Báo Đồng Nai điện tử
En

Thế giới năm 2018: Kỳ vọng những chuyển động chiến lược

03:02, 06/02/2018

Bước vào năm 2018, thế giới tự tin với hành trang thành tựu khá dày dặn: Kinh tế toàn cầu khởi sắc. Nỗi bất an về khủng bố giảm nhẹ khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dần bị đánh bại. Bản đồ điểm nóng xung đột thu hẹp. Song, những biến động về an ninh, xáo trộn về chính trị, đi kèm xu hướng ly khai, chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ vẫn như cơn gió ngược chực chờ cản trở hợp tác quốc tế, đòi hỏi nhiều hơn những chuyển động chiến lược trên toàn cầu.

Bước vào năm 2018, thế giới tự tin với hành trang thành tựu khá dày dặn: Kinh tế toàn cầu khởi sắc. Nỗi bất an về khủng bố giảm nhẹ khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dần bị đánh bại. Bản đồ điểm nóng xung đột thu hẹp. Song, những biến động về an ninh, xáo trộn về chính trị, đi kèm xu hướng ly khai, chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ vẫn như cơn gió ngược chực chờ cản trở hợp tác quốc tế, đòi hỏi nhiều hơn những chuyển động chiến lược trên toàn cầu.

Người dân Hàn Quốc theo dõi qua truyền hình vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 (ngày 29-11-2017). Nguồn: Getty
Người dân Hàn Quốc theo dõi qua truyền hình vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 (ngày 29-11-2017). Nguồn: Getty

1

Thế giới trải qua năm 2017 nhiều biến động và xáo trộn trong quan hệ quốc tế. Phần nhiều trong đó có nguyên nhân từ những thay đổi bất ngờ và khó lường từ Mỹ. Và những chuyển động chiến lược cũng được chờ đợi từ cường quốc số 1 thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Nguồn: APEC
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Nguồn: APEC

Quyết định khó khăn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2018 đó là làm thế nào đối phó với kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên. Năm 2017, 16 vụ thử tên lửa và vụ kích nổ thiết bị hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên từng khiến vị Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” bất bình cực độ, đến mức tung ra lời đe dọa “vô tiền khoáng hậu”, kiểu như “trút lửa thịnh nộ” xuống Bình Nhưỡng. Tới đây, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục giằng co lựa chọn, hoặc kiềm chế bằng vũ lực, hoặc quản lý thông qua chiến lược răn đe. Tuy nhiên, cục diện an ninh tại bán đảo Triều Tiên xuất hiện diễn biến tích cực sau khi đối thoại liên Triều bất ngờ khai mở, khiến dư luận có thêm hy vọng vào viễn cảnh đàm phán Washington - Bình Nhưỡng, thậm chí là cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Sau 1 năm ráo riết thực thi cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, rút Mỹ khỏi nhiều trách nhiệm quốc tế và tập trung các vấn đề đối nội, Tổng thống Donald Trump sẽ chuyển hướng ra bên ngoài. Trong bản đồ đối ngoại của Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên mới, trong khi Nhà Trắng tiếp tục làm ấm hơn quan hệ với các đồng minh ở Đông - Bắc Á, Trung Đông và châu Âu, tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, khái niệm châu Á - Thái Bình Dương sẽ dần được thay thế bằng khu vực rộng lớn hơn là Ấn Độ - Thái Bình Dương, với sự góp mặt của “bộ tứ kim cương” gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trong một chiến lược hoàn toàn mới. Cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 ở Nga có thể là cơ hội mới để ông Trump thay đổi “chu kỳ trồi sụt” trong quan hệ Nga - Mỹ. Nhưng, dù là mối quan hệ quốc tế nào, phương châm “nước Mỹ trước tiên” sẽ vẫn chi phối quyết định của ông chủ Nhà Trắng.

2

Với châu Âu, cuộc thảo luận về hình thức cấu trúc và quản trị của Liên hiệp châu Âu (EU), cùng giai đoạn đàm phán nước rút việc Anh rời EU (Brexit) sẽ thu hút chú ý của dư luận nhiều nhất trong năm 2018. Sẽ không dễ dàng để EU tìm ra con đường tiến về phía trước, khi phần lớn các thành viên tán thành cần có cải cách thể chế, chính trị và kinh tế, nhưng lại không thể thống nhất về diện mạo những cải cách đó. Trung tâm của cuộc tranh luận này sẽ là Pháp và Đức, trong khi sự chia rẽ âm ỉ giữa các nhóm thành viên phía Bắc và Nam, giữa Tây và Đông châu Âu, sẽ bùng lên mạnh hơn. Pháp và Đức quan tâm hợp tác nhiều hơn đối đầu, song thiện chí của 2 đầu tàu này chưa đủ để đoàn kết các thành viên. Tình thế “lưỡng nan” trở lại, khi EU phải vật lộn với câu hỏi về sự tồn tại, khi các thành viên ở Trung và Đông Âu sẽ mạnh mẽ hơn với cách tiếp cận riêng, chống sự can thiệp của Brussels vào việc ra quyết định nội bộ của họ.

Pháp và Đức quan tâm hợp tác nhiều hơn đối đầu. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Paris, Pháp ngày 19-1. Nguồn: AFP
Pháp và Đức quan tâm hợp tác nhiều hơn đối đầu. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Paris, Pháp ngày 19-1. Nguồn: AFP

Nước Anh sẽ dành phần lớn năm 2018 để tính toán về mối quan hệ với EU, nhất là những khía cạnh “khó nhằn” của một thỏa thuận thương mại thời “hậu Brexit”. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau thời gian trầm lắng sẽ trở lại trung tâm quan ngại. Italy là nguồn chính gây tình trạng bấp bênh cho Eurozone với cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, với phần lớn các chính đảng phản đối đòi hỏi khắc nghiệt của EU. Trong khi đó, quan hệ EU - Nga sẽ vẫn xa cách, nhưng nguy cơ về cuộc chiến “trừng phạt - đáp trả” không quá lớn, bởi các biện pháp trừng phạt vốn gây tranh cãi tại châu Âu, nên nhiều khả năng EU chỉ kéo dài chứ không mở rộng các lệnh trừng phạt Nga vì khủng hoảng ở Ukraine.

3

Tại Trung Đông, vấn đề hạt nhân Iran sẽ trở lại, song được Mỹ sử dụng vừa nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân, vừa còn làm xói mòn mạng lưới ảnh hưởng của Tehran đang rộng mở trong khu vực. Bởi thế, thỏa thuận lịch sử mà các cường quốc đã ký với Iran có thể bị Washington đẩy vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, thiện chí và kiên định ủng hộ của Nga và EU sẽ là cái “neo” để Iran bám trụ trước sóng gió.

Người dân Iraq vui mừng mang quốc kỳ trên đường phố Baghdad đánh dấu kết thúc 3 năm chống phiến quân IS, tuy nhiên cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan vẫn chưa dừng lại. Nguồn : AFP
Người dân Iraq vui mừng mang quốc kỳ trên đường phố Baghdad đánh dấu kết thúc 3 năm chống phiến quân IS, tuy nhiên cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan vẫn chưa dừng lại. Nguồn : AFP

Lực lượng IS bị đánh bại trên thực địa tại Syria và Iraq là tin tốt lành, tuy nhiên cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan ở Trung Đông và cả trên thế giới vẫn chưa dừng lại. Rất có thể, Al Qaeda lợi dụng sự sụp đổ của IS để mở rộng hoạt động nhằm đánh bóng tên tuổi như là nhóm lãnh đạo phong trào thánh chiến toàn cầu.

IS bị đánh bại, song cuộc khủng hoảng ở Syria lại trở về vạch xuất phát. Nội chiến có nguy cơ bị biến thành chiến tranh ủy nhiệm, giữa Mỹ và Nga, đồng thời được Mỹ và đồng minh ở Trung Đông lợi dụng nhằm làm suy yếu Iran. 6  năm xung đột tại Syria phần nào làm nổi lên một loạt lực lượng dân sự ủng hộ Iran trong khu vực; và đó là điều “không thể chấp nhận” với Mỹ và Saudi Arabia. Với Nga, dù đã rút phần lớn lực lượng về nước, Moscow sẽ vẫn đảm nhiệm một vai trò quân sự và ngoại giao nổi bật trong vấn đề Syria trong năm 2018, ít nhất nhằm bảo vệ thành quả trên chiến trường trong 2 năm vừa qua.

Trong khi đó, một loạt cuộc khủng hoảng cũ tại khu vực, như ở Libya, Yemen sẽ còn dai dẳng, khi chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh mẽ giành quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia. Tiến trình hòa bình Trung Đông vốn không tiến triển, có thể bế tắc hơn với động thái ngược dòng của Tổng thống Mỹ, phá hủy “giải pháp hai nhà nước” vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

4

Một thập niên sau khủng hoảng tài chính làm rung chuyển tận cốt lõi cấu trúc kinh tế thế giới, năm  2017, GDP toàn cầu bắt đầu tăng trở lại; mức tăng trưởng và lạm phát không quá nóng, cũng không quá lạnh. Thực tế khả quan ấy là nhờ kinh tế thế giới lấy lại tốc độ tăng trưởng ổn định sau 1 năm nhiều dao động do ảnh hưởng từ sự kiện Brexit và các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Châu Á - Thái Bình Dương duy trì là khu vực phát triển năng động nhất và là động lực chính cho kinh tế toàn cầu, dù vẫn đối mặt hàng loạt thách thức. Khi những tiếng nói chống toàn cầu hóa và xu hướng bảo hộ thương mại nhăm nhe trở lại, nhiệm vụ thúc đẩy tự do thương mại càng khó khăn. Nhưng, thành công của APEC Việt Nam 2017 và việc hồi sinh “thỏa thuận vàng”, với tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ tạo khí thế mới cho các tiến trình thương mại đa phương ở khu vực và trên thế giới.

Họp báo về Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).     Nguồn: viettimes
Họp báo về Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nguồn: viettimes

OECD ước đoán, kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng ít nhất 3,5% và là tốc độ tăng nhanh nhất trong 8 năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều vấn đề sâu sắc mang tính cấu trúc từ cuộc khủng hoảng tài chính gần 10 năm trước vẫn kéo dài, báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong năm nay mong manh hơn trong chu kỳ vừa qua. Những nguy cơ địa - chính trị nghiêm trọng, như xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến thương mại toàn cầu, hay sức nóng từ những chiến tuyến khắc nghiệt ở Trung Đông… vẫn có thể làm gián đoạn tiến trình phục hồi và tăng trưởng sắp tới.         

CHU HỒNG THẮNG

Tin xem nhiều