Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu kịch mong chờ đổi thay

09:02, 03/02/2016

Năm 2015 được xem là năm hạn của sân khấu kịch TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là các sân khấu xã hội hóa. Nhiều suất diễn bị hủy, nhiều sân khấu than trời và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, một số ông bà bầu tâm huyết vẫn đang rất nỗ lực. Và những ngày cuối năm, dù ít thôi nhưng dường như sân khấu kịch đã có chút chuyển động nhẹ…

Năm 2015 được xem là năm hạn của sân khấu kịch TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là các sân khấu xã hội hóa. Nhiều suất diễn bị hủy, nhiều sân khấu than trời và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, một số ông bà bầu tâm huyết vẫn đang rất nỗ lực. Và những ngày cuối năm, dù ít thôi nhưng dường như sân khấu kịch đã có chút chuyển động nhẹ…

Chương trình kỷ niệm 6 năm thành lập sân khấu Thế giới trẻ.
Chương trình kỷ niệm 6 năm thành lập sân khấu Thế giới trẻ.

Không năm nào như năm nay, số lượng vở diễn mới ra mắt cực kỳ ít. Gần chục sân khấu kịch ở TP.Hồ Chí Minh chỉ ra mắt trên dưới 20 vở mới. Trong đó, số vở diễn gây được chú ý lại rất hạn chế.

Sân khấu mỏi mòn chờ khán giả

Đạo diễn Ái Như ngán ngẩm: “Tìm kịch bản được đã khó nói gì đến kịch bản hay”. Có khi chỉ phát hiện được vài ý tưởng le lói trong kịch bản là các ông bà bầu phải tận dụng và ráng nâng cấp lên. Vì viết kịch bản vừa cực lại không có nhiều tiền nên không ít tác giả chọn viết kịch bản phim truyền hình, các chương trình truyền hình hoặc các tiểu phẩm hài phát trên truyền hình, vừa nhanh lại vừa mau có tiền.

Cảnh trong vở Mỹ nhân kế.
Cảnh trong vở Mỹ nhân kế.

Cơn bão truyền hình quả là có sức càn quét khủng khiếp. Bao nhiêu nhân lực từ sân khấu bị truyền hình “cuốn” đi hết. Những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, trưởng thành từ sân khấu, là cái tên bảo chứng cho các phòng vé ngày nào giờ lần lượt leo lên sóng. Khán giả chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần nằm nhà… trùm mền, lướt tay trên remote điều khiển tivi là có thể gặp bất cứ ngôi sao nào mà họ ái mộ. Đặc biệt, với khán giả yêu hài thì truyền hình “chiều” họ hết lòng với mấy chục chương trình hài quy tụ đội ngũ ngôi sao hài “hùng mạnh” nhất cả nước, như: Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, Thu Trang… Ngay cả những nghệ sĩ trẻ vừa bước ra từ một cuộc thi hài nào đó cũng nhanh chóng được các kênh truyền hình săn đón. Ông lớn truyền hình đã mạnh tay phục vụ tận răng như thế thì khán giả mắc mớ gì phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để tìm đến với sân khấu vừa đang thiếu hụt các ngôi sao mà độ hấp dẫn, lung linh có khi còn thua kém so với các chương trình truyền hình.

Vì nghệ sĩ quá bận chạy sô truyền hình nên nhiều sân khấu phải gần như giành giật thời gian với nghệ sĩ. Thời gian tập ngày càng ít nên chất lượng vở diễn ngày càng đi xuống. Câu chuyện kịch thì hời hợt, lỏng lẻo, nghệ sĩ không có thời gian tập, lại không chuyên tâm dẫn đến mạnh ai nấy diễn cương, khiến nhiều khi trong một vở kịch mà người ta thấy nghệ sĩ rất nhiều lần… lạc lối! Sự không nghiêm túc trong dàn dựng và biểu diễn như thế khiến không ít khán giả bắt đầu rời xa sân khấu. Tuổi thọ của một vở diễn ngày càng rút ngắn vì khán giả không chịu xem.

Cảnh trong vở  Chuyên án 292.
Cảnh trong vở Chuyên án 292.

Một số nghệ sĩ ý thức nghề nghiệp kém, xem thường “thánh đường sân khấu” một thời đã bồi đắp, phát triển tài năng và xây dựng tên tuổi cho họ. Khi có chương trình truyền hình béo bở hơn họ sẵn sàng “xù” sô ở sân khấu mặc cho cả ê-kíp phải chờ đợi, mặc cho sắp tới giờ mở màn nếu thiếu một người cả sân khấu buộc phải trả vé và xin lỗi khán giả. Cũng có những nghệ sĩ còn nghĩ đến sân khấu, còn nghĩ đến tổ nghiệp nhưng họ vẫn còn tâm lý “nghệ sĩ có thời, thời đến thì phải tranh thủ…”, vậy là đành tặc lưỡi đi theo… tiếng gọi của truyền hình!

Xoay xở giữa thời khó

Chính những bất cập diễn ra ngày càng nhiều nên sân khấu kịch những năm gần đây, đặc biệt là trong năm qua khó khăn ngày càng chồng chất. Sự yếu kém của sân khấu dẫn đến nhiều khán giả dần dần mất niềm tin và hứng khởi để tìm đến sân khấu kịch. Chuyện hủy suất diễn hay mỗi suất diễn chỉ có lèo tèo vài chục khán giả đang là nỗi đau của những ông bà bầu, những người thực sự tâm huyết với sân khấu kịch, đặc biệt là sân khấu xã hội hóa. Không ít ông bà bầu không đủ tiềm lực về tài chính đã bày tỏ nếu không gồng được cũng đành phải buông, chấp nhận thua cuộc. Tuy nhiên, vẫn có những người đối diện sự thật, phân tích, nhìn nhận để lý giải xem sân khấu khó khăn là do đâu để từ đó cố gắng xoay xở tìm lối ra, mặc dù họ biết trong tình hình hiện nay là cực kỳ khó khăn.

Cảnh trong vở  Trót yêu.
Cảnh trong vở Trót yêu.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf khẳng định sân khấu không thể chết. Theo ông, mặc cho những khó khăn, các nghệ sĩ phải cùng đoàn kết lại làm nghề thật nghiêm túc, dàn dựng vở diễn thật nghiêm túc. Sân khấu thiếu kịch bản thì cứ mạnh dạn dựng lại kịch bản cũ nhưng theo cách nhìn mới, dàn dựng thật đàng hoàng mới mong lấy lại niềm tin ở khán giả, kéo họ trở về với sân khấu. Dù có đôi lúc gần như hết hy vọng vào cục diện chung của sân khấu, nhưng sân khấu Hoàng Thái Thanh của 2 nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như vẫn giữ vững lập trường dàn dựng vở chỉn chu, nghiêm túc.

Trong khi đó, Sân khấu kịch Hồng Vân sau khi ra mắt 2 vở diễn chính kịch có đầu tư, như: Người đàn bà uống rượu Đàn bà… mấy tay? dù được khen ngợi nhưng vẫn không thu hút khán giả, tết này chị có sự chuyển hướng khi dàn dựng vở Một cha ba mẹ. Đây là vở thuộc thể loại tâm lý xã hội hài, một vở mang tính chất giải trí cao nhưng được dẫn dắt bằng một câu chuyện xúc động về tình mẫu tử, tình phụ tử...

Là một sân khấu xã hội hóa khá non trẻ so với đàn anh, đàn chị như Idecaf, Hồng Vân nhưng sân khấu Thế giới trẻ hiện nay là điểm hẹn rất được các bạn trẻ yêu thích. Sau 6 năm hoạt động, nơi đây đã giới thiệu đến làng giải trí hàng loạt các ngôi sao mới, như: Thu Trang, Tiến Luật, Hoàng Phi, Gia Bảo, Khương Ngọc, Quang Tuấn, Lê Phương, La Thành, Khả Như… Trong tình hình làng sân khấu nghiêng ngửa trước cơn bão truyền hình thì Thế giới trẻ vẫn là điểm diễn sáng đèn đều đặn.

Cảnh trong vở Một cha ba mẹ.
Cảnh trong vở Một cha ba mẹ.

Từng thành công khi sử dụng công thức “một rổ sao” trong vở hài kịch Đại hỷ làm mưa làm gió trong mùa kịch tết 2015, nhưng sau đó Sân khấu Sen Việt cũng không thể giữ chân được các danh hài. Vì vậy để có được vở diễn trong những mùa “bình thường”, ông bầu Lê Nguyên Đạt đã nghĩ đến việc tìm kiếm những ngôi sao ở… bầu trời khác như điện ảnh, thời trang để mời vào sân khấu kịch, gây sự chú ý và lôi kéo khán giả đến sân khấu. Chẳng hạn trong vở Mỹ nhân kế, anh mời Hoa hậu thế giới người Việt Lưu Diễm Hương và một số người đẹp thời trang khác tham gia. Cái hay của Nguyên Đạt là anh không biến họ trở thành những bình hoa di động mà chọn cho họ những vai diễn phù hợp, vừa sức với sự hậu thuẫn đắc lực của những nghệ sĩ giỏi nghề trong một câu chuyện có vấn đề, với bàn tay đạo diễn chắc tay.

Không ai dám nói trước là hoạt động sân khấu kịch TP.Hồ Chí Minh bao giờ sẽ hết khó khăn. Nhưng với những nỗ lực và niềm tin vào nghề nghiệp của các ông bà bầu, các nghệ sĩ tâm huyết thì hy vọng trong năm mới sân khấu thành phố sẽ có những chuyển biến, những tia sáng tràn trề hứng khởi để các điểm diễn sẽ tự tin sáng đèn vào cuối tuần, đem lại món ăn tinh thần bổ ích cho công chúng.

Đắc Việt

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều