Người Đồng Nai vốn chủ yếu xuất phát từ lưu dân vùng Ngũ Quảng, khi vào quê mới sinh sống mang theo phong tục, tập quán của quê nhà, trong đó có tập tục ngày tết. Giống như ở bản quán, không khí tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức ngày đưa ông Táo về trời.
Người Đồng Nai vốn chủ yếu xuất phát từ lưu dân vùng Ngũ Quảng, khi vào quê mới sinh sống mang theo phong tục, tập quán của quê nhà, trong đó có tập tục ngày tết. Giống như ở bản quán, không khí tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức ngày đưa ông Táo về trời.
Phụ nữ Nam bộ gói bánh tét mỗi độ tết đến, xuân về. Nguồn: Internet |
Vì ông Táo là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, không chỉ có chức năng ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình, ông Táo khi về trời còn tâu với Ngọc hoàng những điều tốt cũng như những điều xấu gia chủ đã làm trong năm, từ đó Ngọc hoàng sẽ quyết định may - rủi, phúc - họa của cả nhà nên việc cúng ông Táo mang ý nghĩa rất quan trọng.
Sau lễ đưa ông Táo là ngày chạp mã, thường thực hiện trước ngày 25 tháng Chạp, mọi người dành thời gian chăm sóc, sửa sang, dọn dẹp phần mộ của ông bà, tổ tiên. Trong tục chạp mã, người Đồng Nai có một quy ước truyền đời: một phần khi dọn dẹp, sửa sang xong được đánh dấu bằng cục đất hoặc hòn đá dằn lên trên tờ giấy tiền vàng bạc để “đánh dấu”. Sau ngày 25, nếu thấy có những ngôi mộ chưa được đánh dấu, người dân địa phương biết đây là mộ không có người thân, sẽ huy động nhau dọn dẹp, làm cỏ, thắp nhang, cốt không để ngôi mộ nào hoang vắng, lạnh lùng trong những ngày tết.
Có rất nhiều việc cần phải hoàn thành ngay trong năm cũ, không thể để sang năm mới vì sợ không may mắn. Vì vậy, những ngày cuối năm là thời điểm rất bận rộn: hoàn tất công việc dở dang (chẳng hạn như xây, sửa), thanh toán hết nợ nần, dọn dẹp nhà cửa, chế biến thực phẩm tết, biếu quà tết cho thầy học, sui gia, hàng xóm láng giềng, bà con họ hàng, những người có ơn nghĩa. Ngày xưa hàng hóa tết không phong phú, tiện nghi như bây giờ, nên quà biếu tết thường là sản vật trong nhà: cặp gà, chai rượu, bánh mứt các loại. Đây là dịp để cánh phụ nữ khoe tài khéo léo, chế biến rất nhiều loại bánh, mứt từ các nguyên vật liệu sẵn có, có thể lưu trữ lâu trong mấy ngày tết, như bánh ít, bánh tét, bánh ú, mứt dừa, mứt bí đao, mứt khoai lang, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt me, kẹo đậu phộng…
Trẻ em vui xuân đón tết tại đường hoa Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Ảnh: Huy Anh |
Một số gia đình gốc Trung bộ còn làm các loại bánh tổ, đường phổi, bánh nổ, bánh in (bột nếp, bột đậu xanh) như một cách tưởng nhớ, hoài niệm hương vị tết ở nguyên quán. Đồng Nai thời mở cõi hoang vắng, lưu dân đến đây thường nương tựa vào nhau để khai phá đất mới, hỗ trợ nhau khi tối lửa tắt đèn nên tình cảm, ơn nghĩa qua lại sâu dày, nhân dịp tết biếu quà cảm ơn, củng cố tình làng nghĩa xóm là điều nên làm, rất bình thường. Chính vì vậy, quà biếu tết ngày xưa có ý nghĩa về mặt tinh thần, trong đó gói ghém tình cảm giữa người trao và người nhận, không mang ý nghĩa vật chất, vụ lợi như hiện nay.
Tết là lễ tiết quan trọng nhất trong đời sống người Việt, là ngày hội khởi đầu cho một năm mới. Xa xưa, dân tộc Việt với nền văn minh lúa nước có cách tính toán lịch dựa trên các chu kỳ của tuần trăng, do đó cùng sử dụng âm lịch nhưng lịch của Việt Nam khác với Trung Quốc. Vì vậy, ngày tết của người Việt cũng khác với người Hán, ngay cả tháng khởi đầu năm mới của người Việt được gọi là tháng Tý (trong thập nhị chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo…), trong khi người Hán cho rằng đây là tháng Dần, còn tháng Tý là tháng 11 (vì lý do này, lịch của người Hán còn gọi là lịch Kiến Dần). |
Lễ cúng đón ông bà ngày 30 tết (năm nào không có ngày 30 thì là ngày 29) cũng là một nghi thức trang trọng, bởi theo tín ngưỡng của người Việt, đây là ngày con cháu đón linh hồn tổ tiên, người thân đã khuất trở về “ăn tết”, sum họp cùng gia đình. Lễ vật cúng đơn giản, giống như một đám giỗ thông thường, nhưng lời khấn vái thì trang nghiêm, thành kính. Đặc biệt, ngoài mâm cúng ông bà trong nhà, người Đồng Nai còn có thêm mâm cúng bên ngoài để đãi những vong hồn không nơi nương tựa với mong muốn những người “hữu danh vô vị, hữu vị vô danh” cũng được no nê trong ngày cuối năm. Ngoài vườn thì có thêm mâm cúng “ông Tà” - đây là nét riêng của người Nam bộ, trong đó có Đồng Nai. Ông Tà có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Khmer, tên là Neak Ta, được người Việt ở Nam bộ thờ như là vị thần “tiền hiền”. Điều này cho thấy nét nhân bản và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng của những người mở cõi xứ Đồng Nai.
Vào buổi trưa 30 tết, trước khi cúng ông bà, người dân Đồng Nai dựng trước nhà một cây tre - gọi là cây nêu, trên ngọn buộc giỏ tre trong có trầu, cau, vôi, thành giỏ buộc giấy tiền vàng bạc. Trẻ con chỉ cần thấy ngọn nêu phất phới là hớn hở vì biết tết đã cận kề, bởi khi cây nêu dựng lên thì tất cả mọi người đều dừng công việc. Cây nêu không chỉ có ý nghĩa xua đi tà ma, mà còn tạo nên thế cân bình trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới, con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Lễ đón giao thừa có ý nghĩa thiêng liêng nhất trong những ngày tết, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Gia chủ sẽ thắp tất cả đèn trong nhà cho “tương lai sáng sủa”, mở hết các cửa để “vận khí hanh thông”, rồi thắp nhang khấn vái cầu các vị hành binh hành khiển của năm mới, các vị thổ địa, táo quân, thần độ mạng, ông bà tổ tiên… phù hộ toàn gia năm mới tăng phúc, tăng thọ, an khang thịnh vượng.
Mùng một tết là ngày đầu của năm mới nên không khí luôn tràn đầy vui vẻ, phấn khởi. Trẻ con xúng xính quần áo mới mừng tuổi ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi để được nhận bao lì xì, được ăn uống “thả giàn” món ngon vật lạ, ít bị la rầy vì ai cũng kiêng kỵ nói lời thiếu may mắn sẽ bị xui cả năm. Tục xông đất cũng rất phổ biến ở Đồng Nai. Người nào “tốt vía”, hoặc hợp mạng sẽ được chọn xông đất nhằm đem lại may mắn cho gia chủ. Ngược lại những người “xấu vía” hoặc có đại tang nên “biết điều” tránh xông đất nhà khác.
Nguồn: Internet |
Từ mùng một đến mùng ba tết, người Đồng Nai cũng kiêng kỵ quét nhà, đổ rác vì sợ đưa tài lộc ra khỏi nhà. Những việc “động đất, động nước” như xách nước giếng, cuốc đất vườn... cũng được mọi người cẩn thận tránh. Người xưa cũng nghiêm túc thực hiện lễ nghĩa: Mùng một tết nhà, mùng hai tết (nhà) vợ, mùng ba tết thầy. Trong 3 ngày tết, ngày 2 bữa gia chủ đều dọn mâm cơm cúng ông bà, phụng sự chu đáo như lúc còn sống.
Mùng ba tết (có nơi chọn mùng bốn) là ngày tết vườn, tết chuồng. Đây là đặc điểm của nền văn hóa nông nghiệp. Các loại cây cối trong vườn, chuồng gia súc, gia cầm được người dân dán giấy đỏ. Gia chủ soạn mâm cúng gồm gà trống luộc để nguyên con, bánh tét, hoa, trái cây, khấn vái thổ công, thổ kỳ, thổ địa, thổ chủ phù hộ cho vườn đất, gia súc, gia cầm được sung mãn, sinh sôi nảy nở. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” nên được quan tâm nhiều nhất, 2 sừng trâu đều dán giấy đỏ, ngoài thức ăn trâu còn được thưởng thêm chung rượu; trẻ chăn trâu được gia chủ lì xì, thưởng quần áo mới.
Tết còn là ngày vui chơi. Thanh niên và trẻ em Đồng Nai xưa ưa thích các hoạt động: đốt pháo, đánh đu, múa lân, đá gà, xuất hành du xuân, hái lộc. Cũng có các trò chơi mang tính may rủi, cờ bạc như lắc bầu cua, đánh tứ sắc, nhưng chủ yếu mang tính giải trí, tiền đặt ván không lớn, nếu không làng xóm sẽ nhắc nhở. Người Đồng Nai, nhất là cánh phụ nữ còn có tập quán viếng 10 cảnh chùa trong ngày tết, cầu cho gia đình bình an trong năm mới.
Đáng chú ý, người Đồng Nai xưa làm lễ đưa ông bà vào mùng bốn, sau này mới đổi sang mùng ba. Ngày này, phụ nữ trong nhà gánh đồ cúng và giấy tiền vàng bạc (vàng mã) đưa linh hồn ông bà đến cổng nhà hoặc đến tận mã (mộ) rồi đốt giấy tiền vàng bạc (hóa vàng). Thức cúng thường nấu cháo cá ám (dạng cá lóc nấu để nguyên vảy với ý nghĩa tưởng nhớ thuở khai sơ mở cõi).
Người dân Đồng Nai ăn tết chỉ 3 ngày, nhưng không khí tết vẫn duy trì đến mùng bảy. Vào trưa mùng bảy, các nhà làm lễ hạ nêu, xem như hết tết. Mọi người trở lại làm việc bình thường, chấm dứt những ngày ăn chơi vui vẻ. Người Đồng Nai không có thói quen “Tháng giêng là tháng ăn chơi” bởi vùng đất mới cần có sự lao động cần cù, vui chơi, nghỉ ngơi 7 ngày tết là đủ.
Ảnh: Văn Chính |
Theo nhịp sống hiện đại, nhiều phong tục, tập quán ngày tết đã được người dân Đồng Nai giản lược, nhất là ở đô thị, như tục lên nêu, hạ nêu, tết vườn, tết chuồng, nấu bánh tét. Thời gian ăn tết cũng rút ngắn để tránh lãng phí, hoạt động xã hội bị đình đốn. Phụ nữ hiện đại ít phải quần quật chuẩn bị tết như trước đây, có cần gì cứ ra chợ, đến siêu thị là được cung cấp đầy đủ. Nhưng cũng có những điểm tết hiện đại chưa chắc đã văn minh. Như chuyện ăn nhậu, bài bạc quá trớn gây mất an ninh trật tự trong những ngày tết; “vấn nạn” biếu quà tết cho thủ trưởng, cấp trên, lì xì ngày tết biến tướng mang tính vụ lợi; viếng chùa cầu bình an trở thành mê tín, cầu tài, cầu lộc đầy thực dụng…
Tết Nguyên đán là nét văn hóa biểu hiện của mối quan hệ hài hòa giữa con người với trời đất (Thiên - Địa - Nhân), thiên nhiên, gia tộc, gia đình và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc. Bỏ đi những hủ tục rườm rà, nhưng vẫn mong người Việt giữ lại những ý nghĩa tốt đẹp của tết xưa, là dịp gia đình xum vầy, tưởng nhớ tổ tiên, “làm mới” chính mình hướng đến điều hay, tránh điều xấu.
PGS-TS. HUỲNH VĂN TỚI