Người ta vẫn thường nói, việc khó nhất trên đời chưa hẳn đã là "kinh bang tế thế", hay "trị quốc, bình thiên hạ", mà thực chất, khó nhất là đối diện với chính bản thân mình, vượt qua giới hạn bản thân. Với những người không may bị khuyết tật cơ thể, điều này còn gian nan hơn gấp vạn lần.
Người ta vẫn thường nói, việc khó nhất trên đời chưa hẳn đã là “kinh bang tế thế”, hay “trị quốc, bình thiên hạ”, mà thực chất, khó nhất là đối diện với chính bản thân mình, vượt qua giới hạn bản thân. Với những người không may bị khuyết tật cơ thể, điều này còn gian nan hơn gấp vạn lần.
TS.Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Song, có những người đã làm được, và làm rất tốt. Không chỉ vượt qua nỗi đau đớn về thể xác hay mặc cảm về tinh thần, họ còn đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội - điều mà không phải người khỏe mạnh nào cũng có thể làm được. Những câu chuyện lay động lòng người về nữ
TS.Võ Thị Hoàng Yến, dịch giả - nhà văn Bích Lan và doanh nhân Nguyễn Ngọc Hà được chúng tôi chọn để kể câu chuyện truyền cảm hứng trong những ngày Xuân đến độc giả, để thấy rằng có những cuộc đời thực sự đẹp như những bông hoa.
1. Năm 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã “cướp” đi đôi chân của Võ Thị Hoàng Yến - cô bé xinh xắn, lành lặn quê ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Mặc dù vậy, cô bé Yến vẫn lớn lên vui vẻ, bình thường trong sự bao bọc, chăm sóc của gia đình. Chị kể, lần đầu tiên chị nhận thức được mình khuyết tật là khi vào bậc THCS, chị chuyển ra trường mới và bị bạn học chọc ghẹo, nhái dáng đi, gọi chị là “Quách Què”. Sau này chị mới nhận ra, một người khuyết tật chỉ thực sự nhận ra mình khác biệt khi những người xung quanh, bằng nhiều cách đã “nói” lên điều đó.
Tuy nhiên có lẽ do bản tính mạnh mẽ nên chị vượt qua giai đoạn đó khá dễ dàng, dù nhiều người khuyết tật đã không vượt qua được những mặc cảm đầu tiên khi nhận thức được mình là người khuyết tật. Chị vẫn chăm chỉ, phấn đấu học hành và là một trong 3 người có điểm thi tốt nghiệp cao nhất của Trường THPT Long Thành lúc đó và thi đậu vào Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp đại học, tìm việc khó khăn, nhận nhiều thái độ phân biệt đối xử, thậm chí kì thị trong môi trường công việc, chị đã ấp ủ ý tưởng “phải làm gì đó cho cộng đồng người khuyết tật”, đồng thời cũng là giúp chính mình.
TS.Võ Thị Hoàng Yến. Ảnh: H.QUÂN |
Chị chọn học thêm bằng cử nhân Anh văn ở đại học sư phạm, và trở thành một trong 18 người Việt Nam nhận được học bổng toàn phần của Quỹ Ford năm 2001 - điều không dễ dàng gì với một người lành lặn ở những năm 2000, chứ chưa kể đến người khuyết tật. Chị Yến chọn học chuyên ngành Phát triển con người tại đại học Kanas, Hoa Kỳ.
Khoảng thời gian tìm trường, được nhận học và lo visa trong chỉ hơn 1 tháng, chị phải vội vàng bay đến Mỹ vì đã quá thời hạn nhập học. Sau chuyến bay dài hơn 36 giờ với 3 lần nối chuyến, chỉ nặng 40kg, cùng đôi chân không lành lặn, chị Yến là người khuyết tật duy nhất nhập học ở trường vào thời điểm đó. Có rất nhiều khó khăn trong việc học hành bởi chị cũng là sinh viên nước ngoài duy nhất trong trường. Chị gần như đã dùng hết quyết tâm và sức lực của mình để vượt qua và về nước bởi trong sâu thẳm vẫn ấp ủ những dự định lớn cho cộng đồng người khuyết tật. Và muốn làm được, bản thân chị phải đủ tri thức trước.
Thế rồi những nỗ lực của chị cũng được đền đáp khi chị tốt nghiệp xuất sắc chương trình học, bảo vệ thành công luận án với đề tài “Nâng cao nhận thức cho sinh viên khuyết tật tại các trường đại học Hoa Kỳ” và được mời báo cáo tại trụ sở chính của World Bank ở Washington D.C.
Sau đó, chị nhận được một suất học bổng toàn phần học tiếp chương trình tiến sĩ, đồng thời là một lời đề nghị về làm việc cho một ngân hàng phát triển các nước châu Mỹ Latinh. Nhưng dường như những sức hút đó không đủ lớn. Chị quyết định từ chối tất cả, quay về Việt Nam với ước mơ riêng ngày nào - giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ như mình. Chị Hoàng Yến chọn quay về Việt Nam và thành lập Trung tâm khuyết tật và phát triển.
Ban đầu, chị mong muốn thành lập trung tâm 3 năm rồi sẽ quay lại Hoa Kỳ học tiến sĩ. Nhưng rồi tổ chức phát triển quá nhanh, công việc quá nhiều và nó cứ cuốn chị đi mãi, đến tận 10 năm sau, chị mới có thể tiếp tục con đường của mình, học và lấy bằng tiến sĩ về công tác xã hội từ Đại học La Trobe, Australia ở tuổi 52.
Năm 2018, TS.Võ Thị Hoàng Yến trở thành người khuyết tật Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Ramon Magsaysay 2018 (được ví như Nobel hòa bình của châu Á). Trước đó, chị cũng được trao một số giải thưởng uy tín của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc… tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc đối với vấn đề phúc lợi cho người khuyết tật tại châu Á - Thái Bình Dương. Với người phụ nữ này, con đường đóng góp, xây dựng, hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật sẽ không dừng lại nếu sức khỏe còn cho phép. Phong thái giản dị hiền hòa, đôi mắt ánh lên vẻ thông minh, những ai gặp chị đều phải công nhận điều chị nói và tin tưởng là đúng, rằng “đời rất đẹp”.
2. Từ một cô bé 13 tuổi phải nghỉ học vì mắc phải căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ chưa có thuốc chữa, Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976) đã tự học thông thạo tiếng Anh, trở thành dịch giả với hàng chục cuốn sách được bạn đọc rất quan tâm. Chị nói rằng ước nguyện lớn nhất của mình là được trở thành người có ích, là “người thợ cày” cần mẫn trên cánh đồng chữ để gieo khát vọng, văn hóa đọc đến với mọi người.
Trong tự truyện Không gục ngã (đã được tái bản lần thứ 7) của mình, Bích Lan kể rằng lên 13 tuổi, chị bắt đầu thấy sức khỏe mình yếu đi. Một lần đang đi xe đạp trên đường thì bị ngã xuống mương và không thể tự đứng lên được. Các bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh loạn dưỡng cơ khiến chị phải bỏ dở việc học hành của mình khi mới lên lớp 8. Đó là thời điểm đêm tối của số phận. Nhưng không chịu đầu hàng số phận, chị nhận ra rằng nếu bản thân gục ngã thì sẽ kéo theo cả gia đình cùng gục theo.
Nhà văn - dịch giả Nguyễn Bích Lan Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong suốt 6 năm, vượt qua khó khăn, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, trong căn phòng nhỏ bé, thiếu thốn, Bích Lan đã mải miết đọc, học để hy vọng có thể tìm thấy ánh sáng nào le lói phía trước. Từ những cuốn sách chị tìm học tiếng Anh. Chị nói rằng chính những cuốn sách và tự học tiếng Anh đã mở ra cho mình một con đường tiếp cận với thế giới, để thấy bản thân mình có ích. Và rồi chị mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong xóm. Cho đến khi lớp học bị ngưng lại vì bệnh tật, đã có hơn 200 học trò được cô giáo Bích Lan hướng dẫn. Nhiều người trong số đó sau này thành đạt và cũng không ít người lại tiếp tục làm giáo viên.
Năm 2001, Bích Lan tìm đến công việc dịch thuật sau khi lớp học Cây Táo của chị ngừng lại. Nó như là một sự “cứu cánh” trong khi bản thân phải vật vã để chống lại bệnh tật, tuổi trưởng thành nhưng chị chỉ nặng có 30kg.
Cho tới nay, chị đã dịch được 36 cuốn, chủ yếu là tiểu thuyết, trong đó có các cuốn của 3 nhà văn từng đoạt Giải Nobel văn học. “Giờ đây, tôi có thể cảm thấy mình sinh ra để dịch văn học mặc dù không phải là người được đào tạo bài bản. Dịch sách cho thấy tôi là người có ích cho bản thân tôi và cho độc giả của tôi. Cuộc chiến lớn nhất của con người chính là cuộc chiến chống lại sự vô dụng của bản thân. Bởi thế, ý thức mình có ích là cực kỳ quan trọng, ngay cả với những người bình thường chứ chưa nói đến những người bệnh tật” - chị tâm sự.
Không chỉ dịch sách, viết sách, dạy học mà chị còn làm báo. Ở vai trò nào cũng thấy Bích Lan nỗ lực bằng năm, bằng mười người khác. Chị vừa là một cộng tác viên của Báo Phụ nữ, có nhiều truyện ngắn đăng trên Báo Tuổi trẻ, Giáo dục thời đại, Hồ sơ sự kiện của Tạp chí Cộng sản… với những chuyên đề sâu, cùng nhiều bài bình luận, phản biện sắc sảo về văn học. Những bài viết của chị được đánh giá cao vì những bình luận sắc sảo và dẫn chứng sát thực.
Năm 2018, dịch giả Nguyễn Bích Lan được vinh danh là Nhân tài đất Việt. Chị cũng là một trong 8 phụ nữ được vinh danh trong phần trưng bày về phụ nữ đương đại tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, trở thành một trong những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, chị khiêm tốn nói rằng đó là sự yêu mến mà độc giả, người yêu sách cảm thông với hoàn cảnh của chị. Điều hạnh phúc nhất là những bản dịch sách của chị được bạn đọc đón nhận, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Tự truyện Không gục ngã cũng thúc đẩy việc tự học tiếng Anh và vượt khó ở nhiều bạn đọc trẻ. Qua những trang sách, nhiều độc giả đã đi tìm, gặp gỡ chị ở ngoài đời. Những cuộc gặp gỡ phi vụ lợi của những người yêu quý sách như thế thường rất cảm động.
3. Anh Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1987, ngụ phường Tân Tiến) có hoàn cảnh khác và hướng đi khác. Bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt toàn thân vào năm cuối đại học, cũng với ý chí không gục ngã, hiện nay anh Hà đã là Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Xu Hướng Việt (Vinatrends), tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 30 Tết năm 2008, khi đang đi trên quốc lộ 20 gần khu vực nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Hà bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương đốt sống cổ, chèn ép tủy rồi bị liệt toàn thân, nằm viện cả năm ròng.
“Thân tôi chỉ còn da bọc xương và khi gia đình bán hết đất đai, cộng thêm phần tiền đền bù của người gây tai nạn cho tôi cũng hết, gia đình phải cắn răng đưa tôi về chờ ngày “xấu”! Về nhà, không ít lần tôi tìm đến cái chết để giải thoát bản thân, gia đình bớt khổ nhưng thấy cha mẹ và người thân hết lòng vì mình nên tôi cố gắng sống…” - anh Hà nhớ lại.
Anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Xu Hướng Việt - Vinatrends (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) |
Từ trong nghịch cảnh, tia sáng bất ngờ đến với anh Hà. Một người chị thường đi làm từ thiện đến thăm và tặng anh cuốn sách Hạt giống tâm hồn, kèm câu động viên “Em đừng tuyệt vọng!”. Lúc rảnh rỗi, anh Hà lấy cuốn sách ra đọc. “Những câu chuyện ý nghĩa, những nghị lực vươn lên trong cuộc sống đã làm tôi bừng tỉnh, quyết tâm phải vươn lên, thoát khỏi nghịch cảnh. Từ liệt toàn thân với mức thương tật trên 90%, nhờ kiên trì tập luyện và có sự chăm sóc của các y, bác sĩ và người thân… dần dần chân tay anh bắt đầu cử động và ngồi được trên xe lăn, sau đó dựa vào nạng để bước từng bước một.
Cứ thế, ban ngày tập đi, ban đêm anh Hà “lang thang” trên internet tự học tiếng Anh, tham gia vào các diễn đàn dành cho người khuyết tật, chia sẻ cuộc sống với các bạn cùng cảnh ngộ. Những câu chuyện về nghị lực sống của người khuyết tật khắp nơi ở Việt Nam cũng như thế giới đã tiếp thêm động lực cho anh. Trên không gian mạng, anh Hà gặp được nhiều người nhiệt tình hướng dẫn anh học lập trình, thiết kế web và giới thiệu công việc quản trị mạng cho một số công ty. Sau 3 năm liệt giường và làm việc tại nhà trên chiếc máy vi tính, một ngày đầu năm 2012, anh Hà đã cầm được tiền lương tháng đầu tiên do một công ty cử người đến nhà trao tận tay.
Năm 2014, anh Hà bước thêm một nấc thang quan trọng khi quyết định thành lập Công ty Vinatrends thi công các công trình xây dựng. Công việc kinh doanh với nhiều thăng trầm có lúc rơi vào bờ vực gần như phá sản nhưng anh được gia đình, bạn bè động viên, mọi khó khăn dần trôi qua.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, người bạn cùng cảnh ngộ Lương Thị Quỳnh Thoa (sinh năm 1989, cũng bị khuyết tật ở chân) luôn ở bên và giúp Hà đứng lên sau những cú vấp ngã chốn thương trường. Thoa học marketing, làm kinh doanh bài bản nên công ty dần ổn định lại. Sau 7 năm quen biết, năm 2018, cả hai đã tổ chức hôn lễ, một cái kết viên mãn dành cho đôi vợ chồng giàu nghị lực.
Tiếng lành đồn xa, hiện nay, công ty của anh Hà đã xây dựng những công trình nhà ở, biệt thự dân dụng trên 30 tỉnh, thành phía Nam và tạo việc làm đội ngũ công nhân xây dựng dao động từ 40-60 người. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư và nhân viên văn phòng thường trực khoảng 20 người.
Ghi nhận sự nỗ lực vươn lên không ngừng và đóng góp cho xã hội mà anh và công ty của mình mang lại cho xã hội, ngày 19-4-2019, Nguyễn Ngọc Hà được tuyên dương điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai. “Nhiều khi nghĩ lại, cũng không thể tin được, cuộc sống đúng là một phép màu, miễn là bạn phải có khát khao sống, khát khao cống hiến, vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào” - Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.
Vương Thế - Kim Ngân