Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cây bút trẻ: Tín hiệu vui

03:01, 25/01/2019

Không ai dám khẳng định ngay là chúng ta đã có một lớp những cây bút trẻ kế tiếp con đường "văn dĩ tải đạo", nhưng với sự xuất hiện của phong trào sáng tác thơ văn trong học sinh, sinh viên đang sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai thời gian qua đã mang lại nhiều tín hiệu vui.

Không ai dám khẳng định ngay là chúng ta đã có một lớp những cây bút trẻ kế tiếp con đường “văn dĩ tải đạo”, nhưng với sự xuất hiện của phong trào sáng tác thơ văn trong học sinh, sinh viên đang sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai thời gian qua đã mang lại nhiều tín hiệu vui. Điều đó cho thấy, văn học trẻ ở Đồng Nai đang có những bước đi đầy tự tin để khẳng định mình trên “bản đồ” văn chương khu vực và cả nước.

Dưới gốc cây long não trăm năm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (TP.Buôn Ma Thuột) trong đợt dự trại sáng tác
Dưới gốc cây long não trăm năm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trong đợt dự trại sáng tác

* Những “mầm xanh” văn học

Phần lớn các cây bút trẻ ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai là học sinh THCS, THPT; một số là sinh viên các trường đại học nhưng những tác phẩm của các em sau mỗi mùa trại thể hiện tinh tế, chững chạc trong cách viết.

Trong khi những đội viên trưởng thành từ Trại sáng tác như: Lã Thị Hồng Thuấn, Đặng Nguyễn Vân Nhi, Trần Ngọc Quỳnh Vân sâu sắc hơn trong từng con chữ với độ “chín” của cảm xúc, của bút lực thì những cây bút mới như: Trần Ngọc Hồng Phúc, Đặng Huệ Linh, Hoàng Thu Thảo, Ngô Gia Hân (TP.Biên Hòa); Nguyễn Quốc Bảo (huyện Vĩnh Cửu); Đặng Tú Nghi (huyện Long Thành)…lại đang dần định hình cho mình một lối viết mới, trong trẻo và sôi động. Các cây bút trẻ đang tiếp bước những cây bút “gạo cội” để tạo nên một diện mạo đa dạng hơn, sung sức hơn cho văn chương Đồng Nai.

 Các trại sinh đã dự các trại sáng tác chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức
Các trại sinh đã dự các trại sáng tác chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức

Là học sinh chuyên Toán, nhưng 9 năm qua Thu Ngân (huyện Nhơn Trạch) luôn tích cực tham gia trại sáng tác thơ văn. Em vừa có năng khiếu viết truyện ngắn vừa có khả năng làm thơ. Truyện của Ngân đơn giản. Thơ Thu Ngân thì nhẹ nhàng và đôi khi tự nhiên như nói. Chính sự đơn giản trong suy nghĩ của tuổi học trò khiến đôi lúc đọc tác phẩm của Ngân có những ý làm ta giật mình. Mặc dù trải qua 4 mùa trại sáng tác nhưng với Lê Ngọc Xuân Quỳnh (Trường THPT Long Khánh) kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp… của em ngày càng được nâng cao. Hiện, em đang tất bật chuẩn bị cho chuyến du học Nhật Bản với chuyên ngành marketing. “Tham gia trại sáng tác thơ văn tuổi học trò em học hỏi được rất nhiều điều, cảm thấy mình trưởng thành hơn. Bây giờ, dù ở đâu, em cũng đã có nền tảng vững chắc về vốn từ nên cảm thấy rất tự tin” - Xuân Quỳnh bộc bạch.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải, người theo sát trại sinh trong các trại sáng tác nhìn nhận: “Thời nào thì tuổi trẻ cũng có những khát khao sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, vì vậy việc sáng tác thơ văn trong học sinh, sinh viên dĩ nhiên là đang diễn ra. Có điều ở Đồng Nai, sáng tác trẻ chưa thật sôi động như ở TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội do tính chất của vùng đất. Tuy nhiên, chất lượng của phong trào sáng tác lại không nằm ở chỗ sôi động hay lặng lẽ. Nhiều cây bút mới xuất hiện tuy chưa có sự trau chuốt về kỹ thuật nhưng đã “lấp lánh” những dấu hiệu lạc quan về sáng tạo. Đặc san sau những mùa hè với những tác phẩm đầy nỗ lực của các em chính là niềm vui của những người phát hiện và bồi dưỡng các cây bút học trò tỉnh Đồng Nai”.

* Vun đắp để… tỏa sáng

Cũng bởi các cây bút trẻ trong độ tuổi học sinh, áp lực bài vở ở trường lớp khá lớn khiến các em không có nhiều thời gian viết nên lượng bài tham gia trại sáng tác cũng chưa thật đều đặn. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, nhà trường và sự nỗ lực của bản thân mỗi học sinh. Em Nguyễn Võ Mỹ Duyên (Trường THPT Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu) cho rằng, bên cạnh viết lách thì việc học sinh tham gia sinh hoạt, tìm hiểu văn học rất tích cực: “Em nghĩ đó là một điều mừng. Một người viết hay cũng phải là một người biết nhiều, hiểu rộng và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống”.

Các trại sinh viết bài trong quá trình dự trại sáng tác tại Buôn Ma Thuột
Các trại sinh viết bài trong quá trình dự trại sáng tác tại Buôn Ma Thuột

Theo Phó giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai Trương Hải Thi, Đồng Nai cũng là một trong rất ít tỉnh tổ chức được trại sáng tác cho lứa tuổi học trò trong nhiều mùa hè liên tục. Bao giờ cũng vậy, mỗi mùa trại vẫn hấp dẫn và thu hút trại sinh như những ngày đầu. “Những cây bút học trò Đồng Nai được phát hiện từ trại sáng tác là một tiềm năng lớn cho nền văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà. Nếu được quan tâm, tập hợp, bồi dưỡng đúng mức, chắc chắn trong tương lai không xa các em sẽ tỏa sáng” - anh Hải Thi chia sẻ.

Là một trong những người chuyên viết truyện dành cho thiếu nhi, nhiều năm qua nhà văn Thu Trân đã luôn đồng hành cùng với các trại sinh trong mỗi trại sáng tác. Không chỉ cùng các em giao lưu, lắng nghe những câu chuyện thú vị, mới mẻ của tuổi học trò mà chị còn truyền cảm hứng sáng tạo giúp các em biết cách xây dựng tác phẩm theo ý tưởng của mình và học cách viết, sắp xếp nội dung thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Giao lưu văn hóa cồng chiêng và tham quan di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột
Giao lưu văn hóa cồng chiêng và tham quan di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột

Theo nhà văn Thu Trân, để nâng tầm văn học trẻ Đồng Nai cần có quỹ đầu tư sáng tác dành riêng cho giới trẻ. Các giải thưởng văn học hằng năm và giải Trịnh Hoài Đức về văn học nghệ thuật cần có hạng mục riêng dành cho giới trẻ; Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai cần có nhiều hơn không gian cố định dành riêng cho những cây bút trẻ, mới xuất hiện… “Tôi tin làm được những điều trên văn học Đồng Nai sẽ có đội ngũ kế thừa vững vàng và chắc chắn văn học trẻ sẽ tỏa sáng trên văn đàn” - nhà văn Thu Trân nói.

Xuân đang về trước ngõ. Với văn chương Đồng Nai, chúng ta đón đợi và có cơ sở để hy vọng ở những cây bút trẻ từ các trại sáng tác thơ văn tuổi học trò sẽ có sự bứt phá cả về số lượng và chất lượng bằng sự đam mê dấn thân trên cánh đồng chữ nghĩa.            

Lã Thị Hồng Thuấn (đội viên trưởng thành từ Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai): Trại sáng tác chính là môi trường tốt nhất để người trẻ rèn luyện

Đồng Nai là một vùng đất giàu và đẹp. Bởi thế mà chúng ta vô cùng tự hào về những sáng tác về vùng đất và con người Đồng Nai. Và tự hào hơn là có một đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn gây được tiếng vang trong văn đàn cả nước, như: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… Tôi thấy mình rất may mắn khi được tiếp cận với những tác phẩm của các tác giả ấy. Những tác phẩm đã cho tôi cảm hứng với văn chương, tình yêu với con người và tự hào về một nền văn học của Đồng Nai mà chúng tôi - những người viết trẻ được truyền lửa.

Tuy nhiên, vì còn trẻ nên chúng tôi cần sự trải nghiệm, phải đi thực tế, quan sát và suy ngẫm thì mới có thể viết tốt được. Và trại sáng tác chính là môi trường tốt nhất để người trẻ rèn luyện. Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới”. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng viết làm sao cho tác phẩm của mình tương đối hoàn chỉnh, để người đọc không phải thất vọng mà thốt lên “Viết thế mà cũng viết…”.

Phan Gia Hưng (Trường THPT Trị An, huyện Vĩnh Cửu): Văn chương cho ta cái nhìn khả quan hơn về cuộc sống

 Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, văn học nghệ thuật với Hưng chưa mang lại những lợi ích quá lớn, những bước đi đầu tiên của hoạt động viết lách ấy đã cho Hưng cái nhìn khả quan hơn về cuộc sống cũng như tri thức về văn học, lịch sử, xã hội và đôi khi có cả âm nhạc. Hưng thường viết theo ngẫu hứng, giống như tính cách ngoài đời, không ép buộc mình phải viết như thế này hoặc như thế kia.

Hưng rất quan tâm đến cảm xúc đọng lại qua mỗi tác phẩm. Hưng đọc không biết bao nhiêu lần truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Nguyễn Thái Hải… lúc nào cũng thấy bồi hồi, xúc động. Với Hưng, văn chương là người bạn tốt nhất, là cảm xúc thật nhất bởi nó bao giờ cũng “lắng nghe” lời than vãn khi mình gặp chuyện buồn hoặc hét lên vì một niềm vui sướng.

Ngô Gia Hân (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh): Văn chương là nơi giải thoát cảm xúc

Vì còn khá trẻ và viết còn non tay nên văn chương với Hân chỉ là để giải thoát cảm xúc của bản thân. Ở đó, Hân đi tìm sự đồng điệu cảm xúc, trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh. Hân đến với văn chương giản dị mà nhiệt tình, mỗi lần viết là thấy yêu đời hơn một chút, lớn hơn một chút. Nhưng viết thì không dễ chút nào. Hân có thói quen đọc lại tác phẩm của mình nhiều lần, mà lần nào cũng thấy còn rất yếu.

Vì thế, Hân cứ viết đi viết lại, những mong lần sau sẽ hay và hoàn thiện hơn lần trước. Hân cho rằng, với người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, để viết tốt thì phải đi nhiều, đi mới có cảm hứng, mới có “chất liệu” cuộc sống chứ không thể hoàn toàn tưởng tượng mà ra tác phẩm được.

Thy Văn

Tin xem nhiều