Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩ về phát huy đại đoàn kết các dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

09:02, 06/02/2021

Theo nhiều kênh truyền thông, ngày 20-1-2021 (theo giờ Mỹ), diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 46 ngắn gọn, nêu quan điểm tổng quát về con đường tiếp theo của nước Mỹ; thông điệp về "Một đất nước đoàn kết" được nêu hàng đầu. Xưa nay, Mỹ nói nhiều đến nền dân chủ. Dân chủ kiểu Mỹ là đấu tranh.

Theo nhiều kênh truyền thông, ngày 20-1-2021 (theo giờ Mỹ), diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 46 ngắn gọn, nêu quan điểm tổng quát về con đường tiếp theo của nước Mỹ; thông điệp về “Một đất nước đoàn kết” được nêu hàng đầu. Xưa nay, Mỹ nói nhiều đến nền dân chủ. Dân chủ kiểu Mỹ là đấu tranh. Đấu tranh gắn với biểu tình. Mỹ đem dân chủ, nhân quyền tạo áp lực chính trị... khắp thế giới. Giờ mới thấy đoàn kết là cần thiết cho việc thực thi dân chủ, là con đường đưa nước Mỹ thẳng ra phía trước. Nhưng, đoàn kết kiểu Mỹ hiện nay ắt chỉ là đoàn kết giữa các đảng phái, tập đoàn lợi ích. Còn “đoàn kết toàn dân” thì còn lâu!

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: tư liệu
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: tư liệu

Trong thời điểm này, người dân Việt Nam chuẩn bị đón Xuân, chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII với tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp đại đoàn kết toàn dân.

Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được công khai lấy ý kiến toàn dân, được nhân dân đồng tình, trong đó tinh thần đại đoàn kết các dân tộc được khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”  và nêu thành nhiệm vụ trọng tâm: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới công tác Dân vận, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Ngẫm kỹ, hai chữ phát huy có tầm cao, chiều sâu và giá trị sâu sắc hơn ở các cường quốc bây giờ mới nhận ra. Phát huy tức là đã khởi động từ truyền thống, được thực hiện lâu rồi, đạt thành quả nhiều rồi, nay tiếp tục thực hiện để tốt hơn, đạt kết quả cao hơn.

Ngày xuân, nhắm chén xuân, miên man về việc “phát huy đại đoàn kết các dân tộc” theo Nghị quyết Đại hội XIII, không thể không lắng lòng nghĩ đến tư tưởng về đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Kết tinh truyền thống của dân tộc

Trong bài nói chuyện tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ II-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến quốc dân, đồng bào: “ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT. THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG!”. Đó là nhiệm vụ, là phương châm hành động, là bài học cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập trong dân, thấu hiểu sức mạnh tổng hợp của dân, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh dựng nước, giữ nước vì dân. Cốt lõi toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh đọng lại một chữ DÂN, từ đó xác định cội nguồn tư tưởng, triết lý, đường lối, mục tiêu của cách mạng vì dân và xác định được sức mạnh tổng hợp từ “đại đoàn kết toàn dân”.

Đoàn kết là kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung, để đạt kết quả chung cao nhất. Việt Nam ta gồm 54 dân tộc anh em, có truyền thuyết chung quả bầu, chung bọc trứng từ mẹ Âu Cơ nên đã có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, hội tụ sức mạnh tất cả các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước, các giới, các lứa tuổi thuộc các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, qua các thời kỳ lịch sử nhằm mục đích chung là dựng nước, giữ nước. Nhờ vậy, trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, dân tộc ta nhỏ bé, nghèo thiếu, nhiều thiên tai mà có được sức mạnh tổng hợp, chiến thắng giặc xâm lược, giặc đói, giặc dốt; yếu thắng được mạnh, nội lực thắng ngoại xâm, sức người thắng thiên tai, bảo vệ và xây dựng đất nước trường tồn. Có được thành quả như vậy là nhờ truyền thống đoàn kết của dân tộc. Hai tiếng đoàn kết đã trở thành chân lý, bài học, phương châm, lẽ sống, tài sản văn hóa của dân ta.

Như vậy, “Đoàn kết các dân tộc” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là sự khởi đầu, mà là sự kết tinh, tiếp nối, vận dụng và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

* Thường trực tinh thần đoàn kết dân tộc

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở, vận dụng bài học về đại đoàn kết toàn dân trọn đời mình, từ hành trình tìm đường cứu nước đến lãnh đạo thực hiện công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc ở Bác Hồ luôn gắn với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tỏa sáng trong tư tưởng, hành động và thực hiện mọi nhiệm vụ ở mọi lĩnh vực của từng giai đoạn cách mạng.

Không phải đến Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trao thông điệp “đoàn kết - thành công”. Ngày Tết Dương lịch 1959, Người có thơ chúc tết, “đoàn kết” là lời chúc trước hết:

Chúc mừng đồng bào năm mới

Đoàn kết thi đua tiến tới

Hoàn thành kế hoạch ba năm

Thống nhất nước nhà thắng lợi.

Ngoài việc vận dụng đưa tinh thần đoàn kết các dân tộc vào các văn kiện thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, bài học ứng xử của Đảng, Chính phủ, mọi tổ chức cách mạng và đoàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến tinh thần đoàn kết trong các cuộc giao tiếp, trao đổi, vì nó thường trực trong tim của Người.

Ngày 1-1-1959, buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Mặt trận đoàn thể; Người chúc: “Năm mới đoàn kết, mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng và tiến bộ”. Chữ đoàn kết cũng đặt lên hàng đầu. Buổi chiều cùng ngày, Người tiếp khách quốc tế, cũng mở đầu bằng lời chúc “đoàn kết”: Chúc đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước tốt đẹp, bền chặt.

Trong bài Tình hữu nghị vô sản thắng lợi cho Báo Tin tức (Liên Xô ngày 7-1-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Củng cố và tăng cường sự đoàn kết, nhất trí không gì phá vỡ nổi của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước anh em. Ở lời tựa cho một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Nga ở Moskva, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh bài học của cách mạng Việt Nam là đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong Mặt trận thống nhất. Đêm 29, rạng 30 Tết Kỷ Hợi 1959, Bác Hồ đón xuân cùng thanh thiếu niên Việt Nam đang học tại Moskva, lời chúc tết ân tình, đọng lại tấm lòng ở lời khuyên đoàn kết.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn thường trực, thôi thúc tâm trí của Người; nó có ý nghĩa là nguồn lực, là sức mạnh, là mục tiêu, là nguyên nhân đồng thời là thành quả của cách mạng; trong đó nội hàm được mở rộng và nâng cao về đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên tinh thần quốc tế vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự mình thực hành làm tấm gương, làm hạt nhân, làm biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc. 

* Đoàn kết dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh

Thời ta đang sống là thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế. Vấn đề “đoàn kết” các dân tộc luôn được đề cao, cần phát huy và phát triển. Xây dựng đã khó, giữ gìn và phát huy còn khó hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28-2-1969). Ảnh tư liệu: hochiminh.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28-2-1969). Ảnh tư liệu: hochiminh.vn

Thời này, thực hiện đại đoàn kết dân tộc có thuận lợi hơn trước do tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng thống nhất, kiên định, phổ quát; được hiến định, được luật hóa, có tổ chức MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ủng hộ, đồng tâm hiệp lực cùng làm; có nhiều thành quả để chứng minh, tự hào và vun đắp niềm tin.

Tuy nhiên, do xã hội phát triển, phân hóa thành nhiều tầng lớp, nhiều thành phần xã hội khác nhau, lợi ích khác nhau nên việc phát huy đoàn kết các dân tộc sẽ khó hơn, đa dạng hơn, đòi hỏi nhiều đổi mới về phương thức hành động.

Hiện nay, có hiện tượng lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đối với hiện tượng này cần được phân tích, phản bác, đấu tranh loại trừ, chống phân rã để đoàn kết hơn bằng chính tinh thần và sức mạnh đoàn kết của các dân tộc; lấy lợi ích dân tộc làm môi trường và mục tiêu để hòa hợp các thành phần dân tộc, dung hòa sự khác biệt và các mâu thuẫn lợi ích.

Lời trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn 50 năm vẫn còn đọng lại, nhắc nhở mọi người, trước hết là trong Đảng: “Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Vậy, phát huy có nghĩa là: Tất cả cùng đoàn kết nữa, đoàn kết mãi, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự. Lưu tâm ở hai chữ THỰC SỰ.

Huỳnh Văn Tới

 

Tin xem nhiều