Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới với nỗ lực và quyết tâm cao, huyện Long Thành đã có diện mạo mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo cho Long Thành có thêm nhiều động lực mới để phát triển nhanh hơn trong những năm tới.
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới với nỗ lực và quyết tâm cao, huyện Long Thành đã có diện mạo mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo cho Long Thành có thêm nhiều động lực mới để phát triển nhanh hơn trong những năm tới.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Xác định hệ thống giao thông nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, được ví như “mạch máu” giúp kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Chính vì vậy ngay khi bắt tay xây dựng nông thôn mới Huyện ủy, UBND huyện Long Thành đã đưa tiêu chí giao thông trở thành một trong những tiêu chí có thể tạo sự phát triển đột phá mạnh mẽ. Việc phát triển giao thông nông thôn được đầu tư nguồn lực, tiến hành đồng bộ từ việc nâng cấp, sửa chữa và làm mới hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, ấp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: Long Thành đứng trước nhiều cơ hội mới “Long Thành đang đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới khi các nhà đầu tư lớn đang tiếp tục tìm đến huyện với nhiều lợi thế như tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai giai đoạn cuối. Trong thời gian tới khi Dự án Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành triển khai và hoàn thành sẽ tạo cho huyện sức đột phát phát triển vô cùng to lớn”. |
Theo UBND huyện Long Thành, trong giai đoạn 2010-2019, huyện đã đầu tư làm mới trên 400 km đường giao thông với tổng kinh phí trên 650 tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng giao thông nông thôn, huyện còn đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó đã thu hút được gần 80 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa giao thông (chiếm trên 12%).
Từ sự đầu tư bài bản cho giao thông nông thôn, việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đi lại học tập của người dân và con em đã thuận lợi hơn trước rất nhiều lần. Anh Điều Phua, già làng dân tộc Stiêng, xã Tân Hiệp chia sẻ: “Sau 10 xây dựng nông thôn mới tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn của xã Tân Hiệp nói riêng cũng như huyện Long Thành nói chung đã phát triển rõ nét. Một trong những cảm nhận rõ nét là cơ sở hạ tầng giao thông được kết nối mạnh hơn, thuận tiện hơn”.
Người dân muốn cải thiện được đời sống thì phải có nghề trong tay, có việc làm ổn định, do đó huyện Long Thành đã chỉ đạo sâu sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề luôn gắn với giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Chị Lê Thị Thanh Thảo, người dân xã Phước Bình vui mừng cho hay, sau khi học hết lớp 12, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không thể học lên đại học, tôi đã đăng ký lớp học may công nghiệp của huyện tổ chức, đến nay tôi có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Long Thành.
Theo Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Long Thành Huỳnh Thị Kim Loan, sau gần 10 năm huyện đã tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 20 ngàn học viên ở trình độ sơ cấp nghề, trong đó có 4.500 học viên được đào tạo nghề trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện cũng đã giải quyết giới thiệu việc làm cho trên 70 ngàn lao động vào các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các khu công nghiệp lân cận.
Niềm vui từ nông thôn mới
Một trong những cảm nhận rõ nét trong xây dựng nông thôn mới tại Long Thành, ngoài cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì đời sống người dân được cải thiện thông qua việc nâng cao thu nhập cho người dân. Theo UBND huyện Long Thành, nếu năm 2010 thu nhập bình quân/người chỉ có gần 20 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên gần 60 triệu đồng/người. Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay Long Thành là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thuộc hàng thấp nhất tỉnh, chỉ dưới 1%.
Bà Hà Thị Xuân người dân xã Bàu Cạn chia sẻ: “Trước đây tôi làm nghề chăn nuôi bò theo phương thức tự nhiên, bò phát triển sao thì được vậy, bò gầy ốm bệnh tật bán được giá thấp, có khi bệnh chết lại mất cả vốn lẫn lãi. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tôi đã có kỹ thuật trong tay, bò được chăn thả theo kỹ thuật, ăn thêm thức ăn, được chích ngừa đầy đủ nên phát triển tốt, bán được giá, lãi cao hơn”.
Trong khi đó ông Phạm Văn Ngân, người dân xã Cẩm Đường thì cho biết, năm 2012 gia đình ông vẫn còn là một hộ nghèo nuôi 2 con ăn học đại học. Nhờ gia đình ông được xã giới thiệu vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Long Thành nuôi 2 con ăn học xong đại học, vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, sửa chữa công trình vệ sinh nên hiện nay đã có cuộc sống khác hẳn. Đến nay 2 con ông Ngân đều có việc làm ổn định và giúp đỡ nhiều hơn cho cha mẹ. Gia đình ông đã không còn là hộ nghèo từ năm 2014, chẳng những thế ông còn xây dựng mới được nhà cửa khang trang.
Đi đôi với chăm lo đời sống vật chất, trong gần 10 năm xây dựng nông thôn mới huyện Long Thành đã đầu tư mạnh mẽ chăm lo đời sống tinh thần. Cụ thể huyện đã đầu tư xây dựng 63 công trình thiết chế văn hóa với tổng kinh phí hơn 72 tỷ đồng. Cùng với đó huyện tập trung phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức, từ xây dựng nông thôn mới thành công, tập trung thu hút mạnh đầu tư, làm tốt công tác cải cách hành chính nên tốc độ phát triển kinh tế xã hội của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2019 sản xuất công nghiệp - xây dựng, giá trị sản xuất toàn ngành thực hiện trên 92,3 ngàn tỷ đồng, tăng 15,75% so với cùng kỳ năm 2018. Huyện cũng thu hút thêm 18 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp địa phương với số vốn 78,178 triệu USD. Kinh tế phát triển đã giúp tăng ngân sách nhà nước, năm 2019 thu ngân sách đạt trên 1.709 tỷ đồng, đạt 121,86% dự toán, tang 5,69% so với cùng kỳ.
Thành Nam