Nửa khuya, nhạc sĩ Trần Vỹ nhận được tin nhắn của học trò cũ: "Bé Bồng mẹ tròn con vuông rồi thầy ạ. Nó sinh con gái, nặng 3,4 kg". Có vậy thôi mà ông thao thức không ngủ được, dò dẫm ra phòng khách, ngồi câm lặng bên cây đàn dương cầm. Đây là tài sản quý nhất của ông, cũng là thứ giúp ông ghi lại nhiều kỷ niệm trong đời, bởi bao thế hệ học trò đã tập với cây đàn này...
Nửa khuya, nhạc sĩ Trần Vỹ nhận được tin nhắn của học trò cũ: “Bé Bồng mẹ tròn con vuông rồi thầy ạ. Nó sinh con gái, nặng 3,4 kg”. Có vậy thôi mà ông thao thức không ngủ được, dò dẫm ra phòng khách, ngồi câm lặng bên cây đàn dương cầm. Đây là tài sản quý nhất của ông, cũng là thứ giúp ông ghi lại nhiều kỷ niệm trong đời, bởi bao thế hệ học trò đã tập với cây đàn này. Hơn hai mươi năm trước, bé Bồng ngồi ở đây, đúng chỗ này... Ông đã xúc động rơi nước mắt khi thấy con bé sung sướng thế nào khi được sử dụng một cây dương cầm chính hiệu. Ông rung động từ đáy tim bởi tiếng đàn non nớt nhưng chứa đầy yêu thương, mơ ước của nó... Từ đó ông theo dõi nó lớn lên, khuyến khích nó học... rồi lặng lẽ chứng kiến con bé đi tìm một ngã rẽ để mưu sinh, khi cha mẹ ly tán. Ông giữ im lặng cả khi nó quyết định lập gia đình ở cái tuổi hai mươi, lòng ông đau như cắt bởi không giúp được gì cho đứa học trò cưng. Bây giờ thầy thì đã ở đoạn xế chiều, trò cũng sắp bước vào tuổi trung niên, nhưng ông vẫn cảm thấy chưa yên lòng...
Ảnh minh họa |
Vợ ông lò dò bước ra. Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng, nhưng hễ ông khó ngủ là bà cũng khó ngủ, cái cảnh hai vợ chồng già ngồi bên cây đàn cũ là cái cảnh thường ngày. Nhìn thấy bà, nhạc sĩ liền cằn nhằn vì ông có phải là trẻ con đâu mà cứ kè kè bên cạnh cả ngày lẫn đêm... Nhìn thấy chiếc điện thoại trước mặt ông, bà lại cằn nhằn vì sao lớn tuổi rồi mà không bỏ được cái thói đa đoan, đa sầu đa cảm. Mặc dù bà chưa biết ông đang nghĩ về chuyện gì... Thông thường những tình huống như thế này sẽ dẫn đến tranh cãi qua lại không dứt, hoặc trở thành “chiến tranh lạnh” kéo dài cả ngày.
- Có nhiều chuyện... khó ngủ quá!
Bà so lại khăn choàng trên cổ và vai, rồi khe khẽ ngồi xuống, hai người ngồi gọn trên cái đôn ghế bọc nỉ. Thực ra thì bà chẳng còn nhiều sức lực mà chỉ có thể nhẹ nhàng, khe khẽ thế này thôi. Bà dạo một khúc đàn. Nắp đàn từ lâu đã mở sẵn. Bà quay sang nhìn ông, cái nhìn dịu dàng hơn nửa thế kỷ không hề thay đổi, và run run khàn khàn nói với ông:
- Thôi, đánh một bản nhạc cho ông nghe dễ ngủ nhé. Ông thích nghe bài nào hở ông?
Bà hỏi vậy nhưng ông không trả lời, chỉ im lặng nhìn ra cửa sổ, nơi khung trời xám xịt, le lói ánh đèn khuya. Bà đặt tay lên phím. Đó là khoảnh khắc chờ đợi ông luôn cảm thấy chơi vơi kỳ lạ. Nàng Xuân, đó gần như là sự lựa chọn duy nhất của bà...
Bà run tay chạm vào phím. Nhưng những ngón tay đã cứng đờ không còn đánh được những hợp âm luyến láy mà khi xưa Trần Vỹ viết lên trong khoảnh khắc cảm xúc dâng trào. Nghe những âm thanh rời rạc, yếu ớt, ông đặt tay lên tay bà để dìu bà nhấn phím. Bà cười sung sướng, mãn nguyện, đuôi mắt và khóe miệng móm mém cũng rung rung theo nhịp tay của hai người. Ông biết, bà vui vì ông đã nhường nhịn, không để xảy ra cãi vã. Trên vai bà là chiếc khăn lụa vuông ông mua ở Hà Nội về tặng bà. Và vì ngồi sát bên bà, chạm vào chiếc khăn nghe sột soạt, chạm vào những ngón tay gầy guộc run rẩy của bà... mà tự nhiên Trần Vỹ rùng mình nhớ lại cái thuở xa xưa. Khi còn học ở Nhạc viện Hà Nội, chàng sinh viên đã phải lòng một thiếu nữ vừa đánh dương cầm vừa hát trong tiệc sinh nhật, và bản nhạc xuất sắc Nàng Xuân đã ra đời ngay trong đêm đó.
Đột nhiên, ông ngưng đàn, cầm tay bà lên, rưng rưng nhìn nó rồi... bật khóc. Bà giật mình nhìn ông, nhưng vẫn để yên bàn tay ấy cho ông ôm xiết vào lòng.
- Tay bà yếu hẳn rồi, thương quá. Không có bàn tay này tần tảo, tôi đã không có được ngày hôm nay. Tôi phải làm gì để bà trẻ đẹp, hạnh phúc như ngày xưa, hở bà...?
- Ôi - bà thở ra một hơi dài, tựa đầu lên vai ông - ông không đền được cho tôi đâu, bây giờ chỉ cần ông vui, ông khỏe là tôi mừng rồi...
***
Hai vợ chồng lại dắt díu nhau trở về giường ngủ. Căn hộ chung cư lại trằn trọc vì những câu chuyện của người già. Bà không nỡ gối đầu lên tay ông nên ông lấy cái khăn bông cho bà gối. Bà kể lại cảm giác bất ngờ và hạnh phúc như thế nào khi được một chàng nhạc sĩ trẻ măng viết tặng một bản nhạc, vào đúng cái sinh nhật đêm xuân ở tuổi 17. Vì cha mẹ bà theo Tây học nên đã chọn thời điểm ấy để giới thiệu con gái mình với giới thượng lưu, ngầm ý kén chọn một chàng rể. Nhưng định mệnh đặt bà vào tim, vào óc ông, giúp ông sáng tác nên tác phẩm Nàng Xuân và gắn chặt hai người với nhau. Vì không môn đăng hộ đối, bà chống lệnh của song thân để yêu ông; nhưng hai người nào có lấy được nhau. Bà lạc mất ông suốt ba mươi năm, thứ duy nhất nâng đỡ tâm hồn bà chính là Nàng Xuân với tất cả rạng rỡ, tin yêu của một tình yêu chân thành, vụng dại. Bà đã vịn vào đó mà sống với niềm tin sẽ có ngày gặp lại ông...
Trần Vỹ gác tay lên trán, nhìn vào khoảng không thăm thẳm. Ký ức mãnh liệt đến mức nó đã biến người thiếu nữ ấy trở thành bất tử. Làm sao ông có thể thổ lộ với bà trong suốt hơn ba mươi năm chia cách, rồi hai mươi năm tái hợp, cho đến bây giờ, ông vẫn cứ đi tìm lại khoảnh khắc đêm mùa xuân ấy, đường nét thanh tân ấy và giai âm của khúc đàn ấy. Dường như người ấy và người phụ nữ bên cạnh ông đây là hai người khác nhau, của cùng một sự hóa thân kỳ ảo, của những mộng tưởng xa vời...
Lần đầu tiên ông tìm lại được khoảnh khắc ấy là nghe con gái lớn của mình đánh trọn vẹn bản Nàng Xuân. Đứa con gái ông có với người vợ chính thức, nó vốn không có điểm nào giống với bà cả. Nhưng nhìn bàn tay con gái lướt trên phím dương cầm, ông như tìm thấy được bà, mắt ông hoa lên, trái tim loạn nhịp đến mức gần như ngất xỉu. Chính vì thế mà ông yêu quý đứa con ấy vô cùng, mặc dù khi nó lớn lên, gia đình không hạnh phúc nó đã chẳng còn yêu ông.
Lần thứ hai là khi đã về Trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh một thời gian, ông đã nghe lại đúng bản Nàng Xuân theo cách đánh của người yêu cũ. Khi ấy ông đứng dưới hành lang gần khoa dạy piano, trái tim cuồng loạn một lần nữa nhưng đôi chân không thể nào nhấc lên được. Mãi sau ông dò hỏi mới biết đó là người cháu gọi bà bằng cô đang học ở đây. Bà sống với cháu ở ngay trong thành phố này, nhiều năm trước khi gặp lại ông. Chính tiếng đàn đã giúp hai người tìm thấy nhau; và ông không chút đắn đo xách va li đến tìm bà, quyết không bỏ lỡ thêm một ngày nào nữa để được ở bên bà.
Thế nhưng dù đã được ở bên cạnh người thương, lòng ông vẫn cứ đau đáu kiếm tìm giai âm và nét tài hoa của thời quá vãng, mà không hiểu vì sao... Đêm này ông chợt hiểu, đời ông dù êm đềm hay sóng gió, nó chỉ là sự nối dài của khoảnh khắc vô song ấy. Con người có thể sống mãi với một thời khắc riêng, dù ai cũng hiểu cái bóng thời gian cứ dần che phủ lên cuộc đời mỗi người và cả loài người. Bé Bồng - nghệ danh là Vân Anh - cũng là một khoảnh khắc ông tìm lại được chính mình, khi cô bé đánh rất thành công bản nhạc Nàng Xuân, và nhiều bản nhạc ông viết sau này. Ông biết rằng quy luật cuộc đời hợp rồi phải tan, ông chỉ là một nhạc sĩ nghèo cả đời bôn ba khắp nơi, nên ông nén lòng lại. Nhưng nỗi đau nào lớn hơn sự hợp tan đời thường kéo theo cả cái chết của một tâm hồn nghệ sĩ, cái chết của những tâm hồn vốn gắn bó, đồng điệu tưởng rằng không có gì chia cách được... Nghĩ đến đây, ông quay sang vỗ về bà cố ngủ cho tròn giấc. Thành phố đang dần về sáng, đất trời cũng chuẩn bị quay lại mùa xuân, nhưng thời gian dành cho những người như ông thì...
***
Bé Bồng nhắn tin cho vợ chồng ông: “Con quyết định đi định cư ở nước ngoài với chồng, có an cư mới lạc nghiệp. Xin thầy cô cứ yên tâm và chúc phúc cho con". Ừ thì đó là quyết định khá hợp lý, hợp tình, bởi sau bao năm lận đận tình duyên, đứa học trò nhỏ của ông cũng tìm được bến đỗ mới. Ông tin là sau những trải nghiệm, mất mát thì ai rồi cũng rút ra được kinh nghiệm sống và có sự lựa chọn phù hợp. Ông bàn với vợ thuê một chiếc xe đi thăm mẹ con nhà Bồng, tặng một món quà trước ngày nó xuất ngoại. Có như vậy ông mới thấy nhẹ lòng.
Một vài năm sau đó, Bồng liên lạc với ông qua Facebook, hỏi ông tìm mua đàn cho con gái, hỏi ông về việc cho con học nhạc... Ông luôn luôn sốt sắng trả lời, không quên chia sẻ những chuyện “ở nhà”. Nhưng có một điều ông không dám hỏi là vì sao Bồng lại ít nhắc đến chồng?! Rồi đứa học trò cũ vốn rất thân với Bồng cho hay: Hôn nhân của Bồng một lần nữa trục trặc, vì Bồng không bỏ được âm nhạc. Làm kinh doanh với chồng thì buồn, mà đối diện với cây đàn thì cô đơn... Có lần cô bạn đó trải lòng trong cơn xúc động: “Con và Bồng đều không được may mắn, chúng con không gặp được người có sự bao dung và lòng kiên nhẫn giống như thầy”... Vợ ông chỉ cười: “Chúng nó sao hiểu ông bằng tôi, để tôi lựa lời tâm sự với chúng nó vậy...”.
Tháng chạp lại kéo theo những đêm mất ngủ, bởi thời tiết thay đổi là nó tìm ngay người già để hành hạ, kể cả thể chất lẫn tinh thần. Nắp đàn vẫn mở ngỏ, nhưng từ lâu tiếng dương cầm chẳng còn vang lên ở căn chung cư vắng lặng. Nửa đêm về sáng, Trần Vỹ cứ ngồi một mình ở phòng khách, tivi chẳng buồn mở, điện thoại cũng chẳng buồn xem.
Nhưng đêm ấy ông cứ chằm chằm nhìn vào điện thoại, xem đi xem lại hàng trăm lần bản nhạc Nàng Xuân do con gái Bồng trình diễn. Nó mới hơn 8 tuổi và được mẹ mua cho riêng một cây đàn. Bồng đăng trên Facebook: “Gửi cho ông ngoại Nàng Xuân “phiên bản 2020”, bản nhạc tình yêu của ông ngoại dành cho bà ngoại". Nó canh giờ để gửi clip vào giờ ăn tối cho hai vợ chồng ông cùng xem. Bà đã khóc vì vẻ mặt hồn nhiên, xinh xắn của cô bé, vì bản nhạc của ông dành riêng cho bà đã vang lên ở tận trời Âu, giữa một mùa đông lạnh giá... Bà tưởng tượng ra đủ thứ, cười nói rất nhiều, và đêm đến bà nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, một giấc ngủ rất ngon lành. Song ông thì không tài nào chợp mắt được. Cả một đời tìm kiếm, ông đã tìm thấy cái điều cứu cánh cho cuộc đời chưa?
Đêm cạn rồi, nhạc sĩ Trần Vỹ đứng lên, tìm giấy bút và ngồi xuống bên chiếc dương cầm cũ kỹ. Ông cần phải viết những bản nhạc mới, không phải vì nhớ hay muốn quên Nàng Xuân và đi tìm những thành công mới. Ông cần phải viết để cuộc sống tiếp tục cuộc hành trình của nó, sao cho khỏi phí hoài những năm tháng còn lại của đời người.
Trần Thu Hằng