Cuối năm 2013, sự ra đời của trang web chokich.vn đã gây chú ý cho những người làm sân khấu cả nước, đặc biệt là các tác giả. Trang web nhằm tạo cơ hội cho các tác giả cung cấp kịch bản phù hợp cho các đơn vị, sân khấu… có nhu cầu. Người khởi xướng và điều hành trang web này cũng không xa lạ với làng cải lương, đó là NSƯT Triệu Trung Kiên.
Cuối năm 2013, sự ra đời của trang web chokich.vn đã gây chú ý cho những người làm sân khấu cả nước, đặc biệt là các tác giả. Trang web nhằm tạo cơ hội cho các tác giả cung cấp kịch bản phù hợp cho các đơn vị, sân khấu… có nhu cầu. Người khởi xướng và điều hành trang web này cũng không xa lạ với làng cải lương, đó là NSƯT Triệu Trung Kiên.
Với hoạt động của trang web chokich.vn, Triệu Trung Kiên một lần nữa lại cho thấy nhiệt huyết của mình với sân khấu nói chung và cải lương nói riêng. Để thực hiện trang web ấp ủ mấy năm trời, Kiên đã cẩn trọng hỏi han ý kiến của nhiều nhà chuyên môn cả phía Bắc lẫn trong Nam. Có người bảo Kiên kỹ quá nhưng những ai đã biết Kiên lâu năm đều không lấy làm lạ, bởi sự cẩn trọng và chỉn chu dường như đã trở thành “thương hiệu” của anh.
Người của cải lương
Khán giả Đồng Nai có lẽ không mấy xa lạ với Kiên bởi anh từng bước lên bục vinh quang với giải vàng cho vở cải lương Mê cung trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 trên chính mảnh đất này.Trước đó, anh gây ấn tượng với công chúng TP.Hồ Chí Minh bằng giải B cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, vở Dấu ấn giao thời. Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 anh lại tiếp tục đoạt huy chương bạc với vở Đế đô sóng cả.
Lần đoạt giải cao nhất tại Đồng Nai cũng chẳng có gì chứng tỏ Kiên đã phải đầu tư thật hoành tráng để đánh úp một mẻ. Bởi dù ở đề tài nào, cái cách Kiên thể hiện cũng không lẫn vào đâu: thâm trầm và già dặn, luôn khiến khán giả xem xong cứ phải suy tư, trăn trở mãi! Có cảm giác anh không cố để đoạt giải, anh chỉ đơn giản làm theo cách mà mình thích và bản lĩnh đó đã đến lúc thuyết phục được nhiều người…
TS. Nguyễn Thị Minh Thái: Với tư cách là người nghiên cứu, phê bình, người thầy, tôi đã có thời gian theo dõi rất sâu sát quá trình hoạt động của Triệu Trung Kiên. Kiên là người rất đa năng và có khả năng xử lý tốt ở cả ba vai trò hết sức quan trọng, gồm: kịch bản - đạo diễn và diễn xuất. Cậu ấy chịu khó học hỏi và có tư duy nghệ thuật rất tử tế. Có thể nói lớp học trò của chúng tôi như Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai… là những người biết cách trưởng thành trong thời điểm này, rất chắc chắn và có những tố chất căn bản để trở thành những mẫu hình tốt trong sự phát triển sân khấu cải lương thời hiện đại. |
Kiên chính xác là người của cải lương. Cha anh nguyên là chủ nhiệm khoa kịch hát dân tộc Trường đại học sân khấu - điện ảnh Hà Nội, mẹ là đào chánh lừng lẫy một thời nên 7 tuổi anh đã mon men lên sân khấu với vai Trần Quốc Toản. Dù hát tân nhạc rất hay và đoạt các giải nhạc nhẹ ở Hà Nội nhưng cải lương đã gắn với Kiên như một định mệnh, học diễn viên, học đạo diễn rồi lên cao học, tất cả cũng chỉ để quay về con đường: được hoạt động và được sống với không khí cải lương!
Có thể nói, trong những người làm cải lương trẻ hiện nay Kiên quá đặc biệt. Các vở tham gia hội diễn hồi nào giờ đều do anh tự viết và dàn dựng, chỉ riêng Mê cung là được phát triển từ kịch bản của Hoàng Song Việt. Thỉnh thoảng anh còn tham gia một vai trong vở diễn, chính vì thế nên có lúc Kiên bị vu là… tham! Nhưng như vậy vẫn còn ít, dù hiện là Phó đoàn 1 Nhà hát cải lương Việt Nam, anh vẫn thường xuyên “nhúng tay” vào những công việc rất hậu trường, như: thiết kế sân khấu, làm phục trang, những khi cấp bách còn kiêm luôn hóa trang cho diễn viên!
Cảnh trong vở Trở về miền sáng do NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Ảnh: N.Lộc |
Kiên có cách viết rất riêng và khá chắc tay, anh biết lẫy ra những gút mắc, câu hỏi buộc khán giả phải theo sát từng chi tiết để tìm ra lời đáp. Kiên mê nhất kịch bản lịch sử bởi: “Lịch sử có những điều huyền ảo, lung linh khiến tôi vô cùng thích thú và bị quyến rũ!”. Kịch bản lịch sử nào của Kiên cũng khiến người xem tròn mắt ngạc nhiên vì anh hay tìm những thời điểm, mấu chốt mà chưa hoặc ít ai khai phá để vỡ hoang. Trong Dấu ấn giao thời, anh khai thác và lý giải lại mối quan hệ của Lý Huệ Tông - Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ, trong Đế đô sóng cả là mối quan hệ của ba nhân vật Đinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Hoàn được đặt ngay thời điểm có quá nhiều biến cố lịch sử, triều đình chao đảo.
Thích gỗ mộc…
Vở diễn của Kiên mang nét dung dị và mộc mạc. Anh không phủ ánh hào nhoáng làm lóa mắt người xem. Anh thích gỗ mộc, không thích sơn son, bởi vậy phục trang trong vở của Kiên đều là vải thô và thêu tay chứ không lấp lánh kim sa. Không có nhiều kỹ xảo sân khấu khiến người ta hoa mắt, Kiên dẫn dắt người xem bằng những tình tiết gay cấn, có khi hồi hộp như đang xem phim… trinh thám.
Cảnh trong vở Mê cung do NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. |
Kiên nói đến Mê cung ngay khi hội diễn 2009 vừa khép lại sau những tháng ngày mải mê với lịch sử. 3 năm đó là thời gian Kiên cầm kịch bản đi khắp nơi nhưng không ai dám dựng vì người ta… sợ! Kịch bản “thăng trầm” này đã mấy lần thay tên đổi họ từ Chúng ta và sex đến Cõi tình và cuối cùng là Mê cung. Mê cung chạm đến những vấn đề nóng bỏng tình dục, hạnh phúc gia đình, HIV, gái điếm, trai bao…, có những màn nhảy múa cuồng loạn, có những ánh đèn màu mè làm chói mắt… Tưởng Kiên đã thay đổi phong cách, nhưng không đó chỉ là những phút giây thoáng qua, cái đọng lại là hình ảnh người gái điếm già cười vẫy khách trong nước mắt, gã trai bao trên đỉnh tuyệt vọng giữa vòng tay những quý bà đáng tuổi mẹ hay sự bức bối tột cùng trong cuộc sống vợ chồng của người bị nhiễm HIV… Hóa ra, Kiên vẫn đang đi theo lối riêng của mình dù ở sắc thái nào, anh men theo lối nhỏ vào tâm cảm người xem và lưu lại đó những nỗi niềm trăn trở về thời cuộc, về thế sự…
Với cá nhân người viết bài này, sự cảm mến với riêng Kiên là sự chân thành và chân thực. Theo dõi hành trình hoạt động của anh từ năm 2007 đến nay, đã cùng trò chuyện với anh nhiều lần, chưa bao giờ nghe thấy anh tô hồng công việc, thành tích của mình. Trong những cuộc trò chuyện, đó là sự chia sẻ, nỗi đau đáu về những khó khăn mà sân khấu cải lương đang gặp phải. Khi thất bại hay gặp sự cố, anh nhìn nhận thẳng thắn những gì chưa làm được và bộc bạch những trở ngại khách quan. Là người khá kiệm lời nhưng khi nói về cải lương, Kiên nói say sưa với ánh mắt say mê. Không cố gồng mình, nhưng nhìn những gì Kiên làm, nghe những gì Kiên nói, người ta biết anh yêu cải lương đến nhường nào… |
Ai cũng bảo cải lương đang thời khó khăn, Kiên cũng không ngoại lệ: “Muốn làm giàu chắc chẳng ai theo cải lương. Nhưng nói thật là tôi vẫn chưa thấy nản. Tôi nghĩ mình còn làm được những gì khán giả thích thì chắc vẫn còn tồn tại được. Tôi chỉ thôi làm trừ khi khán giả không đến xem!”. Nói rồi anh xoa quả đầu nhẵn bóng do bị… hói nên húi trọc luôn cho mát, cầm điện thoại gọi cho diễn viên trẻ Quang Khải để bàn bạc về chương trình Điểm hẹn đờn ca tài tử - cải lương Quãng trời phương Nam mà anh và Khải khởi xướng hoạt động từ tháng 6-2012 đến nay. Chương trình đã thực hiện được hơn 30 số và cũng đã mời được NSND Lệ Thủy, NSƯT Trọng Hữu, nghệ sĩ Thanh Tuấn… từ phương Nam tham gia với mong muốn là điểm hẹn cho các nghệ sĩ và khán giả phương Bắc yêu mến bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
TRÍ TRỌNG