Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc, phản ánh sự phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, thế hệ trẻ là những người kế thừa, tiếp nối và góp phần quan trọng vào sự phồn vinh của đất nước. Chính vì vậy, việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, bàn luận từ nhiều phía.
Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc, phản ánh sự phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, thế hệ trẻ là những người kế thừa, tiếp nối và góp phần quan trọng vào sự phồn vinh của đất nước. Chính vì vậy, việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, bàn luận từ nhiều phía.
TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh |
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trò chuyện với TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng khoa Ngôn ngữ học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) về vấn đề này.
Ngôn ngữ luôn vận động linh hoạt trước những xu thế của xã hội
* Thưa bà, những năm gần đây, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, mạng xã hội..., giới trẻ luôn là đối tượng có sự bắt nhịp nhanh nhất với những thay đổi này. Từ đó, các hiện tượng như: sử dụng tiếng lóng, pha lẫn tiếng nước ngoài, phương ngữ xã hội, cụm từ tạo sự phổ biến (viral), xu hướng (trend)… ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Nhiều người cho rằng điều này làm giảm đi sự trong sáng của tiếng Việt, trong khi giới trẻ lại xem đó là khôi hài, sáng tạo. Theo bà, quan điểm nào là phù hợp trong xu thế hiện nay?
- Tôi nghiêng về quan điểm thứ hai hơn. Sự sáng tạo là những “gia vị” trong quá trình vận động không ngừng của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ của giới trẻ. Bởi những hiện tượng sử dụng ngôn ngữ như vậy không phải là cá biệt hay phải chờ đến lúc công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông phát triển mới xuất hiện.
Ngày trước, phương tiện truyền thông còn nhiều hạn chế nên ít người biết đến và sử dụng “ngôn ngữ lệch chuẩn” này nhưng bối cảnh hiện tại đã tạo điều kiện cho những hiện tượng ấy có sức lan tỏa, phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, luôn tìm kiếm những cách diễn đạt mới hay thay đổi cách diễn đạt làm cho lời nói trở nên mới mẻ, thú vị hơn. Điều này mang đến ý nghĩa tích cực để cách nói của chúng ta đỡ đơn điệu, nhàm chán.
* Những “gia vị” đó nên được “nêm nếm” như thế nào cho phù hợp?
- Tất nhiên, ở một phương diện nào đó, việc chúng ta “nêm nếm”, kiểm soát các hiện tượng ngôn ngữ mạng như thế nào cho phù hợp rất quan trọng. Các loại “gia vị” đó có liên quan mật thiết đến vấn đề chuẩn phong cách. Tùy theo từng đối tượng tham gia giao tiếp là ai, trong hoàn cảnh giao tiếp như thế nào và nội dung giao tiếp ra sao mà chúng ta chọn yếu tố ngôn ngữ phù hợp.
Nếu như đó là những người đồng trang lứa cùng tương tác, trao đổi trên không gian mạng và nhằm mục đích giải trí, vui đùa thì việc sử dụng những yếu tố đó hoàn toàn thoải mái, đôi khi lỡ “nêm hơi quá tay” vẫn có thể chấp nhận được.
Còn ngược lại, ở một môi trường đòi hỏi sự nghiêm túc, chuẩn mực như khoa học, hành chính, giữa những người thuộc các vai giao tiếp có vị thế, tôn ti trật tự nhất định và nội dung giao tiếp là những vấn đề đòi hỏi phải sử dụng cách nói/viết một cách khoa học, chính xác, chỉn chu thì phải hạn chế sử dụng những yếu tố này vì chúng không phù hợp, dễ gây ra sự lạc lõng, phản cảm.
Bộ môn Ngôn ngữ học của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) được thành lập từ năm 1977 cùng với sự ra đời của Khoa Ngữ văn Việt Nam (sau này là Khoa Văn học và ngôn ngữ). Trải qua quá trình phát triển, đến tháng 11-2020, Khoa Ngôn ngữ học chính thức được thành lập trên cơ sở bộ môn Ngôn ngữ học trực thuộc trường (đã được tách từ Khoa Văn học và ngôn ngữ từ năm 2017). TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh chia sẻ, với định hướng phát triển theo hướng ứng dụng, mang tính liên ngành, liên khoa, Khoa Ngôn ngữ học sẽ từng bước xây dựng đề án, đề xuất Đại học Quốc gia TP.HCM cho phép mở mã ngành đào tạo thí điểm cử nhân ngôn ngữ học ứng dụng trong vài năm tới. Từ đó, tạo dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo, có chất lượng và mang tính ứng dụng cao để sinh viên phát huy tối đa năng lực, phẩm chất trong thời đại mới; đồng thời nâng cao vị thế, trình độ ngành Ngôn ngữ học Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. |
* Hiện tại, nhạc rap đang nổi lên như một xu hướng mới, lời rap có liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ. Theo bà, xu hướng này có ảnh hưởng như thế nào đối với việc dung hòa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong tiếng Việt?
- Tiếng Việt có truyền thống hiệp vần. Từ xưa đến nay, các hình thức chơi chữ, diễn đạt có vần, có điệu được thể hiện rất rõ trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thơ lục bát hay thậm chí trong cả những câu nói, khẩu hiệu hằng ngày cốt sao cho dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc chẳng hạn như: “Đi đúng làn, mới thật an nhàn”, “Dừng đèn đỏ, chứng tỏ văn minh”…
Đây là nền tảng thuận lợi để giới trẻ Việt phát huy, sáng tạo những yếu tố hiện đại bằng cách dùng từ ngữ hiệp vần, chơi chữ để sáng tác rap, đọc rap. Cùng với đó, qua các cuộc thi, chương trình âm nhạc, có nhiều bài đồng dao được làm mới (remix) bằng những giai điệu hiện đại đã thổi luồng gió mới lạ, thu hút nhiều khán giả trẻ.
Theo tôi, không nên quá khắt khe cho rằng cách thế hệ trẻ đi theo những xu hướng giải trí mới như nhạc rap là lai căng hay vọng ngoại. Điều quan trọng là cách định hướng, hướng dẫn cho các em biết loại bỏ những yếu tố không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa đạo đức của người Việt; đồng thời tiếp thu, sáng tạo có chọn lọc thông điệp tích cực, khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống để đưa vào lời rap thì điều đó vô cùng khả thi và phù hợp. Từ đó, các bạn còn có thể sử dụng tốt và sử dụng hiệu quả tiếng Việt không chỉ trong lĩnh vực giao tiếp mà còn trong lĩnh vực giải trí.
Để tiếng Việt phát triển năng động, giàu sức sống
* Trong bối cảnh thế giới “mở”, những xu hướng mới trong sử dụng ngôn ngữ có đặt ra vấn đề gì cho các nhà Việt ngữ học trong việc vừa kế thừa truyền thống ngôn ngữ văn hóa vốn có, vừa tạo nên một tiếng Việt hiện đại, phát triển năng động, đầy sức sống không, thưa bà?
- Như tôi đã nói, những xu hướng mới là hiện tượng rất tự nhiên của ngôn ngữ bởi ngôn ngữ luôn luôn vận động và phát triển chứ không bao giờ đứng yên. Trong quá trình đó, những yếu tố cũ nếu như còn phù hợp sẽ được bảo lưu, không phù hợp sẽ bị đào thải. Người sử dụng ngôn ngữ luôn có nhu cầu tạo ra những yếu tố mới bằng phương thức nội sinh, tức là lấy yếu tố của ngôn ngữ bản địa để tạo ra những cách định danh mới hoặc vay mượn tiếng nước ngoài để làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ bản địa.
Tuy nhiên, người Việt chúng ta luôn có ý thức hạn chế việc quá lệ thuộc vào vay mượn hoàn toàn mà luôn có cách sáng tạo, biến đổi, chuyển dịch các yếu tố đó thành những từ gần gũi với người Việt mình nhất có thể. Tôi nghĩ đó là một hiện tượng hết sức tự nhiên xuất phát từ tâm thức muốn bảo tồn bản sắc ngôn ngữ dân tộc của người Việt.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tại một trường THPT ở TP.Biên Hòa |
Công việc nghiên cứu ngôn ngữ của các nhà Việt ngữ học là nhằm phân tích, miêu tả, đánh giá cũng như tìm hiểu về các nguyên nhân, yếu tố chi phối hiện tượng ngôn ngữ đó như thế nào để có những đề xuất, định hướng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoạch định những chính sách ngôn ngữ, đường hướng phát triển, xây dựng chương trình giáo dục, biên soạn sách giáo khoa trong nhà trường sao cho phù hợp với đối tượng người học - những học sinh của thế kỷ XXI chứ không phải thế kỷ XX. Quá trình nghiên cứu đó luôn hướng tới nhiệm vụ vừa phải bảo lưu được những bản sắc ngôn ngữ văn hóa truyền thống vốn có, đồng thời vừa có sự tiếp nhận, nắm bắt xu hướng của những yếu tố hiện đại trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập phát triển.
* Là đơn vị đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ học, trong thời gian tới, Khoa Ngôn ngữ học có những định hướng gì để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ dân tộc, cũng như khơi dậy tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ?
- Là đơn vị duy nhất đào tạo cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ học ở khu vực phía Nam, Khoa Ngôn ngữ học đã và đang đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về ngôn ngữ học cho đất nước.
Trong tất cả hoạt động của khoa, kể cả giảng dạy lẫn nghiên cứu, chúng tôi cố gắng lồng ghép vào đó những yếu tố đặc trưng văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ. Đơn cử, ở môn Ngôn ngữ học văn hóa, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi sẽ kết hợp truyền tải những đặc trưng văn hóa dân tộc trong nghĩa của từ, trong phương thức định danh, chẳng hạn như cách đặt tên cho sự vật, hiện tượng xung quanh từ trước đến nay. Điều này phản ánh cách người Việt nhận thức về thế giới thông qua quan sát, suy nghĩ để miêu tả, gọi tên từng sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, chi tiết, có tính biểu cảm cao.
Bên cạnh đó, qua những bài học về từ và nghĩa của từ, chúng tôi sẽ tái hiện, gợi lại các phong tục tập quán đã bị lãng quên trong quá khứ. Việc lồng ghép vào những yếu tố đó giúp người học nhận thức, hiểu biết rõ hơn về đặc trưng cũng như bản sắc văn hóa truyền thống ẩn trong từ vựng tiếng Việt. Đó cũng là một cách dạy văn hóa thông qua ngôn ngữ nhằm khơi dậy lòng tự hào, đồng thời lưu giữ được cái hồn của dân tộc đối với thế hệ trẻ.
* Xin cảm ơn bà!
Hà Lê (thực hiện)