong DN nước ngoài môi trường năng động đòi hỏi công nhân phải chăm chỉ phấn đấu và tiếp thu kỹ thuật, vừa học vừa làm để đáp ứng tính chất công việc và những đòi hỏi khắt khe của DN. Khi những đóng góp, sáng kiến và sự nỗ lực của mình được DN ghi nhận, coi trọng, cũng là cơ hội để tôi phát huy tay nghề, tăng thu nhập”.
Nguyễn Hòa