Ngay từ những ngày đầu bước chân vào con đường nghệ thuật, họ xác định được cho mình một lối đi riêng và đạt được những thành công đáng kể. Tất cả đều ở độ tuổi dưới 30.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào con đường nghệ thuật, họ xác định được cho mình một lối đi riêng và đạt được những thành công đáng kể. Tất cả đều ở độ tuổi dưới 30.
Nguyễn Ly Hương (sinh năm 1990)
Năm 2013, cô sinh viên Nguyễn Ly Hương bất ngờ mang một tin vui về cho nghệ thuật Việt Nam, giành giải nhất quốc tế đầu tiên cho tiết mục độc tấu sáo flute nằm trong cuộc thi Nam Ninh Young International Competition, lập kỳ tích đánh bại 78 đối thủ nước chủ nhà Trung Quốc.
Tại Nam Ninh (Trung Quốc), ngay sau vòng đầu tiên, ban giám khảo đã đánh giá về phần thi của Ly Hương rất tốt: làm chủ được sân khấu, đánh tự nhiên, âm nhạc tốt hơn hẳn so với thí sinh Trung Quốc. Trình độ của thí sinh Trung Quốc rất đồng đều, tiếng sáo cũng như kỹ thuật căn bản rất tốt, nhưng được cho rằng kém xa Hương về mặt xử lý tác phẩm, làm sắc thái, tính cách của bài.
“Khoa kèn gõ không như violin hay piano - những khoa đã có nền tảng và không ít thí sinh Việt Nam đoạt giải cao trên trường quốc tế. Từ trước đến nay, khoa kèn gõ chưa có một tay kèn nào đi thi độc tấu quốc tế, chưa từng có ai đi thi độc tấu mà đoạt giải. Năm nay là lần đầu tiên một học sinh được giải quốc tế, mà lại là giải nhất. Có thể nói là một niềm tự hào, một thành công rất lớn và đầy bất ngờ.” - tiến sĩ Tạ Quang Đông, đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chia sẻ.
Trang Trịnh (sinh năm 1987)
Cũng là một đại diện khác của âm nhạc cổ điển Việt Nam, nghệ sĩ piano Trang Trịnh sau khi trở về từ Học viện Âm nhạc Hoàng gia London đã tiếp tục có những cống hiến quan trọng cho nghệ thuật. Năm 2011, cô từng thực hiện dự án Nhật ký dương cầm với tham vọng đưa nhạc cổ điển đến với giới trẻ một cách gần gũi nhất. Năm 2012, cô tự đứng ra thiết kế một đêm nhạc concept về Beethoven, tái hiện cuộc đời anh hùng và những bản sonata quan trọng nhất của nhà soạn nhạc lừng danh người Đức. Đây cũng lần đầu tiên khán giả được chứng kiến một màn trình diễn trực tiếp visual art tương tác với âm thanh từ cây đàn piano. Chưa dừng lại, năm 2013 này, Trang Trịnh và chồng cô - nghệ sĩ opera người Hàn Quốc Park Sung Min, đã cùng thực hiện một trong những dự án tuyệt vời nhất về tác động của âm nhạc với xã hội.
Dàn hợp xướng kỳ diệu do Trang Trịnh và Park Sung Min phụ trách lấy cảm hứng từ dự án El Sistema rất nổi tiếng trên thế giới. Được thành lập vào năm 1975 tại Venezuela bởi nhà kinh tế và nhạc sĩ José Antonio Abreu, ông tin rằng âm nhạc sẽ có ảnh hưởng tích cực tới trẻ em, giúp điều chỉnh hành vi và nhờ thế sẽ giúp thanh thiếu niên tránh xa cái xấu. Chương trình này nổi tiếng bởi đã cứu nhiều thanh thiếu niên nghèo thoát khỏi cảnh chìm sâu vào ma túy và bạo lực.
Phạm Bá Điệp (sinh năm 1991)
Urem - Người đang mơ của Phạm Bá Điệp nằm trong danh sách tác phẩm được tuyển chọn từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5. Lựa chọn dòng văn học kỳ ảo, tác phẩm của chàng trai 22 tuổi được xem như một làn gió mới đầy thú vị.
Nhân loại đi đến ngày tận thế với đại dịch Urem. Lần lượt từng người rơi vào giấc ngủ và không bao giờ có thể thức dậy cho đến hơi thở cuối cùng... Câu chuyện dõi theo cuộc chiến đấu của Kiên khi là người duy nhất đột nhiên tỉnh thức trên Trái Đất sau một giấc ngủ kéo dài 5 năm. Trong một không gian và thời gian khác, một cuộc chiến vì hòa bình, hạnh phúc đang diễn ra khốc liệt với những cuộc đấu trí, đấu sức căng thẳng. Anh trở thành “người đang mơ” - được chọn để mang trọng trách chặn đứng sự diệt vong của cả hai thế giới...
Tác phẩm có tình tiết ly kỳ, có tính logic, nhịp điệu nhanh, văn phong khá hấp dẫn và không hề sượng. Không ít người dự đoán Urem rất có tiềm năng để chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh. Với 500 trang sách, đây quả là một kỳ công đến từ một người viết còn đang ở độ tuổi sinh viên.
Lê Cát Trọng Lý (sinh năm 1987)
Cô gái nhỏ bước chân vào làng nhạc Việt với ca khúc Chênh vênh ngày nào, giờ đây đang khẳng định mình ra ngoài lãnh thổ hình chữ S. Năm 2013, Lê Cát Trọng Lý được đạo diễn âm nhạc lừng danh người Pháp Philippe Bouler để mắt và trở thành ca sĩ đại diện cho Việt Nam trong các sự kiện âm nhạc đặc biệt quan trọng. Cô được ông mời tham gia Đại nhạc hội Oh la la (đã bị hủy do diễn ra trùng ngày quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp), sự kiện trình diễn ánh sáng bế mạc Năm Pháp - Việt (cùng với nhạc sĩ người Pháp Orel, trong một màn biểu diễn vô cùng lộng lẫy tại Dinh Thống Nhất) kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Lê Cát Trọng Lý tham gia sự kiện âm nhạc đường phố Luala Concert mùa diễn xuân - hè. Các buổi biểu diễn có cô dành được sự quan tâm lớn của khán giả. Tháng 6-2013, Lê Cát Trọng Lý cũng đã biểu diễn cùng nữ danh ca Diane Witherspoon trong “Ngày hội Âm nhạc Pháp” (La Fête de la musique).
“Ông trùm festival” Philippe Bouler khẳng định, Trọng Lý sẽ sang Pháp hát trong thời gian sắp tới.
Hồ Hương Giang