Báo Đồng Nai điện tử
En

Thể thao Việt Nam năm Bính Thân: Chông gai đường lên đỉnh Olympia

11:01, 29/01/2016

Trong lịch sử 8 kỳ tham dự Olympic qua gần 1/4 thế kỷ, thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ "săn" được vỏn vẹn 2 chiếc HCB. Tại Olympic Rio de Janeiro 2016 này thì sao?

Trong lịch sử 8 kỳ tham dự Olympic qua gần 1/4 thế kỷ, thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ “săn” được vỏn vẹn 2 chiếc HCB. Tại Olympic Rio de Janeiro 2016 này thì sao? 

Bước chuyển mạnh mẽ

 

Đạt tỷ lệ lên đến 87% trong số 73 HCV giành được tại SEA Games 2015 thuộc về các môn thể thao Olympic (12/17 môn Olympic tham dự có vàng và 3 “mỏ vàng” lớn nhất cũng chính là 3 môn thể thao cơ bản: điền kinh, bơi lội, TDDC), là thành quả bước đầu từ sự chuyển mình mạnh mẽ của TTVN trong định hướng tấn công vào đấu trường châu lục và thế giới.

Xạ thủ Trần Quốc Cường.
Xạ thủ Trần Quốc Cường.

Từ kết quả trắng tay ở Olympic London 2012 và thành tích liên tục đi xuống ở 2 kỳ Asiad gần nhất: 2010, 2014 (chỉ có 1 HCV, so với Asiad 2002 là 4 HCV và 2006: 3 HCV); chiến lược “đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công” từng mang lại thành công trong thời kỳ đầu hội nhập, chính thức bị cáo chung. Thay cho sự đầu tư dàn trải, chạy theo số lượng, những nhà làm TTVN nhận thức phải đầu tư trọng điểm cho các môn Olympic mới có thể nâng cao vị thế, vượt khỏi “ao làng” khu vực. Một kế hoạch đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV ở các môn: bơi lội, điền kinh, cử tạ, TDDC... được triển khai, trong đó một số ít tài năng triển vọng nhất (như Ánh Viên) được đầu tư chuyên biệt.

Dù vậy, mùa xuân là mùa hy vọng. Hãy cứ mơ giấc mơ đẹp với những bất ngờ kỳ thú như vũ hội hóa trang trên đất Rio de Janeiro.

Vượt qua Madrid (Tây Ban Nha), Tokyo (Nhật Bản) và Chicago (Mỹ); Rio de Janeiro trở thành thành phố đầu tiên của Nam Mỹ đăng cai Thế Vận hội và Brasil cũng là quốc gia nói tiếng Bồ Ðào Nha đầu tiên tổ chức sự kiện thể thao số 1 hành tinh này.

Olympic Rio 2016 diễn ra từ ngày 5 đến 21-8. Dự kiến hơn 10.500 VÐV của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia tranh tài 306 nội dung của 28 môn thể thao.

Từ SEA Games 27 tại Myanmar, lần đầu tiên, ngành thể thao “chia” các môn thành 6 nhóm với mỗi nhóm tập trung cho một mục tiêu khác nhau. Ưu tiên 1 là nhóm S-A-O (viết tắt của 3 cụm từ SEA Games, Asian Games, Olympic) tức là những môn có khả năng giành HC Olympic, Asiad (mặc nhiên phải có huy chương SEA Games). Nhóm này gồm 4 môn: bắn súng, cử tạ, TDDC, taekwondo. Kế đó là nhóm S-A-Q hướng đến đạt chuẩn Olympic: điền kinh, bơi lội, boxing, rowing, judo… Nhóm S-P-O là nhóm môn có tiềm năng Olympic: đấu kiếm, nhảy cầu, thuyền buồm, bắn cung… Để chuẩn bị tham dự thi đấu các vòng loại, giành suất đến Olympic 2016, ngành thể thao tiếp tục đầu tư sâu cho 14 môn. Trong đó, nhóm S-A-O được bổ sung thêm điền kinh, bơi lội (taekwondo xuống nhóm 2). Kinh phí đầu tư cho 14 môn mũi nhọn này trong năm 2015 lên đến 1,6 triệu USD, với các chuyến thi đấu, tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Riêng nhóm 5 môn trọng điểm được dành cho 1 triệu USD (khoảng hơn 21 tỷ đồng).

Quá trình đầu tư này đã cho lứa trái ngọt đầu tiên trên đất Singapore: Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games, Nguyễn Thị Huyền xô đổ kỷ lục tồn tại 20 năm ở nội dung chạy vượt rào 400m nữ. Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục 22 năm ở nội dung chạy 5.000m. Đội chạy tiếp sức 4x400 m nữ phá kỷ lục tồn tại 24 năm. Ngoài ra, những bài thi mang về HCV TDDC của Phương Thành, Hà Thanh… đạt đến trình độ của các VĐV hàng đầu châu lục. Chưa kỳ SEA Games nào các VĐV VN thi đấu ấn tượng đến vậy. Qua đó khẳng định sự đúng đắn của chiến lược đầu tư trọng điểm.

Nhưng đường lên đỉnh Olympia vẫn... quá xa!

Mục tiêu của ngành thể thao đề ra là phấn đấu có 16-23 VĐV đạt chuẩn, giành suất đến Brasil tham dự Olympic 2016 (trong đó 15 suất đi “cửa chính”) và phải có 1-2 HC để tạo tiền đề có HCV Olympic đầu tiên vào năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. Cho đến thời điểm này, TTVN mới chắc chắn có 6 VĐV góp mặt tại Rio de Janeiro: Ánh Viên (bơi); Xuân Vinh, Quốc Cường (bắn súng); cùng 3 suất của cử tạ. Dù vậy chỉ tiêu 15 suất chính thức là hoàn toàn có thể, bởi từ đây đến tháng 8 sẽ còn diễn ra rất nhiều giải đấu vòng loại. Theo tính toán, cơ hội sẽ dành cho: Hoàng Quý Phước (bơi); Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (điền kinh); Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành (TDDC); Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông); cùng các môn rowing, taekwondo, boxing nữ... Tuy nhiên, được tham dự là một chuyện còn tranh chấp HC lại là hoàn toàn khác. Bằng chứng tại kỳ Olympic gần nhất - London 2012, VN có tới 18 VĐV giành suất chính thức, nhiều nhất trong lịch sử, nhưng ra về trắng tay. Trong 8 lần tham dự Thế vận hội, kể từ Olympic Moskva 1980, có tới 6 lần TTVN không giành được HC, mới chỉ có 2 tấm HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tại Sydney 2000 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) ở Bắc Kinh 2008.

Ánh Viên là niềm tự hào số 1 Việt Nam nhưng thành tích còn rất xa huy chương Olympic.
Ánh Viên là niềm tự hào số 1 Việt Nam nhưng thành tích còn rất xa huy chương Olympic.

Thể thao không phải là phép cộng, thành công ở SEA Games không hề đồng nghĩa với những tấm HC Asiad, Olympic đã ở gần, bởi khoảng cách của TTVN nói riêng, thể thao Đông Nam Á nói chung so với trình độ châu lục và thế giới còn rất lớn. Đơn cử như Ánh Viên, VĐV số 1 VN 3 năm liên tiếp, dù năm rồi giành 2 HCB, 1 HCĐ tại World Cup bơi lội thế giới, được xếp trong top 5 nữ VĐV bơi xuất sắc nhất châu Á 2015, đạt chuẩn A dự Olympic; thì chỉ số thành tích cao nhất vẫn kém xa... HCĐ Olympic London 2012 (ở cự ly sở trường 200m tự do thành tích của Ánh Viên là 1’ 59”27, kém thành tích giành HCĐ Olympic 2012 của VĐV Australia Bronte Barratt đến gần 4 giây. Ở các cự ly bơi tốc độ, vài phần trăm giây đã là khoảng cách cực lớn). Tương tự là với điền kinh, TDDC, đấu kiếm, đua thuyền rowing...“trùm” Đông Nam Á nhưng chẳng là gì với thế giới. Có khả năng giành HC nhất là trong môn cử tạ, nhưng niềm hy vọng số 1 Thạch Kim Tuấn lại vướng chấn thương nặng, có khả năng lỡ hẹn đến Brasil.

Đông Kha

 

 

 

 

Tin xem nhiều