Kỹ sư cơ khí Lê Tùng Hiếu không phải là cái tên xa lạ với nhiều người Đồng Nai. Ông từng là Phó giám đốc Tổng công ty máy động lực - máy nông nghiệp Việt Nam và là Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).
Kỹ sư cơ khí Lê Tùng Hiếu không phải là cái tên xa lạ với nhiều người Đồng Nai. Ông từng là Phó giám đốc Tổng công ty máy động lực - máy nông nghiệp Việt Nam và là Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ông là tác giả của nhiều sản phẩm máy nông nghiệp “made in Việt Nam” xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, như: động cơ diesel 6 mã lực đầu tiên của Việt Nam, máy bơm nước, máy gặt lúa, máy tuốt lúa, máy xay xát…, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2004.
Kỹ sư Lê Tùng Hiếu dùng ống nghe của bác sĩ để kiểm tra tiếng máy của chiếc đồng hồ 4 mặt ông đang lắp ráp có chạy đều hay không. |
Nhưng ngoài những sáng tạo trong công việc, người kỹ sư già từng có thời gian du học tại Black Forest (CHLB Đức) - cái nôi của những chiếc đồng hồ “cúc cu”, còn có hàng chục năm ròng theo đuổi thú vui sáng tạo và sưu tập đồng hồ, chủ yếu là đồng hồ “cúc cu” từ Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan… trong đó có những chiếc đồng hồ đã hàng trăm năm tuổi.
Nửa thế kỷ sưu tập đồng hồ
Ngôi nhà yên tĩnh nằm trên đường Khổng Tử (quận 9, TP.Hồ Chí Minh) của kỹ sư Lê Tùng Hiếu. Người thợ cơ khí già ở tuổi 76 vẫn dành một góc garage xe cho máy tiện, máy bào… để sửa chữa hoặc chế tác những chiếc đồng hồ. Cho đến bây giờ, sau hàng chục năm sưu tầm đồng hồ từ nhiều quốc gia trên thế giới theo những chuyến công tác, du lịch, học hành… thì chính ông cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chiếc. Đồng hồ treo khắp các bức tường trong nhà ông, có những chiếc từ thời thuộc địa mà ông tìm mua lại rồi sửa chữa, có những chiếc theo ông về từ các chuyến du học hoặc công tác Thụy Sĩ, Đức, Pháp…
Những chiếc đồng hồ quả quýt, đồng hồ đeo tay của các hãng nổi tiếng được ông Hiếu sưu tầm (ảnh lớn). Chiếc đồng hồ quả quýt sản xuất tại Hà Lan có vỏ bằng bạc chạm khắc tinh xảo và chiếc đồng hồ quả quýt gần 100 tuổi (ảnh nhỏ) trong bộ sưu tập của ông Hiếu vẫn chạy tốt. |
“Khi tuyết phủ dày, những người nông dân Đức hay Thụy Sĩ sẽ ở trong nhà và chế tạo đồng hồ “cúc cu” là một trong những việc họ làm để giết thời gian trong những mùa đông buồn chán và cũng để bán trong các hội chợ mùa xuân. Năm tháng qua đi, kỹ thuật của những người thợ đó đạt đến mức tinh xảo, đến nỗi nhiều chiếc đồng hồ hoàn toàn được chế tạo cơ học nhưng sau hàng trăm năm vẫn chạy chính xác đến từng giây” - kỹ sư Lê Tùng Hiếu chia sẻ.
Một chiếc đồng hồ của Pháp được ông Hiếu mua từ châu Âu về. |
Mê cơ khí, mê đồng hồ từ những ngày du học ở CHLB Đức, đến nay ông đã có gần nửa thế kỷ sưu tập đồng hồ. Theo nhiều cơ duyên, có những chiếc đồng hồ đã kiên trì gõ nhịp trong nhà ông hàng chục năm nay. Đồng hồ “chim cúc cu” là loại đồng hồ cơ sử dụng con lắc để điều chỉnh giờ. Điểm nổi bật nhất của loại đồng hồ này là tiếng chim cúc cu sẽ vang lên mỗi khi chuyển sang khung giờ mới, thay cho tiếng chuông thông thường. Ngày nay, mặc dù đồng hồ chạy pin điện tử được chế tạo vô cùng tinh xảo và đắt đỏ, nhưng đồng hồ thủ công “cúc cu” với những dấu ấn tài hoa từ bàn tay người thợ vẫn là những sản phẩm được săn lùng nhiều nhất trong giới sưu tập đồng hồ. Mỗi chiếc đồng hồ mang một câu chuyện văn hóa của những vùng miền làm ra chúng, có thể là con cáo, chùm nho, quả thông, con sóc, chiếc cối xay gió hay đôi má tròn của những cô gái nông thôn nước Anh, liễn sữa, ngôi nhà tuyết phủ tròn cả mái hay chiếc ống khói miền quê… được chạm khắc tinh xảo trên gỗ. Bên trong là bộ máy gồm nhiều bánh răng được chế tạo vô cùng phức tạp và tỉ mỉ, lên dây cót là có thể đếm nhịp thời gian trong nhiều ngày liên tiếp.
Chiếc đồng hồ ông Hiếu làm riêng về Đồng Nai, trên đồng hồ có những loại trái cây và thú đặc trưng của Vườn quốc gia Cát Tiên. |
Kỹ sư Lê Tùng Hiếu còn mua lại các bộ máy hoặc tự chế tạo bộ máy của đồng hồ “cúc cu”, song lại đặt các cơ sở chạm khắc gỗ thủ công mỹ nghệ vùng Hố Nai, Tân Mai (TP.Biên Hòa) để làm nên những chiếc đồng hồ “cúc cu” mang màu sắc văn hóa Việt Nam độc đáo với nhiều hình ảnh về con người, sản vật và thiên nhiên vùng Đông Nam bộ một cách tinh tế, đẹp đẽ, nhã nhặn, phần nào nói lên gu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhân. Kỹ sư Lê Tùng Hiếu cho biết, ông không định giá được bộ sưu tập đồng hồ của mình và sẽ không bao giờ bán chúng. Trái lại, ông vẫn tìm mua những chiếc đồng hồ mới để làm dày thêm bộ sưu tập độc đáo của mình.
Nghe tiếng thở của thời gian
Ông Lê Tùng Hiếu bên những chiếc đồng hồ “cúc cu”. |
Khi đón khách đến xem bộ sưu tập đồng hồ của mình, kỹ sư Hiếu thường có câu nói vui: “Tôi đã bỏ rất nhiều tiền của và công sức vào việc sưu tập đồng hồ, nhưng tôi không mua nổi thời gian, dù chỉ là một giây, một phút”. Ngoài lý do mê đồng hồ vì chúng là một trong những đỉnh cao của ngành cơ khí chính xác, đồng hồ còn là những vật hiện hữu luôn nhắc ông rằng, thời gian là thứ dù vô cùng quý giá, song lại dễ dàng bị lãng phí nhất trên đời. Có lẽ vì vậy mà gắn với thú vui đó là những tháng ngày cống hiến và làm việc miệt mài của Anh hùng lao động Lê Tùng Hiếu.
Chiếc đồng hồ cổ nhất tại nhà ông Hiếu trên 100 tuổi. |
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo gốc Long An, ông lên Sài Gòn vừa học vừa làm tại Trường kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn và là một trong số 10 người có điểm tốt nghiệp tú tài ngành kỹ thuật toàn phần cao nhất nên được cấp học bổng học tập ở CHLB Đức. Về nước năm 1972, ông làm việc cho Công ty chế tạo động cơ Vinappro và cùng các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt sơ-mi, piston… phục vụ các tàu đánh cá. Cuối năm 1987, Vinappro đã đưa ra thị trường động cơ diesel 6 mã lực hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa 40%, mặt hàng trước đó hầu hết phải nhập khẩu. Sau đó, ông lại cùng cộng sự nghiên cứu và sản xuất thành công động cơ 15 mã lực và sau này là 24 mã lực. Những gì ông và cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công vào thời kỳ đó đã tạo nền tảng cho nhiều loại máy nông nghiệp Việt Nam ngày nay. Chưa kể, trong vai trò lãnh đạo Vinappro, ông từng tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu và chế tạo thành công các loại máy xay xát lúa, cối chà trắng gạo… và rất nhiều sáng kiến khác nhằm cải tiến máy móc trong sản xuất nông nghiệp.
Chiếc đồng hồ để bàn được đúc bằng đồng khá đẹp. |
Ở tuổi 76, ông chưa từng có khái niệm nghỉ hưu. Ông vẫn tham gia giảng dạy và làm cố vấn cho chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật (Technisch Gewerbliche Ausbildung - TGA) của Trường trung cấp cơ điện Đông Nam Bộ (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ông cũng tham gia dịch sách chuyên ngành kỹ thuật và thậm chí còn tham gia dịch và biên soạn sách lịch sử với cuốn sách gây tiếng vang Địa chí tỉnh Biên Hòa do ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Phúc (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) dịch và biên soạn vào năm 2014. Đam mê nghiên cứu và biên dịch sách lịch sử cũng là một trong những niềm say mê phát sinh những năm sau này của người kỹ sư già sau hàng chục năm gắn bó với nghề cơ khí.
Trong ngôi nhà phần lớn chỉ trưng bày đồng hồ và cây cảnh, người kỹ sư già vẫn cần mẫn ngồi chế tác, sửa chữa, mài gọt… rồi đăm chiêu đếm nhịp từng chiếc đồng hồ bằng chiếc tai nghe cũ kỹ. Mỗi chiếc đồng hồ cho ông những niềm vui “rất con người” mà chỉ có quá trình sáng tạo miệt mài mới đem về được. Ông nói, danh hiệu anh hùng lao động hay những điều khác không quá quan trọng, nhưng chúng nhắc nhở ông về niềm hạnh phúc khi sáng tạo ra một điều gì đó có ích cho đời, hoặc ít nhất là đem lại những niềm vui bình dị, giản đơn.
Kim Ngân