Chào cờ xếp hình bản đồ Tổ quốc, chụp ảnh cùng cờ Tổ quốc, hát ráp, nhảy hiện đại kêu gọi lòng yêu nước… là cách thể hiện của giới trẻ trước hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. Với họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng (ngụ tại TP.Biên Hòa), vẽ một bức tranh về chiến sĩ hải quân là cách mà anh thể hiện lòng yêu nước của mình.
Chào cờ xếp hình bản đồ Tổ quốc, chụp ảnh cùng cờ Tổ quốc, hát ráp, nhảy hiện đại kêu gọi lòng yêu nước… là cách thể hiện của giới trẻ trước hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. Với họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng (ngụ tại TP.Biên Hòa), vẽ một bức tranh về chiến sĩ hải quân là cách mà anh thể hiện lòng yêu nước của mình.
Anh Nguyễn Quốc Trọng đang thực hiện tác phẩm Sóng gọi. |
Đó là tác phẩm Sóng gọi vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục là “Bức tranh chủ đề chiến sĩ hải quân vẽ bằng bút sắt trên gỗ lớn nhất” vào cuối năm 2014.
Thể hiện lòng yêu nước bằng bút sắt
Trước khí thế tràn ngập biểu hiện tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng đã chọn ý tưởng chiến sĩ hải quân làm đề tài cho tác phẩm tham gia cuộc thi xác lập kỷ lục Việt Nam. Anh Trọng chia sẻ, sáng tác ra những tác phẩm tạo dấu ấn cho nền hội họa Đồng Nai là điều mà anh ấp ủ từ những ngày đầu bước chân vào Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Đồng thời, bức tranh cũng là minh chứng thể hiện lòng yêu nước của anh không “đụng hàng” với người khác.
Ban đầu ý tưởng của anh về bức tranh chỉ có 3 nhân vật (gồm: người chiến sĩ hải quân, một cô gái và một em bé đều mặc đồng phục hải quân) thể hiện truyền thống tiếp nối. Nhìn vào bức phác thảo trên giấy thấy không “đã mắt”, chưa mang tính bao quát nên anh đã quyết định vẽ 12 chiến sĩ hải quân. Sau 3 tháng thực hiện (từ tháng 3 đến tháng 6), bức tranh 12 chiến sĩ hải quân với phong thái vui tươi, lạc quan và luôn sẵn sàng chiến đấu được vẽ bằng bút sắt trên gỗ có kích thước 218cm, cao 98cm và nặng 70kg đã hoàn thành. Khác với những bức tranh vẽ về lực lượng quân đội khác, bức tranh chiến sĩ hải quân được anh thể hiện bằng những đường cong đan xen theo hình lượn sóng. Anh Nguyễn Quốc Trọng cho biết, sóng có lúc dữ dội, có lúc dịu êm cũng giống như con người Việt Nam hiền lành chất phác nhưng khi nền hòa bình bị đe dọa, họ nhất định sẽ tự nguyện hy sinh để giữ cho được nền hòa bình ấy.
Không chỉ sử dụng ưu thế của đường cong theo hình lượn sóng, bức tranh còn đặc biệt ở chỗ được vẽ bằng bút sắt trên gỗ. Anh Nguyễn Quốc Trọng cho biết thêm, lợi thế của bút sắt là gặp nước không bị lem mực, giữ được màu lâu, nét bút lại khỏe khoắn. Ngược lại, khi vẽ trên gỗ, bút thường bị tắc mực do bụi gỗ, không thể tẩy xóa đòi hỏi người cầm bút phải cân nhắc từng chi tiết trước khi vẽ.
Luôn hướng đến chủ đề cách mạng
Mặc dù gia đình luôn định hướng cho anh đi theo nghề công an hay kỹ sư, nhưng anh Nguyễn Quốc Trọng vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê hội họa của mình. 15 năm đặt chân lên mảnh đất Đồng Nai là 15 năm anh gắn bó với nghiệp sáng tác. Những “đứa con tinh thần” lần lượt ra đời với nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, nhìn lại các sáng tác của mình, anh Nguyễn Quốc Trọng chia sẻ cảm hứng và niềm đam mê của anh dành phần lớn cho chủ đề cách mạng, nhất là chân dung Bác Hồ.
Trước khi vẽ bằng bút sắt lên gỗ, anh Nguyễn Quốc Trọng luôn phải phác thảo lên giấy. |
Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ thư pháp Việt (thuộc Thành đoàn Biên Hòa) thực hiện bức họa chân dung Bác Hồ trên vải gấm có kích thước dài 10,02m, rộng 3,12m được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục vào năm 2012.
Chia sẻ về niềm đam mê này, anh Trọng cho biết gia đình anh có truyền thống cách mạng, bản thân anh thích nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Hơn nữa, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến anh khâm phục. Vì thế, chủ đề cách mạng và đặc biệt chân dung Bác Hồ luôn là đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của anh, mặc dù để thể hiện được thần thái của Người qua những nét vẽ theo thời gian không hề đơn giản.
Ngoài hàng trăm tác phẩm vẽ về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Mẹ Việt Nam anh hùng... anh Nguyễn Quốc Trọng còn dành thời gian để sưu tập ảnh về Bác Hồ từ sách, báo, tạp chí, ấn phẩm hay tem thư. Đứng trước bộ sưu tập hình ảnh về Bác, anh có thể ngồi ngắm hàng giờ đồng hồ mà không biết chán. Bởi theo anh Trọng, không phải cứ vẽ khuôn mặt với bộ râu dài trắng là Bác Hồ, mà quan sát kỹ những bức ảnh chụp của Bác mỗi năm một khác. Dường như thần thái của Bác gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử nước nhà. “Để thể hiện đúng và sinh động tâm trạng của Bác, đòi hỏi người họa sĩ phải hiểu từng giai đoạn lịch sử dân tộc, hiểu những lo âu, trăn trở của Người” - anh Trọng nói.
Nga Sơn