Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ những 'hạt giống đỏ'…

08:01, 16/01/2020

Cách đây gần 20 năm, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam có chuyển cho người viết tập tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam về những tờ báo của Đảng bộ miền Đông Nam kỳ, có nội dung giàu tính chiến đấu, được in ấn, phát hành ở Biên Hòa vào các năm 1930-1931.

Cách đây gần 20 năm, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam có chuyển cho người viết tập tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam về những tờ báo của Đảng bộ miền Đông Nam kỳ, có nội dung giàu tính chiến đấu, được in ấn, phát hành ở Biên Hòa vào các năm 1930-1931.

Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều. Ảnh: Công Nghĩa
Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều. Ảnh: Công Nghĩa

1. Những tờ báo của một thời ấy, phần nào đã phản ảnh vào những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước, ở Biên Hòa đã có những người cộng sản hay những người yêu nước có cảm tình với cộng sản mới dám làm quốc sự, viết những nội dung yêu nước, kêu gọi lòng ái quốc, đấu tranh chống thực dân phong kiến và in ấn, phát hành, đọc báo cộng sản.

Sau này, qua nghiên cứu các nguồn dữ liệu khác nhau, mới thấy rằng: Từ những “hạt giống đỏ” của Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà phần lớn họ đều là những người có học thức, được Nguyễn Ái Quốc ươm mầm từ thời dựng Đảng năm 1925 như: Nguyễn Xuân Cừ, Ngô Gia Tự, Châu Văn Liêm, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Trọng Nhã... đều lần lượt đi “vô sản hóa” trong các cơ sở sản xuất ở tỉnh Biên Hòa hồi ấy. Những người cộng sản đầu tiên này, đã bí mật truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, khơi gợi lòng yêu nước cho công nhân, nông dân, trí thức Biên Hòa. Họ vốn là những người khát khao độc lập, mưu cầu giải phóng dân tộc  - mà nói một cách hình tượng, họ như những chiếc lò xo bị dồn nén, hòn than âm ỉ, đã bật lên và bùng cháy, khi được giác ngộ bởi các chiến sĩ cộng sản tiên phong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho tỉnh Đồng Nai và Bằng công nhận tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2019. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho tỉnh Đồng Nai và Bằng công nhận tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2019. Ảnh: TTXVN

Một trong những người ấy là Lưu Văn Viết, quê ở làng Bình Phước, tổng Phước Vĩnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa. Lưu Văn Viết được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1930, nhưng được ai giới thiệu để Đảng kết nạp, vào Đảng ngày tháng nào, lịch sử không thấy ghi. Song, lịch sử ghi rất rõ năm 1933, sau một thời gian tạm lánh, Lưu Văn Viết xuất hiện trở lại trong vai một người bán bánh mì với chiếc xe đạp cọc cạch, đồng chí đi khắp nơi trong tỉnh để bí mật tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tập hợp quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước. Tại “nhà thương điên” Biên Hòa, nay là Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Lưu Văn Viết đã kết nạp em trai của mình là Lưu Văn Văn vào Đảng Cộng sản. Thông qua Lưu Văn Văn, một số nhân viên bệnh viện cũng được giác ngộ trở thành những cảm tình của Đảng và tại làng Bình Phước, Lưu Văn Viết cũng tuyên truyền, tổ chức các cơ sở trong thanh niên, học sinh yêu nước ở Trường tiểu học Bến Cá. Từ đó, một số đảng viên mới như: Huỳnh Văn Phan, Phạm Văn Khoai, Trần Minh Triết, Quách Sang, Quách Tỷ, Phạm Văn Thuận, Huỳnh Dân Sanh, Huỳnh Văn Luỹ... lần lượt được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ những đảng viên này, năm 1935, Chi bộ Bình Phước - Tân Triều được thành lập, do đồng chí Hoàng Minh Châu - một người được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về làm Bí thư.

2. Mười năm sau, những đảng viên cộng sản của Chi bộ Bình Phước - Tân Triều đều là những hạt nhân nòng cốt lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân trong những ngày tháng

8-1945 sôi sục. Từ đó, những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa đến những người ưu tú được kết nạp Đảng sau này, đã đồng hành cùng cả nước đi suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đầy gian khổ, hy sinh, làm nên những chiến công lừng lẫy - mà nói như nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, người có 10 năm tuổi thơ gắn bó với làng Bửu Long - Bình Phước - Tân Triều - Trường Bến Cá: “Với niềm tự hào chính đáng của một địa danh làm vui lòng Tổ quốc bằng những chiến công vang dội núi sông và thế giới...”. Trong hành trình gian khổ suốt 10 ngàn ngày đêm ấy, có hàng ngàn đảng viên cộng sản và hàng chục ngàn người con ưu tú của xứ Biên Hòa - Đồng Nai đã anh dũng ngã xuống vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), người ta ghi nhận toàn Đảng bộ Đồng Nai, gồm cả Bà Rịa - Vũng Tàu có 6.810 đảng viên cộng sản. Phần lớn trong số họ đều bước ra từ cuộc chiến tranh và đi thẳng vào mặt trận kinh tế, tiến hành công cuộc lao động hàn gắn vết thương chiến tranh trong bối cảnh “Lụt Bắc, lụt Nam máu đầm đìa biên giới”. Vậy mà với bản lĩnh của những người cộng sản từng trui rèn trong lửa đỏ chiến tranh, lại được thử thách trong thực tiễn sinh động ở một địa bàn có hàng chục đồn điền cao su, gần cả trăm nhà máy, xí nghiệp với mấy chục ngàn công nhân cao su và công nhân Khu công nghiệp Biên Hòa, những người cộng sản Đồng Nai đã vượt qua những thách thức của bao vây, cấm vận và cơ chế quan liêu bao cấp để chủ động tìm hướng đi lên.

Khu công nghiệp Biên Hòa 2 - khu công nghiệp thành công nhất thời “mở cửa” làm tiền đề cho Đồng Nai phát triển mạnh về công nghiệp. Ảnh: KHẮC GIỚI
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 - khu công nghiệp thành công nhất thời “mở cửa” làm tiền đề cho Đồng Nai phát triển mạnh về công nghiệp. Ảnh: KHẮC GIỚI

Trong nông nghiệp, nếu như ông Năm Bình (nguyên Giám đốc Ty Nông nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) không chịu cải tạo đưa vào hợp tác hóa vườn cây ăn trái, vườn cà phê; thì đối với cây lúa, từ năm 1979-1980, Tập đoàn sản xuất ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đã thực hiện “khoán chui” với năng suất cao gấp đôi, gấp ba lần nơi khác, mặc dù đất đai ở đây xấu hơn những nơi khác trong huyện. Trong sản xuất công nghiệp, công nhân các nhà máy ở khu công nghiệp đã liên tục phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, vận hành cơ chế “tự cân đối 4 nguồn khả năng”, tạo sự hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, tập thể và người lao động nên tiếng máy ở Khu công nghiệp Biên Hòa vẫn chạy đều đều. Chính vì vậy, khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, thì những người cộng sản xứ Đồng Nai đã có những bài học thực tiễn hết sức sinh động để mạnh dạn tháo gỡ cơ chế quan liêu bao cấp, giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp, phân phối lưu thông mà không chút ngập ngừng do dự. Một trong những quyết đoán năng động ấy, là việc Ban TVTU chủ trương thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và đồng ý để đơn vị này cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất để lấy vốn xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Biên Hòa 2, mặc dù Trung ương chưa có chủ trương. Từ sự xé rào là bung ra này, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 trở thành khu công nghiệp thành công nhất nước ta thời bấy giờ, mở ra tiền đề để Đồng Nai tiếp tục xây dựng 32 khu công nghiệp như hiện có.

Nhờ sự quyết đoán táo bạo này, Đồng Nai đã tạo nên dáng đứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữa đất trời Tổ quốc Việt Nam và đang chủ động hội nhập phát triển một cách sáng tạo.

Đến nay, Đảng bộ Đồng Nai đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XI với tổng số đảng viên lên đến hơn 82 ngàn người, gấp hơn 10 lần so với Đại hội lần thứ I. Họ đang lãnh đạo, đồng hành cùng hơn 3 triệu nhân dân Đồng Nai thực hiện tuyên ngôn chính đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với tư cách một cực tăng trưởng của vùng tứ giác động lực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những người cộng sản Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần làm cho thế nước với quốc lực ngày càng hùng mạnh và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tất nhiên, Đồng Nai một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam cũng đứng trong tư thế của sự thăng hoa trên tất cả các bình diện về kinh tế - xã hội. Đất và người Đồng Nai vẫn luôn mang trong mình tâm thế của truyền thống 85 năm Chi bộ Bình Phước - Tân Triều với “lá gan lớn” của những người can trường, nghĩa hiệp, sẵn sàng sống và chết vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân bằng tầm nhìn xa trông rộng, ít nhất phải nhìn đến giữa thế kỷ 21 hoặc xa hơn nữa. Những người cộng sản Đồng Nai với tư duy và tầm nhìn như vậy, đã, đang và sẽ có kế sách của một thế hệ có cái đầu IQ sáng như đèn pha để đi thẳng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất nhiên, trong quá trình đi lên của Việt Nam, Đồng Nai của thời xây dựng hòa bình, hội nhập với những luật chơi nghiêm ngặt của thế giới, chúng ta phải tuân thủ bằng những cái đầu tỉnh táo, thông tuệ với bản lĩnh và ý chí Việt Nam.

Thời nào cũng vậy, lúc thắng lợi cũng có hy sinh và khi thoái trào cũng có mất mát, đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng mỗi lần hy sinh, mất mát chúng ta đều rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu để tìm kế sách đi lên mạnh mẽ hơn nữa. Với hơn 82 ngàn đảng viên cộng sản so với hơn 4,5 triệu đảng viên của cả nước, những người cộng sản Đồng Nai không nhiều nhưng họ với vai trò của mình đã có đóng góp rất quan trọng và có ý nghĩa đối với đất nước. Đó là sự khẳng định được chứng minh từ thực tiễn sinh động của hơn 30 năm đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Mai Sông Bé

 

Tin xem nhiều