Báo Đồng Nai điện tử
En

Ước mơ từ một dòng sông

01:01, 26/01/2014

Quê tôi ai cũng có một dòng sông quanh nhà… Câu hát từ một bài nhạc trữ tình của nhạc sĩ quá cố Hoàng Hiệp sao mà rung động tới vậy! Phải chăng cái mẫu số chung dòng sông đó đã làm nên bầu trời ký ức đẹp đẽ cho hầu hết những người dân Nam bộ?

Quê tôi ai cũng có một dòng sông quanh nhà… Câu hát từ một bài nhạc trữ tình của nhạc sĩ quá cố Hoàng Hiệp sao mà rung động tới vậy! Phải chăng cái mẫu số chung dòng sông đó đã làm nên bầu trời ký ức đẹp đẽ cho hầu hết những người dân Nam bộ? Trong số đó có Biên Hòa - quê tôi - đất của con sông Đồng Nai uốn mình ôm ấp Cù lao Phố, một thời sung mãn với Nông Nại Đại Phố, với Phủ Trấn Biên…

Sông Đồng Nai chảy giữa TP.Biên Hòa đoạn qua phường Quyết Thắng.
Sông Đồng Nai chảy giữa TP.Biên Hòa đoạn qua phường Quyết Thắng. (Ảnh: Vân Nam)

Tôi được sinh ra, lớn lên ở Biên Hòa sau rất lâu thời kỳ mà đất Cù lao Phố đã chuyển dịch sự phồn thịnh tâm điểm về cho Gia Định - Sài Gòn. Nhưng cũng giống mọi “dòng dõi cao quý”, niềm tự hào và cái khí chất tốt đẹp thực tế của một thời thịnh phát vẫn đọng lại nhiều thứ ở Đất Biên Hòa - Đồng Nai. Mà nổi bật một cách điềm nhiên, tự tại là dòng sông Đồng Nai hiền hòa, tươi đẹp. Với Biên Hòa, dòng sông Đồng Nai là nét mỹ miều của bộ mặt Biên Hòa, là mạch sống, là hơi thở riêng biệt của vùng đất, là đặc điểm địa mạo và tụ hội khí lực của cộng đồng dân cư.

Những bến đò, những vệt lò lu, lò gốm ven sông. Dần dà những khu thị tứ Chợ Đồn, Biên Hòa hình thành rồi tỏa sáng. Những  chục năm, trăm năm qua đi, từng lớp kiến trúc và lịch sử, từng lớp người, từng lớp thời gian và ký ức chồng xếp lên nhau làm nên nơi chốn có tên  riêng, có giá trị cảm xúc riêng của một Chợ Đồn, một Cù lao Phố, một Biên Hòa…

Sự tiếp nối trong phát triển vừa sát với nhu cầu rất nhân văn, vừa là một quy luật trong phát triển bền vững. Là con dân của đất Biên Hòa - Đồng Nai, chắc cũng giống như rất nhiều người khác, tôi luôn mong mỏi quê mình ngày càng to đẹp rạng rỡ, nhưng vẫn đầy hồn đất, hồn người. Tôi nghĩ là sẽ có nhiều phương cách để đạt mục đích này, nhưng ở góc độ không gian đô thị thì địa lý thủy văn là một cây đũa quyền lực rất cần cầm giữ một cách chắc chắn.

Quy luật sinh tồn đơn giản quần tụ cư dân ven những dòng sông. Nhưng điều nổi bật hơn của quy luật hình thành thị tứ là giao thông vận chuyển. Từ trước khi có phát minh vĩ đại về chiếc bánh xe, dòng sông, mặt biển là con đường thiên nhiên trao tặng cho con người. (Mãi đến ngày nay, vận chuyển đường thủy vẫn là rẻ nhất tính trên trọng lượng). Vận chuyển bằng đường bộ, đường không phát triển nhanh chóng và tiện lợi làm con người dần dà quên đi dòng sông cho đến một ngày, sự ùn tắc giao thông đô thị trở thành mối lo thường nhật. Ai dám chắc Biên Hòa  mãi mãi đường thông hè thoáng? Hoặc hà cớ gì lo phát triển nhiều tuyến xe buýt công cộng mà không cho cơ hội buýt sông, hoặc taxi sông tham gia vào huyết mạch vận chuyển dân sinh hàng ngày? Con đường - dòng sông mịn màng, êm ái lại không lo ổ gà, ổ voi cũng lý tưởng đó chứ!

Nhưng làm sao để đừng quay lưng lại với dòng sông? Một thời phát triển rạng rỡ đã cho bộ mặt thị tứ Biên Hòa nhiều giá trị văn hóa kiến trúc thấm sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ. Ngoài Cù lao Phố nổi tiếng với biết bao Đình Chùa có mặt sông thoáng đãng, còn là phố chợ Biên Hòa, Cồn Gáo, Cồn Cỏ; còn là Đình Tân Lân, Tân Lại, Thủy Tạ, cầu Ghềnh; còn là Chợ Đồn, Bến Gỗ, Tân Vạn, Tân Triều… Lẽ nào cứ phát triển nhiều thêm đường bộ thì đồng nghĩa với việc quay lưng lại với dòng sông? Nhìn xa một chút, những thành phố hiện đại lừng danh châu Âu, như: Paris, Rome, Antwepe… vẫn tự hào vốn liếng mặt sông đầy ắp giá trị lịch sử kiến trúc đô thị.

Nhưng cũng không thể giữ mặt tiền sông chỉ bằng khẩu hiệu. Giao thông không chỉ là cách đi, mà quan trọng là mục tiêu đến và cách đến. Ngay từ trong cấu trúc đô thị đã ngầm mách bảo người dân và khách du lịch thưởng ngoạn, hưởng thụ tiện nghi đô thị bằng cách riêng, giàu xúc cảm thú vị. Dòng sông Đồng Nai đẹp ư? Vậy ngắm sông Đồng Nai từ góc độ nào, cách nào? Ngược lại, có chỗ đứng nào, thời khắc nào để thưởng ngoạn phố thị Biên Hòa từ dòng sông hay không? Và ý nghĩa nào, mục đích nào mà nhiều góc nhìn được đề nghị trong quy hoạch đô thị như vậy? Tiện lợi để đi đến, nhưng giải quyết những bất tiện trong kết nối ra sao? Có phải khó lắm không khi tìm lời đáp cho những câu hỏi này?

Chắc là không, nếu nhớ lại từ những năm còn trong chiến tranh (trước 1975),  Biên Hòa đã là điểm đến vui chơi, giải trí cho dân Sài Gòn (cả về đêm) với quà vặt Cù Lao, bánh canh Chợ Đồn, đầu cá Tân Hiệp Quán, Tuyết Hồng Quán… Đó là chưa kể hoàn toàn có thể chơi núi Bửu Long bằng đường sông, mà thời chiến tranh, bến tàu thủy ở triền sông Đồng Nai bị giới quân sự độc quyền sử dụng. Cũng những năm trước 1975, hàng năm, một vài lần trên mặt sông Đồng Nai đối diện tòa tỉnh lúc đó, diễn ra lễ hội vô cùng đặc biệt như đua thuyền, nhảy dù và cả tấn công mục tiêu bằng máy bay với súng máy và bom napal!

Chuyện muốn nói ở đây không phải nội dung lễ hội mà là không gian diễn ra không khí lễ hội. Một quảng trường nước mênh mông, đặc biệt. Công chúng tụ tập ở hai bên bờ sông phía Biên Hòa, Chợ Đồn hoặc từ các cửa sổ trên cao, thưởng ngoạn không khí lễ hội có một không hai ở thành phố nơi mình sống. Bây giờ nhắc lại với ai, hẳn người kể chuyện cũng có chút tự hào về nét đô thị đặc sắc với dòng sông là một quảng trường nước đặc thù như thế. Có gì không hay nếu chúng ta hiện đại hóa được đặc điểm đô thị lý thú này?

Hẳn mỗi người con Biên Hòa đều có những góc riêng để yêu, để nhớ và còn để tự hào. Nhưng để làm được một Biên Hòa hiện đại và đầy ắp hồn vía quê hương thì phải bắt đầu từ những hướng đi đúng đắn. Sự đúng đắn có thể được tin cậy bằng ước mơ thực sự và tha thiết của mỗi người có nghĩa vụ phát triển đô thị quê hương này. Ở bước khởi đầu, định hướng quy hoạch phát triển không gian có ý nghĩa quyết định.

Hoàng hôn yên bình trên Cù lao Phố.
Hoàng hôn yên bình trên Cù lao Phố. (Ảnh: Vinh Huy).

Tôi có ước mơ dòng sông Đồng Nai sẽ bộc lộ hết sự ôm ấp cả quá khứ và tương lai tươi đẹp theo dòng chảy hiền hòa và bao dung của một dòng sông lịch sử đối với vùng đất Trấn Biên. Con sông sẽ nói hộ chúng ta, Biên Hòa mãi tri ân những Chợ Đồn, Tân Vạn… phồn thịnh buổi khai mở của những thế hệ tổ tiên. Tri ân bằng động lực phát triển mới, bằng thêm một chiếc cầu qua sông, tôn vinh một quảng trường nước trung tâm độc đáo giữa Biên Hòa - Chợ Đồn. Khu trung tâm đô thị rồi sẽ với tay một cách tự nhiên với Bình Dương phát triển, với xa lộ Hà Nội đi vào trung tâm thành phố lớn nhất nước - Sài Gòn.

Sự nhộn nhịp đô thị của tam giác Sài Gòn - Đồng Nai - Bình Dương là sự cộng hưởng liên tục rất hợp quy luật phát triển. Hướng phát triển này đồng thời tránh biến Cù lao Phố quý giá trở thành nút giao thông quá giang đơn giản nối ra xa lộ Hà Nội. Với phần lớn Cù lao Phố, giao thông kết nối vẫn cần nhiều nhưng như những mao mạch êm ái, nâng niu quả tim xanh vô giá của đô thị Biên Hòa theo trào lưu phát triển xanh bền vững của thế giới. Đó vẫn là bảo vật nhiều trăm năm nữa của Biên Hòa. Hết sức cẩn trọng để tránh những va chạm thô bạo với di sản tuyệt vời này.

Dòng Đồng Nai sẽ không phụ đất Biên Hòa, ngày nào nó trở lại rộn ràng sức sống cả một vệt dài từ Vĩnh Cửu, cù lao Bạch Đằng xuống Biên Hòa, Tân Vạn, Chợ Đồn… Ngày nào nó còn hiền hòa ôm ấp cả một lõi xanh đô thị Cù lao Phố.

Mùa xuân nữa lại về. Hãy còn nguyên đó ước mơ ngọt ngào từ một dòng sông…

KTS. NGUYỄN VĂN TẤT

 

 

 

Tin xem nhiều