Năm 2018 ghi dấu tròn 30 năm ngày xảy ra sự kiện Hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988 - 14-3-2018) làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh.
Năm 2018 ghi dấu tròn 30 năm ngày xảy ra sự kiện Hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988 - 14-3-2018) làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh.
Cụm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Hướng tới sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng này, tháng 7-2017, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tỉnh Khánh Hòa khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh (thôn Thủy Triều, xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hướng ra Trường Sa.
* Đất nước không quên
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là công trình có ý nghĩa to lớn để tri ân các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là 64 liệt sĩ đã hy sinh trong đêm 14-3-1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự tấn công bất ngờ của Hải quân Trung Quốc. Công trình do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động công nhân viên chức và người lao động quyên góp ủng hộ kinh phí xây dựng, được khởi công tháng 3-2015 và hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 7-2017 với kinh phí 150 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại biểu tham quan phòng trưng bày của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Điểm nhấn của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là cụm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma hiên ngang với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” và vòng tròn bất tử cao 15,15m bằng đá. Có 9 chiến sĩ hải quân, người cầm lá cờ Tổ quốc, người cầm súng hiên ngang bảo vệ đảo Gạc Ma bất chấp những làn đạn của kẻ thù. Cụm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma được đặt ở vị trí cao nhất trong khu tưởng niệm rộng 2,3 hécta, do đó dù ở vị trí nào của khu tưởng niệm mọi người đều thấy được sức mạnh và vẻ đẹp của các chiến sĩ Gạc Ma.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma còn được thiết kế một nhà trưng bày các tài liệu, hình ảnh liên quan đến trận hải chiến Gạc Ma, những di vật của các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia trận chiến bảo vệ đảo. Trong số đó có nhiều di vật của các liệt sĩ do các thân nhân trao tặng lại cho Ban quản lý khu tưởng niệm phục vụ khách tham quan, tìm hiểu về sự kiện ý nghĩa này. Thu hút sự chú ý của khách khi xuống tham quan nhà trưng bày là phối cảnh lá cờ đỏ sao vàng, hình tròn nằm ở chính giữa, xung quanh là 64 đóa hoa bất tử, tượng trưng cho 64 liệt sĩ hy sinh hướng về lá cờ Tổ quốc.
Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Sỹ Minh (SN 1963) lặn lội từ tỉnh Bắc Ninh vào thăm. Ông chính là nhân chứng sống, người có mặt trên tàu HQ 604. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Bên phía trái của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma còn có một tấm bia đá ghi tên 64 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14-3-1988 kèm theo các thông tin về quê quán, đơn vị. Điều khiến mọi người xúc động khi tìm hiểu những thông tin ghi trên bia đá, đó là các liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi...
* Sáng mãi người chiến sĩ Gạc Ma
Sau 30 năm xảy ra sự kiện hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đến nay còn nhiều người chưa tìm thấy hài cốt. Nhưng có thể khẳng định, tên tuổi và sự hy sinh của các liệt sĩ tại Gạc Ma mãi mãi được cả dân tộc khắc ghi. Vẫn còn đó những nỗi niềm khắc khoải, đó là những người mẹ, người cha, người chị, người anh, người em hàng ngày mong đón hài cốt các anh về đất liền an nghỉ. Nhiều thân nhân liệt sĩ khi đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã không cầm được nước mắt khi thắp những nén hương thơm lên những ngôi “mộ gió”. Đây là những ngôi mộ không có thi thể các liệt sĩ, mà chỉ là những nấm đất tượng trưng để xoa dịu đi những nỗi đau mất người thân.
Đại tá Nguyễn Văn Dân là một trong những sĩ quan trẻ đầu tiên của Học viện Hải quân Việt Nam đến Trường Sa vào năm 1975 xúc động tưởng nhớ các đồng đội của mình hy sinh tại Gạc Ma. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Bà Trần Thị Huệ, mẹ của liệt sĩ Lê Thế (hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988) đã vô cùng xúc động khi được đến dự ngày khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi lưu danh tên tuổi con trai bà. Bà Huệ đã tặng lại cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma một bức thư do liệt sĩ Lê Thế gửi về trước khi hy sinh. Bà Huệ chia sẻ: “30 năm qua tôi vẫn khắc khoải ngày đón con trở về, và công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã làm tôi an ủi phần nào”.
Còn ông Lê Văn Xuân, cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh (ở TP.Đà Nẵng) cũng đã quyết định tặng lại di vật duy nhất của con là chiếc ba lô màu xanh và một tấm huân chương cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để trưng bày. Ông Xuân chia sẻ: “Gần 30 năm qua chiếc ba lô của con luôn ở bên đầu giường của tôi, và tôi hình dung đêm nào cũng được nằm cạnh con mình. Nay tôi trao tặng lại chiếc ba lô cho bảo tàng và mong nhiều người sẽ nhớ đến con tôi đã hy sinh cho đất nước. Chỉ cần vậy thôi tôi đã mãn nguyện rồi..”.
Khu bảo tàng với hình ảnh cờ đỏ sao vàng phía trước sảnh. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Đại tá Nguyễn Văn Dân là một trong những sĩ quan trẻ đầu tiên của Học viện Hải quân Việt Nam đến Trường Sa vào năm 1975. Ông còn là Chỉ huy trưởng tàu HQ614 trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 (gọi tắt là CQ88), là một trong 5 đội hình tàu của ta bảo vệ các đảo trong cuộc hải chiến tháng 3-1988. Ông Dân rất mãn nguyện khi công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được dựng lên hiên ngang hướng ra Trường Sa. Ông Dân tin rằng, khu tưởng niệm này sẽ là nơi giáo dục sức mạnh dân tộc, tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...
CÔNG NGHĨA