Báo Đồng Nai điện tử
En

Bản lĩnh và khát vọng Việt Nam

09:02, 06/02/2021

1. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan nhanh ra khắp thế giới, trở thành thảm họa toàn cầu, nhân dân cả nước vô cùng lo lắng và có phần hốt hoảng, vì nước ta có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 1.449km.

1. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan nhanh ra khắp thế giới, trở thành thảm họa toàn cầu, nhân dân cả nước vô cùng lo lắng và có phần hốt hoảng, vì nước ta có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 1.449km. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có quy mô nhỏ và nền y học chưa phải hiện đại nên sự bất an càng dâng cao, khi người dân nhận thấy đại dịch lây lan nhanh ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội (tháng 6-2020). Ảnh: VGP
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội (tháng 6-2020). Ảnh: VGP

Đứng trước một tình thế đầy thử thách như vậy, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Đảng - Nhà nước đã bình tĩnh, chủ động đưa ra những biện pháp quyết liệt, linh hoạt để chủ động phòng, chống một kẻ thù vô hình nhưng lại là một “sát thủ” cực kỳ nguy hiểm. Với tư tưởng chỉ đạo và cũng là phương châm hành động “chống dịch như chống giặc”, Quốc hội, Chính phủ kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận cùng nhau hiệp lực, thực hiện thật tốt các biện pháp giãn cách xã hội, dù có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống, thu nhập của người dân. Đảng đã huy động cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở cùng vào cuộc với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, tự giác tham gia chống giặc Covid-19. Trong đó, ba lực lượng chủ công: y tế, quân đội và công an là lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu chống giặc. Trước kẻ thù chung của nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam, con cháu của các vua Hùng - thời đại Hồ Chí Minh, đã đồng sức, đồng lòng trước các biện pháp quyết liệt trong cuộc chiến sinh tử này, để tất cả cùng tiến lên phía trước, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhờ sức mạnh tổng hợp của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nên Việt Nam mặc dù là một quốc gia có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn yếu kém so với nhiều nước công nghiệp phát triển; song lại có số người mắc Covid-19 và tử vong thấp nhất, được thế giới đánh giá rất cao. IMF cho rằng: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, minh chứng một điển hình về một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học có ý nghĩa cho các quốc gia khác”. Hay như Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá: “Việt Nam đã ứng phó có hiệu quả đối với đại dịch Covid-19, trở thành một ngọn hải đăng sáng về cách làm với nguồn lực hạn chế”.

2. Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái nghiêm trọng, tác động mạnh mẽ đến chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam. Không chỉ chịu sức ép nặng nề “hai gọng kìm” của đại dịch và kinh tế suy giảm, Việt Nam còn phải chịu tác động mạnh do hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Bru-nây tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan (tháng 11-2020). Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Bru-nây tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan (tháng 11-2020). Ảnh: VGP

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đứng trước “những thách thức kép” như vậy, nhưng với sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, căn cơ ở tầm vĩ mô của Chính phủ và sự nỗ lực của công nhân, nông dân và sự quản trị linh hoạt của cộng đồng doanh nhân, kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn phát triển theo chỉ số dương. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 và bão lũ liên tiếp nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,9%, là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương.

Nhìn bức tranh kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng âm 4,5%, mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước, với mức thiệt hại ít nhất hơn 5 ngàn tỷ USD, mới thấy bản lĩnh và khát vọng “dân giàu, nước mạnh” của Việt Nam mạnh mẽ như thế nào.

3. Cùng với tập trung “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tốt nhất tính mạng người dân và năng động rút ngắn sự suy giảm kinh tế, Việt Nam vẫn kiên trì kiên quyết chống giặc nội xâm  - tham nhũng như đã cam kết với quốc dân và thế giới.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, toàn bộ hệ thống tư pháp đã vượt qua đại dịch, quyết liệt tiến công vào “giặc nội xâm”, để bảo vệ chế độ. Những con số như: thanh tra các cấp tiến hành hàng chục ngàn cuộc thanh tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi 445 ngàn tỷ đồng và 1.400ha đất; kiểm toán Nhà nước kiểm tra tài chính, kiến nghị thu hồi 547 ngàn tỷ đồng và cơ quan điều tra khởi tố 531 vụ án với 1.295 bị can là những con số đầy thuyết phục. Chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chống “giặc nội xâm”, một trong những nguy cơ đối với chế độ và Đảng cầm quyền.

  Nỗ lực và thành quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh: VGP
Nỗ lực và thành quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh: VGP

Đặc biệt là việc đưa ra xét xử vụ cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cẩm với tội danh thật đáng chê trách, là nâng khống giá thiết bị xét nghiệm virus gây bệnh Covid-19 để bỏ túi riêng. Dư luận lên án, vì trong lúc đồng bào, đồng nghiệp, chiến sĩ cả nước đang tập trung chống giặc, thì một ông bác sĩ lại phản bội, đầu hàng bằng hành vi tham nhũng.

Có thể nói, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vẫn liên tục được tiến hành một cách kiên quyết, bằng những “bàn tay sạch, bàn tay sắt”, để xây dựng bộ máy công quyền ngày càng trong sạch, liêm chính.

Tất nhiên, cuộc chiến này vẫn phải tiếp tục một cách kiên trì với những cơ chế, biện pháp ngày càng chặt chẽ trong việc kiểm soát quyền lực, làm cho những người tùng sự trong bộ máy công quyền không dám tham nhũng.

Cùng với việc quyết liệt chống giặc vô hình và kiên quyết chống giặc hữu hình, nỗ lực điều khiển chỉ số kinh tế tăng trưởng dương, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, trở thành một điểm sáng trên bức tranh u ám của toàn cầu.

Năm 2021, năm mở đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, năm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2030-2045, để tiếp tục năng động sáng tạo đi trên con đường “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bằng bản lĩnh và khát vọng Việt Nam, con cháu các vua Hùng - thời đại Hồ Chí Minh nguyện thề quyết tâm giữ vững cơ đồ, làm cho đất nước ngày càng phồn vinh như di nguyện của Bác Hồ.         

Mai Sông Bé

 

Tin xem nhiều