Sông Đồng Nai là một trong những dòng sông nội địa, đẹp và dài nhất Nam bộ với chiều dài 586km và lưu vực 38.600km². Đến đoạn gặp sông Bé, sông Đồng Nai tạo ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) ở tả ngạn phía đông và Bình Dương (TX.Tân Uyên) ở hữu ngạn phía Tây.
Sông Đồng Nai là một trong những dòng sông nội địa, đẹp và dài nhất Nam bộ với chiều dài 586km và lưu vực 38.600km². Đến đoạn gặp sông Bé, sông Đồng Nai tạo ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) ở tả ngạn phía đông và Bình Dương (TX.Tân Uyên) ở hữu ngạn phía Tây. Đến P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và cù lao Phố. Sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa, rồi chảy dọc theo ranh giới giữa các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Thủ Đức, Q.7, Nhà Bè (TP.HCM), giữa Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP.HCM). Sông Đồng Nai có những dòng suối, hồ và thác; có thể khai thác thành các bến tàu, bến đò, trạm dừng cho các con tàu di chuyển trên sông, thuận lợi cho việc khai thác du lịch tuyến sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Một đoạn sông Đồng Nai nhìn từ chợ Biên Hòa về phía cầu Rạch Cát. Ảnh: Vĩnh Huy |
Đến nay, du lịch của tỉnh Đồng Nai với 21 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như: tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa…, 127 cơ sở lưu trú du lịch, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành, 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 5 chi nhánh văn phòng đại diện du lịch.
Trong những năm qua, lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015-2019 đạt 10,5%/năm và doanh thu du lịch đạt 14,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ du lịch cao hơn tăng trưởng bình quân lượt khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch Đồng Nai ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh hơn nên chi tiêu của du khách có mức cao hơn (bình quân năm 2015 chi tiêu 314 ngàn đồng/khách, đến năm 2019 là 363 ngàn đồng/khách).
Trong những tuyến điểm du lịch tiêu biểu thì tuyến sông Đồng Nai là một hướng phát triển trong dịch vụ du lịch của tỉnh. Trong Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xây dựng và thực hiện các giải pháp để xúc tiến và quảng bá tuyến du lịch trên sông ở địa phương.
* Thực trạng khai thác và phát triển tuyến du lịch sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm tham quan, du lịch: ngắm cảnh (cảnh quan dọc sông); tìm hiểu văn hóa, di tích, lịch sử (làng cổ Bến Gỗ, cù lao Phố, Văn miếu Trấn Biên…); du lịch tâm linh (chùa Ông, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong…); vui chơi giải trí (cù lao Ba Xê, Du lịch Sơn Tiên, Trung tâm Văn hóa Bửu Long…); du lịch ẩm thực (thưởng thức các món ăn, sản vật địa phương tại các nhà hàng, quán ăn uống, vườn cây ăn trái ven sông); du lịch thể thao (sân golf Long Thành, sân golf Jeon San, hoặc tham gia các trò chơi dưới nước tại các điểm du lịch ven sông như chèo thuyền, đua thuyền, vượt thác tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai...).
Từ năm 2018, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP.Biên Hòa) đã khai trương tuyến du lịch đường sông Đồng Nai có chiều dài khoảng 30km với nhiều di tích lịch sử, văn hóa hai bên bờ sông...
Giai đoạn 1, tuyến du lịch thực hiện từ cù lao Ba Xê đến bến tàu, trạm dừng chân ở P.Bửu Long. Trong đó, điểm nhấn là bến tàu trạm dừng chân tại công viên Nguyễn Văn Trị gần chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) rộng gần 2.500m2 gồm: bến tàu, phòng vé, nhà chờ có thể tiếp nhận khoảng 200 khách. Hiện nay có 7 ca nô du lịch phục vụ tuyến, mỗi chiếc chở tối đa 25 khách, hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Giá vé dao động từ 128-425 ngàn đồng/người tùy vào số lượng khách đăng ký. Lộ trình tuyến đi như sau: bến tàu tại công viên Nguyễn Văn Trị - chùa Ông (TP.Biên Hòa) - chùa Phước Long (Q.9, TP.HCM) - chạy vòng quanh cù lao Ba Xê - làng bè Hiệp Hòa rồi trở về điểm xuất phát. Thực tế, hiện nay số lượt khách du lịch tuyến sông Đồng Nai vẫn còn hạn chế so với đầu tư khai thác.
Giai đoạn 2 triển khai từ bến tàu, trạm dừng chân ở P.Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2019). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khai thác được do vướng các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang đất kinh doanh dịch vụ).
* Tiềm năng quy hoạch phát triển du lịch sông Đồng Nai
Du lịch trên sông phát triển sẽ kết nối du lịch lữ hành với TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai, tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn với các tour khác nhau cho khách lựa chọn.
Từ năm 2010-2020, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt và thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (theo Quyết định 71/QĐ-UBND ngày 29-9-2006 của UBND tỉnh). Qua đó, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch có quy mô lớn như: dự án du lịch sinh thái 230ha tại xã Long Tân (H.Nhơn Trạch), dự án đầu tư du lịch tại xã Long Tân 330ha (H.Nhơn Trạch), khu du lịch Hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)… Một số điểm du lịch đi vào hoạt động như thác Giang Điền (H.Trảng Bom), Vườn Xoài (TP.Biên Hòa), sân golf Jeong San (H.Nhơn Trạch). Một số khách sạn đạt tiêu chuẩn được xếp hạng sao được xây dựng trong giai đoạn này như: khách sạn WooShu (4 sao), Kim Cương (2 sao), Hà Trinh (2 sao)…, góp phần làm tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho du lịch Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đang lập các thủ tục để triển khai dự án như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Hoàng Gia Bảo lập thủ tục đầu tư dự án tuyến du lịch đường sông, Công ty CP đầu tư Cường Thuận lập thủ tục đầu tư dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An, Công ty CP The Coi đầu tư dự án phát triển du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước nóng, Công ty CP Tập đoàn FLC đang lập phương án đầu tư dự án du lịch sinh thái hồ Đa Tôn…
* Những khó khăn cần tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi, thực trạng khai thác và phát triển du lịch sông Đồng Nai thời gian qua còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất phục vụ bến tàu, trạm dừng chân còn hạn chế, cơ sở lưu trú chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn, tạo sản phẩm mang thương hiệu du lịch địa phương để “níu kéo” du khách lưu trú qua đêm. Các dịch vụ vui chơi giải trí, chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh, ăn uống, thuyết minh và một số dịch vụ khác còn đơn điệu, quy mô nhỏ, tính hấp dẫn không cao, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của du khách tại các điểm du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá tour, tuyến du lịch chưa có chiến lược quảng bá bài bản chuyên sâu khiến du khách rất khó tiếp cận; tính gắn kết giữa các di tích lịch sử trên cùng một dải sông Đồng Nai chưa cao, nhất là chưa có nhiều sự phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour, tuyến du lịch. Bước đầu có khai thác tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, tuy nhiên ở một số khu vực có tiềm năng lớn chưa thu hút được các dự án đầu tư; do đó chưa khai thác hết hiệu quả tài nguyên.
* Giải pháp phát triển du lịch sông Đồng Nai
Quy hoạch và khai thác tuyến du lịch sông Đồng Nai: Triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch sông Đồng Nai được quy hoạch hợp lý. Tỉnh sẽ đầu tư những sản phẩm du lịch trọng điểm ưu tiên phát triển thành du lịch sinh thái, du lịch đường sông, du lịch cuối tuần, du lịch tâm linh Bửu Long và vui chơi giải trí, di tích lịch sử văn hóa, du lịch quá cảnh trên quốc lộ 20 và quốc lộ 51…
Mở rộng địa bàn tuyến du lịch sông bao gồm: H.Vĩnh Cửu (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), H.Định Quán (cù lao ấp 7, các đồi trên lòng hồ Trị An thuộc xã Phú Ngọc, xã La Ngà), H.Long Thành (5 xã ven sông Đồng Nai), H.Nhơn Trạch (Khu du lịch Ông Kèo) và TP.Biên Hòa. Kết nối tuyến với Bình Dương và TP.HCM.
Tỉnh sẽ liên kết các không gian du lịch sông, không gian du lịch vui chơi giải trí, không gian du lịch tham quan, nghỉ dưỡng... dọc sông Đồng Nai.
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tuyến sông: Đầu tư những bến bãi du lịch đường sông công cộng (có vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, có nhà chờ, có bãi đậu xe ô tô, xe máy của khách), có đội tàu thuyền tập trung, nhiều chủng loại (lớn, nhỏ), đạt tiêu chuẩn an toàn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của nhiều nhóm du khách khác nhau. Cần bố trí những bến đỗ tại các điểm tham quan du lịch cho tàu thuyền neo đậu và khách lên xuống thuyền (đặt tại chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Gốm Phong Sơn…). Cần bố trí những bến bãi trung chuyển (điểm kết nối tour) tại các cây cầu có độ tĩnh không thấp và tại các điểm chuyển tiếp giữa đường thủy và đường bộ) để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách đi bằng đường sông kết hợp với đường bộ. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đủ tiêu chuẩn phục vụ khách, phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ để hấp dẫn và níu chân du khách được lâu hơn.
Khách du lịch đường sông ghé tham quan chùa Ông ở cù lao Phố, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Hải |
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thông qua các giải pháp như: duy trì mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch (lễ tân, buồng, bàn, thuyết minh viên, nghiệp vụ du lịch cho tài xế và nhân viên phục vụ trên ô tô, trên tàu, ca nô vận tải khách du lịch); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt cung cấp kiến thức về quản lý môi trường sông nước, du lịch trên sông... Đào tạo hướng dẫn viên du lịch phục vụ các tour tuyến du lịch, đặc biệt tuyến du lịch trên sông; kỹ năng phục vụ du khách trên tàu, thuyền, ca nô; những kiến thức thuyết minh về các khu sinh thái ven sông, các di sản văn hóa, làng dân tộc, làng nghề... trên các tuyến sông Đồng Nai.
Xúc tiến, quảng bá du lịch bằng cách tiếp tục thông tin quảng bá về du lịch được truyền tải đến nhiều tầng lớp nhân dân thông qua việc giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh và các hoạt động du lịch đường sông qua các hội chợ triển lãm du lịch, liên hoan du lịch biển… Tổ chức nhiều cuộc hội thảo như: định hướng sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng Nai, hội thảo xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Năm 2020, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo phát triển tiềm năng du lịch cù lao Đông Nam bộ. Trên cơ sở đó đề xuất loại hình du lịch hội thảo ở các cù lao ven sông đoạn tiếp giáp sông Đồng Nai.
* Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch trong vùng
Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. Tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Đồng Nai và TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Ký kết hợp tác phát triển du lịch với Sở VH-TTDL Bình Dương giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tuyến đường sông trong vùng Đông Nam bộ.
Phối hợp liên kết cù lao Bạch Đằng, cù lao Thạnh Hội của TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là tuyến đường sông khá gần gũi với các tuyến sông Đồng Nai. Du khách có thể tham quan các di tích khảo cổ tại cù lao Rùa, hệ sinh thái, vườn bưởi, nhà cổ, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo tại cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng của tỉnh Bình Dương.
Tuyến liên kết xa hơn là TP.Thủ Đức, Q.1 của TP.HCM trên tuyến sông Sài Gòn. Du khách có thể tham quan các di sản văn hóa, các công trình tín ngưỡng tôn giáo, các tòa nhà cao tầng trên bến sông Bạch Đằng và Thanh Đa tại TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM đã đề xuất khi tuyến du lịch đường sông của Đồng Nai đi vào khai thác sẽ hợp tác nối dài tuyến, đưa du khách theo đường sông từ TP.HCM xuống các điểm du lịch của Đồng Nai.
Nếu kết hợp tốt, đây sẽ là các tuyến tham quan khá lý tưởng cho du khách khi đến với tiềm năng du lịch tuyến đường sông Đồng Nai kết nối với các nhánh sông của các tỉnh Đông Nam bộ. Tuyến du lịch đường sông Đồng Nai đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển liên kết du lịch vùng.
Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó xác định mục tiêu quy hoạch, sản phẩm du lịch, các không gian phát triển du lịch cho từng vùng trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các lợi thế so sánh về rừng, sông, hồ, thác… mang đặc trưng của tỉnh Đồng Nai. Du lịch sông Đồng Nai cần được đẩy mạnh trong tỉnh, đặc biệt liên kết hợp tác với tỉnh Bình Dương và TP.HCM để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ hiện nay và trong tương lai.
Nguyễn Thị Nguyệt