Báo Đồng Nai điện tử
En

Trận chiến sinh tử

03:02, 06/02/2018

Sau khi về hưu (năm 2000) và thôi nhiệm vụ tại Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa (năm 2012), ông Tư Tường mới được nghỉ ngơi thực sự tại ngôi nhà rợp bóng cây xanh trong con hẻm nhỏ thuộc phường Hòa Bình.

Sau khi về hưu (năm 2000) và thôi nhiệm vụ tại Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa (năm 2012), ông Tư Tường mới được nghỉ ngơi thực sự tại ngôi nhà rợp bóng cây xanh trong con hẻm nhỏ thuộc phường Hòa Bình. Tóc bạc, da mồi, bước chậm, mắt nheo nheo mỗi khi phải nhìn phía xa và ít nói, nên không nhiều người biết ông từng có một thời vào sinh ra tử khi thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm suốt 9 năm tham gia đánh Mỹ ở miền Nam.

Ông Phùng Duy Tường (đội mũ kepi) trong dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Đồng Nai năm 2003.   (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Phùng Duy Tường (đội mũ kepi) trong dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Đồng Nai năm 2003. (Ảnh nhân vật cung cấp)

* Dấu chân xuyên rừng

Từ một người lính vượt Trường Sơn cứu nước vào năm 1966, đến năm 1967, sau khi trải qua chiến trường một số tỉnh miền Đông Nam bộ, ông Tư Tường được điều động về làm chiến sĩ đặc công, chuyên luồn sâu, nắm bắt tình hình, đường đi nước bước của TX.Biên Hòa, chuẩn bị cho các trận đánh sau này. Cuối năm 1967, ông Tư Tường (khi đó là Trung đội phó Trung đội 4, Tiểu đoàn 1, Đặc công U1 Biên Hòa) cùng cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị lương thực, vũ khí mà chưa biết sẽ nổ ra trận đánh lớn vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Ông Phùng Duy Tường (phải) trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Phùng Duy Tường với những bức ảnh kỷ niệm một thời chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Ảnh: Đăng Tùng

“Tất cả đều bí mật, ai được giao việc gì làm việc nấy, nhưng với sự chuẩn bị cụ thể, tập luyện nhiều hơn thì mọi người cũng đoán được sẽ có đánh lớn. Tuy nhiên, đánh lúc nào, đánh những đâu, cánh nào thì chưa rõ. Đến sáng 30 tết, chúng tôi mới được tập hợp lại nghe chỉ thị về việc tổng tiến công ngay thời khắc giao thừa đêm đó với hiệu lệnh là tiếng pháo bắn cấp tập vào Sân bay Biên Hòa. Mục tiêu của chúng tôi là Sân bay Biên Hòa, hướng bây giờ giáp ranh 2 phường Tân Phong và Trảng Dài” - ông Tư Tường kể.

Từ chiều tối 30 tết, ông Tư Tường cùng đồng đội xuyên qua các cánh rừng, trảng cỏ từ Trảng Bom, Trà Cổ, Hố Nai… tránh sự quần thảo tuần tra của trực thăng địch đến khu vực sân bay. Gần giờ G, trung đội của ông và các đơn vị bạn cùng cánh đã vượt qua khu vực nay là đường Đồng Khởi, áp sát vành đai sân bay và ẩn nấp vào các rẫy, ruộng của dân gần đó.

Một góc Sân bay Biên Hòa đổ nát sau cuộc tấn công đêm giao thừa Mậu Thân năm 1968.
Một góc Sân bay Biên Hòa đổ nát sau cuộc tấn công đêm giao thừa Mậu Thân năm 1968 .Ảnh: Tư Liệu

Đúng giao thừa Tết Mậu Thân 1968, pháo DKB từ Chiến khu Đ bắn dồn dập trên 100 phát vào Sân bay Biên Hòa, ánh lửa từ các đuôi đạn pháo xé toạc bầu trời trong đêm làm sáng rực một vùng trời. Tiếng còi báo động từ sân bay cất lên cùng tiếng hô xung phong từ các mũi tiến công bắt đầu trỗi dậy, trận giằng co ác liệt chính thức bắt đầu.

Ở tuổi 73, ông Phùng Duy Tường (Tư Tường, quê TP.Hải Phòng, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm của một thời trai trẻ băng rừng, xông pha giữa lửa đạn ở miền Đông thời chống Mỹ... Trong nhiều kỷ niệm khó phai đó, ông Tư  Tường nhớ như in trận đánh Sân bay Biên Hòa đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 và ông được vinh dự kết nạp Đảng sau trận đánh đó.

Đèn pha từ các lô cốt trong sân bay rọi vào hướng tấn công của đơn vị ông Tư Tường, kèm theo đó là những loạt súng trung liên bắn rát từ bên trong ra. Lô cốt được xây khá cao, nhiều tầng với các lỗ châu mai để các loại súng bộ binh trong đó có thể bắn áp chế đối phương, nên đà tiến công bị hãm lại, các chiến sĩ nằm nép sát bên các hào, rãnh để tránh đạn.

Ông Tư Tường khi đó dùng B40 bắn liên tục 3 phát, nhưng chỉ trúng các bao cát đắp dày xung quanh lô cốt. Đến lần bắn thứ 4 thì viên đạn bay vào lỗ châu mai và các họng súng trong lô cốt im bặt.

Lúc này, ông cùng đồng đội tiến vào lô cốt tiêu diệt nốt những tên địch còn lại, nhanh chóng dùng lô cốt đó làm bàn đạp tiêu diệt các lô cốt, vị trí kháng cự khác của địch và một khẩu súng đại liên phòng không được đưa lên nóc lô cốt để đề phòng trực thăng địch. Tuy nhiên, khi các đơn vị bộ binh ta tiến vào sân bay thì gặp một xe tăng địch giấu âm dưới mặt đất, chỉ chừa tháp pháo ở trên án ngữ, các khẩu B40, B41 của ta cũng hết đạn nên không tiêu diệt được.

Từ trong sân bay, trực thăng UH1 của địch quần đảo, rọi đèn và xả đạn xuống các đơn vị bộ binh của ta phía dưới; khẩu đại liên phòng không trên nóc lô cốt vừa đưa lên cũng bị tiêu diệt sau loạt đạn đầu tiên. Lúc này, bước tiến của bộ binh ta vào sân bay bị chựng lại.

* Cứu thương binh trong lửa đạn

Trước sự áp đảo của địch, các đơn vị bộ binh của ta rút về cố thủ trong một ấp phía ngoài sân bay, dưới sự tấn công của trực thăng, xe tăng địch từ phía hóc Bà Thức.

Ông Phùng Duy Tường (phải) trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Phùng Duy Tường (phải) trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lúc này, ông Tư Tường bị ngất vì một vụ nổ ở gần. Hơn 4 giờ sáng, ông mới tỉnh dậy, không rõ đã nằm ngất bao lâu, xung quanh ông có nhiều đồng đội đã hy sinh, tiếng súng lâu lâu vẫn nổ từng tràng.

Chọn một vị trí quan sát, ông thấy xe tăng, trực thăng, lính Mỹ vẫn quần đảo các khu vực gần đó nên quyết định bò ngược ra để về lại căn cứ.

“Lúc di chuyển, tôi phát hiện 2 đồng đội bị thương nặng ở phần mềm tay chân. Khi đó trời cũng dần sáng, phán đoán đối phương sẽ tràn vào trong ấp, với tình trạng của cả 3 chắc chắn sẽ bị địch bắt gọn, nên tôi đưa 2 đồng đội trốn dưới một mương thoát nước và cả 3 nằm im suốt một ngày, dù cách đó vài mét là tiếng giày, tiếng nói xì xào của lính Mỹ. Tôi dặn 2 đồng đội dù có đau cũng phải cắn răng mà chịu, đợi trời tối mới tìm đường rút lui an toàn được” - ông Tư Tường nhớ lại.

Đến tối, khi thấy tình hình an toàn, ông Tư Tường mới dìu 2 thương binh vượt qua các chốt lính Mỹ, băng khỏi đường vành đai tuần tra, khi thấy màu xanh của rừng ông mới có thể nhẹ nhõm trong người.

Khi gặp lại đồng đội và chỉ huy, ông Tư Tường bàn giao 2 thương binh về đơn vị quân y và thực hiện nhiệm vụ băng rừng, dẫn đường đưa Sở chỉ huy Tiểu đoàn về lại căn cứ ở Trảng Bom an toàn. Lúc đó, ông nhận định nếu đi đường mòn chắc chắn sẽ gặp lính Sài Gòn chốt ở đó, còn không thì dính mìn vừa gài, vì bộ đội quen đường thì họ cũng quen đường, chỉ có xuyên rừng mới an toàn được.

Ông Phùng Duy Tường ngay sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Phùng Duy Tường ngay sau ngày thống nhất đất nước. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hơn 10 ngày sau trận đánh đêm giao thừa ấy, nhờ sự dũng cảm cứu 2 thương binh thoát khỏi tay địch và đi tiên phong đưa Sở chỉ huy Tiểu đoàn về căn cứ an toàn, ông Tư Tường được kết nạp Đảng (ngày 11-2-1968). Đến nay, ông đã tròn 50 năm tuổi Đảng.

Suốt 35 năm phục vụ trong quân đội, ông Phùng Duy Tường đã được trao tặng các huân chương: Chiến công giải phóng hạng ba, Chiến công hạng nhì, Kháng chiến hạng nhì. Đơn vị của ông năm xưa là Tiểu đoàn 1, Đặc công U1 Biên Hòa cũng được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2014.

Ông Tư Tường nhớ lại: “Khi đó làm lễ cũng đơn giản vì điều kiện thiếu thốn, chủ yếu là trao tờ giấy quyết định mà sau này tôi luôn giữ bên người. Khi làm nhiệm vụ biệt động ở TX.Biên Hòa, những giấy tờ ấy phải để lại căn cứ, tôi chỉ đem theo giấy tờ giả. Khi hòa bình lập lại, dù trải qua nhiều vị trí công tác, tôi vẫn luôn giữ tờ quyết định kết nạp Đảng như một báu vật”.

Những năm tiếp theo sau trận Mậu Thân 1968, ông Tư Tường tiếp tục chiến đấu với cương vị Đội phó Đội biệt động TX.Biên Hòa và gây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Ông đã cùng đồng đội có những trận đánh gây chấn động, khiến cho địch bị nhiều thiệt hại và hoảng sợ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã cùng đồng đội tiến vào giải phóng Biên Hòa, dẫn đường cho các cánh quân chủ lực vào các ngả đường của thị xã đến Sài Gòn trong những ngày tháng 4 lịch sử...

ĐĂNG TÙNG

Tin xem nhiều