Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội

03:01, 16/01/2020

Xác định xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức có vai trò to lớn, là nhiệm vụ then chốt đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, tại Đồng Nai công tác xây dựng Đảng đã được chú trọng thực hiện bám sát với tình hình của địa phương và đạt được những kết quả quan trọng.

Xác định xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức có vai trò to lớn, là nhiệm vụ then chốt đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, tại Đồng Nai công tác xây dựng Đảng đã được chú trọng thực hiện bám sát với tình hình của địa phương và đạt được những kết quả quan trọng. Đây cũng là điều kiện, tiền đề cho những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định các đồng chí tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định các đồng chí tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Huy Anh

* Tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị

Nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tinh gọn nhưng hoạt động phải hiệu lực, hiệu quả, từ đó góp phần to lớn nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18) và Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị quyết 19) được Ban TVTU Đồng Nai xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo triển khai trên địa bàn.

Nhận định về kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru cho rằng, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được sắp xếp đảm bảo theo hướng tinh gọn giảm nhiều đầu mối, cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo. Từ đó khắc phục dần tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ thống nhất và tập trung được các nguồn lực, hiệu quả hoạt động cũng được nâng lên. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các cơ quan từng bước được hoàn thiện, ổn định sau sắp xếp...

Mặc dù quá trình thực hiện nghị quyết tác động trực tiếp tới các cơ quan, đơn vị và nhiều cán bộ, đảng viên, nhưng với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đến nay tỉnh đã giảm 60 phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; 46 phòng thuộc chi cục trực thuộc sở; 126 chức danh lãnh đạo phòng…

Nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp cơ quan chuyên môn theo chủ trương của Tỉnh ủy. Các mô hình thí điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý và kiêm nhiệm công việc để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.

Cùng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18, các đơn vị trong tỉnh đã tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, giảm 2 lãnh đạo cấp sở; giảm 98 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành và UBND huyện; giảm 106 đầu mối phòng/khoa của đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp; giảm 104 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, 133 chức danh lãnh đạo cấp phòng trực thuộc đơn vị sự nghiệp.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18, 19, kinh nghiệm của Đồng Nai chính là làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Đi cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất và đồng thuận khi tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần xác định đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp phải xuất phát từ thực tiễn, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế mỗi đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện tỉnh luôn chú ý những yêu cầu về nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tính ổn định tương đối, tích cực, tránh chủ quan, nóng vội và thay đổi nếp nghĩ, cách làm không còn phù hợp…

* “Chăm lo cái gốc” của mọi công việc

Nhiệm vụ quan trọng đang được các cấp ủy Đảng tập trung thực hiện là chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến nay đã có 194/3.534 chi bộ trực thuộc tổ chức đại hội.

Có thể nói, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Đồng Nai thực hiện chỉ đạo của Thường trực, Ban TVTU và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ về việc thi tuyển công chức, viên chức và nâng ngạch công chức khối Đảng, đoàn thể năm 2019. Qua đó, đã lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng vào công tác tại các cơ quan khối Đảng, đoàn thể.

Song song với xây dựng tổ chức, việc thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng về đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự phát triển của Đảng. Hằng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh đạt gần 80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, nắm chắc tình hình cơ sở đồng thời để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống, Ban TVTU đã ban hành Quy định các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư.

Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (khóa X). Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (khóa X). Ảnh: Huy Anh

Các giải pháp phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tập trung thực hiện đồng bộ. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm thông qua hàng loạt cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy các địa phương, đơn vị với nhân dân. Nhấn mạnh về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất  là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, phải làm cho việc học tập và làm theo Bác thấm sâu vào từng cá nhân, đơn vị, thể hiện bằng những hành động cụ thể, thực chất.

Không ngừng bổ sung đội ngũ kế thừa và phát triển liên tục của Đảng, các Đảng bộ cấp trên cơ sở đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới. Đến cuối tháng 11-2019, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đã kết nạp được 4.022 đảng viên mới, đạt tỷ lệ 5,05% so với tổng số đảng viên cuối năm 2018, vượt chỉ tiêu phát triển Đảng năm 2019 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Với Đảng bộ có hơn 80 ngàn đảng viên, việc thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới 5-6%/năm là nỗ lực không hề nhỏ.

Để đảm bảo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được xác định đúng đắn và chấp hành triệt để, công tác kiểm tra, giám sát Đảng trên địa bàn tỉnh đang tăng dần tính hiệu lực, hiệu quả, từng bước được đổi mới theo quan điểm của Đảng, có trọng tâm, trọng điểm và “không có vùng cấm”. Nội dung kiểm tra, giám sát cũng đã chạm tới các mặt, các lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm được nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm như: công tác cán bộ, tham nhũng, quản lý đất đai, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu…

* Điểm sáng về phát triển Đảng trong doanh nghiệp

Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước được coi là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là với Đồng Nai - địa phương có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút trên 2.500 dự án, trong đó có trên 1 ngàn dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, với những giải pháp đồng bộ, sáng tạo và sát hợp thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sớm được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và có những chuyển biến tích cực; góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị - xã hội của người lao động, khẳng định vai trò của Đảng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến ngày 30-11-2019, toàn Đảng bộ có 693 tổ chức cơ sở Đảng, bao gồm 311 chi bộ cơ sở và 382 Đảng bộ cơ sở (với 3.514 chi bộ trực thuộc), giảm 48 tổ chức cơ sở Đảng so với cuối năm 2018; với 82.674 đảng viên, trong đó 31.556 đảng viên nữ; 5.292 đảng viên dự bị.

 

Thực hiện phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng”, đến nay toàn tỉnh có 124 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với 344 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và 7.078 đảng viên. Trong đó có 35 tổ chức cơ sở Đảng và 975 đảng viên trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 Những “nút thắt” trong công tác này cũng đã và đang được tháo gỡ, nhờ đó nhiều tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh ra đời sớm và từng bước phát huy vai trò, vị trí của mình đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; trở thành hạt nhân chính trị quan trọng, đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các nhà đầu tư nước ngoài và đông đảo công nhân lao động. Ông Huỳnh Văn Hải, Bí thư Đảng ủy Công ty Changshin - một trong những tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI ra đời sớm nhất tại Đồng Nai hiện có trên 200 đảng viên (trong đó có 40% đảng viên là công nhân lao động trực tiếp tại các phân xưởng) cho rằng, từ khi đứng vào hàng ngũ Đảng, chuyển biến mạnh mẽ nhất của đội ngũ đảng viên, nhất là lao động trực tiếp là thái độ, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của công ty, tác phong công nghiệp được nâng lên rõ nét. Chính các đảng viên cũng đã lan tỏa cảm tình Đảng cũng như tinh thần làm việc trách nhiệm đến với những lao động khác, từ đó góp phần hình thành đội ngũ công nhân có bản lĩnh, tri thức, văn hóa…

Hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp cũng đã được đổi mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếng nói, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp từng bước được khẳng định. Tại Chi bộ Công ty Pouchen Việt Nam
(TP.Biên Hòa), doanh nghiệp đã bố trí phòng họp rộng hơn 200m2 để chi bộ sinh hoạt, tạo điều kiện để đảng viên tham gia sinh hoạt một buổi vào ngày 3 hằng tháng và được hưởng nguyên lương.

Thực tế cho thấy, công tác phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI không thể thiếu vai trò của Công đoàn - tổ chức đại diện cho người lao động. Thông qua hoạt động của mình, từ năm 2014 đến nay, các cấp Công đoàn tỉnh đã giáo dục, lựa chọn, bồi dưỡng và giới thiệu trên 22.700 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó có 1.320 công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, để hỗ trợ thành lập và duy trì tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI còn non trẻ, Đồng Nai cũng áp dụng thành công mô hình đưa các cán bộ Công đoàn xuống cơ sở để phát triển tổ chức.

Việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã khó nhưng duy trì hoạt động hiệu quả càng khó hơn. Do đó, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên là rất cần thiết để tổ chức Đảng mới thành lập có thể định hình tổ chức, phát huy vai trò của cấp ủy trong việc đề ra chương trình, phương thức hoạt động thiết thực, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, từng bước tạo dựng niềm tin, uy tín với chủ doanh nghiệp. Mới đây, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 13-9-2019 về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Cùng với đó là quyết định kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc 07 nhằm đẩy mạnh công tác này và hướng tới mục tiêu thành lập 10 tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI trong năm 2020. 

Có thể nói thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng nói chung và trên địa bàn Đồng Nai nói riêng phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm bảo đảm vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Năm 2020, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cùng với cả nước, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn Đồng Nai đã và đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng với quyết tâm chính trị cao nhất. Trong đó có việc chuẩn bị tốt đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, tạo đà hiện thực hóa mục tiêu đưa Đồng Nai phát triển nhanh, bền vững trong năm mới 2020 và những năm tiếp theo…

Nhật Nguyên

Tin xem nhiều