50 năm trước, đúng giờ giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (0 giờ đêm 30, rạng sáng 31-1-1968), hòa cùng khí thế tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam, quân - dân Đồng Nai đã đồng loạt tiến công đánh địch ở hầu khắp các mặt trận, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
50 năm trước, đúng giờ giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (0 giờ đêm 30, rạng sáng 31-1-1968), hòa cùng khí thế tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam, quân - dân Đồng Nai đã đồng loạt tiến công đánh địch ở hầu khắp các mặt trận, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
Gói bộc phá chuẩn bị tác chiến. Ảnh: Tư liệu |
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 10-1967) về việc “đưa cuộc cách mạng lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn và Đông Nam bộ. Mục tiêu là đánh chiếm các thành phố, thị xã, thị trấn để làm tan rã đại bộ phận quân đội và đánh đổ chính quyền Sài Gòn, tiêu diệt đại bộ phận quân Mỹ, làm chuyển biến cục diện chiến trường…
* Chuẩn bị cho trận đánh lớn
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh”. |
Theo đó, Trung ương Cục đã bố trí lại chiến trường, Đồng Nai lúc bấy giờ gồm có các tổ chức tương đương cấp tỉnh: Phân khu 4 (gồm: huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, Cao su Bình Sơn, quận Thủ Đức, quận 1, quận 9, huyện Cần Giờ); tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (gồm các huyện: Long Đất, Châu Đức, Xuyên Mộc, Xuân Lộc, Định Quán, TX.Bà Rịa, TX.Long Khánh, TX.Vũng Tàu) và Biên Hòa U1 (gồm: TX.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom).
Quân giải phóng trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại miền Nam Việt Nam. Nguồn: AFP |
TX.Biên Hòa được xác định là địa bàn quan trọng ở miền Đông Nam bộ nên đồng chí Lê Đức Anh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, về triển khai nhiệm vụ, phương án tiến công và nổi dậy ở Biên Hòa.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân - dân Biên Hòa, Phân khu 4, Bà Rịa - Long Khánh hòa cùng khí thế tiến công và nổi dậy toàn miền là đòn tiến công chiến lược bất ngờ tấn công địch. Lần đầu tiên, ta tấn công vào tận hang ổ của kẻ thù. Cùng với toàn miền Nam, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân - dân Biên Hòa, Long Khánh và Phân khu 4 đã góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. |
Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, Bộ chỉ huy cuộc tiến công và nổi dậy ở Biên Hòa U1 được thành lập và xác định các mục tiêu tấn công là: Sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chế độ Sài Gòn, Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ, Tổng kho Long Bình, Chi khu Công Thanh, Chi khu Trảng Bom…
Về lực lượng tham chiến, trong hồi ký Những kỷ niệm của một đời người (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2009), nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Phan Văn Trang (lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1) cho biết: “Lực lượng của ta tham chiến tại mặt trận Biên Hòa gồm: Sư đoàn 5, Trung đoàn tên lửa 274, Tiểu đoàn 1, 2 đặc công Biên Hòa, Biệt động TX.Biên Hòa, lực lượng huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu… Tổng cộng ta có 16 ngàn quân, trang bị mạnh, đủ sức chiến đấu trong chiến dịch”.
Công tác chuẩn bị cho trận đánh lúc bấy giờ được tiến hành khẩn trương. Trong tháng 1-1968, Đoàn hậu cần 814 Miền đã chuẩn bị được 500 tấn lương thực, 100 tấn thực phẩm và các đồ dùng khác. Biệt động TX.Biên Hòa từ Hưng Lộc đưa vũ khí vào nội ô thị xã, xây dựng hầm bí mật ở Gò Me (phường Thống Nhất), Hiệp Hòa, Bình Đa…, dẫn đường cho trinh sát nghiên cứu các mục tiêu trong thị xã.
Tại mặt trận Bà Rịa - Long Khánh, trong 2 ngày 26 và 27-1-1968 đã thành lập 2 ban chỉ huy ở TX.Bà Rịa và TX.Long Khánh. Các huyện, thị xã đều thành lập ban chỉ huy do bí thư cấp ủy phụ trách.
Về lực lượng tham chiến, ngoài lực lượng vũ trang địa phương, Bộ Tư lệnh Miền đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ thành lập thêm Tiểu đoàn 440 phụ trách TX.Long Khánh.
Ông Nguyễn Hồng Châu (khi ấy là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 440) cho biết: “Lực lượng tấn công TX.Long Khánh chủ yếu là Tiểu đoàn 440 cùng du kích, đội biệt động và cơ sở mật tại thị xã đã chia làm 3 cánh đánh vào các mục tiêu hành chính, thông tin liên lạc và các căn cứ quân sự của địch. Theo kế hoạch, ta sẽ tiến hành đánh nhanh, chiếm vũ khí, trụ sở địch và từ đó đánh ra nên trang bị rất gọn nhẹ”.
Ở Phân khu 4, ông Nguyễn Văn Thông, lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Long Thành (gồm cả Long Thành và Nhơn Trạch ngày nay) cho biết đặc phái viên Trung ương Cục đã đến rừng Sác triển khai nhiệm vụ và kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy cho Phân khu 4 và Đặc khu Rừng Sác (Đoàn 10). Bộ chỉ huy mặt trận Phân khu 4 được thành lập do đồng chí Lương Văn Nho làm Tư lệnh. Tất cả cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Phân khu 4 đều được phát động học tập thư kêu gọi của Thường vụ Trung ương Cục. Ai cũng phấn khởi “sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
“Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mọi lực lượng chờ ngày N giờ G (Bộ Tư lệnh Miền quy định là 0 giờ đêm 30, rạng sáng 31-1-1968) đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu được phân công cho đơn vị mình phụ trách” - ông Nguyễn Văn Thông kể lại.
* Đồng loạt tấn công
Đúng giờ G, tại mặt trận TX.Biên Hòa, Trung đoàn Pháo binh 274 với 52 khẩu ĐKB, 30 khẩu 130 ly và 82 ly, 10 khẩu ĐKZ 75 bắn cấp tập vào Sân bay Biên Hòa đã đánh trúng sở chỉ huy sân bay, khu nhân viên kỹ thuật, kho xăng, kho chứa máy bay…
Đồng bào S’tiêng ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) giã gạo cung cấp lương thực cho bộ đội đánh địch trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu |
“Trên đồi cao, mọi người nhìn thấy lửa phực rất đẹp giữa sân bay. Tiếng pháo dội vào sân bay đồng thời là hiệu lệnh cho bộ binh nổ súng tấn công vào các mục tiêu đã thống nhất từ trước” - ông Phan Văn Trang kể lại.
Về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Báo Le Figaro của Pháp ngày 2-2-1968 bình luận: “Cuộc tiến công lừng danh của Việt cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự, vừa chính trị này. Về mặt đối nội, họ vừa thu được một thắng lợi lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh nơi nào và lúc nào cũng được hết. Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười. Họ tăng cường sự kiểm soát của họ, và do đó, làm giảm bớt sự kiểm soát của chế độ Sài Gòn đối với dân thường…”. (Nguồn: vi.wikipedia.org). |
Các đơn vị tiếp cận được mục tiêu đã đồng loạt nổ súng. Tiểu đoàn 1 đặc công U1, Trung đoàn 4 Sư đoàn 5 tiến vào sân bay phá hủy 120 máy bay các loại của Mỹ. Lực lượng đặc công Sư đoàn 5, Đại đội biệt động TX.Biên Hòa nổ súng tấn công vào phía Tây Sở chỉ huy Quân đoàn 3 chế độ cũ.
Sáng 31-1-1968, lực lượng đặc công của Sư đoàn 5 tiến đánh Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ ở Long Bình; còn Tiểu đoàn 2 đặc công U1 bí mật đột nhập vào khu kho bom đạn ở đồi 53 Tổng kho Long Bình đánh phá hủy 127 dãy kho bom đạn địch làm chấn động cả Biên Hòa và Sài Gòn.
Rạng sáng 31-1-1968, bộ đội huyện Vĩnh Cửu và một đơn vị của Sư đoàn 5 chủ lực tiến công bao vây Chi khu Công Thanh và làm chủ khu vực trị trấn 4 ngày. Nhân dân ở đây nổi dậy diệt ác giành quyền làm chủ. Du kích các xã Thiện Tân, Tân Định, Đại An tiến công đồn bót, diệt bọn dân vệ, ác ôn…
Bộ đội huyện Vĩnh Cửu và lực lượng Sư đoàn 5 đã bắn máy bay, xe tăng địch phản kích và đã bắn cháy 8 xe tăng, thiết giáp… của địch.
Bộ đội huyện Trảng Bom tấn công bao vây Chi khu Trảng Bom làm chủ thị trấn, phối hợp nhân dân các xã nổi dậy truy lùng bọn ác ôn.
Khu vực nội ô TX.Biên Hòa, biệt động và đội vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng treo cờ, diệt ác ôn ở khu vực: Bình Đa, Tân Thành, Gò Me, Hiệp Hòa…
Tại mặt trận Phân khu 4, ông Nguyễn Văn Thông cho biết rạng sáng 31-1-1968, pháo của ta nã dồn dập vào Chi khu Long Thành. Đại đội C1 đánh nhiều điểm thuộc 5 khu vực thị trấn, tiêu diệt 50 lính bảo an. Ở tất cả các xã, lực lượng du kích và tự vệ mật tiếp tục đánh địch, diệt ác phá kìm, phát động quần chúng chống phá âm mưu bình định, khoanh gom dân của địch.
Vùng cao su Bình Sơn, Chi bộ Đảng lãnh đạo đội du kích phối hợp bộ đội cao su, công nhân bao vây địch ở nhà máy, làm chủ suốt 3 ngày liền.
Hãng thông tấn Reuter của Anh ngày 3-2-1968 bình luận: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên”. Kế đó, ngày 5-2-1968, hãng này thống kê: “Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu USD mà vẫn không bảo vệ được một tấc vuông đất nào ở miền Nam Việt Nam cả”. (Nguồn: vi.wikipedia.org) |
Ở hướng rừng Sác, Đoàn 10 liên tục đánh địch trên sông Lòng Tàu, đánh cảng hải quân Nhà Bè và kho tàng địch ở Nhà Bè, tiến công diệt đồn Phú Hữu (Nhơn Trạch), đồn bảo an Lý Nhơn, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ ở 6 ấp chiến lược…
Trong khi đó, cuộc tiến công và nổi dậy ở mặt trận Long Khánh chậm hơn 1 ngày so với Biên Hòa và Phân khu 4.
Rạng sáng 1-2-1968, Tiểu đoàn 440 tổ chức 2 mũi tiến công vào các mục tiêu: trụ sở tình báo CIA, Tiểu khu Long Khánh, khu chợ, khu thông tin, tập kích Dinh tỉnh trưởng, chiếm một số chốt của địch. Cụm pháo của địch ở Sân bay TX.Long Khánh bị phá hủy ngay từ đầu bởi pháo của Tiểu đoàn 440.
Tại xã Bảo Vinh A, Trung đội dân vệ của địch đã mang súng trở về với cách mạng, cùng du kích tiến công làm tan rã đơn vị bảo an Bảo Vinh. Ở Bảo Bình, du kích xã cùng nhân dân nổi dậy tiến công bứt rút đồn bảo an Suối Cát. Tại các sở cao su, như: Cẩm Mỹ, Ông Quế, Hàng Gòn, Suối Tre…, du kích mật, công nhân nổi dậy chiếm khu trung tâm sở.
Đơn vị 502 Hậu cần 814 Miền cùng bộ đội huyện tiến công địch ở Chi khu Định Quán diệt ác, bao vây Yếu khu Túc Trưng và làm chủ ở đây cả tuần.
Sau đòn tấn công choáng váng của quân ta trên khắp các mặt trận, địch bắt đầu phản kích điên cuồng bằng xe tăng, máy bay phản lực... nên quân ta đã quyết định rút quân để bảo toàn lực lượng.
Địch đổ quân chặn phía sau chiếm căn cứ, chặn đường quân ta rút lui. Tuy nhiên, nhiều đơn vị của ta đã rút lui an toàn và tiếp tục tấn công tiêu diệt địch ở những nơi địch sơ hở. Vừa đánh, ta vừa củng cố đơn vị để tiếp tục triển khai đợt 2, đợt 3 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đặc biệt, vào đợt 3, lúc 4 giờ sáng 22-8-1968, từ trận địa xã Phước Lương (Nhơn Trạch), với 2,5 tấn đạn pháo, Đoàn 10 Rừng Sác có sự phối thuộc của Trung đoàn Pháo 274 lần đầu tiên xuất hiện sát nách Sài Gòn - Gia Định đã rót đạn trúng vào Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ, làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.
PHẠM MAI (tổng hợp)