Trong năm học 2019-2020, "trường học hạnh phúc" đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng.
Trong năm học 2019-2020, “trường học hạnh phúc” đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng. Trong “hệ sinh thái hạnh phúc” đó, hiệu trưởng là người đóng vai trò chủ chốt và học sinh là chủ thể được quan tâm nhất.
Cô Lý Thị Lũy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Điền (huyện Tân Phú) bên cạnh học sinh trong Phòng Sáng tạo |
* “Cô hiệu trưởng” thân thiện
Giờ ra chơi, đám học trò chạy ùa đến phòng “cô Hiệu trưởng”. Đây là cách gọi thân mật mà học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) vẫn thường dùng để chào hỏi cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường. Trong giờ làm việc, Phòng Hiệu trưởng luôn mở. Cửa phòng lắp kính trong suốt nên chỉ cần nhìn qua là biết “cô Hiệu trưởng” có trong phòng hay không.
Ngay trong ngày đầu tiên nhập học, đích thân cô Ngọc đi đến từng lớp học, nhất là khối lớp 1, để chào hỏi học sinh. Cô căn dặn: “Nếu có khó khăn gì thì các con cứ đến gặp cô để nói chuyện”. Vì thế, có chuyện to chuyện nhỏ gì, các em cũng chạy đến Phòng Hiệu trưởng để kể; hay đơn giản chỉ đến chào hỏi cô để được cô cho kẹo.
Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, TP.Biên Hòa (người mặc áo xanh) tham gia gói quà để tặng học sinh lớp 1 nhân ngày khai giảng năm học mới |
Cô Ngọc cho rằng, hiệu trưởng không nên tạo khoảng cách với học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường. Hiệu trưởng phải tạo được động lực cho giáo viên khi đến trường, khiến họ luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái và sẵn sàng chia sẻ với Ban giám hiệu về những khó khăn của mình. “Khi có sự chia sẻ, thấu hiểu thì tập thể giáo viên, nhân viên sẽ chung vai gánh vác với mình trong mọi công việc. Giáo viên cũng cần cảm thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Đối với học sinh, tôi cho rằng, một ngôi trường hạnh phúc là ở đó các em được yêu thương, tôn trọng, được an toàn; được thoải mái, tự do; được say mê khám phá những kiến thức, kỹ năng của mình…”.
Ngày khai giảng, trong khi học sinh những trường khác phải đứng dậy để chào đón đại biểu thì tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, chính thầy cô giáo và đại biểu lại đứng lên để chào đón học sinh khối 1 vào trường. Đó là một trong những hành động thể hiện sự tôn trọng của thầy cô giáo dành cho học sinh. Cô Ngọc cho rằng, tôn trọng học sinh cũng chính là một cách để khích lệ các em trong học tập.
Cô Hoàng Thị Ngọc đến thăm và trò chuyện với các học sinh |
Em Võ Nguyễn Tường Vy (học sinh lớp 5/5 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh) chia sẻ: “Trong trí tưởng tượng của con, Hiệu trưởng phải là người có vẻ ngoài nghiêm khắc và dữ. Vì vậy, con cảm thấy rất vui, thoải mái khi đi học và tiếp xúc với cô Hiệu trưởng. Cô của con hiền và rất quan tâm các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dịp Tết, cô thường tặng quà cho các bạn để động viên các bạn trong học tập. Nhờ sự thân thiện của cô và các thầy cô khác trong trường mà con luôn cảm thấy vui khi đến trường”.
* Trao hạnh phúc, sự công bằng cho mỗi học trò
Đối với học sinh Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú), Phòng Sáng tạo là không gian yêu thích nhất của các em. Tại đây, các em có thể vẽ tranh, tô tượng, đọc sách, chơi cờ… Nhưng điều mà các em thích nhất chính là được tổ chức sinh nhật trong không gian này.
Nhiều năm nay, Trường Phú Điền thỉnh thoảng lại có học sinh tổ chức sinh nhật trên lớp. Những buổi “tiệc” sinh nhật này do phụ huynh chuẩn bị, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình. Những buổi sinh nhật ấy đem đến niềm vui cho nhiều học trò nhưng cũng khiến không ít em tủi thân, bùi ngùi.
Ở cái xã vùng sâu này, nhiều hộ gia đình còn rất nghèo. Phụ huynh phải lo chạy ăn từng bữa nên không để ý đến những niềm vui giản đơn của trẻ trong ngày sinh nhật. Thấu hiểu những thiệt thỏi của những học sinh nghèo và mong muốn tạo dựng môi trường hạnh phúc cho các em, cô Lý Thị Lũy, Hiệu trưởng nhà trường cùng với các thầy cô giáo đã quyết định thiết kế không gian tổ chức sinh nhật chung cho học trò.
Cô Lý Thị Lũy tặng quà cho các học sinh trong ngày sinh nhật |
Tiêu chí đặt ra là vui, tiết kiệm và ai cũng được thụ hưởng. Vì thế, tự tay cô Lũy và các giáo viên đã đi mua một bức rèm, dòng chữ “Happy Birthday”, làm thêm một số vật trang trí khác. Với số tiền chỉ vỏn vẹn 200 ngàn đồng nhưng học sinh Trường tiểu học Phú Điền đã có được một không gian tổ chức sinh nhật thật tươm tất, đẹp mắt.
Mỗi tháng, các lớp sẽ chọn một buổi chiều để tổ chức sinh nhật cho các thành viên có sinh nhật trong tháng. Ngoài bánh kem là “món” đương nhiên phải có, tùy theo tình hình quỹ lớp mà cô giáo sẽ mua thêm bánh kẹo, trái cây, nước ngọt... Buổi tiệc sinh nhật nào cũng có thành viên trong Ban giám hiệu đến dự và tặng quà sinh nhật cho các em. Quà tặng thường là tập vở, các dụng cụ học tập khác được gói cẩn thận và đẹp mắt. Với khoảng 600 học sinh, dự kiến mỗi năm trường phải chi khoảng 20 triệu đồng tiền quà mừng sinh nhật. Số tiền này chủ yếu do cô Lũy và các giáo viên trong trường vận động mạnh thường quân ủng hộ.
Chia sẻ về hoạt động này, cô Lũy xúc động nói: “Chúng tôi mong muốn mang đến niềm vui và sự bình đẳng cho tất cả các em học sinh, để những học sinh dù nghèo đến đâu cũng có được một sinh nhật vui vẻ, đáng nhớ như các bạn bè cùng trang lứa. Món quà này cũng là động lực tinh thần để mỗi ngày đến trường thật sự là một niềm vui đối với các em”.
Ở Trường tiểu học Phú Điền, học sinh luôn có không gian thoải mái, thân thiện, an toàn để các em vui chơi, học tập. Trong giờ ra chơi, các em có thể đến thư viện đọc sách, tụ tập ở sân chơi hay nhởn nhơ ra sau vườn để… bắt tắc kè. Để có được không gian an toàn, thân thiện này, đích thân cô Lũy và các giáo viên khác tự tay làm lấy mọi việc. Các thầy cô sơn màu lên những lốp xe ô tô cũ, dùng len nhiều màu sắc để trang trí bên trong; chặt tre, đan lá dừa làm cổng chào vào khu thư viện; vẽ tranh trang trí trong thư viện, Phòng Sáng tạo; trồng nhiều cây xanh trong sân trường… Không gian này cũng góp phần không nhỏ trong việc mang đến niềm vui, sự thoải mái cho học sinh mỗi ngày đến trường.
* Trường học hạnh phúc
Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), được triển khai thí điểm vào tháng 4-2018 ở một số trường học tại TP.Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Theo đó, UNESCO xác định 22 tiêu chí để tạo ra những gì họ xem là Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P. Chữ P đầu tiên là People (con người), gồm các tiêu chí: tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Chữ P thứ 2 là Process (Hệ thống), bao gồm các yếu tố như: khối lượng công việc hợp lý và công bằng, tinh thần hợp tác và làm việc nhóm, phương pháp giảng dạy và học tập hấp dẫn, học tập tự do, sáng tạo… Đây là các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế để vận hành ngôi trường một cách hợp lý. Chữ P thứ ba là Place (Môi trường), bao gồm các yếu tố như: môi trường học tập thân thiện, an toàn, không gian xanh…
Ngày 22-4-2019, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ phát động Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu ra 3 yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Theo ông, đây cũng chính là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu thực hiện.
Tháng 11-2019, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc. Hội thảo có sự tham gia của 400 cán bộ quản lý các trường học từ bậc mầm non đến THPT. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm lan tỏa thông điệp xây dựng “Trường học hạnh phúc” đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Trong “Trường học hạnh phúc”, học sinh là chủ thể quan trọng nhất nhưng cả đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường và phụ huynh cũng đều cần phải cảm thấy được hạnh phúc trong quá trình giáo dục trẻ. Như vậy, trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc.
Hải Yến