Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm sửu - chuyện trâu

11:02, 01/02/2021

Trong 12 con giáp, trâu được xếp thứ 2 và trên cả "chúa sơn lâm". Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên từ xa xưa trâu được xem là con vật thân thiết với người nông dân.

Trong 12 con giáp, trâu được xếp thứ 2 và trên cả “chúa sơn lâm”. Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên từ xa xưa trâu được xem là con vật thân thiết với người nông dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trâu được thuần dưỡng để khuyến nông

Thời phong kiến, mùa Xuân - những ngày đầu năm mới, có tục cày tịch điền, như một trong những biện pháp khuyến nông. Người khai mở lễ hội đẹp này là vị vua sáng lập nhà tiền Lê: Lê Hoàn. Các sách sử xưa còn lại đến ngày nay đều cho biết Lê Hoàn là vị vua đầu tiên của nước Việt thực hiện nghi lễ cày Tịch điền, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Ruộng tịch điền thuộc quyền quản lý trực tiếp của triều đình, giống lúa cấy trên ruộng được chọn để cho loại gạo ngon dùng vào việc tế lễ, đặc biệt là tế thần nông và thần xã tắc. “Đại Nam nhất thống chí” cho biết: “Gần nơi Lê Hoàn làm lễ Tịch điền tức núi Đọi có Điệp Sơn, cũng gọi là núi Kim Ngưu, hình dáng giống như con trâu nằm, trên núi có chùa, đằng trước trông ra sông, phong cảnh đẹp”.

Nói đến cái tên Kim Ngưu, có lẽ một địa danh cũng không xa lạ với mọi người đó là Hồ Tây. Truyền thuyết xưa cho biết “trâu vàng” ở trước kho tàng của một ông vua phương Bắc, vừa nghe tiếng chuông của nhà sư Không Lộ, đã chạy thục mạng không ai ngăn nổi sang tới Hồ Tây bên nước ta, nên hồ này trước gọi là vực Kim Ngưu. Cũng theo truyền thuyết, khi “ngài” chạy sang ta, vàng bạc châu báu bên nước ấy cũng kéo nhau sang ùn ùn.

Con trâu - biểu tượng của may mắn

Không chỉ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, trâu còn là biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Việt Nam. Trâu còn được coi là tượng trưng cho sự tốt lành, ai mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý, cưỡi trâu vào thành là có hỷ sự, trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện. Có phải vì quan niệm ấy mà ngày nay nhiều người lựa chọn bày biện tượng trâu trong nhà để mang đến may mắn, tài lộc và bảo vệ gia đình luôn bình an, hạnh phúc.

Con trâu thể hiện bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Các vua nhà Lý đặc biệt quan tâm đến việc khuyến nông, một trong những nội dung quan trọng là cấm giết hại trâu để ăn thịt. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái sẽ bị trị tội theo pháp luật. Luật Hình thư (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Con trâu trong hội họa dân gian Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ, đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để chỏm thổi sáo trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng, nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, dưới bụi tre những buổi trưa hè hoặc đàn trâu cùng dầm mình trong vũng ao, hồ nước vô cùng quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị thanh bình, mộc mạc nơi miền quê Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cho biết trâu được thuần dưỡng ở châu Á vào khoảng 5.500 năm trước Công nguyên, tức là trâu được thuần dưỡng khi con người bắt đầu biết sản xuất và chăn nuôi. Chả thế mà đến thời vua Nghiêu ((2337-2258 trước Công nguyên) đã thấy nhắc đến trâu được người chăn dắt. Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất đã truyền lại đến ngày nay và sẽ còn truyền mãi mãi đến muôn đời sau là chuyện Sào Phủ - Hứa Do. Nghe tiếng Hứa Do là người hiền, vua Nghiêu cho mời ông tới để nhường ngôi, nghe vậy Hứa Do cười mà về rồi ra suối rửa tai, gặp ngay ông bạn là Sào Phủ đang dắt trâu ra suối uống nước. Biết chuyện, Sào Phủ dắt trâu của mình lên bên trên dòng nước cho trâu của mình uống và bảo Hứa Do: “Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhầm”. Dù khen Hứa Do là không nhận ngôi vua, song Sào Phủ cũng không quên phê bình một cách kín đáo: Bác đã làm gì để cho vua Nghiêu biết bác là người hiền để mà mời.

Ở Việt Nam, năm 1996, nhân dân xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa phát hiện một trống đồng Heger 1 trên thân và tang trống khắc nhiều hình trâu. Tượng Trâu bằng đất nung cũng được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn 3 ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ…

Những nguồn lợi từ trâu

Trâu là nguồn cung cấp thịt lớn, bởi trâu cho thịt những 50% thể trọng của cơ thể. Thịt trâu rất ngon, rất bổ, nhiều chất vi lượng nên có những lò mổ mỗi ngày đưa ra thị trường tới cả trăm con trâu. Nhưng dù có đi khắp các chợ cũng khó mua được thịt trâu vì chợ chỉ bán... thịt bò. Trâu tăng trọng rất nhanh, mỗi ngày có thể tăng 500-700g nên thịt trâu nói chung nhiều nước, nấu nướng không khéo dễ ngót nhiều nên xưa các cụ dặn “Làm rể chớ nấu thịt trâu”, bởi có ngày dễ bị nghi là ăn vụng.

Phân trâu là nguồn cung cấp phân bón lớn cho sản xuất nông nghiệp bởi mỗi năm một trâu trưởng thành cho từ 3-4 tấn phân nguyên chất và cũng từng ấy nước tiểu. Ngoài ra, nhiều bộ phận của trâu còn là những vị thuốc quý như: Minh Giao, Ngưu Hoàng mà giáo sư Đỗ Tất Lợi đã chỉ ra công dụng rất rõ trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

Trâu tham gia chiến trận

Những năm 1870, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, binh đội trâu của nghĩa quân Giáp Văn Trận đã làm cho quân triều đình nhiều phen tán loạn. Binh đội trâu của thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cuối thế kỷ XIX cũng nhiều phen làm cho giặc phải “kinh hồn, bạt vía”. Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, có viên phi công Mỹ là Gedeon Willan Selbek lái máy bay F.105 ném bom miền Bắc Việt Nam, bị bắn rơi ngày 7-8-1966 đã được đưa lên xe trâu chở về trại giam. Bức ảnh quý giá và độc nhất vô nhị về chiến tranh trên thế giới này đã vinh dự mang về cho tác giả của nó - nhiếp ảnh gia Văn Bảo - huy chương vàng. Thế nhưng, chiến tích lẫy lừng nhất của trâu phải kể đến đó là 1 ngàn “dũng sĩ trâu” của tướng Điền Đan nước Tề thời Chiến Quốc đã đánh quân Yên thu lại 70/71 thành trì của nước Tề bị quân Yên chiếm giữ.

Những người chăn trâu nổi tiếng

Vua Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ chú bé mục đồng, thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi trâu rước cờ lau tập trận. Sách xưa còn ghi lại bài thơ Vịnh vua Đinh Tiên Hoàng: “Nào ai xui bụng lũ chăn trâu/ Còn lúc trần ai đã biết nhau/ Cõi đất ngổn ngang bày tiết sứ/ Uy trời lừng lẫy một cờ lau/ Tiệt nòi nô lệ đây về trước/ Giủ mối quân vương thực đứng đầu/ Anh vũ có thừa nhân trạch ít/ Cũi hùm sân vạc tiếng nghìn thu (Nguồn: Nam Phong tạp chí, số 24, 1919). Tể tướng Ninh Thích của Tề Hoàn Công, Tể tướng Bách Lý Hề của Tần Mục Công cũng chăn trâu cả đấy. Rồi mưu sĩ Đào Duy Từ, tác giả của “Hổ trướng khu cơ”, “kiến trúc sư” của Lũy Thầy nổi tiếng - người đã giúp chúa nguyễn tạo lập xứ đàng trong khi mới từ Thanh Hóa trốn vào Nam theo chúa Nguyễn cũng làm nghề chăn trâu.             

Vũ Trung Kiên

 

 

Tin xem nhiều