Báo Đồng Nai điện tử
En

Người tạo trầm hương

09:01, 25/01/2019

Không phải là một "nhân vật" quá mới trong ngành trầm hương, song ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) được tặng Huân chương Lao động hạng ba, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 nhờ sáng chế "phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm" mang lại hiệu quả cao.

Không phải là một “nhân vật” quá mới trong ngành trầm hương, song ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) được tặng Huân chương Lao động hạng ba, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 nhờ sáng chế “phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm” mang lại hiệu quả cao.

Ông Khoan giới thiệu sản phẩm trầm cảnh
Ông Khoan giới thiệu sản phẩm trầm cảnh

Ở tuổi 66, ông Khoan có hàng chục năm gắn bó với nghề trầm hương, từ người lội rừng săn trầm đến trồng rừng dó bầu, tự tạo ra trầm hương. Ngoài sản phẩm chủ lực là chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm, Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm về trầm hương ra thị trường như: tinh dầu, trầm cảnh, gỗ trầm, trầm mảnh…

* Duyên nợ… dó bầu

Ông Khoan nhớ lại: “Thời thanh niên, tôi có nhiều năm lội rừng săn trầm hương rồi chuyển sang buôn trầm. Gần chục năm theo nghề này, nguồn trầm hương rừng dần cạn kiệt, tôi về mua đất làm nông. Năm 2000, phong trào đầu tư trồng cây dó bầu tạo trầm rộ lên, tôi cũng cho xen canh cây rừng này trong vườn cây ăn trái của gia đình. Lúc đó, giá giống cây dó rất cao nhưng vì hiểu giá trị của trầm hương nên tôi vẫn mạnh dạn đầu tư”.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân VN Thào Xuân Sùng (giữa) thăm nơi sản xuất trầm cảnh của ông Trương Thanh Khoan
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (giữa) thăm nơi sản xuất trầm cảnh của ông Trương Thanh Khoan

Khi ông Khoan mua cả chục ngàn cây con để lập rừng dó bầu, công ty cung cấp giống có cam kết sẽ hỗ trợ người trồng phương pháp kích thích để cây dó tạo trầm. Nhưng rồi doanh nghiệp “một đi không trở lại”, gần 10 năm chăm chút vườn dó bầu nhưng mãi không tạo được trầm, ông Khoan từng rơi vào cảnh chán nản, kiệt quệ. Có giai đoạn ông bỏ mặc rừng dó bầu không chăm sóc, vườn cây xơ xác, nhiều cây chết vì sâu bệnh.

Nhưng không muốn bao công sức đổ sông, đổ biển, ông Khoan nghĩ đến việc tự tìm phương pháp kích thích cho cây dó tạo trầm. Thời còn lặn lội trong rừng sâu tìm trầm, kinh nghiệm là những chỗ cây dó có vết thương như: vết đạn găm vào thân cây, chỗ cây bị gãy hoặc những vết khoét vào thân cây do thiên tai… Cây tập trung nguồn nhựa, kháng chất để bao bọc vết thương và sự tương tác này là điều kiện tạo trầm trên cây dó. “Năm 2012, tôi mày mò thử nghiệm, vừa sử dụng yếu tố sinh học vừa kết hợp với một số loại hóa chất bơm vào thân cây dó để tạo trầm. Kết quả thử nghiệm với lứa cây đầu thành công, tôi cho tạo trầm trên toàn bộ vườn dó và đều đạt kết quả” - ông Khoan vui vẻ khoe.

* Học từ loài kiến

Theo ông Khoan, thời gian đầu, ông sử dụng phương pháp hóa học để tạo trầm, giá thuốc rẻ nhưng phương pháp này có nhiều hạn chế như: chi phí công lao động lớn, kết quả tạo trầm không ổn định, xảy ra rủi ro cây không có trầm nếu tác dụng của thuốc yếu, thuốc quá mạnh sẽ làm cây chết...

Ông Trương Thanh Khoan nhận giải thưởng nông dân VN xuất sắc 2018
Ông Trương Thanh Khoan nhận giải thưởng nông dân VN xuất sắc 2018

Ông Khoan lại mày mò tìm phương pháp sinh học, vi sinh để tạo trầm trên cây gió. Ông Khoan chia sẻ: “Thời còn lặn lội trong rừng sâu tìm trầm, tôi quan sát thấy loài kiến xanh làm tổ trong thân cây dó bầu và thường trầm được tạo ra từ những ổ vết thương nơi tổ kiến trú ngụ. Tôi đã lặn lội vào rừng sâu bắt loại kiến xanh về nuôi. Qua tìm tòi, tôi biết được chất dịch tiết ra từ loài kiến này là một trong những thành phần quan trọng trong chế phẩm sinh học để kích thích cây dó tạo trầm”.

Thành công với phương pháp sinh học, ông Khoan lại tiếp tục nghiên cứu ra chế phẩm vi sinh có nhiều ưu điểm hơn như: kích thích tạo trầm cao, rút ngắn thời gian tạo trầm...

Một trong những điều khiến ông Khoan tiếp tục bỏ công, bỏ của nghiên cứu để tạo trầm bằng phương pháp sinh học, vi sinh vì dùng chất hóa học sẽ tạo ra trầm không sạch do bị tồn dư kim loại nặng hoặc một số chất độc có hại cho sức khỏe con người. Và sự kiên trì của ông đã được đền bù xứng đáng vì với phương pháp vi sinh, trầm của vườn dó bầu trồng sạch như trầm rừng, không hóa chất, không độc hại. Ông đã đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm.

* Làm trầm hương sạch

Khi rừng cây dó “ngậm” trầm, ông Khoan không bán cây gỗ mà tự thu hoạch, chế biến. Và nhiều dòng sản phẩm từ trầm hương được ông lần lượt đưa ra thị trường. Ngoài dòng trầm hương miếng, gỗ trầm, ông Khoan còn cho làm trầm cảnh để tăng giá trị của sản phẩm. Những mảnh trầm vụn, gỗ tốc (phần gỗ có mức nhiễm dầu ít hơn trầm) được ông tận dụng chưng cất ra dầu trầm với giá trị cao.

Theo ông Khoan, trầm hương là linh khí của đất trời. Trong lĩnh vực y học, dầu trầm có chứa nhiều dược tính quý. Vì trong các loại hương thơm, hương trầm là thứ hương quyến rũ và không phai nhạt theo thời gian nên chất định hương được tìm thấy trong dầu trầm được sử dụng để chế tạo các loại nước hoa cao cấp nhất. Nhưng để phát huy được những giá trị này, yêu cầu đầu tiên là phải làm ra trầm hương sạch.

Vài năm trở lại đây, ông Khoan cũng ứng dụng phương pháp mới trong tinh cất tinh dầu trầm cho ra lượng tinh dầu nhiều hơn, đặc biệt là tinh dầu thuần chất, đậm đặc hơn. Vì tinh dầu trầm ngày càng thu hút khách nước ngoài đặt hàng xuất khẩu nên ông cũng cho làm đầy đủ các kiểm nghiệm về chất lượng để chứng minh độ an toàn, hàm lượng tinh dầu của sản phẩm này.

Trầm hương Việt từng được thế giới biết tiếng, đánh giá cao về chất lượng. Nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, trầm bẩn tràn lan đã đánh mất dần uy tín của trầm hương Việt Nam. Ông Khoan so sánh: “Giá gỗ trầm cho đến tinh dầu trầm từ cây dó bầu trồng của Việt Nam ngày một rẻ đi trong khi thị trường thế giới không ngừng tăng giá. Đây là một thiệt thòi rất lớn vì trầm hương Việt Nam từng được nhiều quốc gia biết tiếng”. Mong muốn của lão nông có hàng chục năm gắn bó với nghề trầm hương này là làm trầm sạch, xây dựng uy tín cho trầm Việt bằng chất lượng để nguồn tài nguyên quý này không còn bị lãng phí.

Phương pháp kích thích và chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương của nông dân Trương Thanh Khoan được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) chứng nhận bằng độc quyền sáng chế vào năm 2016. Hiện sản phẩm này không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa mà ông đã có nhiều khách hàng tại Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia… Ngoài ra, ông Khoan đã có khách hàng đặt gỗ trầm, tinh dầu trầm xuất khẩu.

BÌNH NGUYÊN

Tin xem nhiều