Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến tạo dáng hình đô thị ven sông

01:01, 16/01/2020

Sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, từ lâu được xem là "trục xương sống" mềm mại tạo nên dáng hình và không gian cảnh quan đô thị.

Sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, từ lâu được xem là “trục xương sống” mềm mại tạo nên dáng hình và không gian cảnh quan đô thị.

Để phát huy thế mạnh của dòng sông Đồng Nai, định hướng quy hoạch không gian đô thị Biên Hòa sắp tới sẽ phát triển theo hướng trải dọc dòng sông này. Cùng với đó, hàng loạt dự án cũng sẽ được khởi động nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên đẹp và những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của dòng sông Đồng Nai.

 Cầu Ghềnh nối đôi bờ sông Đồng Nai. Ảnh: Q.Nhi
Cầu Ghềnh nối đôi bờ sông Đồng Nai. Ảnh: Q.Nhi

* “Báu vật” của đô thị Biên Hòa

Sông Đồng Nai có chiều dài gần 600km, chảy qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố, trong đó đoạn sông chảy qua TP.Biên Hòa có chiều dài chỉ khoảng 4km. Dù “khiêm tốn” về độ dài, tuy nhiên sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa lại tạo nên bản sắc và nét riêng cho đô thị Biên Hòa.

Khu vực chợ Đồn, phường Tân Vạn vốn có lịch sử phát triển lâu đời, ngoài ra đây cũng là khu vực có vị trí thuận lợi, gần với đô thị lớn nhất nước là TP.Hồ Chí Minh. Do đó, việc đầu tư, phát triển cho khu vực này sẽ giúp hình thành tam giác đô thị TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Biên Hòa.

Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng: “Biên Hòa là đô thị lớn duy nhất mà sông Đồng Nai chảy xuyên qua. Do đó dù là con sông lớn mang tầm quốc gia nhưng về mặt giá trị kiến trúc, cảnh quan sông Đồng Nai được xem là nét riêng, là yếu tố nổi bật làm nên không gian đô thị Biên Hòa”.

Ngoài “địa lợi”, sông Đồng Nai cũng có những đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho việc kiến tạo cảnh quan đô thị. Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, ở nước ta có nhiều dòng sông chảy qua các đô thị. Tuy nhiên, sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được. “Sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa rất ít xảy ra lũ và nếu có thì cũng không lớn nên việc bố trí các công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị dọc bờ sông sẽ rất thuận lợi. Do đó, đô thị Biên Hòa có rất nhiều lợi thế để trở thành một đô thị ven sông, trên bến dưới thuyền” - kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Không chỉ mang thế mạnh tự nhiên, sông Đồng Nai cũng được đánh giá mang trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử để tạo nên một không gian văn hóa mang đặc trưng riêng của đô thị Biên Hòa. Với hàng chục di tích văn hóa, lịch sử được lưu giữ dọc hai bên bờ sông, đặc biệt là khu vực Cù lao Phố là sự “bổ khuyết” cho dòng sông Đồng Nai trở thành trục chính trong phát triển không gian đô thị Biên Hòa. 

Sông Đồng Nai đoạn qua trung tâm thành phố tạo ra không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa
Sông Đồng Nai đoạn qua trung tâm thành phố tạo ra không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa

Đánh giá về giá trị của sông Đồng Nai trong kiến tạo cảnh quan đối với đô thị Biên Hòa, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, một người con của vùng đất Biên Hòa cho rằng, sông Đồng Nai là một “báu vật” mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố. “Nói một cách khác, TP.Biên Hòa may mắn được đặt và phát triển bên cạnh dòng sông Đồng Nai” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nhấn mạnh.

* Định hình đô thị ven sông

Để phát huy những giá trị của sông Đồng Nai trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh đang được thực hiện, UBND tỉnh đã nhấn mạnh việc cần quy hoạch phát huy tối đa cảnh quan ven sông Đồng Nai để xây dựng đô thị ven sông.

Hiện thực hóa cho việc xây dựng một đô thị ven sông, hiện Đồng Nai đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để thực hiện hai dự án với mục đích kết nối giao thông và tạo cảnh quan đô thị ven sông Đồng Nai. Theo đó, 2 dự án được dự kiến khởi công trong năm 2020 gồm dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn - cầu Thống Nhất, đường kết nối 2 đầu cầu) và dự án đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các dự án này không chỉ phục vụ mục đích phát triển mà còn giúp chỉnh trang, tạo diện mạo mới cho TP.Biên Hòa. “Để phục vụ cho việc thực hiện 2 dự án này, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo TP.Biên Hòa làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một góc đô thị Biên Hòa dọc sông Đồng Nai
Một góc đô thị Biên Hòa dọc sông Đồng Nai

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, ông Lý Thành Phương cho rằng, 2 dự án nói trên khi được triển khai sẽ tạo ra bước đột phá trong việc xây dựng cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. Đặc biệt, đối với các không gian cảnh quan ven sông Đồng Nai, ông Lý Thành Phương cho rằng, Nhà nước cần thực hiện thu hồi đất và lập ra các dự án hướng đến cộng đồng, phục vụ cho mục đích công cộng. Bởi, nếu các khu vực ven sông thuộc về tư nhân sẽ rất khó hình thành không gian mở cho đô thị, khi đó sức lan tỏa với cộng đồng, với du khách cũng sẽ bị hạn chế. “Bản sắc của một đô thị, nhất là đô thị ven sông sẽ khó được hình thành nếu những giá trị đó không tạo được sức lan tỏa” - ông Lý Thành Phương phân tích.

Trong khi đó, theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, việc quy hoạch lại và phát triển TP.Biên Hòa hướng về phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa của dòng sông Đồng Nai là hợp lý. Tuy nhiên, để có thể khai thác hết giá trị của sông Đồng Nai trong không gian đô thị Biên Hòa cần có hướng phát triển hài hòa giữa hai bên bờ sông. Bởi, lâu nay khu vực đô thị Biên Hòa ở hai bên bờ sông Đồng Nai đang có sự chênh lệch. “Khu vực chợ Đồn, phường Tân Vạn vẫn khá trầm lắng và ít được đầu tư phát triển. Do đó, nên có sự đầu tư tương xứng để phát triển đối với các khu vực này. Từ đó tạo sự hài hòa cho một đô thị ven sông”- kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất chia sẻ.   

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều