Gốm Biên Hòa - Đồng Nai nổi danh trong nước và nước ngoài từ những năm đầu thế kỷ XX. Trải qua nhiều thăng trầm, ngành Gốm Đồng Nai đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Hiện gốm Đồng Nai đã xuất khẩu trực tiếp sang gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã...
Gốm Biên Hòa - Đồng Nai nổi danh trong nước và nước ngoài từ những năm đầu thế kỷ XX. Trải qua nhiều thăng trầm, ngành Gốm Đồng Nai đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Hiện gốm Đồng Nai đã xuất khẩu trực tiếp sang gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã...
Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (thứ tư từ trái qua) tham quan cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP. Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang |
Nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai được truyền qua nhiều thế hệ và mỗi giai đoạn đều có những nghệ nhân hết lòng với nghề. Bên cạnh việc giữ được nét đặc trưng của gốm Biên Hòa - Đồng Nai thì các chủ doanh nghiệp (DN) đã kết hợp với các nghệ nhân, thợ giỏi bắt kịp xu hướng, nhu cầu của người mê gốm trên thế giới. Vì thế, sản phẩm gốm Đồng Nai luôn được thị trường thế giới ưa thích và đầu ra tương đối thuận lợi.
* Mở thêm nhiều thị trường mới
Để bảo tồn và phát triển làng nghề gốm, tỉnh đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Mục đích là để di dời các cơ sở, DN gốm sứ ở Biên Hòa vào trong cụm công nghiệp, đầu tư nhà xưởng sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn và xuất khẩu. Nhiều DN gốm sau khi vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã từng bước mở rộng sản xuất, tìm thêm đối tác và thị trường để tiêu thụ.
Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại gốm trang trí trong nhà, ngoài vườn. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng đầu ra của gốm Hoàng Mỹ vẫn ổn định. Có được kết quả trên là do công ty đã chủ động nghiên cứu xu hướng thị trường của năm 2020, 2021 và thiết kế những mẫu mã mới, trao đổi trực tuyến với khách hàng nước ngoài. Khách hàng chọn ra những mẫu mã phù hợp và đặt hàng”.
Gốm Biên Hòa là một trong hơn 10 làng nghề gốm nổi tiếng của Việt Nam. Trong đó, gốm trang trí chia thành nhiều dòng sản phẩm rất đa dạng gồm các loại bình lớn nhỏ trang trí nội thất, sân vườn, tượng gốm, tranh gốm, các bức phù điêu. Gốm đen mẫu mã được thiết kế khá phong phú gồm các loại lu, chậu, hình thú, dùng trang trí trong sân vườn, các khu du lịch… |
Với cách làm trên, ông Sơn đã nhận được rất nhiều đơn hàng lớn từ thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và phải… từ chối bớt vì không đáp ứng đủ số lượng. Hiện Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ đã nhận được đơn hàng đến giữa năm 2021. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu qua gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Khó khăn của DN không phải là đầu ra cho sản phẩm mà là tìm thợ có tay nghề cao để mở rộng sản xuất.
Gốm Biên Hòa được phân thành hai dòng chính là gốm trang trí và gốm đen. Gốm đen Biên Hòa trước đây được rất nhiều khách hàng nước ngoài đánh giá cao là vì chất lượng, mẫu mã, màu men đặc sắc. Muốn có được màu men đặc biệt, các DN gốm phải dùng củi đốt, nhưng khi di dời vào cụm công nghiệp thì không thể dùng củi vì gây ô nhiễm môi trường. Có một thời kỳ, gốm đen Biên Hòa đứng trước nguy cơ xóa sổ vì các cơ sở chưa tìm ra giải pháp nung gốm đen để giữ màu men truyền thống. Tuy nhiên, một số nghệ nhân gốm đen gắn bó với nghề không cam tâm để dòng gốm này mai một nên đã tìm ra cách nung gốm mới vẫn giữ được chất lượng, màu sắc đặc biệt và được khách hàng yêu thích.
Ông Hứa Mỹ Chiêu, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Phong Sơn ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh chia sẻ: “Sản phẩm gốm đen của công ty đã xuất khẩu sang gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được đối tác đánh giá rất cao. Ngoài những mẫu mã khách hàng đặt, công ty thiết kế những mẫu mã mới phù hợp với khung cảnh, không gian, phong tục của từng nơi nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng chọn lựa”.
Gần 100% sản phẩm gốm đen của Công ty TNHH Gốm Phong Sơn ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) xuất khẩu |
Do đó, thị trường của gốm đen Biên Hòa từng bước được mở rộng ra nhiều quốc gia. Đặc biệt, các DN gốm Đồng Nai đã kết nối và xuất khẩu sản phẩm trực tiếp nên giảm được nhiều khâu trung gian, giá trị gia tăng của mặt hàng gốm cũng được nâng lên.
* Nâng tầm cho gốm Biên Hòa
Trước đây, gốm Biên Hòa chủ yếu sản xuất theo những mẫu mã truyền thống và theo sở thích của các nghệ nhân nên đầu ra đôi khi bị hạn chế, vì chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sau này, các nghệ nhân trẻ làm chủ DN đã chịu khó đầu tư tìm hiểu kỹ từng thị trường để sản xuất những sản phẩm gốm phù hợp với từng khung cảnh, nơi trang trí, song vẫn giữ được nét đặc trưng của gốm Biên Hòa - Đồng Nai nên đầu ra khá thuận lợi.
Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH Hiến Nam (TP.Biên Hòa) đang làm tượng gốm |
Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH Hiến Nam (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Gốm Biên Hòa ngày càng được nâng tầm, mỗi tác phẩm đều hội tụ giá trị nghệ thuật, xu hướng mới theo mùa và màu chủ đạo của từng năm. Vì thế, khách hàng nước ngoài rất ưa thích gốm Biên Hòa và đơn hàng đến với các DN nhiều hơn”.
Sản phẩm gốm của Công ty TNHH Hiến Nam ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa còn xuất sang châu Âu và nhiều nước trong khối ASEAN. Mẫu mã gốm khá đa dạng, gồm có tranh, các loại bình, đôn, tượng… Mỗi sản phẩm đều mang nét đặc trưng cuốn hút người mê gốm. Vì thế, mặt hàng gốm do nghệ nhân Ngọc Hiến làm ra thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều nước.
Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) |
Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ Đỗ Minh Sơn cho biết, mỗi khách hàng nước ngoài đến đặt hàng làm theo mẫu sẵn có, ông đều tìm hiểu kỹ sản phẩm đó để ở đâu, căn nhà rộng hay nhỏ, xây dựng theo hướng hiện đại hay cổ điển, màu sắc căn nhà, rèm cửa... để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ làm tốt khâu này, sản phẩm gốm của Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ làm ra thường phù hợp với yêu cầu, sở thích của khách hàng. Điều này góp phần giúp gốm Biên Hòa được đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ, đồng thời đem đến cho người sử dụng sự hài lòng, thoải mái.
Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng nhận xét, những chủ cơ sở, DN gốm còn tồn tại với nghề đến hôm nay đều là những người yêu nghề, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống có bề dày cả trăm năm. Những nghệ nhân trẻ đã không phụ lòng lớp nghệ nhân đi trước, tiếp tục duy trì và đưa gốm Biên Hòa đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, khẳng định giá trị của mặt hàng này.
Thương hiệu gốm trang trí, gốm đen của Biên Hòa đã từng bước được nâng tầm và thị trường tiêu thụ sẽ không chỉ dừng ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn tiếp tục mở rộng.
Hương Giang