Năm 2019, sân khấu chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn. Bầu sô các sân khấu xã hội hóa vẫn phải tiếp tục bù lỗ, kịch bản mới khan hiếm đến mức báo động, sàn diễn thu hẹp... Trong bức tranh đó, một số đơn vị vẫn nỗ lực và có vài tác phẩm tạo được dấu ấn rất đáng được trân trọng và cổ vũ.
Năm 2019, sân khấu chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn. Bầu sô các sân khấu xã hội hóa vẫn phải tiếp tục bù lỗ, kịch bản mới khan hiếm đến mức báo động, sàn diễn thu hẹp... Trong bức tranh đó, một số đơn vị vẫn nỗ lực và có vài tác phẩm tạo được dấu ấn rất đáng được trân trọng và cổ vũ.
Chương trình cải lương Trăm năm nguồn cội. Ảnh: Duyên Phan |
* Sân khấu kịch: Sắc màu lịch sử, kịch xưa
Ra mắt từ cuối năm 2017, vở nhạc kịch Tiên Nga vẫn là vở diễn đinh, gây dấu ấn của Sân khấu Idecaf. Trong năm 2019, vở vẫn tiếp tục được Sân khấu Idecaf xếp lịch phục vụ khán giả tại Nhà hát Bến Thành vào những dịp lễ lớn.
Vở gây ấn tượng với một kịch bản có nhiều đột phá, cách dàn dựng mới mẻ và sự lột xác của từng diễn viên. Sự đầu tư chỉn chu từ cảnh trí, trang phục và đặc biệt là âm nhạc có bàn tay chăm sóc của nhạc sĩ Đức Trí. Mỗi đêm diễn có hẳn một dàn nhạc sống để hỗ trợ cho vở kịch. Và số tiền đầu tư cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Vở đã được trao giải nhất hạng mục Sân khấu giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh lần thứ 2.
Vở kịch Bông hồng cài áo. Ảnh: Gia Tiến |
Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn tiếp tục chứng tỏ sự nghiêm túc của mình trong việc lựa chọn và dàn dựng các vở diễn. Năm qua, sân khấu vẫn tiếp tục tạo dấu ấn với vở Lạc dòng và Bông hồng cài áo. Với Bông hồng cài áo, Ái Như không chỉ tạo ấn tượng với 2 nhân vật bà mẹ trong vở diễn mà còn tạo cảm tình trong cách dàn dựng vở diễn. Với bản dựng này, Ái Như (cũng như nghệ sĩ Thành Hội) luôn chứng tỏ sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc trong dàn dựng không chỉ riêng Bông hồng cài áo mà rất nhiều vở diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Chị mài chuốt rất kỹ những phân đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, đi sâu vào chi tiết để đem đến cho người xem những lớp diễn chân thật, cảm xúc, đi vào lòng người. Vì vậy, trong Bông hồng cài áo đã có những lớp diễn gây ấn tượng mạnh, mà nhớ đến vở diễn người ta phải nhớ đến lớp diễn này như cảnh Thảo gặp mẹ mình - bà Tư bán tàu hủ tại phim trường; cảnh Hiếu - Thảo vội vã tạm biệt mẹ để chạy sang ở nhà bà nội; cảnh bà Tư lên tăng xông và mất đi khi Thảo bị vu oan ăn cắp...
Lạc dòng có kịch bản gốc là Đất lở của cố soạn giả Ngọc Linh. Khoảng năm 1997, nghệ sĩ Ái Như xin phép ông dựng thành kịch truyền hình cho HTV.
20 năm sau, nhận thấy những vấn đề trong vở vẫn còn nóng hổi tính thời sự, Hoàng Thái Thanh quyết định đưa tác phẩm lên sân khấu kịch và xin phép gia đình cố soạn giả chỉnh sửa, biên tập lại cho phù hợp với cuộc sống hôm nay. Thông qua câu chuyện, Lạc dòng gây ám ảnh bởi sự phản ánh khốc liệt, vì đồng tiền, con người đang ngang nhiên hủy hoại môi trường. Việc khai thác đất, cát một cách triệt để gây ra những hậu quả nặng nề ở nhiều nơi. Con nước bị đổi dòng trở thành những “thủy quái” đe dọa tính mạng, cuộc sống của những con người ở vùng sông nước. Hàng loạt ngôi nhà chỉ qua một đêm có thể làm mồi cho hà bá, và có những cái chết tức tưởi, đau lòng...
Vở nhạc kịch Ngẫm Kiều. Ảnh: Gia Tiến |
Vở kịch Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Xuân Hồng, cố vấn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu), là vở diễn của Nhà hát Thế giới trẻ thuộc Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, đoạt huy chương bạc trong Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tháng 4-2018, và đến năm 2019 vẫn tiếp tục “chinh chiến”. Tính đến nay, vở đã diễn được gần 90 suất, trong đó đa phần là phục vụ cho học sinh - sinh viên.
NSND Hoàng Yến, Giám đốc nhà hát và là người bỏ tiền ra đầu tư vở, chia sẻ: “Đọc kịch bản ngay từ lần đầu tiên, tôi đã bị “trúng bùa” vì lời thoại, lời văn anh Chí Trung viết quá trau chuốt, hay và sâu sắc. Người ta nói vở này các đoàn dựng nát hết rồi nhưng tôi vẫn muốn làm lại theo cách riêng của chúng tôi, có thể những đoàn khác khi dựng sẽ đề cập đến những vấn đề lớn lao còn chúng tôi chỉ muốn bám đúng chủ đề mà tác giả muốn nói yêu là thoát tội, là tình cảm của một con người chứ không phải là một nhân vật vĩ đại nào đó. Bất kể họ là ai thì họ cũng phải có tình yêu, có sự đau đớn, hờn dỗi, ghen tuông, có những cái không nói nên lời…”.
Vở diễn được viết, được lấy cảm hứng từ vụ án Lệ Chi viên nổi tiếng. Lịch sử còn lẩn khuất đâu đó những câu hỏi đau đáu và tác giả đã đặt góc nhìn vào nỗi niềm của từng con người, những trăn trở sâu kín mà ở vị trí, tầm vóc của họ mấy ai chia sẻ được. Họ có thể là những tên tuổi làm nên lịch sử, nhưng họ cũng có những nỗi cô đơn, những khát khao riêng mà người hậu thế liệu có thấu hiểu… Sau thành công của Yêu là thoát tội, ê-kíp đã nghĩ đến việc dàn dựng tiếp những vụ án nổi tiếng trong lịch sử, theo kiểu series Yêu là thoát tội 1, 2, 3, 4, 5. Và Yêu là thoát tội 2 với vở Vụ án cậu trời cũng đã chính thức ra mắt đầu năm 2020 để phục vụ khán giả, đặc biệt là học sinh để các em hiểu thêm về lịch sử nước nhà.
Cuối tháng 12-2019, để ra mắt sân khấu mới, Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn, bà bầu Hồng Vân đã giới thiệu đến công chúng vở nhạc kịch Ngẫm Kiều. Ngẫm Kiều là một lát cắt về thân phận nàng Kiều mà NSND Hồng Vân làm đạo diễn để góp mặt trong chương trình Nàng Kiều do Viện Goeth hỗ trợ thực hiện vào tháng 10-2019 với sự tham gia của 4 đạo diễn: NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer. Từ một lát cắt chỉ khoảng 25 phút nhận thấy những vấn đề từ câu chuyện Kiều của Nguyễn Du quá hay và cần được ngẫm ngợi nhiều hơn nên tác giả Lê Quốc Nam đã phóng tác, viết thêm để Ngẫm Kiều trọn vẹn hơn về suy nghĩ của các thân phận, của sự lựa cách sống, tình yêu ở đời. Với sự góp sức của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, NSND Hồng Vân đã dàn dựng thành vở nhạc kịch Ngẫm Kiều như là một sản phẩm mà chị tâm đắc để khoe với khán giả ở khu vực Chợ Lớn. Vở chỉ dài khoảng 90 phút nhưng có những điều khiến người ta phải suy nghĩ về thân phận những người đàn bà trong tình yêu.
Vở nhạc kịch Tiên Nga. Ảnh: Lam Điền |
Nhà hát 5B cũng có một dấu ấn đẹp với vở Chuyện tình nữ phạm nhân. Đây là kịch bản của tác giả Trần Tuấn, từng được đoàn kịch Trung Quốc dàn dựng tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội. Sau đó, ông Hồ Thi đã dịch kịch bản sang tiếng Việt. Nhà hát 5B là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam dàn dựng kịch bản này và ra mắt năm 2004. Thấy tinh thần vở diễn vẫn còn nóng bỏng tính thời sự nên bà bầu Mỹ Uyên đã quyết định đầu tư dàn dựng lại một phiên bản mới. Là người đạo diễn bản dựng đầu tiên, đến Chuyện tình nữ phạm nhân phiên bản 2019 NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc tiếp tục gây thú vị khi xây dựng một câu chuyện gọn ghẽ, mang tính hành động cao. Thiết kế cảnh trí không rườm rà nhưng khi phối hợp với xử lý ánh sáng hiệu quả đã tạo nên sức gợi rất riêng. Trong thời buổi vấn nạn buôn bán mua túy tràn ngập, vở diễn như một tiếng nói góp thêm vào thực trạng nhức nhối của xã hội ngày hôm nay.
* Sân khấu truyền thống: Lung linh những tia sáng
Từ năm ngoái, khi cả nước có một số hoạt động mừng 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, thì chương trình tái hiện lại hình ảnh của Sân khấu cải lương xưa tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được nhiều khán giả thích thú. Trong các cuộc hội thảo, rất nhiều ý kiến tiếc nuối về vẻ đẹp của cải lương xưa mà cải lương hôm nay lại bỏ lỡ hoặc chưa phát huy hết được những ưu việt của sàn diễn ngày ấy. Ông Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh nói: “Ngày xưa dù thiết bị không hiện đại nhưng sự sáng tạo của những người làm mỹ thuật, kỹ thuật khiến hình thức sân khấu rất lung linh, còn bây giờ người biết linh hoạt ứng dụng, sáng tạo lại không nhiều”. Vẻ đẹp cải lương xưa đó đã được đạo diễn Trần Ngọc Giàu ứng dụng rất hiệu quả để dàn dựng vở cải lương Giấc mộng đêm xuân (tác giả: Nhị Kiều - Phi Hùng). Đây là kịch bản mang nhiều chất tự sự, trữ tình đặc trưng của sân khấu cải lương. Qua bàn tay tinh tế của đạo diễn, người xem có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp chân chất của cải lương xưa. Đó là hình ảnh những đêm diễn của gánh hát sống đời gạo chợ nước sông. Những phông màn cũ, xoay đèn màu thủ công, cảnh người xem là giới thượng lưu quăng quạt thưởng tiền cho đào, kép khi họ ưng ý... Nghệ sĩ tham gia vở diễn hầu hết đều là những giọng ca hay, có khả năng diễn xuất tốt như: Thanh Ngân, Trọng Phúc, Lê Tứ, Thu Vân, Quỳnh Hương, Linh Trung... đã góp phần làm cho Giấc mộng đêm xuân trở thành vở diễn khá đã mắt và nghe ca đã tai.
Vở Chuyện tình nữ phạm nhân. Ảnh: Nhà hát 5B cung cấp |
Chuyện tình Khau Vai của Sân khấu mới Đại Việt (hình thành bởi ba “chàng lính ngự lâm”: soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên và NSƯT Quang Khải) cũng là dấu ấn đẹp của cải lương trong năm qua. Có thể nói, khá hiếm hoi trong một dự án cải lương, các nghệ sĩ như: Lê Tứ, Hà Như, Quế Trân... đã được ban tổ chức đưa đi thực tế tận Khau Vai để tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của người dân để có độ cảm, thẩm thấu nhân vật. Chuyện tình Khau Vai là một thử thách với các nghệ sĩ cải lương miền Nam để thể hiện cho ra chất mộc mạc rất riêng của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhờ chuyến đi thực tế đặc biệt mà các diễn viên vào các vai chính đã biết cách khai thác, thể hiện nhân vật chân thật và thuyết phục hơn. Ngoài chăm chút cho diễn xuất của diễn viên, Chuyện tình Khau Vai còn gây được ấn tượng đẹp vì thấm đẫm màu sắc văn hóa trong vở diễn. Âm nhạc, cảnh trí, trang phục, các điệu múa… có sự đầu tư kỹ lưỡng để chuyển tải xác thực nhất nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Việc đạo diễn Hoa Hạ cho ra mắt vở Đam mê và quyền lực, một kịch bản cải lương lịch sử được viết mới là nỗ lực rất đáng trân trọng trong thời buổi cải lương khó khăn hiện nay. Vở khai thác câu chuyện Tuyên phi Đặng Thị Huệ và chúa Trịnh Sâm với góc nhìn đa chiều. Đặng Thị Huệ không hẳn là người đàn bà xấu xa, thao túng để em trai là Đặng Mậu Lân lộng hành mà bà có những nỗi niềm riêng. Cũng có xấu có tốt để rồi từ hậu quả của việc mình làm, từ đam mê và quyền lực mà cuối đời phải gánh lấy những điều bi thảm. Hoa Hạ có thế mạnh trong việc dàn dựng những kịch bản lịch sử, nối tiếp sự thành công của Trung thần, với Đam mê và quyền lực bà tạo ra những mảng miếng, tạo ra sự kịch tính khiến vở diễn lịch sử trở nên hấp dẫn, thu hút người xem.
Chương trình cải lương Trăm năm nguồn cội được đầu tư kỹ lưỡng để đem đến cho người xem cái nhìn khá tổng quan về nghệ thuật sân khấu cải lương trong trăm năm qua cũng là dấu ấn đẹp của làng cải lương năm 2019. Chương trình do một ê-kíp sáng tạo khá trẻ với sự tham gia của các nghệ sĩ cải lương tên tuổi như: Bạch Tuyết, Vũ Linh, Thanh Kim Huệ, Việt Anh, Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Ngọc Đợi, Điền Trung… Người được chọn mời viết kịch bản và tổng đạo diễn Chương trình cải lương - Trăm năm nguồn cội là đạo diễn Quang Thảo, vốn quen thuộc trong giới vì từng là tác giả mát tay của chương trình Ngày xửa ngày xưa ở Idecaf, tác giả và đạo diễn, diễn viên một số vở diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, các vở kịch, gameshow truyền hình... Thảo được sự hỗ trợ, cố vấn hết mình của NSND Bạch Tuyết và ThS.Huỳnh Khải (nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh). Chương trình có sự tham gia của gần 50 diễn viên (tính luôn diễn viên múa) trải dài qua các giai đoạn từ đờn ca tài tử tới bài Dạ cổ hoài lang, rồi các hình thức cải lương xã hội (Đời cô Lựu), cải lương tuồng cổ (Câu thơ yên ngựa). Các tiết mục không phải xếp hàng lên diễn mà mỗi tiết mục sẽ có một câu chuyện riêng với những thông điệp ý nghĩa. Quang Thảo cho biết: “Chúng tôi không dám tuyên bố to tát gì về chương trình, chỉ xem đây là một nỗ lực của những người trẻ góp thêm nét chấm phá để tôn vinh chặng đường 100 năm nghệ thuật cải lương. Sau chặng đường đó, cải lương phải tự hào đi tiếp và đi như thế nào là trách nhiệm của người trẻ hôm nay”.
Vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần. Ảnh: Duyên Phan |
Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.Hồ Chí Minh năm qua đã chinh phục khán giả trẻ với vở hát bội không lời Sanh vi tướng, tử vi thần. Sanh vi tướng, tử vi thần (tác giả: NSƯT Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) được nhà hát dàn dựng bản đầy đủ 120 phút vào khoảng năm 2007, cũng đã đưa đi tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm lần 1 tại Hà Nội. Sau đó, nhà hát mong muốn kết nối các công ty du lịch để giới thiệu đến khán giả thế nhưng mọi việc không thuận lợi. Sau 12 năm, với những cân nhắc, trăn trở, nhà hát quyết định làm lại Sanh vi tướng, tử vi thần với hình thức mới.
Vở dài khoảng 55-60 phút. Không lời thoại, chỉ dùng hình thức vũ đạo tiêu biểu của loại hình nghệ thuật hát bội, trình thức ước lệ xuyên suốt từ đầu tới cuối vở, phối hợp với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng... Sanh vi tướng, tử vi thần là bản hùng ca về cuộc chiến đấu ngoan cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bao lớp người thà hy sinh để bảo vệ Tổ quốc chứ không chịu khuất phục, dù người sống hay anh linh người đã khuất nguyện một lòng đánh đuổi kẻ thù cho xứng với câu “Sanh vi tướng, tử vi thần”. Sanh vi tướng, tử vi thần phiên bản năm 2019 ra đời với mong muốn hát bội sẽ gần gũi hơn với công chúng, dễ tiếp cận với người trẻ, khách du lịch. Ngay sau đêm ra mắt, nhiều khán giả đã tỏ vẻ thích thú và “rỉ tai” nhau trên mạng xã hội khiến nhiều người trẻ tò mò đến xem. Đa số các ý kiến đều nhận xét vở thú vị, dễ hiểu, dễ cảm và khiến các bạn trẻ thêm yêu nghệ thuật truyền thống.
Cẩm Thy