Báo Đồng Nai điện tử
En

"Siêu dự án" sân bay đáng chờ đợi nhất

09:01, 25/01/2019

Không chỉ người dân trong nước vô cùng quan tâm mong đợi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm thành hiện thực, mà ngay cả chuyên trang du lịch của CNN (CNNTravel) năm 2018 cũng đã bình chọn Sân bay Long Thành là 1 trong 16 sân bay đáng chờ đợi nhất trên thế giới.

Không chỉ người dân trong nước vô cùng quan tâm mong đợi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm thành hiện thực, mà ngay cả chuyên trang du lịch của CNN (CNNTravel) năm 2018 cũng đã bình chọn Sân bay Long Thành là 1 trong 16 sân bay đáng chờ đợi nhất trên thế giới.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (bìa phải) thăm hỏi người dân trong vùng dự án
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (bìa phải) thăm hỏi người dân trong vùng dự án

Để dự án đi được đến bước đường như hôm nay, nghị trường Quốc hội cũng đã nóng lên không biết bao nhiêu lần. Những tranh luận về việc quyết định đầu tư cho dự án này hay không, đầu tư ở mức độ ra sao, kế hoạch chi tiết thế nào, trách nhiệm cụ thể thuộc về những ai… diễn ra liên tục trong bối cảnh người dân cũng nóng lòng không kém.

* Hơn 1 thập kỷ đợi chờ

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phải mất 13 năm sau, dự án mới có đủ cơ sở pháp lý để triển khai.

 Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Trong suốt thời gian đó, không biết bao nhiêu đoàn công tác của Trung ương đã đến Đồng Nai thực địa kiểm tra dự án. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, sau mỗi đoàn đến thực địa là giá đất vùng này lại bị “thổi” lên, khiến địa phương gặp không ít khó khăn trong việc quản lý.

Nhưng có lẽ khó khăn nhất vẫn là người dân trong vùng dự án. 13 năm nằm trong vùng quy hoạch, nhiều hoạt động của người dân bị “đóng băng”. Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Suối Trầu (nơi giải tỏa trắng) cho biết, người dân ở đây khá khó khăn khi cây trồng lâu năm già cỗi nhưng không dám chặt đi trồng mới vì không biết lúc nào bị giải tỏa, đất không tách thửa sang nhượng được, nhà cũng không được phép xây dựng. Chủ tịch UBND xã Suối Trầu Nguyễn Văn Hiệp cũng cho biết qua nhiều năm chờ đợi, người dân trong xã rất thiệt thòi, mọi thứ đều bị hạn chế, hạ tầng của xã xuống cấp cũng không được đầu tư mới. “Mỗi lần tiếp xúc cử tri chỉ nghe dân hỏi dự án sân bay có làm không, bao giờ thì làm để chuyển đến nơi ở mới. Đến nay khi biết được dự án chuẩn bị đền bù mọi người mới hết hồ nghi việc triển khai dự án” -  ông Hiệp tâm sự.

Các giai đoạn từ khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt quy hoạch đến nay
Các giai đoạn từ khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt quy hoạch đến nay

Không chỉ ở xã Suối Trầu mà ở các xã Bình Sơn, Long An, Cẩm Đường, Bàu Cạn…, người dân trong vùng dự án cũng chịu áp lực chờ đợi không kém, song điều đặc biệt là ai cũng ủng hộ và chờ mong “siêu dự án” sớm triển khai.

* Tiền đâu để làm?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xem là “siêu dự án” với tổng số vốn lên đến 336.630 tỷ đồng (gần 16 tỷ USD). Riêng tiền để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng lên đến 22.856 tỷ đồng, trong đó tiền xây dựng hạ tầng các khu tái định cư gần 4.200 tỷ đồng, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không là 479 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 17.855 tỷ đồng...

Với một khoản tiền lớn vào loại nhất trong các dự án hạ tầng giao thông của Việt Nam từ trước đến nay, nhiều đại biểu Quốc hội thời gian qua cũng rất băn khoăn trong bối cảnh trần nợ công ở mức cao. Có những giai đoạn dự án bị các đại biểu Quốc hội “soi” khá kỹ, đến mức tưởng chừng Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế  Long Thành không thông qua được.

Và ngay cả khi nghị quyết được thông qua, nhưng khi Quốc hội thảo luận tổ về việc tách nội dung giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế  Long Thành ở kỳ họp giữa năm 2017, đại biểu vẫn còn nhiều băn khoăn. Đơn cử như đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội băn khoăn: “Chúng ta cần gần 16 tỷ USD để đầu tư, bây giờ Quốc hội có đồng ý bỏ ra khoảng 23 ngàn tỷ đồng này thì cũng còn 15 tỷ USD chưa biết vốn ở đâu”.

Theo Bộ Giao thông - vận tải (cơ quan được Chính phủ giao thực hiện dự án), khái toán của toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 cần đến 114.450 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết về phương án vốn: Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn từ các doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các loại hình vốn khác cũng được huy động để thực hiện.

* Chạy đua cho ngày “cất cánh”

Cuối năm 2018, báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ phê duyệt. Ngay lập tức, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai dự án. Đây được xem là “siêu” Ban chỉ đạo với số thành viên lên đến hơn 30 người, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm phó ban và cả lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải cũng tham gia. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho hay quyết tâm của tỉnh phải giao được đất sạch cho chủ đầu tư xây dựng sân bay đúng theo kế hoạch vào năm 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (bìa trái) cùng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một (thứ 2 từ phải qua) và lãnh đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam tham quan trưng bày phối cảnh nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (bìa trái) cùng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một (thứ 2 từ phải qua) và lãnh đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam tham quan trưng bày phối cảnh nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Nếu giải phóng mặt bằng không kịp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án và thời gian xây dựng. Vì vậy phải có sự quyết tâm từ tất cả các ban, ngành và địa phương của tỉnh tham gia dự án này. Thời gian không có nhiều nên phải huy động tổng lực và cùng một lúc thực hiện nhiều việc song song để đáp ứng tiến độ” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nói. Trong thực tế, Đồng Nai đã thực hiện nhiều bước trong công tác chuẩn bị từ trước, nhờ vậy suốt thời gian qua, mọi việc gần như không bị động.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam chia sẻ, dự án được thực hiện với một quyết tâm rất cao để đưa vào khai thác theo đúng thời gian là năm 2025. Hiện tại mức tăng trưởng của ngành hàng không là rất nóng, vì thế sớm đưa dự án vào khai thác càng có lợi. Theo tính toán của ngành hàng không, nếu chậm 5 năm thì dự án đội vốn lên gấp đôi. Đây cũng là lý do mà Bộ Giao thông - vận tải đặt quyết tâm rất cao cho “siêu dự án” sân bay này.

Không chỉ riêng Đồng Nai gấp rút trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng mà Bộ Giao thông - vận tải cũng liên tục thúc tiến độ Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) về công tác thực hiện báo cáo FS xây dựng sân bay. Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Lê Đình Thọ cho hay đến tháng 3-2019, bộ phải hoàn thành hồ sơ để đến tháng 10-2019, báo cáo FS dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ trình Quốc hội. Dự kiến tháng 12-2019 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án đầu tư. Có như vậy thời gian khởi công dự án sẽ đảm bảo được đúng tiến độ vào năm 2020. Theo kế hoạch, những công việc đầu tiên sẽ thực hiện là san lấp mặt bằng và xây dựng đường vào sân bay.

K.G

Tin xem nhiều