Cuối tháng 11-2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) giai đoạn 1. Như vậy, dự án Sân bay Long Thành sẽ có thời gian thực hiện từ năm 2020-2025. Đây là dự án lớn nhất của quốc gia được xác định sẽ là động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Cuối tháng 11-2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) giai đoạn 1. Như vậy, dự án Sân bay Long Thành sẽ có thời gian thực hiện từ năm 2020-2025. Đây là dự án lớn nhất của quốc gia được xác định sẽ là động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Đồ họa thể hiện quy mô thiết kế, công suất dự kiến của giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân) |
* 15 năm mong đợi
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 Chính phủ trình Quốc hội, tổng mức đầu tư giai đoạn này là 111.689 tỷ đồng (khoảng 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2020-2025. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích 373 ngàn m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng/năm và các hạng mục phụ trợ. |
Sân bay Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể vào năm 2005, phải đến 10 năm sau Quốc hội mới có Nghị quyết 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án với mục tiêu: xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), là sân bay quan trọng quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Không chỉ vậy, kể từ khi có chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành đến khi đủ điều kiện khởi công, dự án cũng mất 5 năm chuẩn bị. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một dự án khá đặc biệt, bởi chưa có một dự án nào phải thực hiện 2 báo cáo nghiên cứu khả thi như dự án Sân bay Long Thành. Ngoài báo cáo nghiên cứu khả thi về xây dựng sân bay còn thực hiện một báo cáo nghiên cứu khả thi về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, trong Nghị quyết số 38/2017/QH14 của Quốc hội nêu rõ: Việc thu hồi đất phải đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khu tái định cư phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện phong tục, tập quán địa phương. Đây là công việc không hề đơn giản đối với Đồng Nai khi được giao thực hiện dự án thu hồi 5 ngàn hécta đất ảnh hưởng đến hơn 15 ngàn người. Để triển khai công việc, tỉnh đã phải huy động tổng lực với Ban chỉ đạo có sự tham gia đầy đủ của Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều công đoạn giải phóng mặt bằng phải thực hiện song song cùng lúc mới kịp tiến độ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối năm 2020.
Đồ họa thể hiện tiến độ triển khai các bước chuẩn bị để khởi công giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân) |
Những ngày cuối năm 2019, người dân trong vùng dự án Sân bay Long Thành rộn rã, phấn khởi khi thấy Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn bắt đầu được triển khai. Đây là khu tái định mà phần lớn các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất cho sân bay sẽ về đây sinh sống. Nhằm chỉ đạo kịp thời, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường thường xuyên làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và yêu cầu bằng mọi giá phải kịp bàn giao khu đất ưu tiên cho nhà đầu tư khởi công dự án theo đúng tiến độ mà Chính phủ giao. Để làm được điều đó phải gấp rút hoàn thành Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Phân khu 3 - Khu tái định cư Bình Sơn.
* Động lực phát triển của đất nước
Các chuyên gia ngành hàng không cũng nhận định Sân bay Long Thành có vị trí khá thuận lợi để khai thác lĩnh vực vận tải hàng không. Cụ thể, sân bay nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam thuận lợi cho hành khách đi đến các quốc gia ở châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương. Sân bay Long Thành còn thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Đây là dự án đặc thù phải vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội sẽ giao Thủ tướng xem xét lựa chọn nhà đầu tư vừa có năng lực tài chính, vừa có kinh nghiệm quản lý vận hành. |
Đánh giá về hiệu quả kinh tế Sân bay Long Thành mang lại, PGS-TS.Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Sân bay Long Thành sẽ là động lực của phát triển kinh tế đất nước. “Sân bay Long Thành nằm trên địa phận Đồng Nai, vì vậy tỉnh Đồng Nai rất có lợi thế để phát triển kinh tế. Nhưng nhìn rộng ra, Sân bay Long Thành còn là động lực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả đất nước” - PGS-TS.Trần Hoàng Ngân chia sẻ. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, đầu tư trực tiếp vào xây dựng sân bay giai đoạn 1 gần 5 tỷ USD sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Đồng Nai trong thời gian tới. Thế nhưng, trong dài hạn tăng trưởng thứ cấp do Sân bay Long Thành mang lại từ phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp còn lớn hơn nữa và việc này sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.
Mô hình nhà ga hành khách giai đoạn 1 |
Sân bay Long Thành được xem là dự án quy mô quốc gia được Đảng và Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng. Theo tính toán của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2025, Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) sẽ có khoảng 40 triệu hành khách thông qua và đến năm 2030 là khoảng 50 triệu hành khách. Dự án Sân bay Long Thành được nghiên cứu, triển khai, nhằm mục đích giải quyết vấn đề quá tải và cũng để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải của quốc gia.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, Sân bay Long Thành được thiết kế đạt mức độ tiêu chuẩn của ICAO, dự kiến sau năm 2035, tổng công suất đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay quốc tế có quy mô trung chuyển tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, dần hình thành một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam bộ và cả nước nói chung.
Khắc Giới