Tại buổi gặp gỡ cuối năm với các VĐV, HLV đạt thành tích cao ở SEA Games 30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thành tích của thể thao đã tạo không khí phấn khởi, nguồn cảm hứng cho toàn dân tộc.
Tại buổi gặp gỡ cuối năm với các VĐV, HLV đạt thành tích cao ở SEA Games 30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thành tích của thể thao đã tạo không khí phấn khởi, nguồn cảm hứng cho toàn dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đội tuyển bóng đá nam và nữ giành HCV SEA Games 30 |
* Một kỳ SEA Games thành công rực rỡ
Với thành tích 288 huy chương các loại, trong đó có 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, SEA Games 30 trên đất Philippines là kỳ Đại hội thắng lợi toàn diện nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên thể thao Việt Nam (TTVN) qua mặt Thái Lan và xếp hạng nhì toàn đoàn tại một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ. Lần đầu tiên, cả 2 đội tuyển bóng đá nam, nữ ca khúc khải hoàn, trong đó tấm HCV bóng đá nam là lịch sử sau tròn 60 năm làm nức lòng người hâm mộ, nhân dân cả nước. Lần đầu tiên có HCV đơn nam quần vợt của Lý Hoàng Nam, lần đầu tiên bóng rổ có huy chương (2 HCĐ)...
Những sự kiện đầu tiên ấy cho thấy TTVN có sự chuyển mình đáng kể và là bước đột phá thành tích với các môn thể thao tập thể. Trong tổng số 45 môn và phân môn tranh tài có đến 41 môn và phân môn đoạt huy chương, chiếm tỷ lệ 91,1%. Đặc biệt, trong tổng số 288 huy chương, có 197 chiếc thuộc về 23 môn thể thao Olympic, chiếm tỷ lệ tới 68,4%; 18 môn Olympic giành được 71/98 HCV, chiếm tỷ lệ 74,55%.
* Khoảng trống Olympic Tokyo 2020
Rạng sáng 7-8-2016 (giờ Việt Nam) sẽ mãi mãi đi vào biên niên sử của TTVN, khi lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca hùng dũng cất lên ở đấu trường Olympic. Trước Olympic Rio de Janeiro 2016, trong lịch sử 8 kỳ tham dự Olympic qua gần 1/4 thế kỷ, TTVN chỉ “săn” được vỏn vẹn 2 chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tại Sydney 2000 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) ở Bắc Kinh 2008. Với chiếc HCV cùng kỷ lục Olympic lịch sử và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Việt Nam có kỳ Thế vận hội thành công nhất sau 64 năm, nếu tính từ Olympic 1952 tại Helsinki (Phần Lan) mà đoàn thể thao miền Nam lần đầu tiên xuất hiện; và 36 năm kể từ Moskva 1980, kỳ Olympic đầu tiên TTVN thống nhất chính thức trở lại.
Nhưng ngay khi ngọn lửa Olympic trên Sân vân động Maracana vừa tắt cũng là lúc một câu hỏi được đặt ra, sau tấm HCV và HCB bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ai sẽ giành HCV cho TTVN ở Olympic Tokyo 2020?
Tại hội nghị tổng kết năm 2019, Tổng cục TDTT đã đặt mục tiêu trong năm mới 2020 này là phấn đấu có 20 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic tại Nhật Bản (tại Olympic 2016 ở Brasil, Việt Nam đạt kỷ lục với 23 VĐV giành quyền dự tranh 22 nội dung của 10 môn), đặc biệt phải phấn đấu có HCV hoặc tối thiểu là có huy chương. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, nửa năm trước ngày Olympic Tokyo 2020 khai mạc, TTVN mới có 4 VĐV đạt chuẩn đoạt vé đến nước Nhật (kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đạt 2 chuẩn nội dung bới 400m và 1.500m tự do, VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng và bắn cung). Con số 20 suất là vô cùng khó khăn, khả năng giành huy chương càng mơ hồ vì so cả bó đũa vẫn chưa thấy ngọn cờ nào khả dĩ.
Tấm HCV Olympic lịch sử của Hoàng Xuân Vinh là đầy vinh quang, tự hào, nhưng đồng thời cũng tạo nên áp lực, thách thức lớn chưa từng có đối với ngành thể thao khi ít nhiều mang tính ngoại lệ, đột xuất, rất khó để tái lập nếu nhìn vào thực lực cùng nguồn lực hiện tại của TTVN.
Hãy lấy chính thành công lớn tại SEA Games 30 làm hệ quy chiếu. Dù giành đến 98 HCV nhưng có rất ít thành tích xuất sắc, tiếp cận được với châu lục hoặc thế giới. Thể thao không phải là phép cộng, thành công ở đấu trường khu vực không hề đồng nghĩa với huy chương Asiad, Olympic, bởi khoảng cách của TTVN nói riêng, thể thao Đông Nam Á nói chung so với trình độ châu lục và thế giới còn rất lớn. Chẳng hạn điền kinh, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, vật, đua thuyền rowing...chúng ta có thể là “trùm” Đông Nam Á nhưng chẳng là gì khi ra biển lớn. Đây là vấn đề của tầm nhìn và chiến lược đầu tư, được cụ thể hóa bằng các kế hoạch kỹ càng cho từng chu kỳ với các giải pháp đột phá cùng nguồn kinh phí đảm bảo.
Từ 98 HCV SEA Games 2019 đến...1 HCV Olympic 2020 là 2 câu chuyện hoàn toàn khác. Đường lên đỉnh Olympia vẫn... quá xa !
Dù vậy, mùa xuân là mùa hy vọng. Hãy cứ mơ giấc mơ đẹp trên xứ Phù tang!
Tokyo 2020 Kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 trong lịch sử sẽ diễn ra từ ngày 24-7 đến ngày 9-8-2020. Vượt qua 2 thành phố Madrid của Tây Ban Nha và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ); Tokyo trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á được tổ chức Olympic 2 lần (lần đầu là vào năm 1964). Dự kiến sẽ có hơn 11 ngàn VĐV của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài. Olympic Tokyo 2020 sẽ có 339 nội dung thi đấu của 33 môn thể thao và 50 phân môn. Bên cạnh 5 môn thể thao mới lần đầu tiên ra mắt trong chương trình thi đấu Thế vận hội là: Kinh phí tổ chức Olympic 2020 của thủ đô Tokyo khoảng 400 tỷ yên Nhật (hơn 3 tỷ USD). |
Minh Chung