"Moi tiền thiên hạ" từ du lịch - nền "công nghiệp không khói" luôn là mong muốn của tất cả các quốc gia, địa phương trên thế giới. Nhưng, để tạo ra sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách luôn là điều không dễ dàng, ít ra là đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
“Moi tiền thiên hạ” từ du lịch - nền “công nghiệp không khói” luôn là mong muốn của tất cả các quốc gia, địa phương trên thế giới. Nhưng, để tạo ra sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách luôn là điều không dễ dàng, ít ra là đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Vậy mà, có những nơi tạo ra sản phẩm du lịch từ những ý tưởng thật đơn giản.
Những chàng nhạc sĩ thành Bremen
Nếu có dịp đặt chân đến Bremen, một thành phố cảng ở miền Tây Bắc nước Đức thuộc bang Bremen, nằm dọc theo sông Weser thơ mộng, du khách hẳn sẽ rất thú vị khi nhìn thấy biểu tượng của thành phố. Đó là 4 con vật quen thuộc: lừa, chó, mèo, gà xếp chồng lên nhau. Biểu tượng này có mặt ở khắp nơi tại Bremen, từ bức tượng đồng nằm trước Tòa thị chính thành phố, những hình khắc gỗ xinh xắn treo lủng lẳng trên cánh cửa nhà cho đến các món quà lưu niệm theo chân du khách đi khắp thế giới.
Làng cổ Zaanse Schans (Hà Lan) thanh bình. |
Điều thú vị là biểu tượng trên xuất phát từ một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Những nhạc sĩ thành Bremen. Được “xếp hàng” trong truyện cổ tích, nhưng Những nhạc sĩ thành Bremen không phải là sản phẩm từ dân gian như những câu chuyện khác, mà do anh em nhà Grimm sáng tác vào năm 1857 khi dạo chơi quanh tòa thị chính ở Bremen. Những nhạc sĩ thành Bremen kể về 4 con vật gắn bó mật thiết với đời sống của nông dân, gồm: lừa, chó, mèo, gà bị chủ của mình ghét bỏ và định giết hại. Chúng bỏ nhà đi, kết bạn với nhau rồi cùng đến Bremen để trở thành nhạc sĩ. Trên đường, cả bốn vô tình bắt gặp một toán cướp đang ăn uống trong một ngôi nhà. Nhanh trí, cả bốn xếp chồng lên nhau rồi nhảy vào phòng cùng hét lên, tạo ra âm thanh đáng sợ khiến lũ cướp sợ hãi chạy khỏi phòng. Từ trí tưởng tượng sinh động và kể chuyện tài hoa của anh em nhà Grimm, Những nhạc sĩ thành Bremen đã lan tỏa, thấm vào những giấc mơ của bao thế hệ trẻ em khắp thế giới, nuôi dưỡng chân lý điều thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác.
Vào năm 1951, Hội đồng thành phố Bremen quyết định dựng một bức tượng lừa, chó, mèo, gà xếp chồng lên nhau như trong câu chuyện cổ tích, đặt ngay trước sân Tòa thị chính thành phố như một kỷ vật ghi nhận sự đóng góp của anh em nhà Grimm cho văn học thế giới nói chung và tôn vinh thành phố Bremen nói riêng. Quyết định này được người dân Bremen rất đồng tình, bởi đây là địa phương chuyên sản xuất về nông nghiệp, 4 con vật trên gắn bó rất thân thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hình ảnh 4 con vật từ đó trở thành biểu tượng cho thành phố. Rất nhiều món quà lưu niệm được gắn liền với biểu tượng này, trở thành sản phẩm du lịch mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố.
Không phải là thành phố lớn, cũng không phải là đô thị hiện đại, Bremen thu hút du khách bởi nét xưa cổ và bình dị của mình. Tòa thị chính với kiến trúc nhà gạch kiểu Gothic tiêu biểu của châu Âu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2004, bên cạnh là nhà thờ hàng trăm năm tuổi được giữ gìn nguyên vẹn đến từng viên đá; những khu phố cổ lót gạch từ thế kỷ 14-15 mòn dấu chân người và dấu thời gian, những ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc xưa được tô điểm bởi những chậu hoa xinh xắn, phủ dây trường xuân đẹp đến nao lòng… vẫn đủ sức mạnh níu chân du khách. Và hầu như ai đến Bremen cũng “xiêu lòng” trước biểu tượng Những chàng nhạc sĩ thành Bremen dễ thương của thành phố, để rồi phải mang về một chút gì đó để nhớ…
Cối xay gió “xay” ra tiền
Ai du lịch Amstesdam (Hà Lan) mà không ghé thăm làng Zaanse Schans - một quần thể di tích nổi tiếng của xứ sở hoa Tulip, xem như cũng chưa biết trọn vẹn về đất nước được mệnh danh là “vùng đất thấp kỳ diệu”.
Nằm cách thủ đô Amstesdam chỉ khoảng 15km, Zaanse Schans nằm bên cạnh dòng sông Zaanse trông giống như miền đất cổ tích với những ngôi nhà đầy màu sắc với kiến trúc đậm nét truyền thống của người dân Hà Lan, mà bên trong mỗi ngôi nhà là những bí mật thú vị chờ du khách khám phá. Điểm nhấn của ngôi làng là những chiếc cối xay gió - một trong những biểu trưng của Hà Lan. Người Hà Lan tự hào rằng cối xay gió đã tạo ra đất nước họ, bởi vị trí địa lý Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển nên từ xa xưa người Hà Lan đã biết sử dụng hệ thống cối xay gió để thay thế sức người trong lao động sản xuất, đặc biệt là dùng sức gió để quay guồng nước từ nội đồng đổ ra sông, ra biển để giải quyết tình trạng ngập lụt. Chính vì thế, những chiếc cối xay gió đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đất nước cũng như đời sống người dân Hà Lan.
Làng Zaanse Schans có 6 cối xay gió được bảo tồn nguyên vẹn, gồm: Het Jonge Schaap (cừu non), De Zoeker (kẻ quan sát), De Kat (mèo), De Gekroonde Poelenburg, De Bonte Hen và De Huisman, đều là tên riêng của người chủ cối xay gió. Du khách sẽ được chứng kiến tận mắt các cánh quạt của cối xay gió làm bằng gỗ dài khoảng 27-29m quay liên tục mỗi khi có gió, đẩy guồng bánh xe khổng lồ cũng bằng gỗ có đường kính 6-7m với những bánh răng khớp nhau rất chính xác, tạo ra công năng phục vụ cho sản xuất, càng cảm thấy khâm phục sự sáng tạo của người dân Hà Lan.
Du khách rất thích chụp ảnh lưu niệm với biểu tượng Những nhạc sĩ thành Bremen. |
Zaanse Schans không chỉ có cối xay gió, còn có bảo tàng về nghề truyền thống của người Hà Lan xưa, như làm: guốc gỗ, phô mai, bánh mì… Bảo tàng guốc gỗ sở hữu bộ sưu tập guốc “khủng”, từ loại guốc mộc mạc dành cho người bình thường đến những đôi guốc nạm kim cương mà chắc chẳng ai dám mang. Các nghệ nhân còn trình diễn cho du khách thấy tận mắt cách đẽo guốc gỗ thủ công trước đây lẫn cách sử dụng máy móc hiện đại để tạo ra chiếc guốc gỗ đặc trưng của Hà Lan, và nếu thích du khách có thể tự mình thực hiện, mang sản phẩm về làm kỷ niệm. Tương tự, bảo tàng nghề làm phô mai, bánh mì giúp du khách hiểu được về nghề truyền thống, đồng thời mang lại nguồn thu không nhỏ từ các sản phẩm du lịch độc đáo này.
Những ngôi nhà cổ ở Zaanse Schans không phải là mô hình dựng “làm kiểu”, mà nằm trong hệ thống nhà cổ vùng sông Zaan được chuyển đến làng vào thập niên 60 thế kỷ 20 để bảo tồn khi thành phố Zaandam được xây dựng mới trong quá trình hiện đại hóa Hà Lan. Du khách đến đây như lạc vào vùng quê thanh bình của Hà Lan ở thế kỷ 14, đi dạo trên con đường đầy hoa, ngắm nhìn những ngôi nhà duyên dáng bên sông với chiếc cầu gỗ cong xinh xinh, hay bí ẩn bên mê cung hoa đầy màu sắc. Xa xa, trên đồng cỏ là những chú cừu, bò sữa thong thả, nhẩn nha gặm cỏ. Zaanse Schans thu hút rất đông khách du lịch, nhưng đặt chân đến đây chẳng ai nỡ ồn ào để phá tan khung cảnh yên bình thơ mộng…
Ở làng Zaanse Schans, dịch vụ cho thuê xe đạp đi dạo trong làng rất hút khách. Thú vị, là bên cạnh những biển hiệu cho thuê xe bằng các thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… có cả biển hiệu tiếng Việt: “Tại đây có cho thuê xe đạp”. Du khách Việt Nam ai cũng bất ngờ!
Nghề giặt vào du lịch
Năm 2009, phim Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionaire) do đạo diễn người Mỹ Danny Boyle thực hiện đã giành 8 giải Oscar, 4 giải Quả cầu vàng, gây tiếng vang khắp thế giới. Từ bộ phim này, nhiều người mới biết tại thành phố Mumbai - bối cảnh của bộ phim, bên cạnh những tòa cao ốc sang trọng, biệt thự xa hoa hoành tráng còn có khu ổ chuột lớn nhất thế giới.
Cũng ít ai biết, trong lòng thành phố Mumbai hoa lệ còn có công xưởng giặt ủi quần áo lớn thủ công nhất thế giới. Ở đây, những phát minh, thành tựu về khoa học - kỹ thuật phục vụ con người trong việc làm sạch quần áo, như: máy giặt, máy sấy… đều là con số 0, tất cả các công đoạn đều được thực hiện bằng sức người, như cách đây hàng trăm năm. Người dân Mumbai đơn giản gọi nơi đây là Dhobi Ghat (tiếng Hindu có nghĩa là nơi giặt).
Dhobi Ghat nằm lọt thỏm trong một khu ổ chuột khá lớn. Anh Murari, hướng dẫn viên du lịch tại Mumbai cho biết, Dhobi Ghat có 826 hồ giặt với con số nhân công khổng lồ, lên đến 5 ngàn người làm việc cật lực suốt ngày. Những hồ giặt này cũng được chia thành khu vực, như: khu giặt đồ vải mỏng (sari của phụ nữ, áo sơ mi nam), khu giặt vải dày (quần jean, quần kaki), khu giặt đồ của bệnh viện, nhà hàng (quần áo bệnh nhân, đồng phục nhân viên, khăn trải giường, trải bàn, màn cửa…).
Các hồ giặt được xây bằng gạch trát xi măng. Đồ giặt đưa tới được phân loại rồi cho vào trong hồ ngâm xà bông hoặc thuốc tẩy, sau đó các công nhân vò sạch bằng tay (đối với các loại vải mỏng) hoặc đập bằng cây, chà bằng bàn chải (với các loại vải dày), xả sạch rồi đem phơi trên các mái nhà. Ngoài ra, một số đồ giặt khác yêu cầu phải được xử lý qua nước nóng, hoặc phải ủi thẳng. Ở “đại công trường” giặt tay Dhobi Ghat, các công nhân xưởng giặt suốt ngày ngâm tay trong nước giặt, hóa chất tẩy, vác những bó đồ giặt to tướng “làm xiếc” trên thành hồ giặt, trên những chiếc thang cây thô sơ để trèo lên mái nhà phơi đồ ướt, thu gom đồ khô. Tất cả các công đoạn trên đều sử dụng sức lao động của công nhân, hoàn toàn không có máy móc. Trên các mái nhà lợp tôn ở khu xưởng giặt, lúc nào cũng phất phới hàng ngàn đồ phơi đủ màu, đủ loại. Với những đồ phải ủi thẳng, có một số phụ nữ lớn tuổi thực hiện bằng bàn ủi đốt nóng bằng than, nhìn giống như bàn ủi “con gà” ở Việt Nam ngày xưa. Không thấy bóng dáng chiếc bàn ủi điện. Thời gian và những phát minh khoa học, công nghệ hiện đại của nhân loại dường như dừng hẳn ở Dhobi Ghat.
Đại công xưởng giặt tay Dhobi Ghat (Ấn Độ). |
Làm việc trong môi trường độc hại, vất vả là vậy, nhưng thu nhập của công nhân ở Dhobi Ghat vô cùng thấp. Anh Murari cho biết, bình quân lao động tại đây được trả công 300-320 rupee/ngày, nếu chăm chỉ làm đủ 30 ngày, một tháng thu nhập khoảng trên 9 ngàn rupee (tương đương 146 USD, hoặc khoảng 3 triệu đồng). Hoàn toàn không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ấy là chưa kể các bữa ăn trong ngày đều phải tự túc. Vậy mà những công nhân làm việc tại đây cho rằng có được việc làm dù cực nhọc vẫn là may mắn vì công việc cố định, bởi mỗi sáng vẫn còn hàng ngàn người thất nghiệp vất vưởng ở các khu chợ lao động. Không có nghề nghiệp, đa số còn thất học, những nhân công ở khu Dhobi Ghat không thấy lối thoát nào khác cho tương lai của mình. Thế nhưng, nằm bên cạnh Dhobi Ghat là khu cao ốc Marine Drive hiện đại, cách đó vài cây số là khu Bandra và Bollywood sang trọng rực rỡ, được mệnh danh là khu highland - gọi nôm na là khu nhà giàu. Khoảng cách giàu - nghèo ở Mumbai rất xa và rất gần là vậy.
Chính sự lạc hậu của Dhobi Ghat bất đắc dĩ đã biến nơi này thành địa điểm du lịch khá thu hút trong những năm gần đây. Hàng đoàn du khách khắp nơi đến xưởng giặt này ngắm nhìn, chỉ trỏ, hỏi han, xuýt xoa cười nói, rồi lại đi. Những công nhân ở Dhobi Ghat ngày ngày tiếp tục kiếm bát cơm bằng mồ hôi, nước mắt chính mình, bởi những đồng tiền thu được từ du lịch ấy chẳng bao giờ đến tay họ, dù chỉ 1 rupee.
Hà Lam