Báo Đồng Nai điện tử
En

Kế thừa tinh hoa trị quốc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

07:01, 16/01/2020

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với những bước thăng trầm, thịnh suy nhưng rất đỗi anh dũng, kiên cường. Điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử buộc đất nước ta phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch họa, liên tục chống lại những thế lực xâm lược lớn mạnh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với những bước thăng trầm, thịnh suy nhưng rất đỗi anh dũng, kiên cường. Điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử buộc đất nước ta phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch họa, liên tục chống lại những thế lực xâm lược lớn mạnh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao khen thưởng cho các tấm gương điển hình “Người tốt - việc tốt” tỉnh Đồng Nai năm 2019
Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao khen thưởng cho các tấm gương điển hình “Người tốt - việc tốt” tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: Phan Dẫu

 

Trải qua các thời đại với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, dưới thời phong kiến độc lập, tự chủ, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê (hậu Lê) đến triều Tây Sơn đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc giang sơn. Lịch sử đã chứng minh rằng, ở các mức độ khác nhau, các triều đại phong kiến đã có những đóng góp quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ yên bờ cõi trước sự xâm lăng của ngoại bang, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.

Tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ở các thời thịnh, các triều đại phong kiến luôn thể hiện những tư tưởng và thực hành nhiều chính sách quan trọng trong nghệ thuật cầm quyền, trị quốc. Trong đó, luôn đề cao vai trò của nhân dân, coi “dân là gốc”, coi lợi ích của dân tộc là tối thượng, khoan dung, trọng hòa hiếu, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, trọng hiền tài, coi hiền tài là “nguyên khí quốc gia”, mở rộng dân chủ...

* Lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng

Thiết nghĩ, trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm kế thừa những tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong đó, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Bất kể chế độ chính trị nào muốn tồn tại, ổn định và phát triển lâu dài không thể không quan tâm đến lợi ích quốc gia - dân tộc, vận mệnh của đất nước. Vì thế, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có sự đan xen giữa “phát triển và bất ổn”, “biến động và khủng hoảng”, “hợp tác và cạnh tranh”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi tổ chức, cá nhân không được phép xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc; tránh những tư tưởng, hành động vì lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực mà bỏ qua, bất chấp làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Bất luận ở hoàn cảnh nào cũng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố làm nên mọi thành công. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, càng phải tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì mọi chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, quan tâm thực sự đến cuộc sống của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, công tác dân tộc; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi tà đạo, mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm phương hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

* Nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”

Trong nhận thức và hành động luôn đảm bảo nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”; tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” và các quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền phải bảo đảm dân chủ được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, phải thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao với dân; khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân.


Lực lượng vũ trang Đồng Nai duyệt đội ngũ tại lễ ra quân huấn luyện năm 2019. Ảnh: Đăng Tùng
Lực lượng vũ trang Đồng Nai duyệt đội ngũ tại lễ ra quân huấn luyện năm 2019. Ảnh: Đăng Tùng

 

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; thu hút, trọng dụng nhân tài. Truyền thống coi trọng nhân tài được kế thừa, phát huy qua nhiều thời kỳ lịch sử và tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng để thu hút, trọng dụng nhân tài. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm phát hiện, thu hút và trọng đãi người tài; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp có đạo đức và tài năng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường kiểm soát và đấu tranh chống sự suy thoái, tha hóa quyền lực, gia trưởng, mất dân chủ; chú trọng công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, có chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với người có tài năng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

* Bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp

Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, ông cha ta đều rất chú trọng “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, thực hiện chính sách “trong ấm ngoài êm”, “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận... Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”... Cho nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại luôn là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền quan tâm phát huy sức mạnh bên trong của đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, sức mạnh của nền kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bằng sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, đề cao văn hóa dân tộc. Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là những yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

Lịch sử là một quá trình vận động liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, trong đó nổi bật là quy luật kế thừa, kế thừa những tinh hoa mà cha ông đã để lại. Vì vậy, việc vận dụng và phát huy những di sản truyền thống đó trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

THÁI BẢO

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều