Dân Australia (Úc) vẫn thường gọi thành phố cảng Warrnambool (bang Victoria) là nơi cùng trời cuối đất. Bởi, đây là thành phố cuối cùng phía đầu Tây của nước Úc, từ nơi này thẳng tiến là ra biển và… đến Nam cực (Nam cực có một vùng thuộc Úc, gọi là lãnh thổ châu Nam cực).
Dân Australia (Úc) vẫn thường gọi thành phố cảng Warrnambool (bang Victoria) là nơi cùng trời cuối đất. Bởi, đây là thành phố cuối cùng phía đầu Tây của nước Úc, từ nơi này thẳng tiến là ra biển và… đến Nam cực (Nam cực có một vùng thuộc Úc, gọi là lãnh thổ châu Nam cực).
Great Ocean Road, hay còn gọi là con đường di sản, con đường ven biển đẹp nhất nước Úc. |
Thực tế, các đô thị của Warrnambool đều nhỏ bé, dạo một buổi đã giáp vòng, thế nhưng mỗi năm doanh thu du lịch của Warrnambool lên đến 2 tỷ USD và vẫn đang ngày một tăng. Có gì ở nơi cùng trời cuối đất mà du khách mê mẩn đến vậy? Xin thưa, Warrnambool hấp dẫn tất cả mọi người bởi biết tận dụng vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa hào phóng ban tặng.
* Cung đường kiến tạo từ vách đá
Để đến Warrnambool, không có đường nào khác hơn là di chuyển trên Great Ocean Road, thường được mệnh danh là con đường di sản hay con đường ven biển đẹp nhất nước Úc. Great Ocean Road dài 243km, bắt đầu từ thị trấn Anglesea giáp TP.Melbourne chạy men theo những ghềnh đá sát mép biển, tiến về phía Tây cho tới thị trấn Allansford gần thành phố cảng Warrnambool. Trước đây, Warrnambool bị “ngăn sông cách núi” bởi dãy núi đá hiểm trở, vì vậy chỉ có thổ dân các bộ tộc Wathaurong và Gadabanud sinh sống rải rác. Sau Thế chiến thứ I, vào ngày 19-9-1919 - ngày được chọn bởi có những con số “đẹp”, Chính phủ Úc phát lệnh khởi công xây dựng Great Ocean Road. Ngoài mục đích mở rộng giao thương, phát triển du lịch, con đường này còn có ý nghĩa tưởng niệm các binh sĩ Úc đã hy sinh trong cuộc chiến. Suốt 13 năm ròng rã, hơn 3 ngàn binh sĩ miệt mài lao động trong khó khăn, nguy hiểm, phá đá đắp đường để xây dựng Great Ocean Road, đến năm 1932 cung đường mới hoàn thành.
Bãi biển Port Campbell nằm trên con đường di sản. |
Cung đường này đi qua hầu hết những cảnh đẹp, thiên nhiên kỳ thú của vùng đất, lúc xuyên qua rừng, qua những cánh đồng cỏ nuôi bò, cừu, lúc men theo vách đá cheo leo, lúc sát bờ biển xanh ngăn ngắt với những lượn sóng bạc đầu, nên đường dài vẫn không thấy chán. Thú vị nhất là thỉnh thoảng còn được nhìn thấy những chú kangaroo phóng nhanh trên đồng cỏ hoặc bất ngờ băng ngang đường. Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch, cho biết Great Ocean Road hạn chế tốc độ chỉ 80km/giờ chính là nhằm mục đích bảo vệ loài kangaroo - “quốc thú” của Úc. Cũng có lúc “tai nạn giao thông” xảy ra, kangaroo bị đụng chết, những lúc đó tài xế phải thông báo cho “đội đặc nhiệm” chuyên xử lý để tiêu hủy. Ai mà dại dột quen như kiểu ở nông thôn Việt Nam, lôi chú kangaroo xấu số đem về nhà “thịt” sẽ bị phạt rất nặng. Úc cũng sử dụng thịt kangaroo như thực phẩm nhưng với điều kiện là phải qua khâu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm nhặt, còn thịt hoang dã thì tuyệt đối cấm. Tuấn Anh cho biết thêm, khu vực này còn có loài gấu koala sinh sống. Úc là đất nước duy nhất trên thế giới còn loài gấu giống như chú gấu bông này. Nếu may mắn, có thể bắt gặp chúng đeo chặt vào cây mà ngủ, rất dễ thương.
Hẻm núi Loch Ard, nơi có truyền thuyết về câu chuyện tình của Tom và Eva. |
Dọc theo Great Ocean Road là vô số thắng cảnh thiên nhiên thật ngoạn mục, phần lớn được kiến tạo từ quá trình xói mòn qua hàng triệu năm, như: Tower Hall là miệng ngọn núi lửa khổng lồ được hình thành khoảng 30 ngàn năm trước, nay đã tắt nhưng để lại một “công viên” với thảm thực vật và hệ động vật phong phú; Bay of Islands (Vịnh của các hòn đảo), Bay of Martyrs (Vịnh của những tử sĩ)… Một trong những điểm không thể bỏ qua là hẻm núi Loch Ard (Vòm London) - được đặt tên theo tàu Loch Ard bị mắc cạn gần đó vào ngày 1-6-1878 trên hải trình di dân từ Anh đến Melbourne. Trong số 54 hành khách và thủy thủ đoàn của con tàu chỉ còn 2 người sống sót là Tom Pearce (người học việc trên tàu) và Eva Carmichael (hành khách), đều 18 tuổi. Theo truyền thuyết, câu chuyện tình giữa Tom và Eva lâm li bi đát không thua gì cặp đôi Jack và Rose trong phim Titanic. Hiện nay vòm đá phía trên đã bị sập, chỉ còn 2 trụ đá được đặt tên là Tom và Eva.
Có thể nói, người dân địa phương gọi khu vực biển ven Great Ocean Road là “bảo tàng của các vụ đắm tàu” cũng không ngoa, vì tài liệu ghi nhận từ năm 1870 trở đi đã có 180 vụ đắm tàu, trong đó hầu hết là tàu chở những người di cư đến vùng đất mới. Xác của những chiếc tàu xấu số ấy ngày nay vẫn còn nằm yên dưới lòng biển, một phần hiện vật được lưu giữ tại làng cổ Flagstaff Hill Maritime Village, nay trở thành bảo tàng các vụ đắm tàu.
* Kỳ quan Mười hai vị thánh tông đồ
Phải khẳng định, điểm đến thu hút du khách nhất của thành phố Warrnambool là thắng cảnh Twelve Apostles, tức Mười hai vị thánh tông đồ, nằm ở thị trấn Port Campbell.
Chỉ cần bỏ ra 95 USD, du khách có dịp đi trực thăng và ngắm biển Port Campbell cùng thắng cảnh Mười hai vị thánh tông đồ từ trên cao. |
Hơn 20 triệu năm trước, vùng biển này có những núi đá vôi hùng vĩ. Sóng gió và thời gian đã xói mòn vách núi tạo thành những hang động, dần dần biến thành những cột đá rồi “bứt” chúng ra khỏi đất liền, trở thành dãy gồm 12 cột đá nằm chơ vơ trên biển rất ngoạn mục. Dãy cột đá độ cao thấp và hình dáng đều khác nhau, trong đó cột cao nhất khoảng 45m, tất cả như mọc lên từ biển đã hòa vào cảnh quan núi và biển xung quanh phô bày sự sáng tạo vĩ đại của thiên nhiên mà không bàn tay can thiệp nào của con người có thể bì nổi đã biến nơi đây như một kỳ quan. Trước đây, quần thể cột đá này được người dân địa phương gọi Sow and Piglets (Heo nái và heo con), nhưng không hiểu xuất phát từ đâu mà khoảng đầu thế kỷ 20 được đặt tên lại là Mười hai vị thánh tông đồ - với ý nghĩa tưởng niệm 12 vị môn đồ được Chúa Jésus giao nhiệm vụ đi rao giảng Phúc âm cho người Do Thái và các dân tộc khác.
Du khách chiêm ngưỡng thắng cảnh Mười hai vị thánh tông đồ. Ảnh: T.THÚY |
Dù ngày nay sóng và gió biển đã “đốn” 4 cây cột đá trong quần thể danh thắng, chỉ còn lại 8 trụ đá vẫn đang tiếp tục bị bào mòn, nhưng không ngăn được dòng du khách bất tận đến ngắm kỳ quan của thiên nhiên. Một con đường ven biển đã được xây dựng để thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng thắng cảnh của du khách, thậm chí đường còn vươn ra biển để du khách có nhiều góc nhìn hơn.
Nhưng thú vị hơn là hãy bỏ ra 95 USD để ngắm toàn bộ vùng biển Port Campbell và Mười hai vị thánh tông đồ từ trực thăng. Dịch vụ này có 4 chiếc trực thăng lúc nào cũng sẵn sàng đưa du khách lượn trên cao trong 15 phút, thêm 5 USD thì du khách được sở hữu clip quay toàn bộ hành trình của mình. Từ trên cao nhìn xuống, “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”, Port Campbell đẹp đến nao lòng bởi đại dương mênh mông đến tận chân trời mà Mười hai vị thánh tông đồ và những dãy núi đá chập chùng hùng vĩ chỉ là những điểm xuyết bé nhỏ. Mới thấy, con người nhỏ bé trước thiên nhiên là đây. Đừng tự cho rằng con người với những thành tựu khoa học - kỹ thuật có thể khuất phục thiên nhiên, chính Mẹ thiên nhiên bao la mới luôn đầy tình bao dung với con người.
Nhiều du khách “bức xúc” cho rằng nước Úc cần có biện pháp bảo vệ các trụ đá còn lại của Mười hai vị thánh tông đồ, nếu không, theo thời gian những trụ đá còn lại sẽ tiếp tục bị bào mòn và gãy đổ, khi đó Port Campbell chỉ như những bãi biển bình thường khác. Thế nhưng, nước Úc bày tỏ quan điểm: Mọi chuyện hãy tuân theo quy luật tự nhiên. Điều này làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện thắng cảnh Hòn phụ tử ở Kiên Giang. Năm 2006 hòn “phụ” bị sóng biển bào mòn và gãy đổ, từ đó đến nay dư luận không ngừng “lên án” địa phương bỏ bê, không phục hồi mà cũng không có biện pháp 2 hòn “tử” còn lại. Xin nhắc lại quan điểm của không chỉ của nước Úc mà là của các nhà văn hóa trên thế giới: văn hóa phải theo quy luật tự nhiên. |
THANH THÚY