Báo Đồng Nai điện tử
En

Asiad 17, cú giậm đà cho 5 năm tới

11:01, 22/01/2014

Mục tiêu quan trọng số 1 trong năm Giáp Ngọ 2014 của thể thao Việt Nam (TTVN) là Á vận hội - Asiad (hay Asian Games) lần thứ XVII diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc (từ ngày 19-9 đến 4-10).

Mục tiêu quan trọng số 1 trong năm Giáp Ngọ 2014 của thể thao Việt Nam (TTVN) là Á vận hội - Asiad (hay Asian Games) lần thứ XVII diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc (từ ngày 19-9 đến 4-10). Kỳ Asiad này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là bước giậm đà cho kỳ Á vận hội kế tiếp vào 2019 mà VN lần đầu tiên trong lịch sử nhận trọng trách đăng cai với mục tiêu lọt vào top 10 châu lục.

Hai VĐV Nguyễn Thị Oanh và Vũ Thị Hương mừng chiến thắng sau môn thi 200m nữ.
Hai VĐV Nguyễn Thị Oanh và Vũ Thị Hương mừng chiến thắng sau môn thi 200m nữ.

Một đấu trường hoàn toàn khác

TTVN vừa khép lại năm 2013 với kỳ SEA Games 27 thành công về cả mục tiêu HCV (73 chiếc) lẫn giữ vững vị trí thứ 3 khu vực. Như vậy, đúng 1 thập niên với 6 kỳ SEA Games liên tiếp (kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà), VN luôn có mặt trong top 3 cường quốc TT Đông Nam Á, nhưng ở đấu trường châu Á lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu việc giành 70 - 80 HCV tại một kỳ SEA Games giờ đây đã là chuyện bình thường, thì chỉ một HCĐ Asiad cũng không phải là điều đơn giản.

Ánh Viên vụt trở thành hiện tượng của làng bơi Đông Nam Á.
Ánh Viên vụt trở thành hiện tượng của làng bơi Đông Nam Á.

Trở lại với đấu trường khu vực từ năm 1989 ở SEA Games 15, nhưng 7 năm trước đó, TTVN đã góp mặt tại Asiad 1982 ở New Delhi (Ấn Độ) và VĐV bắn súng Nguyễn Quốc Cường đi vào lịch sử khi giành chiếc HCĐ Asiad đầu tiên và duy nhất. Chỉ với một chiếc HCĐ này thôi đã giúp VN xếp đồng hạng 18 trong 33 quốc gia tham dự. 8 năm sau, TTVN mới lại trở lại đấu trường châu lục với kỳ Asiad XI-1990 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhờ sự tạo điều kiện của nước chủ nhà nên đoàn TTVN lần này rất hùng hậu với 104 VĐV, HLV, quan chức tham dự 13 môn, nhưng kết quả thành tích là con số 0 tròn trịa. Tại Asiad 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ trở thành VĐV VN đầu tiên trong lịch sử giành HCV Asiad (hạng cân 58kg), Karatedo cũng lập công với 2 chiếc HCB của Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông; chung cuộc xếp thứ 19/29 đoàn có HC và tổng cộng 43 quốc gia tham dự. 4 năm sau tại Asiad XIII-1998 ở Bangkok (Thái Lan), ngoài việc Hồ Nhất Thống bảo vệ được chiếc HCV ở môn taekwondo, đoàn TTVN cho thấy bước tiến mạnh mẽ với thêm 5 HCB (cầu mây, taekwondo, karatedo, wushu) và 11 HCĐ; xếp thứ 22/29 đoàn có HC và 41 quốc gia tham dự. Asiad XIV-2002 tại Busan (Hàn Quốc) thực sự đánh dấu bước tiến vượt bậc khi đoàn TTVN lần đầu tiên giành được tới 4 HCV (Trần Đình Hòa - bida; Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc - karatedo và Lý Đức - thể hình), cùng 7 HCB và 7 HCĐ. Cũng lần đầu tiên TTVN lọt vào top 15 châu lục trên 36 đoàn có HC và 44 quốc gia tham dự. Đây là thành tích và thứ hạng cao nhất trong lịch sử tham dự Á vận hội của TTVN.

" Với khẩu hiệu “Sự đa dạng tỏa sáng”, Á vận hội XVII sẽ thể hiện sự đa dạng tuyệt vời của châu Á về lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Ước tính chi phí của Asiad 2014 vào khoảng 1,62 tỷ USD "

Tuy nhiên, sau cột mốc ấy là quá trình đi xuống, trong 2 kỳ Asiad gần đây TTVN luôn tụt lùi “năm sau cao hơn năm trước”. Nếu ở Asian Games XV-2006 tại Doha (Qatar), VN còn giành được 3 HCV (2 cầu mây và 1 karate), 13 HCB và 7 HCĐ, đứng thứ 19, thì tại Asiad XVI-2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), dù có 17 HCB, 15 HCĐ, nhưng đoàn TTVN phải đối mặt với “cơn khát vàng” cho đến tận phút chót, võ sỹ trẻ karatedo Lê Bích Phương mới trở thành cứu tinh. Chỉ với 1 chiếc HCV duy nhất này, VN tụt xuống thứ 26/34 đoàn có HC, xếp dưới cả một số nước Đông Nam Á: Thái Lan (7 HCV - hạng 9), Malaysia (6-10), Indonesia (4-13), Singapore (4-14) và Philippines (2-16).

Asiad - Incheon 2014 sẽ “mã đáo thành công”?

Ngay sau SEA Games, dư luận đều nhất trí cho rằng TTVN cần phải có bước hoạch định mới trong chiến lược phát triển, cần phải tập trung cho những môn cơ bản, hướng đến mục tiêu ở tầm cao hơn - đấu trường châu lục, thay vì chỉ “quẩn quanh” với sân chơi khu vực. Không phủ nhận vai trò của SEA Games đối với sự phát triển của TTVN, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi chúng ta mới trở lại hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, từ giờ nên coi sân chơi này như “bàn đạp” để giúp các VĐV trẻ cọ xát, tích lũy, nâng cao trình độ.

Nguyệt Ánh đã chứng tỏ bản lĩnh, đẳng cấp của một võ sĩ kỳ cựu từng sáu lần vô địch SEA Games.
Nguyệt Ánh đã chứng tỏ bản lĩnh, đẳng cấp của một võ sĩ kỳ cựu từng sáu lần vô địch SEA Games.

Đó là điều nhất thiết phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ. Bởi chỉ 5 năm nữa, VN sẽ đăng cai Asiad XVIII, mà để thực hiện được chỉ tiêu lọt vào top 10 như tham vọng, phải giành từ 10-15 HCV (thành tích của đoàn đứng hạng 10 trong 2 kỳ Asiad gần đây là Đài Loan và Malaysia là 9 HCV). Asiad 2014 chính là bước giậm đà cho cú bật nhảy ấy, nhưng sẽ có bao nhiêu trong số 73 chiếc HCV ở SEA Games 27 vừa qua giữ được màu tại xứ Hàn? Cơ hội trên lý thuyết là có, đứng đầu là bắn súng, rồi điền kinh, bơi lội, vật, wushu, cử tạ, quyền Anh và phần nào là taekwondo, karatedo...; nhưng để hiện thực những cơ hội ấy lại là thách thức cực lớn.

Vận động viên nhảy cao nữ  Dương Thị Việt Anh.
Vận động viên nhảy cao nữ Dương Thị Việt Anh.

Ngay từ mùa xuân này, chiến dịch “săn vàng” Asiad 2014 của các đội tuyển đã được khởi động với quyết tâm mạnh mẽ. Ngay sau 3 chức vô địch SEA Games 27, đúng vào ngày đầu năm mới, Tết Dương lịch vừa qua, nữ kình ngư, VĐV xuất sắc nhất VN năm 2013 - Nguyễn Thị Ánh Viên, đã cùng HLV của mình khăn gói sang Mỹ tiếp tục tập huấn. Đây là năm thứ 3 mà cô Thượng úy quân đội mới tuổi 17 này phải ăn tết xa nhà. Tất cả vì vinh quang cho Tổ quốc. Incheon 2014 sẽ “mã đáo thành công”!

TRẦN ĐỖ

 

 

 

 

 

 
 

 

Tin xem nhiều