Trong tiến trình mở cõi, kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1620, lần lượt nhiều tầng lớp lê dân Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài dùng ghe theo gió mùa vượt biển vào vùng đất phương Nam tiến hành công cuộc khẩn hoang lập nghiệp.
Trong tiến trình mở cõi, kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1620, lần lượt nhiều tầng lớp lê dân Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài dùng ghe theo gió mùa vượt biển vào vùng đất phương Nam tiến hành công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Phương tiện thông dụng nhất của những đợt di dân lớn này là thuyền buồm, ghe bầu; nhưng sau đó không lâu đã có sự góp sức cần thiết của một phương tiện di chuyển cơ động rất truyền thống trên bộ, đó là ngựa, dù chưa nhiều lắm. Sách “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” ghi rằng: “Thời các chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn, đường thủy là phương tiện giao thông chính ở tỉnh Biên Hòa. Đường bộ hồi đó kém phát triển, người dân chủ yếu đi bộ, chỉ một số nhà giàu mới đi ngựa. Quan lại thì dùng cáng, võng… Năm 1748, viên điều khiển Nguyễn Doãn Thủy cho sửa sang, nắn thẳng thiên lý cù chạy từ thành Gia Định ngược ra phía Bắc qua ven núi Châu Thới tới bến đò Ngựa (Chợ Đồn) xuống Long Thành, Bà Rịa… Năm 1808, Lê Văn Chắt được triều đình Huế giao sửa sang thiên lý cù (còn gọi là quan lộ) từ Quảng Nam tới Biên Hòa, dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huỳnh Đức. Đoạn quan lộ thuộc tỉnh Biên Hòa đặt các trạm: Thuận Biên (ở biên giới hai tỉnh Bình Thuận - Biên Hòa), Xích Lam, Mô Xoài và Nhà Bè. Đến năm Minh Mạng thứ III (1822) đổi thành 5 trạm: Thuận Biên, Biên Thuận, Biên Long, Biên Phước, Biên Lễ, Biên Lộc. Mỗi trạm có từ 20 đến 30 phu trạm chịu trách nhiệm chuyển tiếp sắc chỉ, công văn của triều đình. Lệnh hỏa tốc do ngựa trạm chạy chuyển tiếp suốt ngày đêm từ Huế vào tới Gia Định chỉ mất bốn, năm ngày đêm (nếu chậm trễ, phu trạm bị phạt rất nặng)”.
Ngựa được sử dụng làm phương tiện giao thông trong Chiến khu Đ. Ảnh: Tư liệu QK7 |
Xem ra từ thời phong kiến, tuy đường thủy là phương tiện giao thông chính, nhưng ngựa lại có vai trò quan trọng đặc biệt. Do đó không lạ, chỉ trên bờ Nam sông Đồng Nai đoạn có đường thiên lý ngang qua đã có đến 2 bến đò Ngựa: một ở Chợ Đồn và một ở Bửu Hòa. Bên Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa) còn có một bến tắm Ngựa. Mãi cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, nước ta cũng chưa có xe ô tô, phương tiện vận chuyển lúc bấy giờ chủ yếu chỉ là xe ngựa, xe bò, xe trâu.
Vùng đất Trấn Biên của một thời là địa bàn tung vó ngựa xứ Đồng Nai đã sản sinh ra một giống ngựa nòi có tiếng được gọi là ngựa Biên Hòa. Đây là giống ngựa chiến được dùng trong chiến trận và cũng là niềm tự hào của các chủ tướng khi cưỡi chúng để điều binh. Giai thoại về các nhân vật lịch sử Đồng Nai được nhiều người lớn tuổi đến nay vẫn còn nhớ là chuyện Con ngựa hồng của Cai đội Nguyễn Cư Cẩn. Theo đó, con ngựa Biên Hòa có màu hồng rất tinh khôn này đã tìm cách cứu chủ nhưng bất thành và đã chết theo chủ trong cuộc khởi loạn của Hoa thương Lý Văn Quang ở Nông Nại Đại Phố năm 1747. Đại Nam liệt truyện cũng có ghi lại như sau: “Trước kia Cẩn có một con ngựa khỏe, gởi nuôi ở chỗ khác. Đêm ấy, nhà chủ mộng thấy Cẩn vội vàng đến lấy ngựa, tỉnh dậy ra chuồng ngựa xem thì ngựa đã chết rồi! Nhà chủ lấy làm lạ, vội đi báo tin cho Cẩn biết, thì Cẩn đã chết từ canh hai đêm ấy! Đến lúc tra tấn bọn giặc (bọn Lý Văn Quang) chúng đều nói: “Đương đêm thấy Cẩn cưỡi ngựa, múa đao, đón đánh, cho nên không trốn vào đâu được!”. Ai cũng cho là thiêng bèn lập đền thờ Cẩn ngay ở đây”.
Rồng chầu ngoài Huế Ngựa tế Đồng Nai Nước sông trong đổ lộn sông ngoài Thương người xa xứ lạc loài tới đây… Đó là những câu ca dao nổi tiếng nhằm đề cao hào kiệt bốn phương tụ nghĩa trên vùng đất Trấn Biên rồi sau đó là “Mã Đà sơn cước” với “miền Đông gian lao mà anh dũng” đã kiên cường tranh đấu chống giặc ngoại xâm tạo nên một hào khí Đồng Nai rạng ngời trang sử Việt. Cũng từ cái thuở “ngựa tế Đồng Nai” ấy, chưa đầy trăm năm sau có một người con xứ Đồng Nai đã: Bờ sông xanh chiều hôm nay buộc ngựa Kiếm gối đầu, theo gió thả hồn cao. (Huỳnh Văn Nghệ ) |
Ngựa Biên Hòa chiến đến mức khi Nguyễn Ánh đang chiêu binh mãi mã ở xứ Gia Định đã cho lập một đơn vị kỵ binh lấy toàn ngựa Biên Hòa.
Biết ngựa là một phương tiện chiến tranh lợi hại, cần phải được kiểm soát chặt chẽ, năm 1898, thực dân Pháp ở tỉnh Biên Hòa lập ra Hội Đua Ngựa (Société des Courses du Dong Nai) thu hút 400 hội viên Pháp và người Việt. Năm 1930, toàn tỉnh Biên Hòa có đến 900 con ngựa. Lúc này nhiều loại xe ngựa với các tên gọi, như: xe thổ mộ, xe giàn, xe kiếng xuất hiện trên đường phố Biên Hòa khá nhiều. Dân thượng lưu còn sắm cả xe song mã.
Năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa đầu tiên được thành lập do đồng chí Trương Văn Bang - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy, bên cạnh việc tổ chức ra đời Nông hội Đỏ, Hội Lương Hữu, Liên đoàn Học sinh, Thư viện Bình Dân… đã tập hợp tất cả người chạy xe ngựa ở các xã Tân Triều, Bình Phước, Bình Ý (nay thuộc xã anh hùng Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) thành lập liên đoàn xe ngựa tham gia nhiều hoạt động cách mạng rất có ý nghĩa.
Mở màn cho phong trào kháng chiến, Đội thiếu niên xung phong cảm tử do Quận ủy Châu Thành chỉ đạo đã từ “căn cứ” đặt tại đình Bình Thảo trang bị súng ngắn và lựu đạn, dao găm… dùng xe ngựa đột nhập vào thị xã Biên Hòa “thần tốc” tiêu diệt tại chỗ hoặc bắt sống một số sĩ quan, binh lính Anh - Ấn cùng những tay Việt gian ác ôn. Vang dội nhất là vụ diệt tên thiếu tá De Riencaurt tại Cây Chàm do đội viên Lữ Mành thực hiện.
Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ kháng chiến, năm 1948, ông Võ Văn Lương ở Bình Ý là một trong những người đầu tiên hiến con ngựa là phương tiện mưu sinh và cũng là tài sản có giá trị nhất trong nhà làm phương tiện hoạt động cho cán bộ cách mạng trong Chiến khu Đ.
Được kế thừa di sản văn hóa dân gian của các bậc tiền nhân thời khai phá, trong sinh hoạt văn nghệ, đời thường của người dân Đồng Nai cũng “tiêm nhiễm” khá nhiều, nổi rõ nhất là hình tượng con ngựa. Bài Lý Đồng Nai (một loại hình diễn xướng tiêu biểu) cũng có câu: ... “Anh không tin thì anh vô Đồng Nai mà coi/ Có quân tập trận, có chòi bắn bia/ Có con ngựa hồng mao tiền mao hậu…”. Đáng chú ý là trong vật dụng sinh hoạt, được ví với một bộ phận nào đó của ngựa khá nhiều: trong ngôi nhà chữ đinh của gia đình khá giả bao giờ cũng kê hai bên bộ ván ngựa để khách nghỉ ngơi. Nhà rường có hai hàng cột cái, còn nhà rội chỉ có một hàng cột cái nên còn gọi là nọc ngựa. Trước đây, người phụ nữ thường đeo một túi vải đựng trầu cau, thuốc xỉa gọi là thắt ruột ngựa… Trong tín ngưỡng dân gian, nhiều làng xưa đều có miếu thờ Bạch Mã. Đặc biệt ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bà con cúng đưa ông Táo về Trời thường có tục đốt “cờ bay ngựa chạy”.
Ở Đồng Nai cũng còn có một số địa danh liên quan đến ngựa. Trong số đó có rạch Ruột Ngựa ở xã Tam An, nơi Huyện ủy Long Thành tạm rút về ém quân. Với âm mưu bắt gọn cơ quan đầu não của huyện Long Thành, ngày 5-7-1965, Lữ đoàn dù 173 Mỹ đổ quân xuống rạch Ruột Ngựa. Lực lượng du kích xã Tam An cùng trinh sát Huyện đội đã mưu trí ẩn mình đón trận bom, pháo dọn đường để sau đó bất ngờ áp sát nổ súng vào ngay đội hình của giặc. Trận đánh kéo dài từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, Mỹ phải cho máy bay dội bom hủy diệt mới lấy được xác 37 “anh cả đỏ” mang đi. Trận đầu chiến thắng tại rạch Ruột Ngựa cũng đã trả lời câu hỏi cho quân dân Long Thành lúc bấy giờ là: “Liệu có đánh được Mỹ không?”.
Trận càn đánh vào Căn cứ Hang Nai của Huyện ủy Nhơn Trạch trong khu lòng chảo vào sáng ngày mùng 7 Tết năm 1966 cũng rất đáng nhớ. Khởi đầu là hàng trăm trực thăng vũ trang của Lữ đoàn 199 thủy quân lục chiến Mỹ bất thần đổ quân ập xuống Sở Ngựa kéo dài đến Bà Bông (nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Thanh), cùng lúc xe tăng, xe thiết giáp từ Long Thành, thành Tuy Hạ đồng loạt kéo đến khép chặt toàn bộ khu lòng chảo Nhơn Trạch. Trận càn kéo dài đến 7 ngày, Căn cứ Hang Nai vẫn đứng vững. Tại Sở Ngựa, địch tập kết đưa ra 157 xác lính Mỹ cùng la liệt thân trực thăng, thiết giáp bị bắn cháy. Sở Ngựa đến giờ có lẽ cũng là địa danh nhớ đời của cựu binh Lữ đoàn 199 thủy quân lục chiến Mỹ.
LÊ LÝ BÙI