Báo Đồng Nai điện tử
En

Phim Việt chiếu rạp: Thất thế ngay từ việc cạnh tranh

10:02, 05/02/2018

Năm 2017 có hơn 40 phim Việt công chiếu, nhìn chung chất lượng được cải thiện đáng kể, nhưng doanh thu thì vẫn đì đạch, chỉ có 5-6 chạm mốc yêu cầu đặt ra, 2-3 phim thắng lợi.

Năm 2017 có hơn 40 phim Việt công chiếu, nhìn chung chất lượng được cải thiện đáng kể, nhưng doanh thu thì vẫn đì đạch, chỉ có 5-6 chạm mốc yêu cầu đặt ra, 2-3 phim thắng lợi.

Trào lưu làm lại những phim ngoại nổi tiếng vẫn mạnh mẽ với Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Trào lưu làm lại những phim ngoại nổi tiếng vẫn mạnh mẽ với "Tháng năm rực rỡ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Trong nhiều lý do được phân tích, một lý do lớn hơn được chỉ ra, đó là sự chèn ép vừa tinh vi vừa công khai của CGV - doanh nghiệp chiếu phim quốc tế - hiện chiếm hơn 45% thị phần tại Việt Nam.

* Chèn ép tỷ lệ ăn chia

Còn nhớ năm 2016, 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam đã gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia phòng vé, mà theo họ là quá bất lợi cho phim Việt. Kết quả, CGV sẵn sàng từ chối phát hành phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, khiến phim này gặp khá nhiều lao đao.

CGV từng thành công với Em là bà nội của anh.
CGV từng thành công với "Em là bà nội của anh".

Trong kỳ họp Quốc hội sáng 15-11-2017, phát biểu về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) khẳng định: “Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam để mất hệ thống rạp thì sẽ khó đưa các bộ phim do Việt Nam sản xuất đến với khán giả. Có nghĩa là, nếu như không có hệ thống rạp của Việt Nam thì ngay phim Việt sẽ không được công chiếu ở Việt Nam”.

“Không những kinh doanh trái phép công khai, CGV còn dùng sức mạnh thị trường để chèn ép các doanh nghiệp khác trong ngành. Đối với các phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp của doanh nghiệp khác, CGV với tư cách doanh nghiệp phát hành luôn đòi áp đặt tỷ lệ phân chia doanh thu cao cho nhà phát hành (CGV), giữ tới 50-55% doanh thu, chỉ để lại 45% hoặc không quá 50% cho rạp. Trong khi đó, đối với phim do CGV nhận của các doanh nghiệp khác phát hành để chiếu tại rạp của CGV, họ áp đặt tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành, giữ lại đến 55-60% doanh thu cho rạp (tỷ lệ phân chia doanh thu trong tuần chiếu đầu tiên). Với sự hậu thuẫn từ hệ thống rạp chiếu, CGV đang dần từng bước buộc các nhà sản xuất phim Việt phải quay lưng lại với các nhà phát hành khác, hợp tác với họ để phát hành phim mới mong có lãi, từ đó độc chiếm thị trường phát hành phim” - trong một thông cáo báo chí chính thức, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam khẳng định.

* Doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài giữ thế thượng phong

Tháng 10-2017 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm về thực trang phim Việt, trong đó có đặt ra chủ đề. Làm thế nào để cứu điện ảnh dân tộc? Có nghĩa, điện ảnh nước nhà đang ở trong thế rất khó. Cái khó ở đây là vai trò của các hãng phim nhà nước gần như không còn tác dụng nữa, mà điện ảnh tư nhân thì phải chịu sự chi phối duy nhất của đồng vốn và hệ thống rạp chiếu, phát hành. Không thể viển vông khi cho rằng các hãng phim tư nhân cũng sẽ làm phim vì mục đích như hãng phim nhà nước, khi mà đồng vốn họ phải tự lo và nguy cơ phá sản là rất lớn.

Buổi ra mắt phim Sắc đẹp ngàn cân của đạo diễn James Ngô.
Buổi ra mắt phim "Sắc đẹp ngàn cân" của đạo diễn James Ngô.

Trong khi đó, CGV và Lotte hiện nay đang giữ thế thượng phong về rạp chiếu, và còn phát triển mạnh mẽ. Theo Hollywood, CGV đầu tư thêm 200 triệu USD cho hệ thống rạp tại Việt Nam trong vòng 3 năm (2017-2020). Họ cũng đang kêu gọi từ Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc khoảng 500 tỷ won (tương ứng 443 triệu USD) để đầu tư xây rạp mới tại Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, cả nước có gần 50 doanh nghiệp tư nhân sản xuất phim, trong đó có 15 doanh nghiệp sản xuất từ 2 phim trở lên. Với kinh phí dao động từ 5 tỷ đồng cho đến khoảng 30 tỷ đồng/phim, vấn đề rạp chiếu, phát hành rất quan trọng. Giả dụ phim có kinh phí 10 tỷ đồng, thì cộng 50% rạp chiếu, phát hành sẽ thành 20 tỷ đồng. Bộ phim làm mưa làm gió Em chưa 18 (đạo diễn: Lê Thanh Sơn) được phía sản xuất mơ ước là sẽ có doanh thu đẹp vào khoảng 40 tỷ đồng. Nhưng khi thấy được tiềm lực sau vài ngày công chiếu, nhà phát hành CGV đã tăng tốc và mở rộng sức chiếu, kết quả thu về con số không tưởng: 171 tỷ đồng! CGV cũng từng thành công với Em là bà nội của anh (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh) với doanh thu 102 tỷ đồng.

Trên đây cũng là hai cột mốc doanh thu của lịch sử chiếu phim Việt Nam, nên việc các nhà sản xuất Việt mơ CGV phát hành phim của mình là điều có thật. Thông thường, khi một phim hoàn chỉnh, nhà sản xuất sẽ tổ chức một buổi chiếu cho các nhà phát hành xem, nếu CGV mà lắc đầu không nhận thì xem như phần thiệt thòi đã cầm rõ. Với hệ thống rạp chiếu ngày càng nhiều, CGV đang có tham vọng: hễ CGV chịu phát hành thì các phim Việt có kinh phí bình thường đã cầm chắc phần hòa vốn.

* Đừng ngồi than thở

Đó là nhìn từ phía CGV, đại diện cho các đơn vị quốc tế. Nhìn từ phía quốc nội, năng lực cạnh tranh cũng là điều rất đáng suy nghĩ. Với hàng trăm rạp chiếu phim hiện diện toàn quốc từ sau năm 1975, tại sao hệ thống chiếu phim quốc doanh không sớm tìm ra phương cách để liên doanh, đổi mới hoạt động. Khi những đơn vị nước ngoài mới vào Việt Nam, họ cũng chỉ có vài rạp, rồi phát triển từ từ, trong khi đó hệ thống rạp quốc doanh thì chết nhanh nhanh, nhiều nơi rầm rộ chuyển đổi mục đích sử dụng.

Phim Em chưa 18 được xem là một ví dụ điển hình cho quyền lực và sự cạnh tranh, chèn ép.
Phim "Em chưa 18" được xem là một ví dụ điển hình cho quyền lực và sự cạnh tranh, chèn ép.

Các nhà phát hành nội địa lớn như BHD, Galaxy… cũng khá chậm chạp trong việc rút kinh nghiệm. Trong khi CGV, Lotte xây dựng các phòng chiếu quy chuẩn, ghế ngồi thoải mái, lối đi rộng rãi… thì rạp của BHD có lối đi, ghế ngồi chật ních. Galaxy thì không trung thực trong kê khai doanh thu bán vé khiến các nhà sản xuất quốc tế nản lòng, về sau họ hạn chế cung cấp phim lớn. Ngay cả chính sách cạnh tranh, khuyến mãi, giảm giá vé… thì các doanh nghiệp quốc tế cũng làm linh hoạt, hiệu quả hơn.

Một ví dụ, nhà đấu giá Lý Thị muốn liên kết với BHD để chiếu suất cuối cùng phim Loving Vincent, mà mục đích chính chỉ là chiêu đãi họa sĩ, sinh viên mỹ thuật và báo chí. Họ liên hệ từ lãnh đạo cấp cao của BHD cho đến quản lý trực tiếp của rạp để thực hiện, kết quả BHD vẫn đếm lượng khách để tính tiền vé, mà khách thì đi đầy cả rạp do miễn phí. Trong khi thực tế chiếu phim này cho thấy ít có suất nào bán hơn 50% số ghế, vậy thì cách ứng xử của BHD còn nói gì đến cạnh tranh. Nếu Lý Thị mà đem ý tưởng này liên hệ với CGV, thì một suất chiếu gần như miễn phí sẽ được tổ chức, bởi CGV sẽ biết được ý nghĩa và sức tác động thực sự của nó.

Theo CGV, tổng doanh thu từ phim ảnh tại Việt Nam năm 2017 vào khoảng 3.250 tỷ đồng (năm 2016 là hơn 2.800 tỷ đồng), trong đó phim Việt khoảng 750 tỷ đồng, chiếm 25% thị trường. Con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong 3-4 năm tới. Lượng người xem cũng tăng nhanh, từ 38 lên 45 triệu lượt, và sẽ là hơn 50 triệu lượt trong năm 2018.

Các câu hỏi khách quan cần suy nghĩ: Nếu CGV, Lotte không xuất hiện tại Việt Nam thì liệu các doanh nghiệp nội địa có mang lại được 50% các con số như trên đây không? Hoặc là đang có tình trạng “trâu buộc ghét trâu ăn”? Cho nên khi nhìn vào các con số này, bên cạnh cần một chính sách vĩ mô hữu hiệu hơn, công bằng hơn, thì bản thân các nhà sản xuất và phát hành phim nội địa cũng cần thay đổi cung cách làm việc, thay vì chỉ ngồi than thở.

HIỀN HÒA

Tin xem nhiều