Gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, đến nay hạ tầng giao thông ở Đồng Nai mới thực sự có chuyển biến đáng kể. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã, đang và sẽ đầu tư mang tính kết nối với các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc với mức đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng cho mỗi dự án.
Gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, đến nay hạ tầng giao thông ở Đồng Nai mới thực sự có chuyển biến đáng kể. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã, đang và sẽ đầu tư mang tính kết nối với các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc với mức đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng cho mỗi dự án.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua cầu vượt quốc lộ 51. |
“Đồng Nai như một nút giao khổng lồ và là lõi giao thông của cả vùng, chính vì vậy việc đầu tư cho hệ thống đường rất lớn mới đáp ứng được nhu cầu” - Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.
Dự án tỷ đô
Sau 4 năm mong chờ, đến nay người dân Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực đã có thể cho xe bon bon trên con đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ quốc lộ (QL) 51 đến quận 9, TP.Hồ Chí Minh). Tuyến đường này được đầu tư với số vốn 20 ngàn tỷ đồng, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Đây cũng được xem là tuyến giao thông huyết mạch của đường bộ để đi các tỉnh thành miền Trung và phía Bắc sau này khi toàn tuyến nối vào QL1 tại nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Tại nút giao Dầu Giây, đường cao tốc này sẽ còn kết nới với 2 tuyến cao tốc rất quan trọng nữa là Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương, trong đó tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đang được Chính phủ kêu gọi vốn.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn gần cầu vượt đường 25A. |
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được xem là một trong những cung đường “vàng” hoàn toàn chính xác, bởi tuyến cao tốc này đã phá đi thế độc đạo của đường bộ (QL1) hiện nay. Hiệu quả của tuyến đường cũng mang lại không nhỏ, mới chỉ thông xe gần một nửa tuyến nhưng người dân đi từ TP.Hồ Chí Minh xuống đến bãi biển Vũng Tàu đã giảm 20km so với đi theo đường cũ (QL1, QL51) và tiết kiệm được một nửa thời gian. Cuối năm 2014, đầu năm 2015 khi toàn tuyến cao tốc này hoàn tất đưa vào khai thác, lúc ấy việc đi lại từ các tỉnh miền Bắc, Trung và Đà Lạt về TP.Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Theo tính toán của giới lái xe, đi theo đường cao tốc sẽ giảm được 2 giờ đồng hồ so với lưu thông trên tuyến QL1.
Một tuyến cao tốc nữa cũng không kém phần quan trọng trong việc tạo đà cất cánh cho lĩnh vực giao thông ở phía Nam, đó là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chuẩn bị khởi công. Tuyến đường có chiều dài gần 58km đi qua địa phận các tỉnh, thành là: Đồng Nai (gần 29km), TP.Hồ Chí Minh (hơn 26km) và Long An (2,7km). Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/giờ, gồm 8 làn xe (giai đoạn 1 triển khai 4 làn xe). Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (VEC) cho biết cao tốc Bến Lức - Long Thành nằm trong mạng lưới đường cao tốc hướng tâm TP.Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD (hơn 32 ngàn tỷ đồng). Điểm đầu của dự án là nơi giao giữa đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, điểm cuối là nơi nối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (hiện tại kết nối với QL 51 đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành). Dự án sở dĩ có vốn đầu tư cao bởi tuyến đường có 2 cầu đặc biệt lớn: Bình Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối 2 bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) và Phước Khánh (bắc qua sông Soài Rạp, thuộc huyện Nhơn Trạch). Ngoài ra còn khoảng 27km cầu cạn trên các vùng đất yếu. Tuyến giao thông này sẽ rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nối 2 cửa ngõ Đông và Tây của TP.Hồ Chí Minh.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (thứ 2 từ trái sang) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (thứ 3 từ trái sang) đang nghe nhà thầu trình bày phương án thi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại hiện trường. |
Ngoài 2 dự án đường cao tốc này thì 3 dự án đường cao tốc khác là Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương cũng đang được lên kế hoạch khởi động. Những dự án này sẽ biến Đồng Nai thành một tâm điểm về giao thông phía Nam và là tỉnh có nhiều dự án đường cao tốc nhất cả nước hiện nay.
Gỡ nút thắt giao thông
Cuối năm 2013, khi đến làm việc với UBND tỉnh, ông Yazaki Masami, Hội trưởng Hội doanh nghiệp Nhật Bản nhóm 5 (các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp) đã không giấu được niềm vui nói: “Tôi rất mừng khi thấy tỉnh quyết định cho xây dựng cầu vượt bằng thép tại vòng xoay BigC (ngã tư Vũng Tàu) vì đây là điểm gây ùn tắc giao thông rất lớn”.
“Tôi rất mừng khi thấy tỉnh quyết định cho xây dựng cầu vượt bằng thép tại vòng xoay BigC (ngã tư Vũng Tàu) vì đây là điểm gây ùn tắc giao thông rất lớn” - ông Yazaki Masami, Hội trưởng Hội doanh nghiệp Nhật Bản nhóm 5, nói. |
Không chỉ riêng ông Yazaki Masami mà ngay cả Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và thương mại Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh - Yamaguchi Kimio cũng thừa nhận việc mở rộng, sửa chữa và đầu tư mới cầu đường trong tỉnh thời gian gần đây đã và đang cải thiện rất nhiều ùn tắc giao thông. Theo ông thì nỗi ám ảnh lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh là việc phải đi lại giữa TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Phải nói những công trình như: đường tránh TP.Biên Hòa, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, mở rộng QL51 hay thông các tuyến cầu đường trong nội ô TP.Biên Hòa (cầu Bửu Hòa, đường Đặng Văn Trơn và cầu Hóa An) tuy không phải là tỷ đô như các tuyến đường cao tốc, nhưng khi được thông xe đã giúp cải thiện giao thông rất nhiều. Ngoài ra, những dự án như cải tạo QL1 từ Bình Thuận đến huyện Trảng Bom hay QL20, đường 25A (Long Thành đi Cát Lái) đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thiện vào năm 2015-2016 sẽ tạo cho mạch giao thông của tỉnh tương đối hoàn chỉnh. Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhận xét: “Với nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai qua Đồng Nai, khoảng 5 năm nữa thì đây sẽ là tỉnh có hệ thống giao thông hiện đại và tốt nhất nước. Khi sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng, Đồng Nai sẽ là một đầu mối giao thông đồng bộ có cả đường thủy, hàng không và đường bộ hiện đại”.
Hàng loạt các dự án giao thông được được đưa vào sử dụng trong năm nay thấy được đây là thời gian bứt phá về hạ tầng giao thông mạnh mẽ. Những cung đường “vàng” này tạo cho tỉnh cơ hội rất lớn để có sức bật kinh tế trong thời gian tới.
KHẮC GIỚI