Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp FDI: Góp sức cho phát triển kinh tế Đồng Nai

09:02, 06/02/2021

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau hơn 30 năm thu hút vốn FDI, đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 31,5 tỷ USD. Đầu tư FDI đến cuối năm 2020 đóng góp trong GRDP của tỉnh gần 47%.

 

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau hơn 30 năm thu hút vốn FDI, đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 31,5 tỷ USD. Đầu tư FDI đến cuối năm 2020 đóng góp trong GRDP của tỉnh gần 47%.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao giấy chứng nhận cho doanh nghiệp FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao giấy chứng nhận cho doanh nghiệp FDI

Hiện nay, Đồng Nai vẫn là một trong 5 tỉnh, thành thu hút nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam. Dòng vốn FDI ngày càng được chọn lọc, đáp ứng được các yêu cầu của tỉnh là hướng đến sản xuất công nghiệp bền vững, hình thành những khu công nghiệp (KCN) xanh.

* Đóng góp lớn cho công nghiệp

Trải qua hơn 3 thập niên, dòng vốn FDI vào tỉnh đã góp phần rất lớn vào phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, giúp GRDP của tỉnh hằng năm giữ mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. FDI đóng góp nhiều cho thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho hầu hết các lĩnh vực, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Trong đó, riêng chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước chỉ tăng trưởng 3,35% so với năm 2019. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giữ mức tăng 6,2%, cao hơn bình quân cả nước 2,85%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai trong năm qua đạt 19 tỷ USD, các doanh nghiệp (DN) FDI chiếm tỷ lệ trên 70%. Đây cũng là khu vực có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh sau cao điểm của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, có nhiều DN FDI đã biết cách chuyển nguy thành cơ hội để giữ vững sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: U.Nhi

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá: “Đầu tư FDI vào tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, góp phần cho phát triển kinh tế. Những năm gần đây, kết nối giữa DN FDI tại Đồng Nai với các DN trong nước từng bước được cải thiện, nhiều DN trong nước đã trở thành đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia có tên tuổi trên thế giới đều đã đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Hyosung, Formosa, Fujitsu, Meggitt, Ajinomoto, Bosch, Sojitz, Forval, Chang Shin, Cargill... Xu hướng của nhiều DN FDI là đào tạo, từng bước chuyển giao công tác quản lý sản xuất, kinh doanh cho người Việt Nam, các chủ đầu tư chỉ điều hành từ xa. Việc này sẽ giúp cho lao động người Việt Nam từng bước làm chủ được các công nghệ hiện đại trong sản xuất.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2 cho hay: “Nhiều khâu quan trọng trong sản xuất, kinh doanh đã được Tập đoàn Fujitsu tuyển dụng người Việt Nam vào đảm nhiệm. Việc tin tưởng trao quyền quản lý cho người Việt  Nam giúp công ty hoạt động tốt hơn”.

* Thúc đẩy DN trong nước phát triển

Các nhà đầu tư FDI vào tỉnh đã thúc đẩy DN trong nước cùng phát triển. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm DN thành lập mới đều tăng 6-10% và số vốn đăng ký cũng tăng. DN trong nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp ngày một nhiều, chủ yếu sản xuất các loại linh kiện, thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, ngày càng có nhiều DN trong nước cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sau khi nghiên cứu thị trường, tôi thấy nhiều DN FDI cần các khuôn mẫu, thiết bị từ nhựa nên đã thành lập công ty sản xuất và bán sản phẩm cho họ. Bán hàng cho các DN FDI, tôi phải đầu tư máy móc hiện đại để sản phẩm làm ra đạt chất lượng và số lượng”. Cũng theo ông Khanh, sau khi cung ứng tốt cho các DN FDI tại Việt Nam, công ty của ông đã dễ dàng tìm thêm đối tác nước ngoài để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Công ty TNHH Koyu & Unitex ở Khu công nghiệp Loteco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gà sang Nhật Bản
Công ty TNHH Koyu & Unitex ở Khu công nghiệp Loteco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gà sang Nhật Bản

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do nên các DN muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan buộc phải tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm theo quy định. Do đó, các DN FDI đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai đều chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Theo đó, nguyên liệu sản xuất ở Việt Nam chỉ cần đảm bảo chất lượng, giá xấp xỉ hoặc cao hơn một chút so với nhập khẩu đều dễ dàng tìm được khách hàng. Vì thế, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ trong nước đã nâng lên thành DN sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để cung ứng hàng cho các DN FDI và DN Việt Nam xuất khẩu lớn.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt (100% vốn Đài Loan, ở KCN Agtex - Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty đã liên kết với nhiều DN Việt để mua sản phẩm đầu vào cho hoạt động sản xuất. Nhiều năm nay, công ty đều ưu tiên mua nguyên liệu trong nước, chỉ khi thị trường nội địa thiếu mới nhập khẩu”.

Năm 2020, dù chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng tại Đồng Nai vẫn có hơn 4 ngàn DN thành lập mới, tăng hơn 6% so với năm trước đó. Các DN trong nước được thành lập mới trên lĩnh vực công nghiệp ngày càng nhiều và số lượng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một tăng.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều