Báo Đồng Nai điện tử
En

Hương xuân

10:02, 02/02/2021

Cậu đã chuẩn bị nhiều cho Tết chưa?

- Thì cũng giống mọi năm thôi. Này, bao nhiêu năm rồi cháu chưa ăn tết ở ngoài Bắc nhỉ? Hay năm nay làm một chuyến du xuân và sống lại với những kỷ niệm ấu thơ trên quê ngoại đi…

Cậu đã chuẩn bị nhiều cho Tết chưa?

- Thì cũng giống mọi năm thôi. Này, bao nhiêu năm rồi cháu chưa ăn tết ở ngoài Bắc nhỉ? Hay năm nay làm một chuyến du xuân và sống lại với những kỷ niệm ấu thơ trên quê ngoại đi…

Lời mời của cậu Út cùng với lời rủ rê của bạn bè đã giúp tôi có mặt tại mảnh đất Hải Dương, nơi đã ghi dấu cả một thời niên thiếu trước khi gia đình tôi về quê nội ở phương Nam.

Hai mươi chín tết, mùa xuân như đã chạm ngõ mỗi ngôi nhà, góc phố, con đường. Tôi cùng cậu mợ đi chợ tết. Hàng hóa, bánh mứt, áo quần, hoa kiểng..., tất cả như reo lên cùng với bao giai điệu xuân đang rộn ràng. Vẫn là sắc màu đỏ thắm của hoa đào Nhật Tân với cành lá xòe ra, tròn đầy bên cạnh những loài hoa truyền thống của miền Bắc vẫn còn cái lạnh của mùa đông rơi rớt lại. Những đóa hoa thược dược đủ sắc màu, hoa lay ơn, hoa Vi-ô-lét tím ngát và khá nhiều giống hoa ngoại được nhập về đang rung rinh như xóa đi cái giá lạnh trong mưa phùn của mùa xuân mà vẫy chào mọi người. Mấy cô gái bán hoa má đỏ hây hây trong những chiếc áo len cổ lọ và những nụ cười như mùa thu tỏa nắng làm say lòng người. Tôi nhớ gương mặt búp sen của cô gái làng hoa Ngọc Hà gánh nước tưới hoa bên xác máy bay B52 mà mọi người thường treo trong mùa xuân 1972. Nhớ nụ cười tươi và cái vẫy tay chào của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trên chiếc máy bay vừa hạ cánh. Và nhớ ba tôi, vị sĩ quan quân đội trong ngày về tết cố gắng mang cho được cành hoa đào trong dòng người chen chúc trên xe lửa như mang cả mùa xuân về cho cả nhà.

Mua hoa xong, tôi cùng mợ đi mua thịt, rau, củ quả chuẩn bị cho mâm cơm cúng ông bà. Chỉ cần ghé hàng thịt với bao lời mời chào và những nụ cười thân thiện là đã có được miếng thịt ngon, vừa ý. Hàng rau củ tươi xanh, mơn mởn như cô gái độ xuân thì. Bất chợt tôi nhìn thấy mấy bó mùi già với hương thơm dìu dịu. Tôi lại nhớ tối ba mươi tết, sau khi quét dọn, lau chùi nhà cửa tinh tươm, cả nhà đều tắm nước thơm bằng mùi già này. Không biết bây giờ có còn ai tắm nước thơm này không nhỉ khi mà các loại sữa tắm tràn ngập trên thị trường.

 Vẫn là khu chợ của mấy chục năm về trước nhưng tất cả đã khang trang, đẹp đẽ rất nhiều. Tôi cố tìm dấu vết của cửa hàng bán thịt thời bao cấp ngày xưa nhưng chỉ còn ký ức của quá khứ ùa về. Cái giá lạnh và mưa phùn của mùa xuân nhắc tôi nhớ cái lạnh mà ngày xưa bọn trẻ chúng tôi đi xếp hàng để mua thịt tết bằng tem phiếu. Lạnh tê cả ngón tay nhưng nhất quyết không được làm rơi tem phiếu. Cả cái Tết như nằm trong những ô tem phiếu ấy. Mỗi người được phân phối bao nhiêu thịt nên mẹ tôi như một vị nội tướng phải phân chia, đong đếm cho đủ mỡ, nạc, ba rọi cho những ngày Tết. Về đến nhà, tôi cùng mợ phân chia rau, thịt, bóng, mọc, măng chuẩn bị cho ngày mai thức sớm nấu mâm cơm cúng tết. Dù quá khứ hay hiện tại, dù cuộc sống có nhiều khó khăn hay giàu có thì mâm cơm ngày Tết vẫn đủ đầy các món ăn với mong muốn cả năm, gia đình sẽ được sung túc. Mâm cơm ngày Tết còn thể hiện cả một nền văn hóa ẩm thực mấy ngàn năm của dân tộc. Từ tối, mợ tôi đã ngâm nếp cái hoa vàng để chuẩn bị ngày mai đồ xôi gấc và nấu bánh chưng. Trái gấc đỏ au được lấy ruột, ướp với chút rượu trắng thơm nồng để giữ màu đỏ tươi. Màu sắc này sẽ đem lại sự may mắn và niềm vui cho cả năm mới. Da heo được ngâm để ngày mai sẽ nấu món canh bóng quen thuộc. Thịt ba rọi được ướp từ sáng sớm, nếp và đậu xanh được ngâm và đãi sạch chờ bàn tay khéo léo của cậu tôi gói thành những chiếc bánh chưng xanh tượng trưng cho đất. Tôi xung phong rửa lá dong như ngày còn thơ bé thường làm. Mọi năm cậu tôi chỉ đi mua bánh chưng nhưng năm nay ưu tiên gói và nấu để tôi được sống lại với những kỷ niệm của tuổi thơ. Và thế là các bạn tôi tụ họp lại ở sân để nấu bánh chưng. Các bà U.60 với mái tóc hoa râm hào hứng quanh bếp lửa hồng, thổi phù phù những củ khoai lang, khoai tây vùi trong bếp lửa. Tối hai mươi chín Tết, bọn tôi đi ra đường ngắm tết đang về và bỗng thèm xiên táo dầm chua ngọt như được ướp trong tủ lạnh bởi cái giá lạnh của mùa xuân miền Bắc. Phố phường như khoác thêm chiếc áo mới bởi sắc đỏ của những cửa hàng bán bao lì xì, câu đối, những đồng tiền vàng với dòng chữ “Vạn sự may mắn”, “Cung chúc tân xuân”. Tôi lại nhớ ông ngoại tôi với quần áo đẹp hơn ngày thường, tay cầm những phong bao lì xì và những lời chúc tốt đẹp dành cho con cháu. Bọn tôi cười ồ khi chỉ góc phố năm xưa hẹn nhau vào mùng một Tết để đi chơi vì gia đình nào cũng căn dặn con trẻ không được xông nhà người khác vào ngày đầu tiên của năm mới.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm làm cơm cúng tết. Đa số các nhà đều chuẩn bị mâm cơm  sáu hoặc tám bát, tám đĩa. Nào là đĩa gà luộc vàng ươm, đĩa xôi gấc đỏ au, đĩa hạnh nhân với sắc đỏ của cà rốt, sắc trắng xanh của su hào và sắc vàng của đâu phộng rang, đĩa giò lụa, giò thủ,  đĩa dưa hành nén trắng phau bên cạnh bát thịt nấu đông, bát miến gà, bát chân giò hầm măng lưỡi lợn, bát canh bóng thập cẩm... Mâm cơm tết của người Bắc vừa tỉ mỉ lại vừa công phu. Nó thể hiện sự khéo léo của các bà, các mẹ. Nhìn mâm cơm của người miền Bắc, tôi lại nhớ mâm cơm rước ông bà của miền Nam. Có lẽ sự trù phú về nông sản và khí hậu quanh năm ổn định nên những món ăn ngày Tết của phương Nam mang sắc màu khác. Bên cạnh con gà được chéo cánh như mang cả khát vọng được bay lên khởi sắc trong năm mới là món canh khổ qua, những đòn bánh tét nhân đậu xanh và thịt mỡ được khéo léo xếp tạo thành bốn chữ “tài, lộc, phú, quý”. Những trái khổ qua xanh được nhồi thịt nấu mềm trong nước canh trong vắt như chở cả mong muốn cái khổ của năm cũ sẽ qua đi để đón những điều tươi đẹp trong năm mới. Cũng chả giò, chả lụa bên cạnh đĩa tôm khô củ kiệu được các mẹ chuẩn bị trước cả tháng và đĩa dưa giá, hẹ chua chua ngọt ngọt. Trong khói nhang nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên, tôi tưởng như ông bà đang về dự mâm cơm cùng con cháu. Bà tôi với hàm răng đen đều tăm tắp, tấm lưng còng xuống trong tấm áo nâu vì đã gánh cả gánh lo toan cho cả gia đình. Nhớ bà, nhớ cả bài học thời ấu thơ  “bà Còng đi chợ đường xa...”. Thương cho cả thế hệ những người bà, người mẹ của thế hệ trước “mặc áo thay vai” để trân quý hơn cuộc sống đủ đầy của ngày hôm nay. Những người bà, người mẹ hôm nay đã bớt đi những vất vả, nhọc nhằn khi đất nước ngày càng phát triển. Nhớ ông tôi với nụ cười hiền hậu. Thời chiến tranh đi sơ tán, nhà ngoại tôi chia năm xẻ bảy về các vùng nông thôn thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” và tránh bom đạn của giặc Mỹ khi chúng dội bom vào những thành phố lớn. Ông tôi vào bếp nấu ăn, trông nom các cháu trong bom rơi đạn nổ, trong khó khăn thiếu thốn đủ bề. Tuổi thơ của chị em tôi gắn với ông, với những chiếc nón rơm ông làm cho tôi đi học... Ông bà, tổ tiên như mạch nguồn kết nối giữa quá khứ và hiện tại và con cháu là thế hệ tiếp nối của dòng họ, gia đình. Cứ thế, mâm cơm ngày Tết còn là sự nhắc nhở con cháu về mạch nguồn huyết thống, về dòng chảy không hề mất đi trong mỗi gia đình, dòng tộc.

Chuông điện thoại reo, cậu em ở nước ngoài điện về. Ở bên đó vẫn đang chống dịch Covid-19 căng thẳng nhưng người Việt mình vẫn có mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên. Năm nay em dâu tôi không được mặc áo dài cùng hội người Việt đi chúc tết vì dịch bệnh nhưng mâm cơm ngày Tết vẫn đủ đầy, mang hương vị của quê nhà. Em dâu tôi có bà con ở miền Trung nên đã nhắc tới cái Tết năm nay của đồng bào miền Trung vừa đi qua lũ lụt thảm khốc. Sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước giúp nhân dân vơi bớt đi khó khăn. Giờ này trong mỗi ngôi nhà của đồng bào, dù còn thiếu thốn nhưng không thể thiếu mâm cơm ngày Tết. Mâm cơm tết của người miền Trung vẫn không thể thiếu bánh tét, gà luộc, thịt heo, trứng chiên, đồ xào, ram cuốn, canh, rau sống, cơm trắng. Các món ăn được chia thành các đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn như thể hiện sự chắt chiu, chia sẻ. Mảnh đất miền Trung gánh chịu bao sự khắc nghiệt với cái khô hạn đến cháy da rồi bão lũ triền miên nhưng tất cả vẫn chứa chan tình đất, tình người.

Kết thúc cuộc điện thoại vẫn là nỗi nhớ quê của những người xa xứ, vẫn là nỗi lo vì dịch bệnh đang tràn ngập châu Âu và niềm vui khi người dân Việt Nam được đón Tết trong không khí thanh bình. “Ước gì được về nhà nhỉ”, khát vọng của em tôi khiến mình càng quý yêu hơn sự nỗ lực chống dịch của Nhà nước mình, yêu quý hơn cuộc sống trong hiện tại và mong mỏi một năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang đến với muôn người trên trái đất xanh. Vâng, xuân đang đến muôn nơi. Hương xuân đang lan tỏa những niềm vui, hy vọng trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi nụ cười tươi của mọi người... 

Hoàng Mai Quyên

Tin xem nhiều