Trở lại vùng "chè Thái, gái Tuyên" trong dịp đầu xuân. Các nhà "mỹ nhân học" thuộc nhiều lứa tuổi ở Thành Tuyên sau khi kể tên vanh vách những "chân dài - da trắng - mũi cao" đã giành được danh hiệu hoa khôi, á hậu, diễn viên, người mẫu nổi tiếng, bèn chỉ điểm: Thượng Lâm là cái rốn của miền gái đẹp Tuyên Quang.
Trở lại vùng “chè Thái, gái Tuyên” trong dịp đầu xuân. Các nhà “mỹ nhân học” thuộc nhiều lứa tuổi ở Thành Tuyên sau khi kể tên vanh vách những “chân dài - da trắng - mũi cao” đã giành được danh hiệu hoa khôi, á hậu, diễn viên, người mẫu nổi tiếng, bèn chỉ điểm: Thượng Lâm là cái rốn của miền gái đẹp Tuyên Quang. Theo đó, lâu nay người dân xứ Tuyên vẫn luôn truyền tụng nhau câu nói: “ Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”.
Các cô gái dân tộc trong mùa lễ hội Lồng tồng. |
Trước đây, cả Hồng Thái và Thượng Lâm đều thuộc huyện Na Hang. Theo tiếng Tày, Na Hang là “mảnh ruộng cuối cùng”. Vậy mà không ngờ huyện miền núi nằm cách tỉnh lỵ Tuyên Quang không đến 100km, lại là một vùng phong cảnh hữu tình trên vòng cung sông Gâm và sông Năng uốn éo lượn mình bên dãy đồi núi vây quanh hết sức thơ mộng.
Dòng sông nước mắt
Na Hang còn ôm trong lòng nó hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích lớn thứ hai ở miền Bắc. Trong đó, có những danh thắng độc đáo, như: thủy trại Đà Vị, lâm thủy Cọc Vài, lâm viên Phiêng Bung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ, Bản Bung… địa bàn sinh sống lâu đời của các dân tộc Tày, Mông, Dao, Kinh… Giới du lịch lữ hành ví cảnh quan Na Hang là “Hạ Long trên cạn”.
Từ huyện lỵ Na Hang đi ngược theo dòng sông Gâm về hướng Tây chừng 30 cây số là đến Thượng Lâm, một thung lũng xanh tươi giữa bốn bề đồi núi chập chùng. Xã Thượng Lâm vừa được tách ra khỏi Na Hang để sát nhập vào huyện mới Lâm Bình. Lâu nay, Thượng Lâm không những nổi tiếng là “miền gái đẹp”, phong cảnh nên thơ mà còn là vùng đất huyền thoại với nhiều truyền thuyết dân gian kỳ thú. Đến nay những già làng vẫn còn thích kể cho con cháu và khách phương xa về câu chuyện 99 con chim phượng hoàng từ trời bay đến biến thành 99 ngọn núi bao quanh, che chắn cho Thượng Lâm, chuyện đèo Nàng, tình sử đèo Ái Âu (tiếng Tày là… còn yêu), đặc biệt sự tích hoa Phạc Phiền (tôi đã lân la tìm hiểu về loài hoa có cái tên là lạ này, thì kẻ bảo có, người nói không. Tôi đồ rằng loài hoa truyền kỳ xuất hiện khá nhiều trong các áng thơ ca, lời hát Cọi của người Tày ở Thượng Lâm cũng giống với lá diêu bông chưa một ai nhìn thấy của thi sĩ Hoàng Cầm). Đáng nói tất cả những truyền thuyết, sự tích này đều nhằm nói lên thân phận bi thương của gái đẹp Thượng Lâm ngày xưa; họ luôn phải gạt nước mắt, chia tay với người mình yêu thương để về làm vợ thứ cho thổ ty, quan lang trong châu bản. Ngay đến dòng sông Gâm có màu nước trong xanh, phẳng lặng khi nghe tôi khen, một cụ già Tày còn bảo rằng: “Bao đời nay nước nó vẫn xanh như vậy. Nước mắt của mỹ nữ, giai nhân Thượng Lâm hàng mấy trăm năm đã đổ ra nên như thế!”...
Trăm năm ngơ ngẩn khách si tình
Ngồi trên cái nhà sàn cũ kỹ rộng lớn được làm hoàn toàn bằng gỗ nghiến ở tận trong bản Nà Liềm để trò chuyện cùng cụ Ma Văn Mơ, 86 tuổi, người được xem là “pho sử sống của Thượng Lâm”. Cụ già Tày này, từng có 10 năm làm Chủ tịch UBND xã và 12 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm, hào hứng kể cho tôi nghe về “đặc sản” mận ngon Hồng Thái và… gái đẹp Thượng Lâm. Tuổi cao, nhưng trí óc lại minh mẫn lạ thường; cụ Mơ không những tỏ ra tự hào về nhan sắc bản làng với cùng đặc điểm “mắt sáng - mũi cao - nước da trắng ngần”, mà còn không ngần ngại cho rằng trong số những người đẹp Thượng Lâm có vợ, con gái và các cháu ngoại gái của cụ. Chuyện năm rồi đứa cháu gái cụ Mơ đi học ngoài thành phố Tuyên Quang, nghe lời xúi giục bạn bè dự thi và đạt danh hiệu Người đẹp xứ Tuyên thì nhiều người biết, nên tôi bèn cắc cớ hỏi đùa cụ già Tày vui tính: “Cụ có thực sự tin rằng vợ mình đẹp không?”.
Cụ Mơ trả lời gọn lỏn: “Không đẹp lấy làm gì!”. Và trầm ngâm giây lát, cụ chậm rãi kể rằng: “Vào những năm 1948, 1949 tôi làm giáo viên bình dân học vụ, dạy đến 30 cô gái trong bản làng, cô nào cũng đẹp; trong đó người đẹp nhất là cô học trò Hoàng Thị Vịnh, lớn hơn thầy giáo một tuổi. Thầy trò chúng tôi nhanh chóng có cảm tình với nhau, nhưng chuyện tuổi tác chênh lệch, đạo lý thầy trò lúc bấy giờ là một trở ngại không nhỏ trong ý thức đồng bào dân tộc Tày cũng như chính quyền, mặc dù các đoàn thể ra sức kêu gọi xây dựng đời sống mới, nam nữ bình quyền… Cuộc tình ấy kéo dài mãi cho đến năm 1954, tôi trở thành cán bộ văn phòng xã Thượng Lâm và mọi người đều đang vui mừng vì hòa bình vừa trở lại thì chúng tôi tranh thủ cưới. Hưởng hạnh phúc bên nhau được 30 năm, bà ấy mất năm 1984 ở tuổi 55. Hơn 30 năm nay, nhiều năm nắm giữ cương vị quan trọng, có quyền lực không thua kém gì quan lang, thổ ty trước cách mạng, được không ít phụ nữ đẹp sẵn lòng đến, nhưng tôi vẫn sống một mình để giữ trọn vẹn hình bóng của bà ấy!”.
Thiếu nữ dân tộc Dao đỏ. |
Trò chuyện với chủ một quán tạp hóa là người Kinh ở ngay phố chợ Thượng Lâm - ông Hoàng Ngọc Lập, 56 tuổi, tếu táo: “Gái Thượng Lâm đẹp thật ông ạ! Người nào cũng mặt hoa, da phấn. Tôi quê Hưng Yên, vốn là dân làm ăn, đi đây đi đó nhiều. Năm 1995, lúc đó đã 35 tuổi vẫn chưa lập gia đình, lên đây thấy gái Thượng Lâm đẹp quá đâm mê. Tôi trụ lại làm ăn, đến năm 2000 mua đất và cưới vợ là gái Thượng Lâm rồi định cư luôn ở đây!”.
Quan Thanh Phù, 58 tuổi, một cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội lâu năm của Thượng Lâm, cho biết: “Cách mạng tháng Tám đã làm ra cuộc đổi đời thực sự với phụ nữ Thượng Lâm. Những trang đời đen tối, bi thương đã được lật qua. Nhiều nhan sắc Thượng Lâm bắt đầu ngẩng cao đầu tham gia các hoạt động xã hội. Lĩnh vực thu hút nhiều người đẹp Thượng Lâm nhất là múa, hát. Những Hoàng Thị Biên, Quan Thị Thì, Quan Thị Tạ… được tuyển chọn vào đoàn nghệ thuật Na Hang rồi Tuyên Quang, tham gia biểu diễn phục vụ các chiến trường trọng điểm, thu hút cảm tình sâu đậm của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào hậu phương miền Bắc. Gần đây thì giới trẻ Thượng Lâm còn tham gia rộng rãi và nhiều hơn đủ các bộ môn nghệ thuật, xuất hiện trên truyền hình, làng showbiz… ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Nổi bật trong đó có Nguyễn Hoài Thương - người đẹp thi trang phục đẹp…”.
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Khánh Toàn còn khá trẻ. Ông tỏ ra băn khoăn về nạn “chảy máu” nguồn tài nguyên nhan sắc Thượng Lâm: “Cùng với nét xinh tươi, duyên dáng, gái Thượng Lâm còn rất thùy mỵ, nết na. Do vậy, em nào ra thành phố học tập hoặc công tác được một thời gian cũng lập gia đình nơi xứ xa, rất ít khi quay lại quê nhà lắm!”. Ông Toàn cho biết thêm: “Từ xa xưa, bà con các dân tộc Tày, Dao... ở Thượng Lâm có những lễ hội dân gian rất đặc sắc; trong đó lớn nhất là Lồng tồng tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm với phần lễ là cúng cầu mùa, xuống đồng, phần hội có các trò chơi, như hát Cọi do nam nữ hát đối đáp với nhau rất được bà con yêu thích. Từ năm 2009, chúng tôi đã phục dựng lại lễ hội này, đầu năm mới cũng đã thu hút được nhiều phụ nữ Thượng Lâm đưa chồng con cùng quay về tham dự”.
Ăn trứng kiến đen, ngủ nhà gỗ
Ở xã có đến 90% bà con dân tộc Tày này ăn tết cũng rất độc đáo. Hầu như gần 2 ngàn ngôi nhà trong 14 thôn, bản đều dựng nêu và treo cờ Tổ quốc từ ngày 29 Tết cho đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Ông Lộc Tiến Huỳnh - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nà Đông, cho tôi biết: “Dựng nêu để biết nhà có chủ, không con ma, con quỷ nào vào được”. Tôi nhìn thấy trên cây nêu, ngoài những bó nhang, hoa lá, trái cây… còn treo lủng lẳng mấy loại bánh trông rất lạ mắt. Ở cái xã mà mỗi tuần chỉ có hai phiên chợ vào sáng thứ năm và chủ nhật, vậy mà 30 Tết lại là ngày rộn rịp nhất. Cánh đàn ông thì xúm nhau mổ heo, còn phụ nữ thì túm tụm lại gói bánh… Cảnh tượng rất vui.
Sáng mùng 1 và mùng 2 Tết, nhà nào cũng làm 2-3 mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà... Những ngày đầu năm mới này, chị em đều mặc áo váy dài, trang sức kiềng bạc… đẹp lộng lẫy. Con gái thường đeo vòng loại từ 6-7-8-9 đồng bạc (mỗi đồng bạc trắng trị giá 250 ngàn đồng); người lớn tuổi hoặc có địa vị đeo loại vòng 12 đồng bạc trắng.
Ông Lộc Tiến Huỳnh cùng cụ Ma Văn Mơ. |
Đầu xuân, trời Thượng Lâm mới chỉ 5 giờ chiều đã là đà sương khói, tôi trong chiếc áo pa-đờ-xuy trắng bạc với đôi giày da nâu cao cổ đã nhanh chóng bị phát hiện là khách lạ, khi một mình thơ thẩn dạo bước trong xóm núi bản Nà Thuôn. Trước lời mời chào thân thiện của một người đàn ông Tày, tôi vui vẻ ngồi lên xe máy để ông chở qua bản Nà Va nhậu. Trên ngôi nhà sàn bằng gỗ nghiến, vợ chồng gia chủ Hoàng Văn Long và Hà Thị Ly thấy có khách trong Nam lần đầu tiên vào bản, mừng rỡ bày ra đủ loại thức ăn, nào măng đắng cuộn thịt, cá nướng… đặc sản dân tộc Tày cùng rượu ngô, rượu nếp ủ men lá… và rối rít gọi điện thoại di động mời Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Xuân Tích đến tiếp khách. Thấy tôi ăn uống quá tận tình, mọi người đều vui cái bụng, mời tôi trưa hôm sau trở lại để thưởng thức một món ăn mà “đến Thượng Lâm chưa thưởng thức, xem như chưa đến Thượng Lâm”. Vậy là tôi biết thêm được món măng đắng cuộn trứng kiến đen, ngon đến nhớ đời. Cùng nhậu đặc sản bữa trưa hôm đó với chúng tôi còn có cả thầy phù thủy Chẩu Đức Văn (ông được giới thiệu là phù thủy hẳn hoi và cho tôi biết đây là nghề gia truyền biết cả làm thuốc chữa bệnh, nhưng không phải là thầy pháp hoặc thầy cúng như ở dưới xuôi). Mọi người đều tỏ ra rất trọng vọng thầy phù thủy Văn và cho biết rất hiếm khi thầy cùng ngồi nhậu như vậy.
Ngất ngưởng cơn say, phải nằm ngủ ngay tại chỗ, tôi vẫn còn nghĩ ra được rằng: Thượng Lâm có nhiều lợi thế hơn Mai Châu, Ba Bể, Sũng Là... trong việc làm du lịch theo kiểu homestay: phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành, ẩm thực phong phú…, đặc biệt là có sẵn thương hiệu “miền gái đẹp” cùng cơ sở lưu trú là những ngôi nhà sàn to lớn, rộng rãi được ngăn chia khéo léo hoàn toàn làm bằng gỗ nghiến rất hiếm có ở nơi nào khác. Nhưng thật đáng tiếc, Thượng Lâm chưa khai thác được thế mạnh này, trong đó có phần do nạn “chảy máu” tài nguyên người đẹp. Điều này thực ra cũng không có gì lạ, bởi theo quy luật thường tình của cuộc sống: Cái đẹp thường thuộc về nơi cao sang, quyền quý. Những “miền gái đẹp” mà tôi có dịp đến, ngay cả bên Trung Quốc, như: Tô Châu, Hàng Châu từng nổi danh với những “đại mỹ nhân” có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành làm đảo điên bao nhiêu triều đại trong lịch sử Trung Hoa, thì bây giờ đến cũng khó mà tìm ra được bóng dáng giai nhân. Họ đang sống không ở nước ngoài thì cũng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hong Kong, Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh… Quả là: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến… bản làng!
Bùi Thuận