Năm 2013, tỉnh Đồng Nai có 3 tác giả giành giải thưởng văn học, gồm: Dương Đức Khánh đoạt giải khuyến khích truyện ngắn Người chợ Kệ trong cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ Trung ương, nhà văn Thu Trân được Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tặng thưởng tập truyện thiếu nhi Cả làng biết bay và Nguyễn Trí được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng thường niên tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương.
Năm 2013, tỉnh Đồng Nai có 3 tác giả giành giải thưởng văn học, gồm: Dương Đức Khánh đoạt giải khuyến khích truyện ngắn Người chợ Kệ trong cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ Trung ương, nhà văn Thu Trân được Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tặng thưởng tập truyện thiếu nhi Cả làng biết bay và Nguyễn Trí được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng thường niên tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương.
Trong ba người thì Thu Trân đã quá quen với người đọc Đồng Nai, Dương Đức Khánh cũng không xa lạ, chỉ có Nguyễn Trí là “lính mới”, bởi anh vừa được kết nạp vào Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai đầu năm 2013.
Nguyễn Trí: Những bước đi đầu tiên
Với cái trán dồ, gương mặt nhọn cá tính, làn da đen sạm và vẻ ngang tàng bụi bặm, Nguyễn Trí giống một… ông xe ôm hơn là một người cầm bút viết văn. Bản thân anh khi đùa vui cũng tự nhận mình là “giang hồ chuyên nghiệp”. Anh đến với văn chương sau khi đã lăn lộn, kiếm sống bằng đủ thứ nghề “dữ dằn”: Lên rừng chặt củi đốt than, đào đãi vàng, tìm trầm hương, dạy tiếng Anh… Nhiều năm lặn ngụp trong thế giới của lao động nặng nhọc, đối mặt với hiểm nguy, nghiện ngập, toan tính, tiếp xúc với đủ hạng người… Nguyễn Trí có vốn sống và sự trải nghiệm mà bất cứ người viết văn nào cũng mơ ước.
Nguyễn Trí. |
Vài năm nay, anh về nhà “hưởng lương vợ” và trải lòng mình trên trang giấy. Truyện ngắn đầu tiên Nín lặng khóc của anh đăng trên Báo Tuổi Trẻ cuối tuần tháng 10-2011 may mắn đã rơi vào “mắt xanh” của nhà văn Hồ Anh Thái. Chính nhà văn người Hà Nội này đã phát hiện ra Nguyễn Trí là người “có chữ và biết dùng chữ, có chuyện và biết kể chuyện”, giúp biên tập, gửi đăng truyện ngắn của anh trên các báo Người đại biểu nhân dân, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...
Cây bút có giọng điệu tưng tửng, hài hước Dương Đức Khánh có thời gian viết báo, làm biên tập ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn (chi nhánh phía Nam), hiện đang sống bằng nghề thợ may nhưng anh tự nhận là gã thợ may... lười nhất, luôn trốn việc để… viết văn. |
Năm 2013, ở tuổi 57, Nguyễn Trí trở thành “hội viên trẻ” của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. “Có đau thương, dó mới hóa thành trầm”, Nguyễn Trí cũng nhờ nếm trải đủ mùi cay cực mà viết được những trang văn “khiến người đọc rưng rưng” (Hồ Anh Thái). Những truyện ngắn của anh đều lấy cảm hứng từ số phận thăng trầm của bản thân anh, của bạn bè mà như anh nói, mỗi phận đời thợ đào đãi vàng, săn lùng trầm hương… đều là một tấn bi kịch. Ít ai biết, ẩn sau vẻ “xù xì, gai góc” của ngoại hình Nguyễn Trí là một tâm hồn giàu trắc ẩn: năm 2010 anh gánh chịu một nỗi đau lớn: con gái 21 tuổi bị chết oan do một vụ mâu thuẫn ở nơi anh cư trú. Vợ chồng anh đã gạt nỗi đau, xin giảm án cho kẻ giết con mình chỉ vì xót cho cô ta đang tuổi teen phải nuôi con mọn...
Tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí là một trong những dấu son ít ỏi của văn chương năm 2013 vốn hiếm những tác phẩm gây ấn tượng. Nguyễn Trí sẽ còn tiến xa, bởi trên hành trình sáng tạo, anh mới chỉ đi những bước đầu tiên.
Dương Đức Khánh: Gã thợ may luôn trốn việc để… viết văn!
Nhỏ bé, trẻ hơn tuổi 54, kiệm lời, Dương Đức Khánh được bạn đọc cả nước biết đến sau khi anh “ẵm” giải nhất tác phẩm Nông nổi cù lao tại cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2008. Quê Thừa Thiên - Huế, nhưng Đức Khánh sống gần hai chục năm ở An Giang. Vì vậy khi viết văn, anh sử dụng ngôn ngữ miền Trung hay miền Tây Nam bộ đều rất nhuần nhuyễn. Con đường đến với văn chương của anh gần như là “duyên tiền định” bởi mới học lớp 9, anh đã nổi danh học giỏi văn ở trường. Năm 1995, Dương Đức Khánh in bài thơ đầu tiên trên Báo Văn nghệ, tiếp đó anh gửi một chùm thơ cho tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Gần một năm, anh mỏi mòn chờ đợi, mua tạp chí đến cạn tiền mà vẫn chẳng thấy tăm hơi thơ phú của mình được đăng. Đúng lúc anh… nản thì tình cờ phát hiện ra tạp chí Tác phẩm mới dành nguyên một trang in thơ của anh. Từ đó, Dương Đức Khánh xuất hiện đều đều trên văn đàn và cùng lúc viết cả thơ lẫn văn xuôi.
Dương Đức Khánh. |
Bạn đọc thích văn Dương Đức Khánh bởi anh luôn tìm được những câu chuyện độc đáo, “không đụng hàng”, lối viết lại rất có duyên và nồng ấm tình người. Người chợ Kệ cũng là một câu chuyện như thế, trong đó anh tái hiện sinh động không khí đặc trưng của một làng quê miền Trung thời kháng chiến chống Mỹ. Giành được giải thưởng của Báo Văn Nghệ Trung ương, truyện ngắn Người chợ Kệ đã vượt qua hơn gần 2 ngàn truyện ngắn dự thi từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Năm 2013, ngoài truyện ngắn Người chợ Kệ, Dương Đức Khánh còn có bài thơ Điệu luân vũ ban mai giành giải B cuộc thi sáng tác thơ, văn, ca khúc do Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức. Hai lần đoạt giải ở hai cuộc thi lớn do Báo Tuổi Trẻ và Báo Văn Nghệ Trung ương tổ chức nổi tiếng là “khó” vì phải cạnh tranh gay gắt, Dương Đức Khánh đã khẳng định tài năng, dù anh tự nhận mình chỉ là “người xếp chữ cần mẫn” trên cánh đồng văn chương.
Hoàng Ngọc Điệp