Là thành phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác đối ngoại luôn được nước ta triển khai một cách sâu, rộng và mạnh mẽ. Với tinh thần đó, những hoạt động đối ngoại trong năm 2019 vừa qua đã mang đến nhiều thành tựu đáng tự hào, thể hiện rõ dấu ấn về bản lĩnh và vị thế của đất nước.
Là thành phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác đối ngoại luôn được nước ta triển khai một cách sâu, rộng và mạnh mẽ. Với tinh thần đó, những hoạt động đối ngoại trong năm 2019 vừa qua đã mang đến nhiều thành tựu đáng tự hào, thể hiện rõ dấu ấn về bản lĩnh và vị thế của đất nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 1-3-2019 |
Không chỉ củng cố và mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, công tác đối ngoại Việt Nam năm 2019 còn đánh dấu một bước ngoặt lớn tại diễn đàn đa phương khi trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục.
Đóng góp vào những vấn đề quan trọng của thế giới
Điểm nhấn quan trọng của đối ngoại Việt Nam năm 2019 là những hoạt động đóng góp tích cực và hiệu quả vào nỗ lực và công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình và phát triển của thế giới.
Một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng thu hút sự quan tâm hàng đầu của thế giới trong những tháng đầu năm 2019 là việc Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội đã cho thấy uy tín của Việt Nam cũng như khả năng đảm nhiệm việc tổ chức một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất. Đáng chú ý, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 kết thúc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam trong các ngày 1 và 2-3, sự kiện mang tính chất lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, thực hiện sau gần 55 năm chuyến thăm Việt Nam của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Tiếp đó, vào tháng 5-2019 tại Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019. Đây là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của LHQ nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức sự kiện Phật giáo quốc tế này. Đại lễ góp phần khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của LHQ trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội ngày 27-2-2019 |
Đặc biệt, với số phiếu kỷ lục 192/193, ngày 7-6, Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực trong tiến trình hội nhập, cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh thế giới. Đây là lần thứ 2 Việt Nam nắm giữ trọng trách này. Trong nhiệm kỳ, Việt Nam sẽ hai lần đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ, trong tháng 1-2020 và tháng 4-2021.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có cơ hội quan trọng để tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập; là bạn, là thành viên tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tham gia các cơ chế đa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, gia tăng cơ hội giới thiệu, quảng bá đất nước.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Trong năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, tạo xung lực mới trong quan hệ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước lớn… tiếp tục đi vào chiều sâu.
Tháng 11-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan. Đặc biệt, vào đêm 4-11, tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan. Thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thể hiện được khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững.
Đoàn Việt Nam tại phiên họp được tín nhiệm bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc |
Một dấu ấn nổi bật trong đối ngoại kinh tế năm 2019 là Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30-6 sau thời gian dài đàm phán. EVFTA và EVIPA mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, việc EU lần đầu tiên ký kết FTA với một nước đang phát triển là Việt Nam, đồng thời là nước thứ 4 ở châu Á, cho thấy EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam.
Cũng trong tháng 6-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trở thành khách mời đặc biệt tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Năm qua, chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông một lần nữa bị xâm phạm nghiêm trọng với các hoạt động trái phép của tàu thuyền Trung Quốc. Việt Nam đã kiên trì các biện pháp đấu tranh thông qua con đường ngoại giao, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn. Cách tiếp cận của Việt Nam nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trực tiếp đóng góp vào việc tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
Hướng tới năm 2020 với nhiều ý nghĩa
Năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi cả nước chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp và hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Với ý nghĩa đó, ngành Ngoại giao Việt Nam đang bước vào năm 2020 với quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đối ngoại, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020 là hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là những hoạt động ngoại giao quan trọng để Việt Nam thể hiện vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ như LHQ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan ngày 4-11-2019 |
Về sự chuẩn bị của Việt Nam cho vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Ưu tiên của chúng ta là tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế. Với kinh nghiệm của mình, chúng ta muốn đóng góp vào các vấn đề của LHQ như: giải quyết sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột, xử lý bom mìn sau xung đột. Khi tham gia HĐBA LHQ thì mục đích của chúng ta là xây dựng môi trường ổn định trên thế giới và khu vực”.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được xem là sự kiện đa phương lớn nhất của Việt Nam, trong bối cảnh ASEAN đi được nửa chặng đường triển khai các kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025. Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tiến độ và những thành tựu giữa kỳ, qua đó quyết định những bước đi tiếp theo để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025. Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch 2020, với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.
Quang Anh