Một sáng thượng tuần tháng Chạp 2014, mặt biển êm ả ở khu vực bãi cạn Cà Mau khuất gió chợt nổi cơn sóng lớn. Mặc kệ đại dương đang gào thét, các chiến sĩ Hải quân nhanh chóng hạ xuồng từ tàu "mẹ" gần đó đến đón nhóm phóng viên chúng tôi ở nhà giàn DK1/10.
Một sáng thượng tuần tháng Chạp 2014, mặt biển êm ả ở khu vực bãi cạn Cà Mau khuất gió chợt nổi cơn sóng lớn. Mặc kệ đại dương đang gào thét, các chiến sĩ Hải quân nhanh chóng hạ xuồng từ tàu “mẹ” gần đó đến đón nhóm phóng viên chúng tôi ở nhà giàn DK1/10. Như chiếc lá lẻ loi vững vàng giữa dòng sông cuộn chảy, chiếc xuồng phóng lên trên con sóng bạc đầu dữ dội để rồi trong phút chốc đã đến sát chân nhà giàn...
Thẳng tiến ra nhà giàn DK1/10 trong nắng xuân |
“Ăn sóng, nằm gió”
Từng đợt sóng chồm lên như đang chực lật úp chiếc xuồng làm những người trên giàn không khỏi lo lắng, nhiều người đã có ý định ở lại đợi đến khi biển êm mới dám về xuồng. Chiếc xuồng chao đảo theo cơn sóng, va mạnh vào chân giàn, hai chiến sĩ nhanh như cắt, dùng dây thừng quàng qua vào chân giàn thành một điểm tựa rồi kéo chắc tay để chiếc xuồng cập sát vào giàn, tạo điều kiện cho chúng tôi trèo xuống an toàn nhất.
Biên độ dao động của chiếc xuồng lên đến gần 1 m nhưng 4 người lính trên xuồng vẫn đứng vững vàng, hai tay thao tác nhịp nhàng, dây thừng nhanh nhẹn. Ở phía đầu mũi, thiếu úy Nguyễn Tiến Thành vừa dùng một tay gồng sức giữ chặt dây thừng cố định mũi xuồng, một tay ra hiệu cho những người trên giàn mặc áo phao chuẩn bị leo xuống. Không ai bảo ai, nhìn thấy chiếc xuồng đập rầm rập vào thành tàu và nỗi ám ảnh gãy chân vì bước hụt mà tất cả chúng tôi đều im phăng phắc. Ai nấy cũng đều không đủ tự tin làm người xuống đầu tiên dù các chiến sĩ trên tàu đã cố hết sức giữ chiếc xuồng thăng bằng nhất.
Tổ xuồng máy đang tính toán luồng nước để di chuyển cho an toàn |
Thấy chúng tôi có vẻ ngập ngừng, trung úy Nguyễn Duy Thủy – thuyền phó tàu HQ 621, kiêm phụ trách xuồng lên tiếng trấn an. “Đừng lo, cứ xuống đi, khi leo đừng nhìn xuống biển, cứ nghe theo hiệu lệnh của chúng tôi, có người dưới này đỡ rồi. Một sĩ quan trên nhà giàn đi trước làm mẫu rồi các phóng viên cứ vậy mà làm theo nhé, bình tĩnh, chỉ cần lúc leo xuống không bước hụt là được…” – trung úy Thủy hét vọng lên, tiếng nói của người thủy thủ dặn dày sương gió át cả tiếng sóng, xua tan mọi lo lắng của chúng tôi.
Lần lượt các phóng viên cũng xuống được tới xuồng, mỗi lần xuồng chỉ chở được 4 chiến sĩ thuộc tổ lái và 7 người nữa với điều kiện là không đem theo hành lý. Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, người cầm lái xuồng, không nói năng gì trong suốt chuyến đi, nhưng đôi mắt vẫn luôn dõi theo từng người đặt chân xuống xuồng. Dựa vào cảm nhận của một người cầm lái nhiều năm, thiếu tá Sơn ra hiệu cho từng người ngồi vào vị trí an toàn để giữ cân bằng cho xuồng trước những cơn sóng cấp 3.
Bằng hiệu lệnh ngắn gọn, trung úy Thủy hướng dẫn cho từng phóng viên xuống xuồng một cách nhanh chóng và cẩn thận. “Bám chắc…đặt tay xuống một nấc thang nữa…tiếp tục…bước dài ra…buông tay…”. Nghe đơn giản vậy thôi nhưng có di chuyển trên chiếc thang sắt giữa không gian, thời gian ấy mới biết nỗi sợ đã lấn át tâm trí thế nào. Đã có một số người xuống đến gần xuồng, bỗng đâu sóng ập mạnh đến, mũi xuồng chồm lên cao hơn 1m, suýt đập vào chân người trên thang khiến họ hoảng hốt leo trở lại nơi xuất phát.
“Với người trên đất liền ra thăm nhà giàn DK1 vào mùa biển động này thì việc khó khăn, nguy hiểm, vất vả nhất chính là trèo thang. Trèo từ tàu xuống xuồng, từ xuồng lên nhà giàn, chỉ vài bước thôi nhưng bất cẩn là thành xuồng dập vào gãy chân như chơi. Còn với anh em chúng tôi, đi biển lâu năm rồi nên cũng quen với sóng gió, chuyện tai nạn thì ai mà chẳng sợ, nhưng chỉ cần tập trung vào công việc là sẽ quên ngay thôi…” – ngồi trên mép xuồng đang lướt qua từng con sóng, trung úy Thủy cười rất tươi rồi bộc bạch.
Những trái tim dũng cảm
Nhìn những thủy thủ trong trang phục rằn ri xanh biển đã phai màu nắng gió hiên ngang trên xuồng máy đang phóng như bay trên đại dương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tinh thần và sức bền bỉ của các anh. Trong chuyến đi thăm các nhà giàn DK1 của tàu HQ 621 đầu năm 2015, mặc dù đã rất mệt mỏi sau hải trình dài hàng trăm hải lý, nhưng tổ xuồng cũng không quản ngại khó khăn đưa chúng tôi lên được đến nhà giàn DK1/10 an toàn tuyệt đối. Tàu neo cách nhà giàn khoảng 1km và mỗi chuyến lên xuống, chuyển hàng như vậy các thủy thủ trong tổ xuồng đều phải hoạt động hết công suất và không một lời kêu ca/ than vãn.
Đỡ người từ trên tàu xuống xuồng |
Từ những người trong đoàn công tác, hàng hóa, lương thực…đến những thứ cồng kềnh như bồn chứa nước dung tích 1.000 lít cũng đã được tổ xuồng máy đưa lên nhà giàn không chút sứt mẻ. Thượng úy Nguyễn Tuấn Thịnh – thuyền trưởng tàu HQ 621 cho hay, trên xuồng luôn phải có 4 người, một phụ trách chung, ngoài ra còn có hai người ở đầu xuồng thao tác dây thừng và một người lái đầy kinh nghiệm và bản lĩnh.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Thịnh, thuyền trưởng tàu HQ 621 nhấn mạnh - “Xuồng máy trên mỗi tàu đóng vai trò rất quan trọng, vừa để vận chuyển, cứu sinh, vừa đuổi các ghe, tàu lạ xâm nhập trái phép vùng biển nước ta... nên trách nhiệm của họ rất nặng nề. Do đó, người phụ trách xuồng phải là một thuyền phó, tất cả hoạt động trên xuồng đều phải phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau và mọi diễn biến trên xuồng trong lúc làm nhiệm vụ luôn thông báo bằng bộ đàm về cho thuyền trưởng”. |
“Anh em tổ xuồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào mùa biển động, nếu thả xuồng ở các khu vực 14 nhà giàn nằm trên bãi cạn ngoài biển Đông thì còn khó khăn gấp bội phần ở bãi cạn Cà Mau này. Sóng to, gió lớn có thể làm lật xuồng hoặc xô ngã thủy thủ xuống biển bất kỳ lúc nào, khi ấy chỉ có những người có một cái đầu “lạnh” và sức khỏe dẻo dai mới khắc phục được sự cố. Do thiết kế của xuồng máy dùng di chuyển trên biển nên dù ở điều kiện khắc nghiệt nhất, xuồng bị lật cũng sẽ không thế chìm, trừ khi nào bị thủng hoặc bị tấn công nên khi có biến cố gì, tổ xuồng cũng sẽ xử lý được” – thượng úy Thịnh tự hào chia sẻ.
Ngoài việc điều khiển xuồng máy, từng thành viên trong tổ xuồng còn phụ trách nhiều công việc khác nhau trên tàu. Để có được sức khỏe dẻo dai đó, cứ sau mỗi ca trực suốt 3 tiếng đồng hồ căng thẳng là họ phải cố gắng ngủ thật sâu trong 6 tiếng rồi tiếp tục dậy thực hiện ca trực tiếp theo. Ngoài ra, dù đang công tác trong chuyến hải trình dài ngày, việc rèn luyện sức khỏe luôn được đảm bảo, vừa tăng khả năng chống say sóng vừa đảm bảo chế độ sinh hoạt hàng ngày của quân nhân, sĩ quan.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ chuyện say sóng thì không ai tránh khỏi, nhưng tùy vào thể trạng mỗi người mà có nhanh chóng quen hay không thôi. Giữa lúc sóng cấp 3, cấp 4, ngồi trên tàu lớn đã cảm thấy hơi chóng mặt, đằng này là trên chiếc xuồng dập dềnh chực chờ lật giữa đại dương thì càng khó chịu hơn.
Phối hợp với anh em trên nhà giàn kéo người từ xuồng lên |
“Lúc lái xuồng thì không sao, vì khi đó vừa tập trung quan sát, cơ thể vừa điều chỉnh trọng tâm theo sóng nên không bị chóng mặt. Chứ lúc cập vào giàn để đón mọi người, xuồng bị động theo từng đợt sóng nên anh em thủy thủ dù dày dạn đến đâu, ít nhiều cũng bị cảm giác say sóng. Nhưng vì nhiệm vụ nên đôi lúc quên luôn mệt mỏi bản thân, mỗi lần mọi người bước từ nhà giàn xuống là anh em chúng tôi lại lo, đôi lúc sự nhút nhát không dám bước mạnh lại hụt nhịp dao động của xuồng gây ra hậu quả đáng tiếc” – thiếu tá Sơn trầm ngâm bên mạn tàu hồi lâu, nhìn chiếc xuồng đã được kéo lên, ràng chặt trên boong tàu rồi nói.
Đăng Tùng