Cuối năm 2014 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức phát động Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Cuối năm 2014 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức phát động Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Chiến tranh kéo dài suốt 30 năm và sau đó là một thời kỳ quá độ khó khăn về kinh tế, đã tác động, ảnh hưởng đến việc phát triển thể lực, tầm vóc của người Việt Nam. Sức khỏe có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong và phát triển của một dân tộc, đất nước. Trong lãnh vực thể thao, chính sự thua thiệt, hạn chế về chiều cao, thể trạng là một trong những nguyên nhân khiến VĐV Việt Nam khó giành được thành tích cao trên đấu trường quốc tế, ngay cả ở đấu trường khu vực, đặc biệt là trong những môn thể thao đối kháng trực tiếp như bóng đá.
Vận động viên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong một trận đấu tại VTV Cup 2014 |
Chính vì vậy ngày 28-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” (gọi tắt là Đề án 641), với mức kinh phí lên đến 6 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu tổng thể của đề án là góp phần thay đổi thể lực và tầm vóc người Việt Nam, giúp người Việt Nam khỏe và thông minh lên, tăng cường chất lượng cuộc sống, giúp cho thế hệ trẻ có những sân chơi giải trí lành mạnh, không bị ảnh hưởng từ những tiêu cực của xã hội. Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là nâng chiều cao của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5 - 3,5cm. Cụ thể vào năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68-1,69m và 1,55m đối với nữ. Đối tượng chính áp dụng của đề án là các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi.
Cơ sở nào cho những con số này? Theo tiến sĩ Dương Nghiệp Chí, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, người biên soạn chính của đề án, tính toán thông thường của quốc tế là cứ 10 năm, chiều cao trung bình của một quốc gia tăng được 0,7cm. Nhưng nếu có những biện pháp dinh dưỡng và tập luyện TDTT hợp lý, tốc độ tăng sẽ nhanh hơn. Thêm nữa, một nước sau thời gian chiến tranh luôn có một khoảng tăng trưởng bù cho sức khỏe và chiều cao thân thể. Do đó, ông Chí còn cho rằng, thậm chí tốc độ tăng chiều cao của người Việt có thể đạt gấp đôi chứ không chỉ là 0,7 cm trong 10 năm tới.
Trong quá khứ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng thực hiện đề án tương tự. Từng bị coi là một dân tộc “lùn”, từ năm 1951 người Nhật đã nghiên cứu và khẳng định 2 vấn đề mấu chốt liên quan tới tăng trưởng chiều cao cơ thể là dinh dưỡng và TDTT. Hiện tại, chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản hơn nam giới Việt Nam từ 8-10cm, nữ hơn 3cm. Đó là kết quả của một quá trình đầu tư bền bỉ kéo dài 20 năm.
Chính vì vậy, Đề án 641 của Việt Nam gồm 4 chương trình lớn: chương trình 1 là nghiên cứu cơ bản các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao thân thể và sức khỏe của người Việt; chương trình 2 nghiên cứu dinh dưỡng và phổ biến dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em từ 2-18 tuổi (đối tượng là từ bà mẹ mang thai cho tới 18 tuổi, bởi con người phát triển chiều cao ở 2 giai đoạn: từ bào thai tới 1 tuổi và từ tiền dậy thì tới dậy thì).
Đầu xuân hy vọng chỉ 2 thập kỷ nữa, những “con Rồng, cháu Tiên” nòi giống Lạc Hồng sẽ “sánh vai” đúng nghĩa với bạn bè cường quốc 5 châu. Muộn nhưng vẫn chưa quá muộn.
“Kinh phí 6 ngàn tỷ thực hiện đề án chủ yếu đến từ xã hội và gia đình, bởi dinh dưỡng cho con em là chuyện của từng nhà, việc luyện tập TDTT cũng chủ yếu là trách nhiệm của trường học và gia đình. Nhà nước chỉ đảm đương hướng dẫn, tổ chức và động viên chứ không làm thay được cho gia đình và xã hội” - ông Dương Nghiệp Chí. |
Trần Đỗ