Dân gian Việt Nam có câu chuyện "đẽo cày giữa đường" rất hay, nhưng với tinh thần "sính ngoại" của bóng đá Việt, đầu xuân xin được kể một truyện cổ tương tự của Andersen.
Dân gian Việt Nam có câu chuyện “đẽo cày giữa đường” rất hay, nhưng với tinh thần “sính ngoại” của bóng đá Việt, đầu xuân xin được kể một truyện cổ tương tự của Andersen.
Đại ý số là có một ông chủ cửa hàng bán cá trương bảng “Tại đây có bán cá !”. Một khách hàng đi qua góp ý, chả “tại đây” thì tại đâu? Thừa! Ngẫm có lý, ông chủ cho hạ xuống sửa ngay, chỉ còn “có bán cá”. Ít ngày sau một vị khách khác lại bình phẩm, chẳng bán thì cửa hàng lại cho không à, việc gì phải để “có bán”. Thế là cái bảng hiệu còn độc một chữ to đùng: “cá”. Vẫn chưa xong, một du khách phương xa mới lần đầu đặt chân đến cửa hàng liền phán: mới tới đầu ngõ đã nghe sực nức mùi cá, ai chả biết mà còn phải đề bảng. Thế là ông chủ cửa hàng cho tháo béng luôn cái bảng hiệu...(!).
Ngẫm, các “ông chủ” của nền bóng đá xứ mình rất giống với ông chủ cửa hàng cá nọ. Đến Tết Bính Thân này là đã trải qua 27 năm, với 7 nhiệm kỳ Ban Chấp hành VFF cùng 9 vị chủ tịch, 18 lần thay đổi HLV đội tuyển, trong đó có 12 triều đại “thầy” ngoại với 8 cái tên; bóng đá Việt Nam (BĐVN) nói chung và các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nói riêng vẫn loay hoay, ngả nghiêng trong việc đi tìm định hướng bản sắc. Bắt đầu với ấn tượng mạnh mang đến từ vị thuyền trưởng người Brasil Tavares ở Cúp Độc lập 1995; giành chiếc huy chương bạc quốc tế đầu tiên với ông thầy người Đức K.Weigang ở SEA Games cùng năm (cả 2 đều tự dứt áo ra đi vì bất mãn với VFF); chuyển sang trường phái “kich and rush” của bóng đá Anh với HLV Colin Murphy; rồi sang Trung Âu với thầy Áo Alfred Riedl (3 lần hợp hôn); trở về Brasil với Dido; tìm đến Bồ Đào Nha - “Brasil của châu Âu”, của Calisto; lại quay về Đức với Falko Goetz và sắp tới sau 2 năm tại vị, gần như chắc chắn vị HLV châu Á đầu tiên người Nhật, Toshiya Miura, sẽ lại nhường chỗ cho một thầy ngoại khác. Các thời ĐTQG và U.23 hết theo trường phái La tinh, thực dụng kiểu Đức, lại ngả qua Ăng-lô-xắc-xông, rồi tiqui taka và hiện tại là... “nửa nạc nửa mỡ” chẳng rõ diện mạo nào cả (!).
Tóm lại Liên đoàn BĐVN không hề có quan điểm, lập trường, định hướng chiến lược xuyên suốt nào cả. Mà cứ như cầm tinh... con khỉ, chỉ bắt chước, “thấy ai ăn khoai vác mai đi đào”, ngả nghiêng theo dư luận (như trong 2 lần sử dụng HLV nội cho ĐT gần nhất đều thất bại (Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc) chẳng phải xuất phát từ “ý đồ” nào cả mà là vì bí bách và bị sức ép, tại sao Malaysia thành công với Rajagobal được mà Việt Nam lại không trọng dụng “hàng nội”). Ở cấp độ các ĐTQG, để định hình lối chơi, phong cách, bản sắc, vai trò xuyên suốt của một giám đốc kỹ thuật có trình độ, tầm nhìn là hết sức quan trọng; chứ không thể mỗi HLV đến lại làm một phách theo ý của mình. VFF đã “hứa” rất nhiều lần nhưng không thể không hoài nghi, với cung cách làm việc và tư tưởng nhiệm kỳ, chỉ nhắm đến thành tích ngắn hạn, ngay cả có tìm được một CEO tài giỏi cũng khó thể phát huy. Điều này từng được chứng minh trong quá khứ khi BĐVN từng sở hữu miễn phí Giám đốc kỹ thuật rất tài năng và nhiệt huyết là HLV Rainer Willfeld (lương 5 ngàn USD/tháng của ông do phía Đức chi trả), nhưng lại chỉ để ông “ngồi chơi xơi nước”.
Với toàn bộ nền BĐ là liên tục những mò mẫm “thử nghiệm”. Những lời tán dương, coi Nhật Bản là hình mẫu còn nóng hổi của các nhà lãnh đạo VFF, VPF (trao cả chức trưởng BTC V.League, lẫn ghế HLV trưởng 2 ĐT nam, nữ cho người Nhật), đã xuất hiện xu hướng... “Hàn Quốc mới hay hơn” và lại đang có ý kiến đi đâu cho xa mà hãy bắt chước... Thái Lan. BĐVN cứ như con vụ xoay vần, xoay, xoay mãi mà không biết sẽ dừng ở đâu, và quan trọng hơn là chẳng biết bắt đầu từ đâu. Lại nhớ nhận xét nổi tiếng của cựu chủ tịch Mai Liêm Trực: “Mặt bằng VFF thấp hơn xã hội”.
Năm mới Bính Thân, chỉ mong BĐ nước nhà thôi... cầm tinh con khỉ!
Đông Kha