"Mỗi đồng tiền với nó là một giai đoạn lịch sử, qua tìm hiểu mới thấy có nhiều điều thú vị, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương có những đồng tiền cho cả 3 nước sử dụng" - anh Phạm Thế Linh ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa - một người chơi tiền bộc bạch.
“Mỗi đồng tiền với nó là một giai đoạn lịch sử, qua tìm hiểu mới thấy có nhiều điều thú vị, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương có những đồng tiền cho cả 3 nước sử dụng” - anh Phạm Thế Linh ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa - một người chơi tiền bộc bạch.
Anh Phạm Thế Linh đang xếp lại những “đồng lịch sử” của mình. |
Chỉ nhận mình là người thích những đồng tiền cũ chứ chưa phải dân chơi tiền, anh Linh đã sưu tầm cho mình được một bộ tiền có những đồng được phát hành từ năm 1909. Hiện bộ tiền của anh có gần 300 tờ tiền giấy, trong đó có cả những tờ tiền mẫu.
Kỷ niệm đồng tiền
“Ngày nhỏ tôi hay được bác hàng xén (hàng tạp hóa được gánh đi bán rong) gần nhà ở ngoài quê (tỉnh Nam Định) nhờ xếp lại những đồng tiền sau mỗi ngày đi bán hàng về, xong việc bác ấy lại cho 5 hào mua kẹo. Lớn lên, tôi cũng không nghĩ đến những đồng tiền đó. Chỉ đến một kỳ đi du lịch khi gặp một gia đình nọ còn lưu giữ đồng tiền 5 hào, tôi hỏi mua lại để làm kỷ niệm. Kể từ đó tôi có thói quen sưu tầm những đồng tiền cũ. Các đồng tiền được phát hành ở mỗi giai đoạn chúng có những câu chuyện lịch sử rất hay” - anh Linh tâm sự.
Tiền Việt Minh in năm 1947 (đồng bạc cụ Hồ) vẫn in 3 loại chữ: Việt, Campuchia, Lào. |
Những đồng tiền có duyên đến với anh Linh đều được kẹp trong một tấm plastic rồi cất vào trong một cuốn album. Khi xem chỉ cần lật ra mà không phải tiếp xúc trực tiếp vào tiền để không bị hỏng. Không chỉ vậy, anh còn ghi chú thích chi tiết vào một tờ giấy trắng để bên cạnh với những dòng khá cụ thể như: được phát hành năm nào, giá trị ra sao, in tại đâu, đặc điểm của đồng tiền mặt trước, mặt sau. Anh Linh cho biết, đến nay anh mới chọn tìm hiểu loại tiền giấy chưa đủ thời gian khám phá loại tiền xu (tiền cổ). Ở đây anh có những đồng tiền (cả của chế độ cũ) in ra nhưng vì những lý do riêng mà không được phát hành, hoặc những tờ tiền chỉ lưu hành trong một thời gian rất ngắn như tờ 30 đồng phát hành từ 1981-1985. Ngoài ra, có những đồng tiền được Ngân hàng Nhà nước phát hành nhưng chỉ để làm kỷ niệm mà không đưa vào lưu thông như tờ 50 đồng (kỷ niệm 50 năm ngành ngân hàng Việt Nam).
Biến cố lịch sử
Anh Linh cho biết, tìm hiểu về lịch sử của những đồng tiền cũng khá kỳ công, bởi thông tin của nó rất ít, kể cả ở trên internet cũng không đầy đủ. Giá trị của những đồng tiền cũ lúc này là thông tin chúng mang lại, nhất là ở những giai đoạn biến cố của lịch sử. Có những đồng tiền gây cho anh nhiều ấn tượng như những tờ tiền giấy đồng Đông Dương (đồng bạc, đồng vàng) được người Pháp phát hành, hay những đồng tiền Việt Minh in năm 1947 (đồng bạc Cụ Hồ). Có những thời kỳ từ năm 1947 đến 1954 ở Việt Nam có tới 3 loại tiền được sử dụng song song. Có những đồng bạc Đông Dương được sử dụng riêng ở 3 nước, như tờ 100 đồng phát hành năm 1954 có in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống của 3 quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam, ở mặt kia của đồng tiền thì in hình nhận dạng sử dụng ở mỗi nước khác nhau, tại Việt Nam thì in hình vua Bảo Đại, Campuchia hình Angkorvat, tại Lào thì có hình cô gái Lào. Đây là đồng tiền phản ánh Liên bang Đông Dương không còn là một khối như người Pháp mong đợi nữa. Đồng 10 xu được in năm 1966 tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech), đây cũng là đồng tiền sang trang lịch sử nó làm sứ mệnh đổi từ tiền chế độ cũ sang tiền Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam vào tháng 9-1975. Giá trị quy đổi là 1 đồng giải phóng đổi được 500 đồng tiền chế độ cũ.
Tiền giấy 100 đồng vàng Đông Dương in bằng 4 loại chữ: Việt, Campuchia, Lào và Hán. |
Tiền giấy 1 đồng vàng Đông Dương được in với 5 loại chữ: Việt, Campuchia, Lào, Hán và chữ Pháp. |
Đồng bạc giấy Đông Dương 100 đồng phát hành năm 1954 có in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam. |
VÂN NAM