Báo Đồng Nai điện tử
En

Loanh quanh chợ Bắc, chợ Nam

10:01, 29/01/2016

Nếu có chút để tâm đến chuyện chợ búa, miếng ăn, hẳn nhiều người phải thừa nhận, chợ là một trong những nơi mà văn hóa vùng miền được thể hiện "trực quan sinh động" nhất. Bằng lời ăn tiếng nói, bằng cung cách giao tế đối đãi giữa người bán với người mua, bằng gia vị, bằng những món hàng trên các sạp chợ, thậm chí bằng cả cách… thiếu nợ, trả tiền.

Nếu có chút để tâm đến chuyện chợ búa, miếng ăn, hẳn nhiều người phải thừa nhận, chợ là một trong những nơi mà văn hóa vùng miền được thể hiện “trực quan sinh động” nhất. Bằng lời ăn tiếng nói, bằng cung cách giao tế đối đãi giữa người bán với người mua, bằng gia vị, bằng những món hàng trên các sạp chợ, thậm chí bằng cả cách… thiếu nợ, trả tiền. Không gian thương mại cổ xưa nhất của người Việt Nam ấy, dẫu có di chuyển từ bến thuyền sang cổng làng vào thuở xa xưa, hay cheo leo bên vệ đường ngày nay thì đều phản chiếu văn hóa của một vùng dân cư quanh đó.

Biên Hòa là một mảnh đất lành, có hàng trăm ngàn cư dân gốc Bắc từ giữa thế kỷ trước đến nay, do đó mà hình thành nên những ngôi chợ đặc sệt văn hóa ẩm thức xứ Bắc, như: Tân Hiệp, Tân Mai, chợ Sặt, Thái Bình…, bên cạnh những ngôi chợ lâu đời đậm đà chất Nam bộ: Biên Hòa, chợ Đồn (Bửu Hòa), Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Bửu Long…

Ai kèo nèo, bông súng, mắm linh?

Muốn sắm sanh một nồi lẩu mắm Nam bộ, không gì dễ cho bằng xách giỏ ra chợ Đồn sáng sớm. Ôi chao là rau: kèo nèo, đậu rồng, muống ruộng, bông súng, điên điển, so đũa, bắp chuối, rau đắng, cải xanh… Không có công thức chung máy móc nào cho nồi lẩu mắm, nhưng nhất thiết phải có mấy loại mắm, mấy loại rau căn bản.

Trầu cau chợ Sặt.
Trầu cau chợ Sặt.

Chợ Đồn là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất Biên Hòa, cùng với khu Bửu Long, Hiệp Hòa (cù lao Phố), ở trong vùng dân cư thuộc loại lâu đời nhất Biên Hòa. Trái với khu Trảng Dài, Long Bình đông người nhập cư sinh sống, khác với Tân Mai, Hố Nai quy tụ nhiều người gốc Bắc. Chỉ cần dạo quanh buổi chợ, sẽ thấy phong cách ẩm thực Nam bộ hiện lên rất rõ qua hàng mắm kho, sạp rau, hàng cá. Chợ Biên Hòa sát mé sông, chợ Đồn, chợ Hiệp Hòa cũng chỉ cách sông vài trăm mét, nên nhiều sản vật sông nước cũng lặng lẽ xuôi về trong đêm để “bung hàng” vào buổi sáng, nhất là ở mùa nước nổi - mùa mưa: cá linh non, cà trèn, cá dứa, bông điên điển…

Nhiều người nói, muốn “nhìn ra” chợ Bắc hay chợ Nam thì mời vào hàng mắm. Mắm chợ Nam là mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm tôm chua, mắm ba khía… khác với chợ Bắc có mắm tôm, mắm tép, mắm nêm, mắm rươi, mắm cáy, mắm còng… Cái không khí Nam bộ thấm đẫm trong từng lời ăn tiếng nói của người bán lẫn người mua. Chợ Biên Hòa thì ngày càng “đại chúng” do là ngôi chợ trung tâm thành phố, chứ chợ Đồn hay chợ Hiệp Hòa thì đậm đà Nam bộ hơn nhiều: bưởi, bắp, cam, thơm… vẫn tính chục 12 trái, rải rác quanh chợ vẫn là các hàng quà vặt miền Nam, như: chuối nếp nướng, bánh khọt, bánh tằm, bánh tét chuối, bánh ít đậu, bánh ít dừa…                              

Thì là, lá chanh, tương bần, nem Bắc…

Nếu tìm đỏ mắt ở chợ Biên Hòa, chợ Đồn không ra một nắm lá chanh, một mớ rau thì là hay chút cơm mẻ gia giảm cho món thịt gà, món canh chua cá, thì nên dạo một vòng vài ngôi chợ Bắc tại Biên Hòa, hầu như đủ vị. Chợ Tân Hiệp là một trong những ngôi chợ Bắc bán đầy đủ nhất những gia vị miền Bắc đặc trưng: mắm tôm, tương bần, cơm mẻ, lá chanh, mắm tép, riềng, lá mơ lông, rau thì là, quả sung, quả sấu… Hàng rau cũng đẫm vị Bắc với cà pháo, rau tập tàng, cua xay… thậm chí cá hành tăm, miến dong, tỏi Bắc, nếp Bắc.

Chợ Tân Mai hay các khu chợ vùng Hố Nai cũng tương tự, thậm chí còn đa dạng hơn, từ nem Bắc, bê thui, bánh gai, bánh chưng cho đến thúng, mủng, dần, sàng… Trong thứ không khí lao xao những âm giai miền Bắc, người ta cũng dễ dàng tìm thấy quán cháo lòng ven chợ, tìm được thúng xôi xéo, mẹt bánh cuốn hành phi hay mâm bánh đúc chấm tương đầy vị Bắc. Mùa tết về, chợ Bắc càng phong phú với mộc nhĩ, nấm hương, nhang Bắc, trà Bắc, giò lụa, bánh chưng, hành hoa, sả, nghệ… cho đến lá chuối, lá dong bày đầy mẹt chợ.

Mắm và rau phong vị miền Nam bán ở chợ Đồn.
Mắm và rau phong vị miền Nam bán ở chợ Đồn.

Không bàn sâu về văn hóa vùng miền, chỉ nói đến đôi điều ở khía cạnh ăn uống, Biên Hòa là một trong những đô thị khá đặc trưng bởi sự phong phú đa dạng, nguyên nhân là do hàng trăm ngàn người di cư ngày trước mang theo thói quen ăn uống, gầy dựng nên các khu chợ Bắc lâu đời. Rồi sau này, hàng lớp người trẻ nhập cư vào khi đất nước mở cửa thu hút đầu tư, cũng mang theo những mong muốn về một mâm cơm quen thuộc nơi họ sinh ra, từ đó mà sản sinh ra những sạp chợ đáp ứng nhu cầu này. Ngoài chợ Bắc, chợ Nam, một số ngôi chợ ở Long Bình hoặc Long Bình Tân về sau này còn có những sạp chợ bán nhiều món ăn, gia vị vùng Bắc Trung bộ để phục vụ người mua: mít non muối chua (nhút), cá hấp, tôm chua, mắm ruốc, muối lạc, muối vừng…, tuy nhiên chưa đủ phong phú như các ngôi chợ “đậm đặc” phong cách miền Nam, miền Bắc tại Biên Hòa.

Ở thời mà những không gian thương mại đã và đang được công nghiệp hóa một cách mạnh mẽ, việc giữ gìn những chợ truyền thống là một thách thức thì việc tìm đúng những ngôi chợ mang phong vị vùng miền thật sự thú vị. Ở đó, không chỉ đơn giản là tìm gia vị cho một món ăn, mà là cơ hội để va chạm với cả không gian văn hóa vùng miền sinh động - thứ trải nghiệm vẫn chưa quá khó tìm vì vẫn chưa phôi pha trong lòng một thành phố công nghiệp năng động và thay đổi rất nhanh như Biên Hòa.

Kim Ngân

 

 

 

 

Tin xem nhiều